Translate

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

Nhân chuyện ca sĩ Sơn Tùng, nói về quyền tự do sáng tác

Mấy ngày nay, có lẽ một trong những tin tức đáng chú ý nhất trong nước là vụ ca sĩ Sơn Tùng bị buộc phải gỡ bỏ video ca nhạc “There’s No One At All”  (dịch: Không Một Ai) trên Youtube và bị phạt 70 triệu đồng. Lý do được Cục Nghệ thuật Biểu diễn đưa ra là video này "sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội".

Bản nhạc bằng tiếng Anh không rõ có phải do chính Sơn Tùng sáng tác không.  Video mở đầu với cảnh một thanh niên ngồi trên chiếc xe tải rác, anh ta mở một máy ghi âm cũ ghi lại lời nhắn của mẹ anh ta (tiếng Anh): “Con yêu, mẹ sẽ trở lại với con. Mẹ yêu con.” Rồi cảnh hồi ức lúc anh ta bị bỏ lại trước cửa nhà thờ lúc còn nằm trong nôi. Lớn lên trong cảnh mồ côi, anh ta trở thành một thanh niên quậy phá, bất cần đời, bị ức hiếp, đánh đập. Anh ta cảm thấy cô đơn, không một ai để nương tựa. Cảnh cuối cùng, ai ta đứng trên tòa nhà cao, nước mắt tuôn rơi, và gieo mình vào không gian. 

Chính cái cảnh gieo mình xuống này đã gây sóng gió trên mạng. Nhiều người cho rằng video này cổ vũ cho việc tự tử. Với nạn tự tử trong giới trẻ ngày nay đang gia tăng thì video này sẽ có tác dụng xấu. 

Cảnh cuối trong video "There's No One At All" của Sơn Tùng

Tôi không phải là nhà tâm lý học, nhưng qua những gì mà tôi đọc và biết thì không có gì chứng minh được rằng một người có thể tự tử khi xem những tác phẩm có liên quan đến hành động này. Nguyên nhân thúc đẩy con người ta tự tử trước hết bắt nguồn từ những mối liên hệ cá nhân hàng ngày: cha mẹ, anh em, bạn bè, người yêu… là những người có ảnh hưởng đến quyết định tự tử của một người. Nếu có ai đó xem một video hay một cuốn sách nói đến việc tự tử rồi sau đó làm thật thì đó chỉ là động thái cuối cùng thôi, nó không phải là nguyên nhân. 

Nhưng bài viết này chủ đích không phải là để phân tích ảnh hưởng của đoạn video, mà tôi muốn nói đến quyền tự do sáng tác của nghệ sĩ. Tin hay không tin, quyền tự do sáng tác này là một phần của quyền tự do ngôn luận đã được công bố trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1948 (vì vậy mà ngày 10 tháng 12 được gọi là Ngày Quốc Tế Nhân Quyền). 

Điều 19 của tuyên ngôn này tuyên bố: "Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia."

Ở những quốc gia dân trí kém, người ta thường ngộ nhận rằng quyền tự do ngôn luận chỉ bao gồm lời nói hay báo chí. Ít người biết rằng quyền này bao gồm cả lãnh vực sáng tác nghệ thuật. Vì vậy mà ở những quốc gia tự do dân chủ, giới nghệ sĩ là những người rất nhạy cảm trong vấn đề tự do ngôn luận. Bất cứ một sự kiểm duyệt, cấm đoán nào cũng gây phản ứng gay gắt từ giới nghệ sĩ. 

Nghệ sĩ nào từ Việt Nam từng sang Hoa Kỳ hay Châu  u trình diễn chắc họ cũng đều nhận ra một điều: họ không cần phải xin phép ai để được biểu diễn, không cần phải trình báo trước với bất cứ cơ quan nào về các tác phẩm sắp trình diễn của mình. Không hề có cái gọi là “Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn” với danh sách các bản nhạc bị cấm. Ở Hoa Kỳ, Châu  u, hay các quốc gia dân chủ, nghệ sĩ sáng tác ra tác phẩm không cần phải chờ duyệt, không cần phải xin giấy phép phát hành. Họ chỉ cần làm một việc nếu họ muốn: đăng ký bản quyền để không bị “trí tặc” sao chép. 

Bạn có nhận ra là nền âm nhạc hay nghệ thuật nói chung của các quốc gia dân chủ luôn hấp dẫn và ăn khách hơn của các quốc gia độc tài không? Tại sao cũng là Châu Á mà âm nhạc và phim ảnh của Hàn Quốc, Nhật Bản lại hay hơn của Trung Quốc? Cũng cùng là dân tộc mà nhạc và phim Đài Loan lại hấp dẫn hơn Trung Quốc? Đó là vì ở những nước này nghệ sĩ được tự do sáng tác. 

Một trong những ban nhạc nổi tiếng nhất của Hàn Quốc, và cũng của thế giới, hiện nay là BTS, còn được gọi là Bangtan Boys. Ban nhạc này nhận được nhiều giải thưởng quốc tế, được rất nhiều khán giả Tây Phương hâm mộ. Năm 2020, bộ phim Parasite (Ký Sinh Trùng) của Hàn Quốc được trao giải phim truyện hay nhất trong đại hội Oscar lần thứ 92, vượt qua tất cả các phim của Hollywood. Năm 2021 bộ phim truyền hình Squid Game (Trò Chơi Con Mực) cũng của Hàn Quốc là bộ phim ăn khách nhất trên Netflix, một công ty truyền hình mạng của Hoa Kỳ. Cũng là một dân tộc, mà sao Hàn Quốc (Nam Hàn) lại có nền nghệ thuật rực rỡ hơn Triều Tiên (Bắc Hàn) vậy? Vì nghệ sĩ ở Hàn Quốc được tự do sáng tác, trong khi ở Triều Tiên, nghệ sĩ chỉ có mỗi nhiệm vụ là ca tụng chế độ, ai sáng tác ra ngoài vòng cấm là bị tù. 

Trước năm 1997, khi Hồng Kông còn nằm dưới sự kiểm soát của nước Anh, chưa được trả về cho Trung Quốc, nền điện ảnh và âm nhạc làm mưa làm gió ở Châu Á. Bộ phim nào mới ra của Hồng Kông cũng được khán giả Á Châu háo hức đón nhận. Nhiều diễn viên được khán giả Tây Phương hâm mộ. Từ khi được trao trả về cho Trung Quốc, nền điện ảnh và âm nhạc Hồng Kông xuống dốc thê thảm, vì nghệ sĩ không còn được tự do sáng tác. Lúc nào họ cũng phập phồng lo sợ trước con mắt cú vọ của Bộ Tuyên Truyền Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Chỉ một sơ sẩy thôi là sự nghiệp nghệ thuật của một nghệ sĩ có thể tiêu tùng, họ có thể bị cấm sáng tác hay biểu diễn trọn đời và tác phẩm có thể bị xóa vĩnh viễn. 

Cuộc chiến Việt Nam kéo dài từ 1955 đến 1975. Trong 20 năm đó, miền Bắc và miền Nam đã sáng tác được những gì? Miền Bắc ngoài một số bản nhạc tuyên truyền, cổ vũ cho chiến tranh, một số tác phẩm văn chương cũng cùng mục đích, ngoài ra không có gì. Nhạc tình cảm, nhạc quê hương bị coi là những thứ ủy mị, xa xỉ, không cần thiết cho cuộc chiến, nên hầu như là con số không. Còn ở miền Nam, cả một nền âm nhạc, văn chương phong phú. Những nhạc sĩ, ca sĩ, văn sĩ là những danh sách dài không thể kể hết. Trong số những bài hát được sáng tác trong thời kỳ chiến tranh đang được trình diễn trên sân khấu, truyền hình và lưu truyền trên mạng, có bao nhiêu tác phẩm là của miền Bắc và bao nhiêu là của miền Nam? Tôi để cho người đọc tự tìm câu trả lời. 

Ở miền Bắc có những nhạc sĩ tài ba như Lưu Hữu Phước, Văn Cao. Nhưng phần lớn các tác phẩm hay nhất của những người này được sáng tác trước năm 1954, khi Cộng Sản chưa nắm được chính quyền ở miền Bắc. Sau khi CS nắm quyền, văn nghệ sĩ bị hạn chế, gò bó vào khuôn khổ, không được sáng tác tự do theo ý mình. Tất cả phải nhằm mục đích phục vụ Đảng, phục vụ chế độ, vì vậy mà xảy ra vụ Nhân Văn Giai Phẩm trong đó giới nghệ sĩ đòi tự do sáng tác. Văn Cao, tác giả bài Tiến Quân Ca, vì dính vào vụ này mà bị kềm kẹp gần như suốt quãng đời còn lại. Nếu không là tác giả của bài quốc ca thì chắc ông cũng đi tù mất rồi. Không phải là ở miền Bắc thiếu nhân tài, nhưng họ không được tự do phát triển tài năng nên đành chịu mai một. 

Nghệ sĩ miền Nam không hẳn là tài giỏi hơn miền Bắc, nhưng họ được tự do sáng tác, tự do biểu lộ cảm xúc nên nhạc của họ đi vào lòng người, sống mãi với thời gian. Miền Nam trước 1975 không có chuyện nhạc của người này người kia bị cấm, không có nghệ sĩ nào đi tù, bị phạt vì tác phẩm của mình. Trịnh Công Sơn nếu sống với chế độ miền Bắc chắc sẽ chẳng bao giờ thành danh. Làm sao ông ta có thể sáng tác được những Ca Khúc Da Vàng với những ca từ chống chiến tranh như: “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu. Một trăm năm đô hộ giặc Tâу. Hai mươi năm nội chiến từng ngàу. Gia tài của mẹ để lại cho con. Gia tài của mẹ là nước Việt buồn.” (Gia Tài Của Mẹ). Điều đáng nói là trong khi giữa khói lửa chiến tranh, những ca khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn không hề bị cấm ở miền Nam, vậy mà sau gần 50 năm hết chiến tranh, chế độ CS vẫn không cho phép lưu hành các ca khúc này. Như vậy đủ thấy chế độ miền Nam tự do hơn miền Bắc nhiều. 

Ngay cả những tác phẩm của nhiều nghệ sĩ miền Bắc sáng tác trước khi chia đôi đất nước như của Lưu Hữu Phước, Văn Cao vẫn được miền Nam cho lưu hành sau 1954, mặc dù những người này đã tập kết ra Bắc và phục vụ cho chế độ CS. Những truyện sáng tác dành cho thiếu nhi như “O Chuột”, “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” của Tô Hoài vẫn được xuất bản ở miền Nam, dù ông ta đã ra Bắc và giữ chức vụ cao trong bộ máy văn nghệ của chính quyền CS. Ngược lại, sau năm 1975, tất cả các tác phẩm văn nghệ của miền Nam đều bị cấm, kể cả những tác phẩm hoàn toàn không mang tính chính trị. Mãi đến sau này cái thòng lọng mới được nới ra, cho phép nhạc miền Nam trước 1975 được lưu hành, nhưng vẫn còn một danh sách những bản nhạc bị cấm mà ca sĩ nào vi phạm vào có thể bị rắc rối. 

Có người cho rằng vì miền Nam tự do quá nên thua cuộc chiến. Nghệ sĩ miền Nam tự do sáng tác nhạc phản chiến. Nhạc miền Nam không hô hào cổ vũ chiến tranh mà chỉ kể tâm sự người lính. Báo chí miền Nam tự do chỉ trích chính quyền. Dân miền Nam tự do xuống đường biểu tình khi bất mãn. Có thể đúng như vậy, có thể vì miền Nam tự do quá nên thua. Nhưng dù thua, chế độ miền Nam vẫn là chế độ được lòng người. Người lính Việt Nam Cộng Hòa vẫn sống mãi trong lòng người dân. Sau khi chiếm miền Nam, CS đã ra sức bóp méo sự thật. Họ cố làm đủ mọi cách để bôi xấu hình ảnh người lính và chế độ miền Nam. Họ tuyên truyền nhồi sọ các thế hệ trẻ, vẽ ra một hình ảnh hoàn toàn khác về chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng sự thật vẫn luôn là sự thật. Rồi lịch sử sẽ phải được trả về cho lịch sử. 

Ngay cả đến thời điểm hiện tại, sau gần nửa thế kỷ chấm dứt chiến tranh và sống dưới sự cai trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam, có bao nhiêu nhạc sĩ thời nay được đánh giá là xếp ngang tầm với Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Văn Phụng, Trần Thiện Thanh v.v…? Chắc chắn là thời nay không thiếu nhân tài, nhưng nhân tài phải có môi trường thích hợp thì mới phát triển được. Không ai muốn bỏ tim óc công sức ra sáng tác một tác phẩm để rồi hồi hộp không biết nó có được duyệt hay không. Nó phải đi qua một quy trình xét duyệt dưới những con mắt cú vọ, vạch lông tìm vết. Nếu may mắn thì được duyệt, còn không thì coi như công cốc. Ngay cả sau khi được duyệt, nó vẫn có thể bị thu hồi, hủy, và bị phạt, như trường hợp của Sơn Tùng. Vì vậy mà đa số nhạc sĩ chọn kiểu sáng tác “mì ăn liền”, nhạc viết ra không đầu tư quá nhiều thì giờ công sức vì lỡ viết xong không được duyệt hoặc bị thu hồi thì uổng công. Cứ viết cho nhanh, nhiều, không được bài này thì được bài kia. Đó là lý do tại sao Nhạc Việt bây giờ đa số là mì ăn liền. 

Năm 2013, cuốn phim “Bụi Đời Chợ Lớn” của đạo diễn Charlie Nguyễn vừa làm xong chưa được công chiếu đã bị Cục Điện ảnh Việt Nam cấm. Bộ phim này có kinh phí 16 tỷ đồng, là một trong những phim Việt có kinh phí cao. Bao nhiêu công sức và tiền bạc bỏ ra coi như mất hết. Đây là một điển hình cho thấy tại sao điện ảnh Việt Nam không có những tác phẩm đột phá, vượt ra ngoài khuôn khổ. Ai dám bỏ hàng chục tỷ đồng đầu tư vào một tác phẩm mà họ không biết là có được công chiếu hay không?

Đọc đến đây chắc bạn sẽ hỏi: nếu để tự do sáng tác thì làm sao ngăn được những tác phẩm độc hại, có ảnh hưởng xấu đến xã hội? Xin trả lời: “độc hại” hay “xấu” chỉ là một khái niệm thay đổi theo thời gian. Những năm đầu sau 1975, tất cả những tác phẩm văn nghệ của chế độ cũ miền Nam đều bị coi là “đồi trụy, độc hại”. Thời đó ai đứng trên sân khấu nhảy nhót, gào thét những câu “Hãy trao cho anh thứ anh đang mong chờ... Trao đi trao hết đi đừng ngập ngừng che dấu nữa” (nhạc của Sơn Tùng) như bây giờ là sẽ được cán bộ của Bộ Văn Hóa Thông Tin (nay là Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du Lịch) mời lên “làm việc”, có thể phải đi học tập cải tạo tư tưởng một thời gian. Mấy tháng sau ngày 30 tháng 4/1975, chính quyền CS mở chiến dịch “Bài trừ Văn hóa Đồi trụy-Phản động”, huy động cán bộ đi thu giữ các sách vở xuất bản dưới chế độ miền Nam, bất kể là sách gì, đem đi đốt hết! Sách của Tự Lực Văn Đoàn, những truyện tranh dành cho thiếu nhi như Tintin, Xì Trum, Lucky Luke… đều bị liệt vào hàng văn hóa phẩm đồi trụy độc hại. Giờ đây chính những tác phẩm đó lại được phát hành. Những bản nhạc Vàng bị cấm bây giờ lại được trình diễn khắp nơi. Cái mà cách đây mấy thập niên bị coi là độc hại bây giờ lại được ưa chuộng. 

Ở Châu Á, phim khiêu dâm được phát hành nhiều nhất là từ Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan. Vậy mà ai dám nói là xã hội ở những nước này xấu? Dân ở các nước khác, kể cả Việt Nam đều mong được sống và làm việc ở các nước này, kể cả làm cu li. Ở những nước đó người ta nhận ra rằng: nếu không có tự do sáng tác thì sẽ không có những tác phẩm hay, dù cái sự tự do sáng tác nó cũng có cái hệ quả của nó. Nếu đạo diễn Bong Joon-ho của Hàn Quốc sống ở Việt Nam hay Trung Quốc thì chắc ông chẳng bao giờ làm ra được cuốn phim Parasite đoạt giải Oscar, vì cuốn phim này xoáy sâu vào hố cách biệt giàu nghèo trong xã hội, một đề tài bị coi là cấm kỵ ở VN và TQ. Hoặc bộ phim truyền hình Squid Game nói về tình trạng nợ nần của dân Hàn, chắc chẳng đạo diễn nào ở VN được dựng một phim như vậy. Nhưng chính những phim này đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho chính quyền, để họ thấy được những vấn nạn cần phải giải quyết. Và đó chính là lý do tại sao Hàn, Nhật, Đài là những quốc gia tiến bộ nhất Châu Á, vì họ không ngại “vạch áo cho người xem lưng”. Có nhìn nhận những tệ hại của xã hội mình thì mới lo giải quyết vấn đề.

Nếu nhìn ở một khía cạnh khác, bản video của Sơn Tùng có thể được xem như là một lời cảnh tỉnh cho các cha mẹ không quan tâm chăm sóc con mình, nạn bạn bè hiếp đáp nhau trong trường học, hoặc áp lực quá lớn trong việc học hành, đó mới chính là những nguyên nhân dẫn đến trẻ tự tử, chứ đừng đổ lỗi cho một cuốn video. Hoặc cuốn phim Bụi Đời Chợ Lớn nó làm cho người ta hiểu những nguyên nhân dẫn đến chuyện các băng đảng đánh nhau trên đường phố. Nếu không có những cuốn phim này thì xã hội không thấy được bề trong của các tệ nạn. 

Khi Sơn Tùng bị gọi lên “làm việc” và nộp phạt, anh ta ngoan ngoãn nhận lỗi và nộp phạt, vì anh ta thừa biết có cãi cũng vô ích. Nếu anh ta sống ở Hàn, Nhật hay Đài thì anh ta chẳng bao giờ phải chịu tình cảnh này. Không biết anh ta có biết rằng quyền tự do sáng tác là một trong những quyền căn bản của con người mà Liên Hiệp Quốc đã công bố trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền? Trường hợp của Sơn Tùng không phải là lần đầu, và chắc chắn cũng chưa phải là lần cuối. Nền nghệ thuật Việt Nam sẽ còn phải mang cái thòng lọng trên cổ bao lâu mà chế độ CSVN còn tồn tại. 

*****

Ghi chú: Video “There’s No One At All” đã bị gỡ bỏ trên kênh Youtube của Sơn Tùng. Mọi người chỉ có thể coi qua các video của những người bình luận âm nhạc. Có thể tìm kiếm các video này với từ khóa “reaction Son Tung There’s No One At All”. Đây là một số các liên kết:
https://www.youtube.com/watch?v=2rp9NxmWaF4
https://youtu.be/1U3w8nUI8hU
https://youtu.be/42EImDzzIEo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét