Translate

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

Venezuela: Thừa Dầu Thô, Thiếu Giấy Vệ Sinh

(Xem bài liên hệ: Hugo Chavez và Con Đường Gập Ghềnh Tiến Lên Chủ Nghĩa Xã Hội)

Quốc gia nào có trữ lượng dầu thô nhiều nhất thế giới?

Nếu câu này được hỏi cách đây hơn 7 năm, câu trả lời là Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út), một quốc gia Hồi giáo nằm ở vùng Trung Đông. Nhưng từ năm 2011 trở đi, ngôi vị này đã về tay Venezuela, một quốc gia vùng Nam Mỹ, kể từ khi có những khám phá mới về trữ lượng dầu thô ở nước này.

Venezuela nằm ở phía bắc Brazil, có dân số 32 triệu người, trữ lượng dầu thô gần 300 tỉ thùng (1 thùng = 159 lít). Với giá hiện tại khoảng 60 USD/thùng thì trữ lượng dầu thô có tổng giá trị khoảng 1800 tỉ USD. Đây là một con số mà quốc gia nào cũng mơ ước.
Venezuela trên bản đồ Nam Mỹ
Ai theo dõi thời sự chắc cũng đều biết rằng người dân ở Saudi Arabia sống rất sung túc. Với số tiền lời bán dầu thô và các sản phẩm của nó, chính phủ Saudi thu về một mối lợi khổng lồ. Họ chia một phần số lợi này cho người dân qua các chương trình phúc lợi xã hội. Lợi tức bình quân đầu người nằm trong danh sách những nước cao nhất. Quỹ dự trữ ngoại tệ của Saudi hiện có khoảng 500 tỉ USD.

Ở Venezuela, tình hình ngược lại: kinh tế Venezuela đang trên đà xuống dốc thê thảm, lạm phát phi mã, thất nghiệp trầm trọng, thực phẩm khan hiếm, bệnh viện không có thuốc men, dụng cụ, chính phủ nợ ngập đầu không trả nổi. Tình hình nguy ngập đến nỗi các chuyên gia kinh tế đề nghị chính phủ cầu cứu viện trợ nước ngoài, nhưng vì sĩ diện nên tổng thống Maduro cương quyết chối từ, mặc cho dân Venezuela đang chết lần mòn. Nhiều người phải vượt biên giới sang các nước lân cận để sống còn.

Tại sao lại có tình trạng ngược đời như vậy? Thảm họa này bắt nguồn từ thời cố tổng thống Hugo Chavez, khi ông còn sống và tại vị. 

Năm 1998, Chavez ứng cử và đắc cử vào chức vụ tổng thống. Ông quyết tâm đưa đất nước đi theo con đường Xã Hộ Chủ Nghĩa, lấy Cuba làm mẫu mực. Chavez quốc hữu hóa nhiều công ty, lấy ruộng đất của các điền chủ chia cho nông dân, lập ra nhiều chương trình phúc lợi xã hội, trợ cấp cho người nghèo, cho dân chúng được hưởng giáo dục và y tế miễn phí. Chavez giành được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp dân chúng nghèo khổ, nhưng ông lại vấp phải sự chống đối của giới trung lưu và thượng lưu. Lý do là trong quá trình quốc hữu hóa các công ty và tái phân chia ruộng đất, Chavez đã xâm phạm vào quyền lợi của giới này, và vì Chavez luôn cổ vũ cho Chủ Nghĩa Xã Hội và có quan hệ mật thiết Cuba, họ sợ rằng ông ta sẽ biến Venezuela thành một Cuba thứ hai, với các quyền tư hữu và tự do các nhân bị tước đoạt. 

Phe đối lập huy động nhiều cuộc biểu tình, đình công đòi Chavez phải thay đổi chính sách kinh tế. Phe ủng hộ cũng xuống đường để binh vực Chavez. Đa số những người ủng hộ Chavez thuộc thành phần nghèo. Cao điểm của phong trào chống đối Chavez là tháng Tư năm 2002, một nhóm sĩ quan cao cấp trong quân đội đã tổ chức đảo chính, tạm giữ Chavez và đưa một doanh nhân tên Carmora lên làm tổng thống. Tuy nhiên chỉ ba ngày sau, dân chúng và binh lính ủng hộ Chavez đã nổi dậy và đưa ông ta trở lại nắm quyền. Chavez cho rằng âm mưu đảo chính này là do Hoa Kỳ chủ trương nên ông ta từ đó ông ta chống Mỹ kịch liệt. 

Trong những năm đầu khi Chavez mới làm tổng thống, tình hình kinh tế phát triển khả quan, nhưng rồi mọi thứ từ từ đi xuống. Lý do là các công ty sau khi được quốc hữu hóa thì trở nên kém hiệu năng, làm ăn thua lỗ. Ruộng đất của tư nhân, khi bị đặt dưới sự quản lý của nhà nước thì trở nên hoang tàn, không ai quan tâm chăm sóc. Quản lý yếu kém cộng thêm với tham nhũng làm cho kinh tế bắt đầu đi vào chỗ lụn bại. Khi lựa chọn người vào các chức vụ trọng yếu trong chính quyền, Chavez ưu tiên chọn người có lòng trung thành với mình và với đảng United Socialist Party of Venezuela USPV (Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela) của ông ta, hơn là dựa vào tài năng. Các quan chức này móc ngoặc với nhau tạo thành một bộ máy tham nhũng và kém hiệu năng. Về phần dân chúng, khi được hưởng các phúc lợi xã hội thì họ trở nên lệ thuộc vào chính quyền. Thay vì tự túc để vươn lên thì họ chỉ trông chờ vào trợ cấp. 

Tuy nhiên những vấn nạn này được che lấp bởi nguồn lợi thu về từ dầu thô. Trong suốt một thập niên kể từ lúc Chavez làm tổng thống, giá dầu cứ mỗi năm mỗi tăng, từ 20USD/thùng năm 1999 đến cao điểm 150USD/thùng năm 2008. Trung bình mỗi ngày Venezuela xuất cảng từ 2 triệu đến 3 triệu thùng dầu thô. Những năm giá dầu tăng cao, Venezuela thu về hàng trăm tỉ USD nhờ bán dầu. Một điều nghịch lý là giá dầu càng tăng cao thì kinh tế càng đi xuống. Giá dầu càng tăng cao, lợi nhuận thu về càng nhiều thì tâm lý ỷ lại càng tăng. Các công ty nhà nước chỉ biết ngồi chờ trên rót tiền bù lỗ xuống, dân nghèo thì chỉ biết dựa vào trợ cấp tiền bạc, thực phẩm, y tế miễn phí. Thay vì dùng tiền lời bán dầu để đầu tư phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho dân chúng, chính quyền chỉ chăm lo vào phúc lợi xã hội, càng tạo thêm tâm lý ỷ lại cho người dân. Sản xuất bị đình đốn, hàng tiêu dùng, thực phẩm dần dần trở nên khan hiếm và đắt đỏ. 

Sự việc bắt đầu trở nên trầm trọng khi giá dầu thô từ 150USD/thùng rớt xuống dưới 50USD vào cuối năm 2008. Tất cả các quốc gia xuất cảng dầu thô đều chới với, tệ nhất là Venezuela. Hơn 90% ngoại tệ Venezuela thu về từ xuất cảng là nhờ dầu thô, nay số tiền này bỗng hụt hơn phân nửa. Không đủ tiền để chi tiêu, chính phủ chỉ còn biết in thêm tiền, làm cho giá cả mọi thứ tăng lên vùn vụt. Để kềm chống tăng giá, chính phủ đưa ra chính sách kiểm soát giá cả. Một danh sách gồm những mặt hàng tiêu dùng và thực phẩm thiết yếu được đưa ra với giá ấn định. Tất cả các nhà cung cấp và cửa hàng trong nước phải bán theo giá ấn định, ai bán hơn sẽ bị phạt, tịch thu, hay đóng cửa, có khi còn bị tù. 

Ai có chút kiến thức về kinh tế đều biết rằng, in thêm tiền và kềm chế giá cả là hai thứ không thể đi chung với nhau. Kinh tế có những quy luật mà không chính phủ nào có thể điều khiển bằng mệnh lệnh được. Khi lượng tiền lưu hành tăng lên thì giá cả tất phải tăng lên. Nếu không cho tăng giá thì các nhà sản xuất buộc phải ngưng sản xuất vì họ không thể làm ra hàng hóa với chi phí cao để rồi phải bán rẻ.

Mỗi khi có một mặt hàng nào được đưa vào danh sách kiểm soát giá cả là y như rằng, mặt hàng đó dần dần trở nên khan hiếm. Bột mì, đường, sữa, bơ, dầu ăn, thịt cá, cà phê, kem đánh răng, xà phòng, thuốc men v.v… các thứ này dần dần biến mất khỏi các siêu thị và tiệm tạp hóa. Muốn có những thứ này thì phải ra chợ đen với giá cao gấp chục lần, mà không phải ai cũng có tiền để mua chợ đen. 

Chavez là một nhà cách mạng, nhưng ông ta không phải là một nhà kinh tế. Những người có kiến thức về kinh tế do ông ta chọn lựa và bổ nhiệm lại là những người chỉ biết chủ trương chính sách đi theo Chủ Nghĩa Xã Hội. Họ luôn luôn hô hào khẩu hiệu xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa nhưng không có một giải pháp đúng đắn nào cho tình hình. Chavez và những người này đi tới kết luận rằng chính Hoa Kỳ là thủ phạm. Họ cho rằng Hoa Kỳ đang tiến hành một cuộc “chiến tranh kinh tế” chống lại Venezuela. 

Hàng ngày, người dân phải xếp hàng rồng rắn trước các siêu thị hoặc tiệm tạp hóa để mua những mặt hàng thiết yếu. Mỗi khi có hàng về thì người ta kháo nhau và rần rần kéo đến mua. Chủ tiệm phải hạn chế, chỉ cho từng đợt khách vào và chỉ cho mỗi người mua một ít. Do sự hạn chế này mà hàng ngày trước các siêu thị thường diễn ra cảnh náo loạn. Cảnh sát và vệ binh quốc gia phải được điều động đến để giữ trật tự. Có những trường hợp cảnh sát bắn chết người trong lúc xô xát.

Người dân xếp hàng chờ mua đồ ở cửa hàng

Người dân xếp hàng chờ mua đồ ở cửa hàng
Các ngăn kệ trống không trong siêu thị
Các ngăn kệ trống không trong siêu thị

Ngoài nạn khan hiếm hàng hóa tình trạng tội ác lan tràn cũng trở nên trầm trọng. Theo thống kê, năm 2013 số vụ giết người ở Venezuela là 79 cho mỗi 100,000 người, cao hàng thứ ba trên thế giới (chỉ thua El Salvador và Honduras). Thủ đô Caracas bị liệt vào danh sách một trong những thành phố nguy hiểm nhất thế giới (có năm đứng đầu danh sách). Cướp của, giết người, bắt cóc, hãm hiếp, đánh lộn… xảy ra hàng ngày ở mọi nơi. Ngay cả Syria, Iraq và Afghanistan là những quốc gia đang trong tình trạng chiến tranh mà cũng không có tỉ lệ sát nhân cao như Venezuela. 

Phe đối lập nhiều lần kêu gọi dân chúng xuống đường biểu tình đòi cải cách, nhưng tất cả đều bị dập tắt. Các chính trị gia đối lập bị tù, bị hăm dọa, ám sát. Các cơ quan truyền thông đối lập bị đóng cửa, bị ép bán cho chính phủ hoặc bị hạn chế các phương tiện hoạt động. 

Cuối năm 2012, Chavez sắp sửa chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống thứ ba. Ông tranh cử cho nhiệm kỳ thứ tư (2013-2017) và thắng với tỉ lệ 54% phiếu so với người đối lập là Henrique Capliles 45%. Cuộc bầu cử này bị phe đối lập tố cáo là bất công và gian lận. Lúc đó có tin đồn là Chavez đang bị ung thư vào thời kỳ cuối, nhưng Chavez chối bỏ, cho rằng tin này do phe đối lập tung ra để lung lạc quần chúng. Chưa đầy nửa năm sau khi thắng cử, Chavez qua đời vì chứng ung thư vùng bụng vào tháng Ba 2013. Một cuộc bầu cử đặc biệt được tổ chức vào tháng Tư và Nicolas Maduro đã thắng cử, 

Maduro vốn là một tài xế xe buýt. Nhờ tham gia các hoạt động công đoàn, ông ta dần dần leo lên các chức vụ cao và được Chavez tín nhiệm. Ông được Chavez chọn làm phó tổng thống vài tháng trước khi ông ta qua đời. Cũng như Chavez, Maduro bị phe đối lập tố cáo là đã dùng lợi thế của đảng cầm quyền để tổ chức bầu cử một cách bất công và gian lận. Sau khi nắm quyền, Maduro vẫn tiếp tục các chính sách của Chavez, tiếp tục hô hào tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội. 

Maduro không những không giải quyết được vấn đề mà ông còn làm cho mọì sự trở nên bết bát hơn. Ông ta bổ nhiệm những người thiếu chuyên môn vào những chức vụ quan trọng, nhất là đưa các tướng lãnh trong quân đội vào chính quyền, vì ông ta muốn mua chuộc quân đội để họ đừng chống lại ông ta. 

Tình hình càng ngày càng trở nên bi đát. Các siêu thị, cửa hàng càng ngày càng trống trơn. Bệnh viện không có dụng cụ, thuốc men. Trường học không có dụng cụ. Nhiều cơ xưởng phải ngừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu, máy móc hư hỏng không có phụ tùng thay thế. Trẻ em thiếu ăn gầy ốm. Bệnh nhân không có thuốc nhiều người chết lãng nhách. Thầy giáo bỏ dạy vì thiếu dụng cụ và lương không đủ sống. Nhiều chuyên gia kêu gọi chính quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp, kêu cầu viện trợ nước ngoài. Nhưng vì sỉ diện nên Maduro một mực bác bỏ. 

Chỉ có một thứ ở Venezuela vẫn còn nhiều và rẻ, đó là xăng. Giá xăng của Venezuela rẻ nhất thế giới. 1 USD mua được hơn 30 lít xăng, rẻ hơn nước lọc. Nhưng xăng rẻ mà không có xe chạy thì cũng chẳng ích lợi gì. Tất cả các cơ xưởng sản xuất xe gần như tê liệt vì thiếu nguyên liệu và phụ tùng. Nhiều xe đang xử dụng bị hư mà không sửa được vì không kiếm ra phụ tùng. 

Sự việc trở nên khôi hài khi vào đầu năm 2015, giấy vệ sinh bỗng trở nên khan hiếm. Mọi người phải chạy ngược chạy xuôi tìm mua. Hể tìm được nơi nào là người ta thông báo cho người thân, bạn bè đến mua. Để giải quyết tình tình, chính phủ đã khẩn cấp cho nhập khẩu hàng trăm triệu cuộn giấy vệ sinh để giải quyết nhu cầu “đại tiện” của dân chúng. Việc này trở thành một đề tài đàm tiếu cho báo chí trong và ngoài nước. 

Mặc dù mọi thứ đang khan hiếm, hàng hóa lại bị dân buôn lậu tuồn ra các nước lân cận bán kiếm lời. Sao lại có sự nghịch lý này?

Nguyên nhân cũng là việc kềm chế giá cả. Không cho tăng giá nên sản xuất bị đình đốn, chính phủ phải nhập khẩu nhiều mặt hàng từ nước ngoài về phân phối lại cho các cửa hàng quốc doanh. Các cửa hàng này bán rẻ lại cho dân chúng theo giá quy định. Vì hàng được bán rẻ hơn giá trị thực của nó nên dân chúng ở các vùng biên giới tranh nhau mua hàng rồi tuồn qua quốc gia lân cận bán kiếm lời. Sự kiện hàng hóa chảy ngược, từ nơi thiếu tới nơi thừa, khiến cho sự thiếu hụt của Venezuela càng trở nên trầm trọng. Để ngăn chặn, chính phủ điều quân đội đến biên giới khóa chặt các ngã đường buôn lậu. Nhưng rồi chính quân đội lại thông đồng với con buôn để buôn lậu.

Một trong những mặt hàng buôn lậu phổ biến không gì khác hơn là xâng. Xăng Venezuela quá rẻ nên con buôn thường tuồn qua biên giới bán. Vì bán xăng quá rẻ cho dân chúng nên mỗi năm chính phủ thiệt hại hàng chục tỉ USD, rốt cuộc những thiệt hại này lại làm lợi cho con buôn và các nước lân bang. Chính phủ đã mấy lần cân nhắc định tăng giá xăng lên mức hợp lý, nhưng họ sợ dân chúng nổi giận. Dân Venezuela coi việc giá xăng rẻ hơn nước lọc là một “đặc quyền” không ai được tước bỏ.

Trong năm nay, người dân sẽ bỏ phiếu bầu lại tổng thống, nhưng tình hình có vẻ không mấy sáng sủa, vì tổng thống Maduro và đảng cầm quyền của ông ta đang tìm mọi cách đàn áp phe đối lập, ngăn cản không cho các ứng cử viên đối lập có uy tín ra tranh cử. Cũng như những lần trước, phe cầm quyền dùng đủ mọi hình thức, kể cả gian lận, để thắng cử. Vi thế cuộc bầu cử năm nay sẽ không làm thay đổi tình hình. Venezuela sẽ vẫn tiếp tục tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên con đường Xã Hội Chủ Nghĩa.

Xem bài liên hệ:
Venezuela: Một quốc gia có hai tổng thống


Cuộc biểu tình của phe đối lập tại thủ đô Caracasm, tháng Ba 2014

Cuộc biểu tình của phe đối lập tại thủ đô Caracasm, tháng Tư 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét