Paris, thủ đô của nước Pháp, vào một đêm mùa hè có một người thanh niên ngồi trong căn gác trọ. Trên tay anh ta cầm một tờ báo đọc say mê. Sau khi đọc xong tờ báo, khuôn mặt anh ra rạng rỡ. Anh ta nói to một mình, như thể đang đứng trước đám đông quần chúng: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”
Người thanh niên đó là Nguyễn Ái Quốc, sau này được biết dưới một tên khác là Hồ Chí Minh. Tờ báo anh ta đọc là bản luận cương của Vladimir Lenin có tựa đề “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” được đăng trên báo Nhân đạo (L’Humanite) của Đảng Xã hội Pháp ngày 16 và 17 tháng 7 năm 1920.
Lenin là một nhà cách mạng người Nga, đã lãnh đạo những người Bolsheviks lật đổ chính quyền dân chủ Nga vào tháng Mười năm 2017 để thành lập chính quyền Vô Sản do Cộng Sản lãnh đạo. Cuộc cách mạng này thường được gọi là Cách Mạng Tháng Mười Nga. Sau khi lên lãnh đạo nước Nga, Lenin kêu gọi các dân tộc ở các nước thuộc địa đứng lên làm cách mạng Vô Sản, giành lại độc lập. Bản luận cương này là một trong những tài liệu mà Lenin phát tán ra khắp thế giới để phổ biến tư tưởng của mình. Nước Nga sau đó đã cùng với các nước cộng hòa lân cận sáp nhập lại thành Liên Bang Xô Viết, trở thành ngọn cờ đầu của phong trào Cộng Sản quốc tế.
Nguyễn Ái Quốc sinh ra vào thời điểm mà Đế Quốc Pháp đã hoàn tất việc xâm chiếm và đặt nền cai trị lên toàn cõi Đông Dương. Vào đầu thế kỷ 20, chính quyền thực dân Pháp mở các trường công lập ở Việt Nam cho các thanh thiếu niên được học miễn phí. Mục đích của việc mở trường này là để đào tạo các công chức tương lai cho bộ máy cai trị, và cũng để truyền bá tư tưởng, văn hóa Pháp. Chính từ những trường học này mà một lớp thanh niên trí thức mới theo Tây học của Việt Nam đã được đào tạo, và họ là những nhân tố quan trọng cho cuộc cách mạng giành độc lập của Việt Nam sau này.
Nhiều thanh niên Việt Nam đã ra nước ngoài để học hỏi, tìm hướng đi mới cho đất nước. Nguyễn Ái Quốc (tên khai sinh là Nguyễn Tất Thành) là một trong những thanh niên này. Khi sang Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã làm quen với chủ nghĩa Cộng Sản. Sau khi đọc bản luận cương của Lenin, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định chính thức tham gia vào phong trào Cộng Sản, lúc đó còn được gọi là Đệ Tam Quốc Tế. Nguyễn Ái Quốc đã từng thú nhận rằng, tuy lúc đó không hiểu nhiều về chủ nghĩa Cộng Sản, nhưng cái tư tưởng giải phóng các dân tộc thuộc địa đã hấp dẫn anh ta, đó chính là cái anh ta đang đi tìm.
Sau này khi về nước với tên gọi Hồ Chí Minh, ông ta vẫn trung thành với Đệ Tam Quốc Tế cho đến cuối đời, cho dù sau này phong trào Cộng Sản đã phân hóa, Đệ Tứ Quốc Tế ra đời, Cộng Sản Liên Xô và Cộng Sản Trung Quốc kình chống nhau.
Nhưng trong khi Hồ Chí Minh luôn trung thành và tin tưởng vào lý tưởng giải phóng dân tộc của Đệ Tam Quốc Tế thì Liên Bang Xô Viết, nơi mà Lenin hô hào kêu gọi giải phóng các dân tộc bị áp bức, lại trở thành một đế quốc mới, với đầy đủ bản chất và hành vi của các đế quốc tư bản mà những người Cộng Sản quốc tế đang chống lại.
Lenin qua đời năm 1924. Người kế vị là Joseph Stalin, trở thành một trong những nhà độc tài khét tiếng nhất thế kỷ 20. Năm 1932, Stalin đã cho vơ vét phần lớn lúa thóc thu hoạch được ở Ukraine, gây ra nạn đói trầm trọng. Ukraine lúc đó là một nước cộng hòa nằm trong Liên Bang Xô Viết. Một số sử gia cho rằng Stalin muốn bẻ gãy ý chí đòi độc lập của những người Ukraine theo chủ nghĩa quốc gia nên tạo ra nạn đói nhân tạo này. Cỏ khoảng 4-7 triệu người đã chết đói. Sự kiện này là một trong những nguyên nhân khiến người Ukraine muốn tách rời khỏi Liên Xô để được độc lập sau này.
Năm 1939 khi Hitler lăm le xâm chiếm toàn cõi Châu Âu, Liên Xô đã ký với Đức bản hiệp ước Molotov–Ribbentrop (Molotov vả Ribbentrop là tên của hai nhà ngoại giao của Liên Xô và Đức đã đại diện ký kết). Bản hiệp ước này thỏa thuận rằng hai nước sẽ không tấn công nhau, nhưng nó còn chứa đựng một điều khoản bí mật nữa. Theo điều khoản bí mật này thì Đức và Liên Xô thỏa thuận chia đôi đất nước Ba Lan, phần phía tây thuộc về Đức và phần phía đông thuộc về Liên Xô. Ngoài ra Phần Lan, Estonia, Latvia và Lithuania sẽ thuộc vùng ảnh hưởng của Liên Xô, đổi lại, Đức được chia ảnh hưởng ở các vùng khác. Ngay sau khi hiệp ước được ký kết, Đức đã tấn công Ba Lan ngày 01 tháng 09 năm 1939, mở màn cho Thế Chiến 2.
Hai tuần lễ sau đó, Liên Xô cũng tấn công Ba Lan như đã thỏa thuận với Đức. Ban đầu Liên Xô mượn cớ đem quân vào để bảo vệ người gốc Ukraine và Belarus khỏi tay quân Đức, làm Ba Lan tưởng Liên Xô giúp mình, nhưng sau đó Liên Xô đã tấn công và tàn sát người Ba Lan. Liên Xô đã gây ra vụ thảm sát ở rừng Katyn trong đó khoảng 22,000 người Ba Lan ưu tú gồm các sĩ quan và những người trí thức đã bị bắn chết và chôn trong các hố tập thể. Ba Lan rơi vào tay quân Đức và Liên Xô chỉ trong vòng hơn một tháng.
Sau khi chiếm đóng Ba Lan, Liên Xô tấn công Phần Lan, trong cuộc chiến được gọi là “Cuộc Chiến Mùa Đông” vì nó bắt đầu và kết thúc trong mùa đông từ tháng 11/1939 đến tháng 03/1940. Phần Lan đã buộc phải ký kết hòa ước chịu nhượng 1/10 lãnh thổ của mình cho Liên Xô để đổi lấy hòa bình. Liên Xô cũng chiếm luôn ba nước Latvia, Lithuania và Estonia, sáp nhập vào lãnh thổ mình.
Những người Cộng Sản khi học sử, họ luôn được dạy rằng Liên Xô là quốc gia đã anh dũng chống lại quân Đức Quốc Xã trong Thế Chiến 2, ít ai biết rằng Liên Xô đã bắt tay với Đức trong thời kỳ đầu của cuộc chiến, và cùng Đức chia phần các lãnh thổ chiếm được. Chỉnh Stalin cũng yên trí rằng Hitler sẽ không tấn công mình. Mãi đến tháng 06/1941 khi Hitler xua hàng trăm sư đoàn tấn công Liên Xô, Stalin mới choàng tỉnh. Liên Xô đã phải nhờ tới viện trợ khí tài của Anh và Mỹ để chống lại Đức.
Công bằng mà nói, không phải chỉ cỏ Stalin mơ ngủ. Khi Đức tấn công và chiếm đóng Ba Lan, các nhà lãnh đạo Châu Âu cũng chưa nhận thức được rằng một cuộc đại chiến thế giới đang bắt đầu. Anh và Pháp đã án binh bất động không giúp Ba Lan, mặc dù trước đó có thỏa thuận sẽ giúp trong trường hợp Ba Lan bị nước khác tấn công. Cho tới khi Đức tấn công Pháp vào tháng 05/1940 thì cả Anh và Pháp mới thật sự lâm chiến. Còn Hoa Kỳ thì vẫn khoanh tay ngồi nhìn “cuộc chiến Châu Âu” cho tới khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng vào tháng 09/1941 làm tan nát hạm đội Thái Bình Dương thì mới tuyên chiến với Nhật, chính thức nhảy vào vòng chiến. Từ kinh nghiệm của Thế Chiến 2, Tây Phương đã rút ra được bài học đắt giá: Khi một cường quốc tấn công một nước nhỏ, nếu các nước khác ngồi yên không làm gì thì đại họa sẽ đến cho cả thế giới chứ không chỉ cho một nước.
Trong Thế Chiến 2 thì Liên Xô là đồng minh với Anh, Pháp và Hoa Kỳ. Sau khi TC2 kết thúc, Liên Xô lại trở thành đối thủ của Hoa Kỳ và Tây Phương vì sự khác biệt giữa hai ý thức hệ Cộng Sản và Tư Bản. Cuộc đối đầu này gọi là cuộc “Chiến Tranh Lạnh” vì hai phe cùng chạy đua vũ trang, liên tục chế tạo ra những vũ khí tối tân và tốn kém để hù dọa nhau. Cao điếm của cuộc chiến tranh lạnh này là cuộc xâm lăng của Liên Xô vào Afghanistan năm 1979.
Afghanistan là một quốc gia Hồi Giáo nghèo nằm giáp ranh với biên giới phía nam của Liên Bang Xô Viết. Tháng 12/1979 Liên Xô đưa quân vào Afghanistan và dựng lên một chính quyền thân Liên Xô. Những chiến binh Hồi Giáo trên khắp thế giới đã đổ về Afghanistan phát động một cuộc “thánh chiến” chống lại quân Xô Viết, với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ cùng một số quốc gia Tây Phương, Trung Đông, và Trung Quốc (Đảng Cộng Sản TQ và LX lúc này đang là kình địch của nhau). Cuộc chiếm đóng 10 năm đã gây rất nhiều tổn thất kinh tế và nhân mạng cho Liên Xô. Cuối cùng Liên Xô phải rút quân vào năm 1989 vì không chịu nổi tổn thất. Cuộc chiến này là một trong những nguyên nhân góp phần làm Liên Xô sụp đổ sau này.
Liên Bang Xô Viết tan rã vào năm 1991. Hồ Chí Minh đã không còn sống để nhìn thấy giấc mộng của mình tan vỡ. Nếu còn sống, chắc Hồ Chí Minh cũng sẽ như nhà lãnh đạo Cuba, Fidel Castro, thốt lên: “Liên Xô sụp đổ cũng giống như mặt trời ngừng tỏa sáng”.
Hồ Chí Minh đã chọn Chủ Nghĩa Cộng Sản vì cho rằng chủ nghĩa này giải phóng các dân tộc bị áp bức và đem lại bình đẳng cho xã hội. Cả hai điều đó đều không có thật. Cả Liên Xô và Trung Quốc, hai quốc gia đàn anh Cộng Sản, điều hành xử y chang như các đế quốc Tư Bản, cũng xâm chiếm, hiếp đáp các nước nhỏ. Đất nước nào theo Chủ Nghĩa Cộng Sản cũng đầy dẫy bất công. Chủ Nghĩa Cộng Sản chỉ hay trên lý thuyết chứ thực tế thì trái ngược.
Theo thuyết luân hồi của nhà Phật thì có thể lúc này Nguyễn Ái Quốc đã tái sinh trong một kiếp khác. Biết đâu anh ta đang sống đâu đó ở Việt Nam. Có thể một ngày nào đó anh ta lại thốt lên câu: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”
Trên tay anh ta cầm cái visa để đi du học ở Hoa Kỳ.
******
Xem các bài khác trên blog này:
Câu chuyện ngày 30 tháng 4: Ai là kẻ thù?
Những sai lầm chiến lược quân đội Nga đã mắc phải khi xâm lăng Ukraine
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét