Đầu năm 2022, khi quân Nga rầm rộ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, Kharkiv là một trong những thành phố đầu tiên bị tấn công. Nằm ở vùng đông bắc, là thành phố lớn thứ nhì sau thủ đô Kyiv, Kharkiv chỉ cách biên giới Nga có 40 km. Thành phố này có đa số dân là người gốc Nga. Nhiều người có bà con họ hàng sinh sống ở Nga, thường qua lại thăm viếng nhau. Năm 2014 khi dân hai tỉnh lân cận là Luhansk và Donetsk, cũng đa số là gốc Nga, nổi dậy đòi ly khai khỏi Ukraine thì dân thành phố Kharkiv cũng rục rịch nổi dậy. Chính quyền Ukraine phải đưa quân đội đến trấn áp. Vì vậy khi quân Nga tấn công Kharkiv, ai cũng nghĩ rằng nó sẽ nhanh chóng rơi vào tay Nga.
Trái với dự đoán, dân quân Kharkiv đã kiên cường chống trả. Quân Nga tiến sát thành phố và pháo kích nặng nề nhưng thành phố vẫn đứng vững. Rốt cuộc quân Nga bị đẩy lùi ra xa. Không những vậy, hồi tháng Chín vừa qua quân Ukraine bất ngờ mở một cuộc phản công chiếm lại toàn bộ tỉnh Kharkiv, khiến lính Nga phải tháo chạy về qua bên kia biên giới, bỏ lại rất nhiều khí tài.
Điều gì đã khiến dân Kharkiv, từ một tỉnh có nguy cơ ly khai khỏi Ukraine, nhất quyết không chịu chào đón quân Nga vào “giải phóng” như nhiều người lầm tưởng?
![]() |
Binh sĩ Ukraine tại khu định cư Shevchenkove tỉnh Kharkiv, trong cuộc phản công tháng 09/2022. |
HAI QUỐC GIA, HAI CON ĐƯỜNG
Năm 1991 khi Liên Bang Xô Viết tan rã, Nga và Ukraine trở thành hai quốc gia độc lập. Cả hai đều từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản và đi theo đường lối kinh tế thị trường, tuy nhiên khuynh hướng chính trị lại khác nhau.
Nga theo thể chế bầu cử tổng thống trực tiếp. Tổng thống đầu tiên sau thời Liên Xô là Boris Yeltsin. Vốn là một cựu đảng viên Cộng Sản, ông là người can đảm và nhiệt tâm, nhưng thiếu năng lực lãnh đạo. Nước Nga trong thời kỳ đầu thoát khỏi chế độ Cộng Sản là một đất nước đầy bất ổn về kinh tế và chính trị. Dân Nga suốt hơn bảy thập niên sống dưới chế độ Cộng Sản chỉ biết vâng lời làm theo sự chỉ đạo của Đảng, khi đột ngột thay đổi từ một chế độ đảng trị sang chế độ dân chủ thì có nhiều xáo trộn. Kinh tế cũng chuyển đổi từ tập trung chỉ đạo sang thị trường tự do, một số người đã nhân cơ hội phất lên làm giàu, lương thiện thì ít mà bất chính thì nhiều. Yeltsin bị những người đối lập tố cáo là tham nhũng. Những người thân và bạn bè của Yeltsin đã dựa vào ông ta để làm giàu. Yeltsin lại có thói nghiện rượu, ông ta nhiều lần xuất hiện trước công chúng trong trạng thái say xỉn. Năm 1994 trong chuyến công du sang Hoa Kỳ, buổi tối ông ta uống rượu say mèm rồi đi ra đường đón taxi tìm mua bánh pizza. Trong lúc rời nhà khách ông ta mặc đồ lót nên nhân viên cảnh vệ Mỹ không nhận ra ông ta là yếu nhân. Dưới thời Yeltsin, dân tộc thiểu số ở một số vùng đã nổi dậy đòi ly khai, dẫn đến những cuộc xung đột vũ trang. Trong đó đáng kể nhất là cuộc nổi dậy của dân vùng Chechnya, với hai cuộc chiến đẫm máu. Quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ trong thời kỳ này khá thân thiện. Năm 1999, Yeltsin cất nhắc Vladimir Putin vào chức vụ thủ tướng. Cuối năm đó, Yeltsin từ chức. Theo hiến pháp, Putin trở thành tổng thống lâm thời.
Vladimir Putin xuất thân là nhân viên của cơ quan mật vụ trong thời Liên Xô, trước khi làm thủ tướng, ít người biết đến ông ta. Khi làm tổng thống, ông ta chứng tỏ là một nhà lãnh đạo thông minh và có năng lực. Ông ta nhanh chóng giải quyết cuộc chiến ở Chechnya, ổn định tình hình chính trị và đưa ra hàng loạt các cải cách kinh tế. Nước Nga bắt đầu thời kỳ ổn định chính trị và phát triển kinh tế. Uy tín của Putin lên cao. Nhiều người coi Putin như là “vị cứu tinh” của nước Nga thời hậu Liên Xô.
Hiến pháp Nga có điều khoản giới hạn một người không được làm quá hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp, sau khi ngưng làm tổng thống ít nhất một nhiệm kỳ, người đó có thể tái tranh cử lại. Năm 2008 sau khi hết hai nhiệm kỳ tổng thống, Putin ứng cử vào chức vụ thủ tướng và cất nhắc người thân tín của mình là Dmitry Medvedev ứng cử làm tổng thống, nhưng trên thực tế Medvedev chỉ là bù nhìn, Putin vẫn là người nắm quyền. Năm 2012 Putin lại ứng cử tổng thống. Lần này ông ta gặp nhiều chống đối. Những người đối lập tố cáo phe ông ta gian lận phiếu.
Nhà chính trị gia người Anh John Acton vào thế kỷ 19 có câu nói để đời: “Quyền lực luôn có khuynh hướng hủ bại, quyền lực tuyệt đối thì tuyệt nhiên hủ bại (power tends to corrupt, and absolute power corrupts absolutely)”. Nghĩa là khi một đảng chính trị hay một cá nhân nắm quyền tuyệt đối thì họ chắc chắn sẽ hủ bại, vì không ai giám sát được họ.
Điều này không ngoại lệ đối với Putin. Khi ông ta đã nắm quyền gần như tuyệt đối trong tay, thì khuynh hướng lạm quyền và tham nhũng bắt đầu. Những người trung thành, thân tín của Putin được đưa vào những chức vụ quan trọng hoặc được hưởng những hợp đồng kinh tế béo bở. Bản thân Putin bị tố cáo là có một tài sản khổng lồ trị giá hàng tỉ USD. Putin không ngần ngại triệt hạ những đối thủ chính trị hay những người chỉ trích ông ta. Những người tố cáo những sai trái của chính quyền dần dần bị bỏ tù hoặc ám sát. Vụ ám sát nổi tiếng nhất là vụ Boris Nemtsov. Nemtsov từng là phó thủ tướng Nga dưới thời Yeltsin. Ông ta công kích sự lạm quyền và những sai trái của Putin. Năm 2014 khi Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine, ông ta phản đối và cho đó là sai công pháp quốc tế. Năm 2015, Nemtsov bị bắn bốn phát vào lưng khi đang đi bộ gần điện Kremlin. Cái chết của Nemtsov làm chấn động giới đối lập ở Nga và dư luận thế giới. Ngoài Nemtsov, còn nhiều nhân vật đối lập khác bị chết bí ẩn. Nếu không bị ám sát thì những người đối lập có thể bị tù, quản thúc tại gia, hoặc bị sách nhiễu. Alexei Navalny, một nhà đối lập nổi tiếng khác, từng bị đầu độc nhưng không chết. Hiện ông ta đang bị tù.
Năm 2020, quốc hội Nga bỏ phiếu đồng ý sửa đổi hiến pháp, bỏ điều khoản giới hạn số nhiệm kỳ tổng thống. Điều này có nghĩa là Putin có thể tái tranh cử vào năm 2024, sau khi hết hai nhiệm kỳ liên tiếp. Phe đối lập cho rằng quốc hội Nga chỉ gồm những đại biểu bù nhìn từ khi Putin lên làm tổng thống, nên ông ta có thể làm bất cứ điều gì mà không bị ngăn cản.
Quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ kể từ khi Putin bắt đầu lên lãnh đạo đã dần dần xấu đi. Đối với Putin, sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết là một thảm họa. Ông ta vẫn khao khát tái lập lại lãnh thổ cũ của Liên Xô mà nay đã tách ra thành nhiều quốc gia độc lập. Trong số các quốc gia cũ nằm trong Liên Bang Xô Viết, Nga và Ukraine là hai quốc gia lớn nhất và gần gũi nhất. Nhiều người Nga sinh sống ở Ukraine và ngược lại. Nhiều gia đình có thân nhân sống ở hai bên. Vì vậy Putin vẫn coi Ukraine là một phần của Nga.
Ukraine từ khi độc lập cũng theo chế độ bầu cử tổng thống trực tiếp. Cũng giống như Nga, chính quyền Ukraine cũng có tham nhũng và nhiều sai phạm, nhưng điều khác biệt là Ukraine tôn trọng quyền tự do ngôn luận. Truyền thông Ukraine có thể chỉ trích chính quyền mà không bị trù dập. Dân chúng tha hồ phát biểu mà không bị quy kết là chống chính quyền. Các đảng phái chính trị với khuynh hướng khác nhau đều được hoạt động tự do, không có một cá nhân nào thâu tóm hết quyền hành. Sinh hoạt chính trị ở Ukraine tự do hơn ở Nga nhiều.
Ở Ukraine luôn có hai khuynh hướng chính trị: khuynh hướng thân Hoa Kỳ và Liên Minh Châu u (gọi tắt là EU), và khuynh hướng thân Nga. Kể từ khi Putin lên làm tổng thống và dần dần trở thành một nhà độc tài, dân Ukraine bắt đầu ngả hẳn theo khuynh hướng thân Hoa Kỳ và EU. Ukraine muốn trở thành thành viên của EU, nhưng quá trình này bị trì trệ vì các điều kiện kinh tế của Ukraine chưa đủ để hội nhập. Năm 2010, Viktor Yanukovych đắc cử tổng thống. Yanukovych có khuynh hướng thân Nga nên muốn lèo lái Ukraine đi vào quỹ đạo của Nga. Cuối năm 2013, Yanukovych bất ngờ hủy bỏ hiệp ước giữa Ukraine với EU. Hiệp ước này là tiền đề cho việc Ukraine gia nhập EU. Quyết định này làm dân Ukraine nổi giận, họ xuống đường phản đối. Cuộc xuống đường này sau đó biến thành cuộc cách mạng lật đổ Yanukovych, buộc ông ta phải bỏ chạy sang Nga vào đầu năm 2014.
NGA CAN DỰ VÀO NỘI TÌNH UKRAINE
Ukraine rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị. Dân chúng hai tỉnh miền đông Luhansk và Donetsk—gọi chung là vùng Donbas—đa số là gốc Nga. Họ coi việc lật đổ một tổng thống thân Nga là hành động chống Nga, nên nổi dậy đòi ly khai. Khi quân đội Ukraine được điều đến thì dân chúng tự vũ trang chống lại và kêu gọi Putin trợ giúp. Putin đã đáp ứng lại bằng cách đưa binh lính mặc quân phục trơn, không mang phù hiệu, cờ Nga, tiến vào vùng Donbas. Putin cũng nhân cơ hội này chiếm luôn bán đảo Crimea ở miền nam Ukraine. Bán đảo này xưa kia vốn là lãnh thổ của Nga. Thời Liên Bang Xô Viết, nó được sáp nhập vào Ukraine. Khi Liên Xô tan rã thì Crimea nghiễm nhiên thuộc về Ukraine. Lính Nga tiến vào Crimea mà không gặp sự kháng cự nào đáng kể. Quân đội Ukraine lúc đó rất yếu, công thêm cuộc khủng hoảng chính trị khiến binh sĩ không có tinh thần chiến đấu.
GIAI ĐOẠN MỚI
Vị tổng thống kế tiếp là Petro Poroshenko. Ông ta bắt đầu một giai đoạn cải cách mới, đẩy mạnh tiến trình gia nhập EU, và mở cuộc trưng cầu dân ý để gia nhập NATO. Dân Ukraine trước kia đa số không ủng hộ gia nhập NATO, nhưng từ khi có sự can thiệp quân sự của Nga thì sự ủng hộ này gia tăng. Putin vốn coi NATO là mối nguy của nước Nga nên việc Ukraine có ý muốn gia nhập NATO trở thành mối lo.
Cuộc chiến giữa quân đội Ukraine và quân ly khai ở miền đông tạo ra nhu cầu cấp bách phải cải tiến quân đội. NATO đã cố vấn giúp Ukraine cải cách. Chính sự cải cách này đã giúp quân đội Ukraine thoát xác khỏi cách tổ chức cũ thời Liên Xô, trở thành một quân đội hiện đại theo đường lối NATO.
Năm 2019, Ukraine lại có tổng thống mới, đó là Volodymyr Zelensky. Zelensky vốn là một diễn viên hài, ông ta tốt nghiệp đại học với bằng luật sư nhưng lại đi theo ngành diễn xuất. Bộ phim truyền hình “Đầy Tớ Của Nhân Dân” do ông ta đạo diễn và đóng vai chính được nhiệt liệt đón nhận. Trong phim này ông ta đóng vai một thầy giáo dạy sử, vì bất mãn với sự hủ bại của chính quyền nên ông ta quyết định ra tranh cử tổng thống, dù không nghĩ mình sẽ thắng, ai ngờ ông ta đắc cử. Khi làm tổng thống ông ta quyết tâm diệt trừ các tệ nạn trong chính quyền. Bộ phim thành công đến nỗi nhiều người khuyến khích ông ta ra tranh cử tổng thống, dù trước đó chưa hề tham gia vào chính trường. Zelensky ra ứng cử thật, và cũng giống như nhân vật trong phim, ông ta đắc cử tổng thống.
Zelensky cũng chủ trương đưa Ukraine gia nhập EU và NATO. Đầu năm 2021, Zelensky hối thúc NATO đẩy nhanh tiến trình chấp nhận Ukraine làm thành viên. Putin đưa quân đội dàn ở biên giới Nga-Ukraine, gây sức ép buộc Ukraine phải rút lại ý định gia nhập NATO, nhưng Zelensky không chùn bước.
CHIẾN TRANH
Putin vốn coi thường Zelensky vì ông ta chỉ là một diễn viên hài. Trước khi xua quân sang tấn công Ukraine, Putin và các tướng lãnh Nga tính toán rằng chỉ trong vài tuần, họ sẽ chiếm được thủ đô Kyiv và chính quyền Ukraine sẽ sụp đổ. Nga sẽ dựng nên một chính quyền mới. Quân đội Nga sẽ tổ chức một cuộc duyệt binh hùng tráng ngay trong thủ đô Kyiv.
Ngày 24 tháng 02 năm 2022, Quân Nga rầm rộ tiến sang Ukraine, tấn công từ ba hướng: bắc, đông và nam. Putin lên đài kêu gọi quân Ukraine lật đổ tổng thống Zelensky và buông súng đầu hàng. Nhưng trái với dự đoán, quân đội và chính quyền Ukraine không sụp đổ, mà họ kiên cường chống trả. Putin không biết rằng, quân đội mà ông ta đối đầu lần này khác xa với quân đội của 8 năm trước. Trải qua 8 năm và hai đời tổng thống, quân đội Ukraine nay được tổ chức theo tư duy và chiến thuật của NATO, trong khi đó quân đội Nga vẫn còn mang nặng đầu óc tổ chức thời Xô Viết.
Trong vài tháng đầu, quân Nga có vẻ thắng thế vì binh lực và khí tài hùng hậu hơn, nhưng kể từ tháng Chín, khi quân Ukraine bất ngờ mở cuộc phản công ở tỉnh Kharkiv miền đông bắc thì cục diện cuộc chiến thay đổi. Quân Nga bị dồn vào thế bị động.
DÂN CHỦ VÀ ĐỘC TÀI
Ngược dòng lịch sử, nước Đức sau Đệ Nhất Thế Chiến là một quốc gia bất ổn về kinh tế và chính trị. Khi Hitler lên nắm quyền năm 1933, ông ta nhanh chóng triệt hạ hết những lực lượng đối lập, một mình nắm hết quyền lực. Hitler nhanh chóng ổn định tình hình chính trị, tiến hành các cải cách đưa nước Đức thoát khỏi khủng hoảng, từ một quốc gia xáo trộn thành một quốc gia ổn định và phát triển, khiến cho dân Đức khâm phục và tôn thờ, đặt hết lòng tin vào ông ta. Chính sự tin tưởng tuyệt đối này dẫn đến thảm họa. Hitler tiến hành xâm lăng các quốc gia Châu u, đẩy nhân loại vào cuộc đại chiến thế giới lần II, và kết cuộc ra sao ai cũng biết.
Suốt hai thập niên cầm quyền ở Nga, Putin đã đem lại ổn định chính trị và phát triển kinh tế ở Nga. Người dân Nga đặt hết lòng tin vào Putin, coi ông ta như vị cứu tinh của nước Nga. Sự tin tưởng này làm cho Putin nghiễm nhiên trở thành một nhà độc tài. Ông ta bỏ tù hoặc ám sát những ai chống đối. Độc tài và hủ bại là hai thứ thường đi đôi với nhau. Lạm quyền, tham nhũng, móc ngoặc trở nên phổ biến và bất trị. Khi không còn ai cản trở, thì chính quyền độc tài tha hồ làm những việc mà ở trong một chế độ dân chủ họ khó làm. Hành động sai lầm mới nhất và lớn nhất của Putin là phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine.
Putin luôn coi thường Zelensky, ông ta cho rằng Zelensky chỉ là “anh hề” may mắn đắc cử tổng thống, nên ông ta coi việc chiếm Ukraine dễ như trở bàn tay. Putin không ngờ rằng, chế độ dân chủ tuy bề ngoài có vẻ bất ổn và chia rẽ, nhưng khi gặp nguy biến thì toàn dân đoàn kết để chống kẻ thù chung. Người dân Ukraine bị buộc phải đứng trước hai chọn lựa: chiến đấu để bảo vệ chế độ dân chủ, hay đầu hàng để chịu sống dưới chế độ độc tài, và họ đã chọn chiến đấu.
Nhìn bề ngoài, các chế độ độc tài toàn trị luôn có vẻ “ổn định” hơn các chế độ dân chủ, vì dưới chế độ độc tài người dân không được tự do biểu tình, các tổ chức đối lập với chính quyền không được hoạt động, trong khi ở chế độ dân chủ người dân thường xuống đường biểu tình phản đối mỗi khi có điều gì bất mãn với chính quyền. Điều này dễ gây ngộ nhận là dân chủ đồng nghĩa với bất ổn. Trên thực tế, các chế độ dân chủ mới là chế độ ổn định, vì người dân có quyền bầu trực tiếp người lãnh đạo, nên những người lãnh đạo luôn phải lắng nghe ý kiến của quần chúng, họ không thể đưa ra một quyết định quan trọng nào mà không có sự đồng thuận của đa số. Họ càng không thể đơn phương đưa ra những quyết định liều lĩnh có thể ảnh hưởng đến vận mệnh của quốc gia, như phát động chiến tranh. Ngược lại ở chế độ độc tài, một cá nhân hay một đảng phái có thể đưa ra một quyết định sinh tử mà không cần thăm dò ý kiến dân chúng, như trường hợp Đức Quốc Xã phát động Thế Chiến II, và việc tổng thống Putin quyết định xâm lược Ukraine mà dân Nga không hề biết trước.
Đây là bài học cho những quốc gia sống bên cạnh một cường quốc độc tài độc đảng. Nếu không phòng bị và lo chỉnh đốn quốc sự, thì một ngày nào đó, toàn dân sẽ thức dậy trong tiếng còi báo nguy. Lúc đó thì quá muộn rồi.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét