Translate

Thứ Ba, 19 tháng 4, 2022

Bằng cách nào Ukraine chống lại được cuộc xâm lăng của Nga?

Trước khi quân đội Nga nổ phát súng đầu tiên để xâm lăng Ukraine vào ngày 24 tháng Hai 2022, truyền thông quốc tế đã bàn tán về đề tài này trong suốt mấy tháng trời. Người thì cho rằng Nga chỉ dàn quân để dọa suông, người thì cho rằng Nga sẽ đánh thật. Tuy nhiên có một điều mà có vẻ như ai cũng đồng ý với nhau là: trước một đối thủ mạnh hơn gấp 5-10 lần, Ukraine khó chống đỡ được cuộc xâm lăng. Có người cho rằng Ukraine chỉ cầm cự được chừng vài tháng, người thì vài tuần. Hy vọng lớn nhất của Ukraine là có đủ thì giờ để thương lượng hòa bình.

Thế rồi cuộc tấn công bắt đầu. Trên trời, phi cơ chiến đấu và trực thăng bay vần vũ, dưới đất, hàng chục ngàn chiến xa ầm ầm lăn bánh, thế tiến công như nước lũ tràn bờ. Quân Nga đánh theo ba hướng: phía bắc từ biên giới Ukraine-Belarus (Belarus cho Nga mượn đường) tiến về thủ đô Kyiv, phía đông từ biên giới Ukraine-Nga nhắm thành phố Kharkiv và vùng Donbas, phía nam từ bán đảo Crimea và biển Hắc Hải nhắm vùng duyên hải. Trong mấy ngày đầu, quân Nga chiếm được nhiều thị trấn và làng mạc, rồi nhắm vào các thành phố lớn. Chiến sự xảy ra ác liệt ở khắp nơi, nhà cửa tan hoang, người chết đầy đường, dân chúng đổ xô nhau đi lánh nạn, chính quyền Ukraine tưởng chừng sắp sụp đổ.

Sau những ngày khói lửa, hoảng loạn đầu tiên trôi qua, một bức tranh toàn cục dần dần hiện ra, và nó không giống như những gì người ta tiên đoán ban đầu.


Xe tăng Nga bị phá hủy tại Luhansk, ngày 28 tháng Hai 2022

Xem bải liên hệ: Vì Sao Nga Xâm Lăng Ukraine?


Một đoàn quân xa Nga dài 60 km tiến từ Belarus đến thủ đô Kyiv, khi còn cách khoảng 50 km thì phải nằm lại hơn một tuần lễ vì hết xăng và lương thực, và bị quân Ukraine chặn đánh quyết liệt. Ở phía đông, quân Nga tiến vào đến bìa thành phố Kharkiv thì bị đánh bật ra ngoài vòng 15 km. Kharkiv chỉ cách biên giới Nga khoảng 42 km, là thành phố lớn thứ nhì sau Kyiv. Nơi đây có nhiều dân gốc Nga sinh sống. Ai cũng nghĩ rằng Kharkiv sẽ dễ dàng rơi vào tay quân Nga, rốt cuộc quân Nga đánh mãi không vào được, họ chỉ ở ngoài pháo kích bừa bãi vô làm chết dân. Ở phía nam thì Nga có vẻ thành công hơn, họ chiếm được một dải đất vùng duyên hải và thành phố Kherson, đây là thành phố chiến lược duy nhất mà họ chiếm được. Cũng ở phía nam, Nga bao vây thành phố Mariupol hơn một tháng trời mà vẫn chưa làm chủ được hoàn toàn, vẫn còn một vài lữ đoàn co cụm cố thủ.


Mariupol là một thành phố miền duyên hải, dân số khoảng nửa triệu người. Trong những ngày đầu tiên Nga đã chiếm tất cả các làng mạc, thị trấn xung quanh Mariupol, khiến thành phố này bị bao vây tứ phía, tất cả các nguồn chi viện bị cắt đứt, nhà cửa bị bắn phá tan hoang khiến hàng chục ngàn người chết (không có con số thương vong chính xác), vậy mà cho đến nay hàng ngàn binh sĩ Ukraine vẫn còn chiến đấu cố thủ. Trong số những binh sĩ này có tiểu đoàn Azov tinh nhuệ. Họ là những chiến binh có khuynh hướng cực hữu, chủ trương một quốc gia Ukraine độc lập, tách rời khỏi ảnh hưởng của Nga. 


Sau hơn một tháng tấn công, các mũi tiến quân của Nga gần như chững lại, rồi quân Ukraine bắt đầu phản công, chiếm lại một số làng mạc, thị trấn. Ở phía bắc, đoàn quân tiến công thủ đô Kyiv sau mấy tuần dậm chân tại chỗ đã phải rút về Belarus. Phía đông thì thành phố Kharkiv vẫn đứng vững. Phía nam thì quân Ukraine đang cố chiếm lại Kherson, họ đã giải phóng được một số làng mạc quanh thành phố này. Quân Nga tuyên bố họ đã “hoàn tất giai đoạn một” của chiến dịch và chuẩn bị bước vào giai đoạn hai. Kỳ thực là họ đã thất bại trong ý đồ đánh chiếm nhanh Ukraine và nay phải đổi kế hoạch. 


Điều gì đã giúp Ukraine đứng vững được trước cuộc tấn công vũ bão của Nga?


Bản đồ chiến sự Ukraine ngày 02 tháng Ba 2022 (nguồn: BBC)

Bản đồ chiến sự Ukraine ngày 13 tháng Tư 2022 (nguồn: BBC)

Năm 2014, dân Ukraine đã xuống đường lật đổ tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych trong một cuộc nổi dậy được gọi là “Cách Mạng Maidan” vì tổng thống này từ chối không chịu ký Giao Ước Liên Minh Châu  Âu, giao ước đưa Ukraine tiến gần hơn đến việc gia nhập liên minh này. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhân lúc tình hình chính trị Ukraine đang rối ren, cho những đoàn quân Nga mặc quân phục trơn không phù hiệu, không cờ xí, tiến vào bán đảo Crimea ở miền Nam Ukraine để chiếm đóng. Quân đội Ukraine lúc đó hầu như không có sức kháng cự, họ thiếu vũ khí, quân nhu, cấp chỉ huy tham nhũng, bất lực. Nga chiếm Crimea dễ dàng gần như không đổ máu. Tiếp theo đó, dân chúng hai tỉnh Luhansk và Donetsk (gọi chung là vùng Donbas) ở miền đông Ukraine rục rịch nổi dậy đòi ly khai. Vùng này giáp ranh với Nga, có nhiều dân gốc Nga nên họ vẫn muốn thân với Nga hơn là với khối Liên Minh Châu Âu. TT Putin ngầm trợ giúp vũ khí, và cho quân Nga, cũng với quân phục trơn, trà trộn với quân ly khai để chiến đấu chống lại quân đội Ukraine. Cuộc chiến ở Donbas kéo dài từ đó đến nay, và với cuộc xâm lăng toàn diện của Nga hiện nay, thì coi như nó là một cuộc chiến được mở rộng. 


Khi Petro Poroshenko đắc cử tổng thống năm 2014 để thay thế cho Yanukovych vừa bị lật đổ, ông ta đã đưa ra chương trình cải tổ quân đội để ứng phó với tình thế cấp bách. Chương trình này bắt đầu từ năm 2016 với sự trợ giúp của khối quân sự NATO. (NATO là một liên minh quân sự bao gồm Hoa Kỳ, Canada và 28 quốc gia Châu Âu). Đây là một chương trình cải tổ sâu rộng nhằm mục đích hiện đại hóa quân đội Ukraine dựa theo tiêu chuẩn NATO. Ngoài việc nâng cấp vũ khí, trang bị thêm nhiều chiến cụ hiện đại, bài trừ tham nhũng, trong sạch hóa quân đội, quân đội Ukraine còn áp dụng những chính sách mới theo gương NATO như: dân sự.điều khiển quân sự, quân sự tình nguyện, và kỷ luật tự quyết.


Dân sự điều khiển quân sự (civilian control of military) là chính sách đặt quân đội dưới sự điều khiển của chính quyền dân sự. Trong mỗi quốc gia, chức bộ trưởng quốc phòng thường là một trong những chức vụ quan trọng và quyền lực nhất. Chức này là cái gạch nối giữa chính quyền dân sự và quân đội. Ở một số nước, chức này do một viên tướng đang tại ngũ nắm giữ. Vì nắm quyền lực quá lớn trong tay nên người này có thể khuynh loát chính quyền, có khi làm đảo chính để nắm quyền. Ít ai dám cách chức người này nếu ông ta phạm sai lầm hay không làm tròn trách nhiệm. Các quốc gia dân chủ thường chọn một người dân sự giữ chức này. Người này có thể từng ở trong quân đội nhưng đã về hưu nhiều năm (ở Hoa Kỳ là 7 năm). Việc này bảo đảm quân đội nằm dưới quyền điều khiển của chính quyền dân sự do dân bầu lên. Người đang giữ chức bộ trưởng quốc phòng của Ukraine hiện nay là ông Oleksii Reznikov. Ông ta đã từng phục vụ quân đội trong các năm 1984-86 và sau đó tốt nghiệp trường luật với bằng thạc sĩ. 


Quân sự tình nguyện (volunteer military) là chính sách tuyển dụng binh lính trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc. Quân đội ở mỗi quốc gia thường có hai dạng lính. Một là những người tình nguyện. Những người này tham gia quân đội vì yêu thích đời sống quân ngũ, vì có truyền thống quân đội trong gia đình, hay vì những ưu đãi mà họ sẽ được hưởng. Thường những người này rất nhiệt tâm học hỏi trau dồi khi nhập ngũ, và họ chiến đấu hăng hái ngoài chiến trường để lập công. Quân đội nào càng có nhiều những người này thì càng mạnh. Dạng thứ hai là những người bị bắt buộc đi quân dịch (Việt Nam gọi là nghĩa vụ quân sự). Những người này đi lính là vì bị bắt buộc, nên họ chỉ mong mau chóng hết thời hạn để được rời quân đội. Họ không nhiệt tâm tập luyện và khi ra trận không hăng hái chiến đấu. 


Hoa Kỳ đã gặp phải vấn đề này trong chiến tranh Việt Nam. Suốt thời gian tham chiến ở Việt Nam từ 1964 đến 1973 Hoa Kỳ đã duy trì một quân số khoảng hơn nửa triệu người ở Việt Nam, với tổng cộng khoảng gần 3 triệu người luân phiên, trong đó có 80% là lính quân dịch (conscripts). Đa số những người này không cảm thấy cuộc chiến ở Việt Nam là cần thiết cho đất nước Hoa Kỳ nên họ không hăng hái chiến đấu. Người Mỹ không muốn con em họ chết ở Việt Nam nên cuộc chiến càng kéo dài, phong trào phản chiến càng lan rộng. Rốt cuộc quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam năm 1973 sau Hiệp Định Paris, để lại quân đội miền Nam chiến đấu một mình.


Ngay cả Việt Nam cũng trải qua kinh nghiệm này. Năm 1978 quân đội Cộng Sản Việt Nam tấn công Campuchia để tiêu diệt chế độ Pol Pot (cũng theo chủ nghĩa Cộng Sản). Chỉ trong vòng vài tuần Việt Nam đã chiếm được thủ đô Phnom Penh, buộc quân Pol Pot phải rút về vùng rừng núi ở biên giới Thái Lan-Campuchia. Việt Nam đã dựng nên chế độ bù nhìn do Heng Samrin cầm đầu. Cuộc tấn công tuy đem lại thắng lợi nhanh chóng, nhưng cuộc chiếm đóng hơn mười năm sau đó là một trang sử đẫm máu và thất bại cho Việt Nam. Người Campuchia sau đó đã tổ chức các nhóm kháng chiến ở biên giới Thái Lan-Campuchia, được Thái Lan yểm trợ và Trung Quốc (lúc đó do Đặng Tiểu Bình lãnh đạo) viện trợ khí tài. Họ đã gây rất nhiều thương vong cho bộ đội Việt Nam với các cuộc phục kích, gài mìn bẫy khắp nơi. Ước tính có khoảng 15,000-25,000 bộ đội Việt Nam thiệt mạng và 30,000 bị thương. Đa số những người này là lính nghĩa vụ, tức bị bắt buộc. Vì lúc đó chiến tranh hai miền Nam-Bắc vừa chấm dứt, nên đa số bộ đội được gửi sang Campuchia là người miền Bắc. Ở miền Nam, chỉ những thành phần thuộc diện “có công với cách mạng” mới được tham gia quân đội, hay ít ra cũng là thành phần không dính líu gì với “ngụy quân ngụy quyền”. Chính quyền Cộng Sản lúc đó sợ con cháu của “ngụy” tham gia vào quân đội thì họ có thể tạo phản. Nhưng rồi chính quyền nhận ra rằng không ai muốn con em mình đi làm “nghĩa vụ quốc tế” bỏ xác ở chiến trường Campuchia cả. Ai cũng tìm cách chạy vạy, đút lót để được miễn đi nghĩa vụ. Rốt cuộc, cái đám con em ngụy quân ngụy quyền bị chiếu cố để làm cái nhiệm vụ “thiêng liêng” đó. Ngoài tổn thất nhân mạng, Việt Nam còn bị tổn thất kinh tế vì bị Hoa Kỳ và Tây Phương cấm vận, bị quốc tế lên án vì chiếm đóng quốc gia láng giềng. Đất nước đã nghèo sau một cuộc nội chiến, nay lại còn nghèo hơn vì bị cấm vận. Cuối cùng đến năm 1989 quân đội Việt Nam phải rút khỏi Campuchia vì áp lực quốc tế. 


Dĩ nhiên không phải lính nghĩa vụ lúc nào cũng chiến đấu kém. Thời Đệ Nhị Thế Chiến, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Châu Âu tổng động viên, bắt buộc thanh niên phải nhập ngũ chiến đấu chống Đức Quốc Xã, và họ đã chiến đấu rất can đảm, vì đó là sự sống còn của đất nước. Nói chung lính nghĩa vụ chỉ chiến đấu hết mình khi thấy đất nước bị lâm nguy, ngoài ra thì họ chỉ muốn mau hết thời hạn để trở về cuộc sống dân sự. 


Kể từ sau chiến tranh Việt Nam, quân đội Hoa Kỳ chỉ áp dụng chính sách tình nguyện. Binh sĩ tự nguyện tham gia quân đội, họ ký những hợp đồng phục vụ ngắn hạn, dài hạn, hay trọn đời, khi hết hạn có thể gia hạn hợp đồng. Họ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, được dạy nhiều kỹ năng để sau này khi xuất ngũ có thể áp dụng vào công việc dân sự, lại còn được tài trợ để học đại học nếu muốn. Các quốc gia dân chủ Tây Phương cũng áp dụng chính sách này, vì vậy mà quân đội của họ có trình độ và tính chuyên nghiệp cao. 


Kỷ luật tự quyết (disciplined initiative) là chính sách cho phép các sĩ quan cấp thấp tự ra quyết định trên chiến trường. Quy tắc chung của quân đội là cấp dưới phải làm theo lệnh cấp trên. Tuy nhiên ngoài chiến trường có những tình huống cần đáp ứng ngay. Nếu những sĩ quan cấp dưới phải chờ lệnh cấp trên thì có khi sự việc lỡ làng. Quân đội của các quốc gia NATO áp dụng chính sách kỷ luật tự quyết, cho phép các sĩ quan cấp thấp chỉ huy từ trung đội trở xuống có quyền ra quyết định khi đang lâm trận, miễn sao quyết định đó hợp với tình thế. Chính sách này giúp cho quân đội uyển chuyển ứng phó với tình thế. Muốn làm được điều này thì các sĩ quan phải được đào tạo nhiều chuyên môn và kiến thức. 


Những khái niệm trên đã được áp dụng vào quân đội Ukraine, với sự trợ giúp của khối NATO. 


Một yếu tố nữa giúp Ukraine thành công là chính quyền của họ theo chế độ dân chủ. Trong một chế độ dân chủ thì những tiếng nói đối lập là những lời cảnh tỉnh, giúp chính quyền luôn tự soi rọi để thay đổi theo chiều hướng tốt. 


Về phía quân Nga, mặc dù mang danh là quân đội hùng mạnh nhất Châu Âu, và có thể chỉ thua Hoa Kỳ trên thế giới, nhưng họ vẫn mang nặng tính chất của Hồng Quân Liên Xô cũ. Họ có quân số đóng, vũ khí nhiều và tối tân, nhưng các khái niệm quân sự của họ nay có vẻ như lỗi thời. Lính Nga đa số là lính nghĩa vụ, họ không được huấn luyện kỹ càng như lính tình nguyện, nên khi ra chiến trường dù được trang bị vũ khí tối tân họ vẫn lúng túng xoay trở. Quân đội Nga lại vẫn nặng tư tưởng “trên bảo dưới nghe” nên không linh hoạt uyển chuyển trên chiến trường. Chính quyền của Nga lại là chính quyền độc tài, Putin bỏ tù những ai dám lên tiếng chỉ trích chính quyền. Điểm yếu của các chính quyền độc tài là họ không chịu lắng nghe các tiếng nói phản biện để sửa chữa sai lầm, vì vậy các sai lầm của họ khó được khắc phục. 


Trong thâm tâm, Putin luôn coi thường quân đội và chính quyền Ukraine. Năm 2014 sau khi chiếm bán đảo Crimea, Putin đã nói với Chủ Tịch Ủy Ban Châu Âu José Barroso rằng, ông ta có thể chiếm thủ đô Kyiv trong vòng hai tuần nếu muốn. Nếu lúc đó Putin làm thật thì có thể ông ta đã thành công. Nhưng tám năm đã trôi qua, thế giới đã thay đổi, đất nước và quân đội Ukraine cũng thay đổi. Sai lầm của Putin—và có lẽ cũng của quân đội Nga—là đã không bắt kịp với thời gian.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét