Translate

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2019

Lịch Sử Đại Hàn Dân Quốc (Nam Triều Tiên)

Đại Hàn Dân Quốc là tên gọi chính thức của Hàn Quốc, còn gọi là Nam Triều Tiên hay Nam Hàn (South Korea). Quốc gia này là một nửa của đất nước Triều Tiên, bị chia cắt từ sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai. Trước khi bị chia cắt, Triều Tiên đã phải trải qua một thời kỳ nằm dưới sự đô hộ của Nhật Bản, rồi nội chiến Nam-Bắc. Kể từ khi chia đôi, hai quốc gia Triều Tiên đã theo đuổi hai hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau. Bài này nói về lịch sử Nam Triều Tiên kể từ triều đại phong kiến cuối cùng cho đến hiện tại. 

Triều Đại Cuối Cùng 1392 – 1910

Triều đại cuối cùng của Triều Tiên bắt đầu từ năm 1392 khi tướng Lý Thành Quế được điều sang Trung Quốc trong chiến dịch chống lại nhà Minh, nhưng thay vì thực hiện sứ mệnh, ông đã quay lại để lật đổ vị vua Cao Ly và thành lập một triều đại mới. Ông đặt tên cho nó là Triều đại Triều Tiên để vinh danh nước Cổ Triều Tiên trước đó. Chữ "Triều Tiên" cũng được dùng để gọi tên nước. Triều đại Triều Tiên đạt được nhiều thành tựu về khoa học và kinh tế, nhưng cũng như những quốc gia Châu Á trong vùng như Trung Quốc và Việt Nam, vào các thế kỷ 17-18, Triều Tiên theo đuổi chính sách tự cô lập, hạn chế giao thương với các quốc gia Châu  u, cấm việc truyền đạo Ki-tô Giáo. Cũng như Trung Quốc và Việt Nam, triều đình phong kiến Triều Tiên lo sợ các tư tưởng của Phương Tây sẽ làm dân chúng có những suy nghĩ và hành động đi ra ngoài sự kiểm soát của triều đình, làm họ mất quyền cai trị tuyệt đối. Chính sự tự cô lập này làm đất nước bị tụt hậu. Trong khi quốc gia láng giềng là Nhật Bản tiến hành cải cách và giao thương với Tây Phương để phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật, thì Triều Tiên vẫn phát triển theo lề lối cũ từ ngàn xưa. Hậu quả là Triều Tiên trở thành miếng mồi ngon cho các cường Quốc khác.

Năm 1866, lo sợ trước sự lan truyền của đạo Công Giáo, dù trước đó có nhiều cấm đoán, triều đình ra tay sát hại những người theo đạo và các giáo sĩ truyền đạo người Pháp. Pháp đã trả đũa bằng cách cho quân đổ bộ và chiếm cứ một phần đảo Giang Hoa (Ganghwa). Triều Tiên tổn thất nặng nề trong cuộc xâm lược này, nhưng sau đó người Pháp rút lui.

Cũng trong năm này, chiếc thương thuyền có vũ trang General Sherman của Mỹ đến Triều Tiên với ý định mở đường giao thương. Sau những trao đổi thông tin ban đầu với những sự hiểu lầm, con tàu này đi ngược sông tiến vào Bình Nhưỡng và bị mắc kẹt. Các quan chức Triều Tiên ra lệnh cho con tàu rời khỏi Triều Tiên, nhưng các thủy thủ Mỹ đã giết chết bốn cư dân Triều Tiên, bắt cóc một sĩ quan quân đội và đụng độ với các lực lượng vũ trang Triều Tiên trong bốn ngày. Cuối cùng con tàu đã bị tiêu diệt bởi chất nổ. Năm 1871 lại có thêm đụng độ quân sự giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên. Chiến hạm Hoa Kỳ sau đó rút lui.

Năm 1876, Nhật Bản ép Triều Tiên ký hiệp ước thương mại, cho phép tàu buôn Nhật được tự do ra vào các thương cảng để buôn bán. Triều Tiên lúc đó quá yếu kém về quân sự nên không thể từ chối. Mặc dù hiệp ước giữa Triều Tiên và Nhật mang tiếng là hữu nghị, nhưng thực tế là một hiệp ước bất bình đẳng. Nhật được tự do ra vào buôn bán và hàng hóa Nhật không bị đánh thuế. Lúc này Nhật đã trở thành cường quốc về quân sự và kinh tế nhờ công cuộc canh tân của vua Minh Trị. Họ dùng sức mạnh quân sư để thao túng Triều Tiên. Năm 1882 Triều Tiên lại ký hiệp ước thương mại với Hoa Kỳ, Anh và Đức, chấm dứt thời kỳ tự cô lập.

Xem bài liên hê:
Minh Trị Thiên Hoàng và cuộc canh tân Nhật Bản


Vua Triều Tiên Cao Tông có ý định cải cách, ông đưa ra khẩu hiệu "đạo  đức Á Đông, kỹ thuật Tây Phương" với ý định du nhập kỹ thuật từ Tây Phương trong khi vẫn giữ truyền thống Á Đông. Ý tưởng này không được giới quan lại ủng hộ mấy, vì họ đã nhiễm sâu tư tưởng Khổng Giáo, không muốn du nhập tư tưởng Tây Phương. Sự giằng co giữa hai phe bảo thủ và cải cách dẫn đến cuộc chính biến năm 1884 với sự nổi dậy của phe cải cách. Họ đòi xóa bỏ đặc quyền của giai cấp quý tộc Lưỡng Ban (bao gồm giới quan lại và học giả), bình đẳng cho mọi giới, cải tổ hệ thống thuế, và thiết lập chế độ quân chủ lập hiến giống như Nhật. Phe cải cách được sự ủng hộ của Nhật, còn phe bảo thủ thì được Trung Quốc yểm trợ. Cuộc chính biến nhanh chóng bị dập tắt bởi lực lượng quân sự của Trung Quốc được điều đến Triều Tiên. Trung Quốc xưa nay vẫn coi Triều Tiên là nước chư hầu của mình nên không muốn để Triều Tiên rơi vào ảnh hưởng của Nhật.

Nhật cũng không chịu thua, họ tiếp tục tranh giành ảnh hưởng. Kết quả là cuộc chiến Trung-Nhật nổ ra năm 1894 và sau nhiều thắng lợi liên tiếp của Nhật, Trung Quốc buộc phải ký hiệp ước Mã Quan năm 1895, chấm dứt ảnh hưởng của mình tại Triều Tiên. Trung Quốc lúc này dưới sự cai trị cuối triều nhà Thanh thật ra đã là một quốc gia suy yếu, bản thân họ cũng đang bị các cường quốc Tây Phương xâu xé, phải cắt nhiều phần đất để làm nhượng địa cho các cường quốc Tây Phương (Anh, Pháp, Mỹ, Bồ Đào Nha, Đức, Ý, Áo, Bỉ, Nga) . Sự thất bại trong cuộc chiến lộ rõ sự yếu kém của quân đội Trung Quốc vốn đã lỗi thời, so với quân đội Nhật đang được canh tân nhanh chóng. Sự thất bại này cũng là khởi nguồn cho cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911 sau này do Tôn Dật Tiên khởi xướng.

Kể từ đây, Triều Tiên rơi vào ảnh hưởng của Nhật. Triều đình Triều Tiên càng ngày càng mất quyền kiểm soát đất nước. Nhật đưa ra nhiều cải cách như xóa bỏ các đặc quyền của giới quý tộc, bãi bỏ chế độ nô dịch, bỏ chế độ học hành thi cử theo kiểu Khổng Giáo để thay bằng các môn học tân thời và chế độ thi cử mới, nền công nghiệp được phát triển, các đường xe lửa được thiết lập. Các cải cách này đem lại lợi ích kinh tế cho Triều Tiên, nhưng đồng thời cũng thắt chặt sự kiểm soát của Nhật Bản lên Triều Tiên.

Năm 1905, Nhật ép triều đình Triều Tiên ký hiệp ước đặt Triều Tiên dưới sự bảo hộ của Nhật. Vua Cao Tông từ chối, dù bị phía Nhật hăm dọa. Dù vậy, Nhật vẫn ép các quan thượng thư của Triều Tiên ký vào hiệp ước này. Năm 1907, vua Cao Tông bí mật gửi một phái đoàn đến Hội Nghị La Hay ở Hòa Lan để phản đối hiệp ước bảo hộ. Điều này làm Nhật phẫn nộ và họ đã buộc vua Cao Tông phải thoái vị, nhường ngôi cho con là vua Thuần Tông. Năm 1909, hoàng tử Nhật Itō Hirobumi, người đang giữ chức vụ Toàn Quyền Triều Tiên, bị ám sát bởi một nhà cách mạng Triều Tiên. Nhật dựa vào biến cố này để có lý do sáp nhập Triều Tiên vào lãnh thổ của họ. Năm 1910, Nhật chính thức sáp nhập Triều Tiên, vua Thuần Tông bị buộc thoái vị. Nhà Triều Tiên chấm dứt từ đây, bắt đầu thời kỳ lệ thuộc Nhật Bản kéo dài 35 năm.

Sự Cai Trị của Nhật Bản (1910-1945)

Nhật Bản biến Triều Tiên thành thuộc địa của mình. Cầu cống, đường xá, đường xe lửa được xây dựng, các nhà máy mọc lên, các đô thị được mở rộng, mạng lưới viễn thông được xây dựng. Cuộc cải cách kinh tế Triều Tiên không ngoài mục đích phục vụ cho lợi ích của Nhật Bản. Người Triều Tiên bị buộc phải đồng hóa với Nhật, đổi tên họ giống người Nhật. Ngôn ngữ Triều Tiên không được dạy ở trường học, báo chí không được in tiếng Triều Tiên, các di vật văn hóa bị lấy đem sang Nhật. Người Nhật muốn dân Triều Tiên theo Thần Đạo (Shinto), một tôn giáo đặc thù của Nhật, nhưng không mấy người Triều Tiên muốn theo. Từ cuối thế kỷ 19, công cuộc truyền đạo Ki-tô Giáo vào Triều Tiên đã có nhiều thành công, nhiều người bắt đầu theo Ki-tô Giáo. Đến thời thuộc Nhật, người Triều Tiên coi Ki-tô Giáo như một tôn giáo dân tộc để chống lại ảnh hưởng của Nhật. 

Đầu năm 2019, hoàng đế thoái vị Cao Tông chết, nhiều người cho là do Nhật đầu độc. Hai tháng sau, tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson đọc diễn văn tại Hội Nghị Hòa Bình Paris, tuyên bố ủng hộ quyền tự quyết của các dân tộc và kêu gọi chấm dứt chế độ thuộc địa. Bài diễn văn này đã kích thích tinh thần độc lập tại Triều Tiên. Một phong trào kháng Nhật nổ ra, bắt đầu từ ngày Một tháng Ba và lan rộng trên toàn quốc. Hàng triệu người đã xuống đường tuần hành đòi độc lập. Chính quyền Nhật cho quân đội và cảnh sát đàn áp, kết quả là hàng ngàn người bị thiệt  mạng, hàng chục ngàn người bị bắt, và một số bị xử tử công khai. Cuộc nổi dậy được người Triều Tiên ghi nhớ như là "Phong Trào Một Tháng Ba". Phong trào này là tiền đề cho các phong trào kháng Nhật khác sau này. Nhiều người trốn sang Trung Quốc và lập ra các nhóm du kích chống Nhật tại biên giới Trung-Triều. Các nhóm du kích này tập hợp lại, tạo thành các tổ chức như Quân đội Giải phóng Triều Tiên, Quân đội Giải phóng Nhân dân, và Quân đội Cách mạng Quốc gia. 

Lúc này tại Trung Quốc, chính quyền phong kiến Mãn Thanh đã bị lật đổ sau cuộc Cách Mạng Tân Hợi 1911 do bác sĩ Tôn Dật Tiên và Trung Hoa Quốc Dân Đảng khởi xướng, một chính thể Cộng Hòa đã được thành lập. 

Khi Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945) bùng nổ, nhiều thanh niên Triều Tiên bị bắt phải phục vụ trong quân đội Nhật, hàng ngàn phụ nữ bị bắt làm nô lệ tình dục cho lính Nhật, gọi là "Phụ nữ giải trí". Năm 1945, Nhật thua trận và đầu hàng quân đội Đồng Minh (Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, và Trung Quốc). Quân đội Đồng Minh tiến vào tiếp quản Triều Tiên, chấm dứt thời kỳ đô hộ của Nhật tại đây. 

Thời Kỳ Quân Đội Đồng Minh Tạm Chiếm (1945-1950)
Theo thỏa thuận giữa các quốc gia Đồng Minh, quân đội Hoa Kỳ vào tiếp quản miền Nam, vào quân đội Liên Xô vào tiếp quản miền Bắc, lấy vĩ tuyến 38 tạm phân định hai miền. (Liên Xô tức là Liên Bang Xô Viết, bao gồm Nga vào một số quốc gia lân cận như Ukraine, Belarus, Kazakhstan, Uzbekistan v.v.. được hình thành từ sau cuộc cách mạng lật đổ Sa Hoàng năm 1917, dẫn đến sự hình thành của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa do Đảng Cộng Sản Liên Xô lãnh đạo.)

Cả Liên Xô và Hoa Kỳ đều đồng ý là cuộc tiếp quản chỉ có tính chất tạm thời, Triều Tiên sẽ được trao trả độc lập và một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức để lập ra một chính quyền lãnh đạo chung cho toàn đất nước. Tuy nhiên, Liên Xô và Hoa Kỳ lại không tìm được một thỏa thuận chung về thể chế chính trị cho Triều Tiên. Liên Xô vốn theo Chủ Nghĩa Cộng Sản còn Hoa Kỳ theo Chủ Nghĩa Tư Bản.Tuy là đồng minh trong chiến tranh để chống lại Đức Quốc Xã, nhưng Liên Xô và Mỹ là hai quốc gia cầm đầu hai khối chính trị đối đầu nhau trên thế giới. Sau chiến tranh, cả hai phía đều ngấm ngầm tranh giành ảnh hưởng, bên nào cũng muốn các quốc gia mà mình tạm chiếm thành lập thể chế chính trị giống như mình. Sự giằng co này khiến việc thống nhất Triều Tiên không tiến hành được. 

Tại miền Bắc, Liên Xô ủng hộ đưa Kim Nhật Thành (Kim Il-Sung), một trong những lãnh tụ du kích theo chủ nghĩa Cộng Sản, lên nắm chính quyền. Các nhóm Cộng Sản Triều Tiên được tập hợp lại và đặt dưới sự lãnh đạo của Kim Nhật Thành. Những người chống đối bị bắt giam hoặc xử tử. Đảng Cộng Sản Triều Tiên sau đó sáp nhập với một số đảng khác và đổi tên thành Đảng Lao Động Triều Tiên. 

Tại miền Nam, một cuộc bầu cử được tổ chức năm 1948 và Lý Thừa Vãn (Rhee Syngman), một người từng hoạt động tranh đấu đòi độc lập thời kháng Nhật và được Hoa Kỳ ủng hộ, được bầu làm tổng thống, khai sinh ra chính thể Cộng Hòa Triều Tiên. Cuối năm đó, Hoa Kỳ đưa vấn đề Triều Tiên ra trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, kết quả là Liên Hiệp Quốc đã công nhận Cộng Hòa Triều Tiên là chính thể duy nhất và hợp pháp để lãnh đạo Triều Tiên.  

Cùng thời điểm này tại Trung Quốc, một cuộc nội chiến đang diễn ra giữa phe Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo và phe Cộng Sản Mao Trạch Đông đứng đầu. Sau cuộc cách mạng 1911, Trung Quốc trở thành một nước Cộng Hòa, nhưng sau đó lại bị phân hóa và đất nước bị chia ra thành từng vùng do các lãnh chúa quân sự cai quản, chính quyền Cộng Hòa chỉ kiểm soát được một phần miền Nam Trung Hoa. Sau khi Tôn Dật Tiên chết, Tưởng Giới Thạch, một sĩ quan được Tôn Dật Tiên cất nhắc, lên nắm quyền tổng tư lệnh quân đội năm 1926. Tưởng Giới Thạch đã tiến hành cuộc chinh phạt Bắc Tiến để thống nhất Trung Quốc, giành lại quyền kiểm soát từ các lãnh chúa. Cuộc Bắc Tiến thành công, Tưởng Giới Thạch trở thành người lãnh đạo Trung Quốc. 

Tưởng Giới Thạch là người có tư tưởng chống Cộng Sản quyết liệt. Khi Tôn Dật Tiên còn sống, ông ta bao dung Đảng Cộng Sản, hai bên cùng hợp tác để xây dựng chính quyền Cộng Hòa và chống các lực lượng đế quốc đang chiếm đóng Trung Quốc. Nhưng khi Tôn Dật Tiên chết, Tưởng Giới Thạch tuyệt giao với Cộng Sản. Trong cuộc Bắc Tiến, họ Tưởng đã tiêu diệt luôn các lực lượng Cộng Sản mỗi khi có cơ hội. Từ đó hai phe trở thành kẻ thù. Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, hai phe tạm hòa hoãn để cùng chống Nhật, nhưng khi Thế Chiến kết thúc thì hai phe lăn xả vào cuộc nội chiến. Năm 1949, phe Cộng Sản chiến thắng, Tưởng Giới Thạch và quân đội Quốc Dân Đảng phải chạy ra Đài Loan. Mao Trạch Đông lên làm chủ tịch nước, tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Chiến thắng này có ảnh hưởng rất lớn đến cục diện chính trị các nước lân cận, nhất là Triều Tiên và Việt Nam. 

Chiến Tranh Triều Tiên (1950-1953)



Bản đồ Triều Tiên (Bắc Hàn & Nam Hàn)

Xem bài liên hê:
Triều Tiển: Cuộc Chiến Bị Quên Lãng


Nhận thấy viễn ảnh thống nhất đất nước khó có thể thực hiện được bằng phương cách hòa bình, Kim Nhật Thành đã có ý định dùng vũ lực để chiếm miền Nam. Được sự đồng ý của Stalin (lãnh đạo Liên Xô) và Mao Trạch Đông, họ Kim quyết định đánh chiếm miền Nam. Lúc này cả quân đội Hoa Kỳ và Liên Xô đã rút khỏi Triều Tiên. Hoa Kỳ chỉ để lại một lực lượng nhỏ tại miền Nam. Miền Bắc tuy dân số chỉ bằng phân nửa miền Nam, nhưng lực lượng quân sự được Liên Xô tài trợ hơn hẳn miền Nam. Miền Bắc có khoảng 200,000 binh sĩ, với hàng trăm phi cơ chiến đấu, xe tăng, đại bác và các vũ khí nặng. Miền Nam có chùng 98,000 binh sĩ, vài chục chiến đấu cơ và không có xe tăng. 

Sở dĩ miền Nam không được trang bị đầy đủ là vì Hoa Kỳ không mặn mà gì mấy với tổng thống Lý Thừa Vãn, tuy rằng lúc đầu ủng hộ ông ta. Khi nắm quyền thì họ Lý có khuynh hướng độc tài, đàn áp các lượng lực đối lập, củng cố địa vị cá nhân. Các sử gia cho rằng sở dĩ Hoa Kỳ ủng hộ Lý Thừa Vãn lúc đầu là vì ông ta từng sống lưu vong tại Hoa Kỳ và nói tiếng Anh giỏi. Giới quân nhân đang đóng quân tại Triều Tiên lúc đó ít có người biết tiếng Triều Tiên, nên Lý Thừa Vãn có lợi thế hơn các lãnh tụ cách mạng Triều Tiên khác trong việc giành sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Khi thấy Lý Thừa Vãn có khuynh hướng độc tài, Hoa Kỳ đã không còn nhiệt tình ủng hộ ông ta. Họ không muốn trang bị đầy đủ cho quân đội miền Nam, sợ rằng họ Lý sẽ dùng quân đội làm lực lượng đàn áp những người đối lập, chính điều này tạo điều kiện cho quân đội miền Bắc giành thắng lợi ban đầu. 

Cuộc chiến bắt đầu vào ngày 26 tháng 06, 1950. Quân đội miền Bắc tấn công bất ngờ khiến miền Nam không trở tay kịp, chỉ trong vòng vài tháng, quân đội Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ đã bị dồn ép đến tận Pusan, một thành phố nhỏ nằm ở cực nam Triều Tiên. Hoa Kỳ đã nhanh chóng tăng viện và kều gọi các lực lượng Liên Hiệp Quốc giúp đỡ. Sang năm 1950, liên quân miền Nam phản công và đẩy lùi Bắc quân qua khỏi vĩ tuyến 38, sau đó tiếp tục đẩy lùi đến tận sông Áp Lục, biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Trước nguy cơ miền Bắc có thể thất thủ, chính quyền Mao Trạch Đông đã xua hàng triệu quân Trung Quốc với chiến thuật biển người sang Triều Tiên, buộc liên quân miền Nam phải lùi lại đến vĩ tuyến 38. Cuộc chiến giằng dai ở vĩ tuyến 38 suốt các năm 1951-1953. Cuối cùng một hiệp ước ngừng bắn được ký kết ngày 27 tháng 07, 1953. Đây chí là hiệp ước ngừng bắn, không phải hiệp ước hòa bình, nên mặc dù không còn tiếng súng, cuộc chiến Triều Tiên cho đến nay trên lý thuyết vẫn chưa kết thúc, coi như là cuộc chiến dài nhất trong thế kỷ 20.

Nền Đệ Nhất Cộng Hòa (1948-1960)

Cuộc bầu cử năm 1948 tại Hàn Quốc (kể từ đây đến cuối bài, Nam Triều Tiên sẽ được gọi là Hàn Quốc cho đúng danh xưng) không bầu trực tiếp tổng thống mà bầu ra Nghị Viện, và Nghị Viện  bầu ra tổng thống với nhiệm kỳ 4 năm. Lý Thừa Vãn (Rhee Syngman) được Nghị Viện  chọn làm người lãnh đạo. Các sử gia cho rằng Lý Thừa Vãn không phải là chọn lựa tốt nhất lúc đó, nhưng ông ta có một vài lý do để thắng cử: ông ta thông thạo tiếng Anh và quen biết nhiều chính khách Hoa Kỳ, ông ta lại là người chống Cộng Sản triệt để. Khi quân đội Hoa Kỳ tiếp quản Hàn Quốc, ông ta đã về nước và nhanh chóng vận động tạo cho mình một uy thế chính trị trong quần chúng. Khi lên nắm quyền, Lý Thừa Vãn lộ rõ là một nhà độc tài. Ông ta ám sát những lãnh tụ bất đồng chính kiến và đàn áp các đảng đối lập. 

Trong năm 1948 có các cuộc nổi dậy tại các thành phố Jeju, Yeosu và Suncheon phản đối cuộc bầu cử. Vì cuộc bầu cử chỉ được tổ chức ở miền Nam, những người chống đối sợ rằng điều này sẽ làm cho việc thống nhất với miền Bắc bị cản trở. Chính quyền Lý Thừa Vãn đã đàn áp thẳng tay, tàn sát những người nổi dậy. Hàng chục ngàn người đã bị giết trong cuộc đàn áp này. Hoa Kỳ đã ngần ngại không trang bị đầy đủ cho quân đội miền Nam, vì sợ Lý Thừa Vãn sẽ xử dụng quân đội như công cụ đàn áp quần chúng. Chính điều này đã làm cho quân đội miền Nam mau chóng bị đẩy lui trong mấy tháng đầu khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra như đã nói ở trên. 

Năm 1952 khi chiến tranh Nam-Bắc Triều tiên đang tiếp diễn thì Hàn Quốc lại chuẩn bị tái bầu cử tổng thống. Lý Thừa Vãn muốn sửa đổi hiến pháp, thay vì Nghị Viện  bầu ra tổng thống, ông ta muốn dân chúng bầu tổng thống trực tiếp. Lý do là họ Lý thừa biết Nghị Viện  sẽ không bầu cho ông, nếu bầu trực tiếp thì ông ta dễ khuynh đảo để tạo cơ hội thắng cử hơn. Ông ta đã dùng cảnh sát và mật vụ để dọa nạt, o ép Nghị Viện  phải đổi hiến pháp và đã thành công. Trong cuộc bầu cử tiếp sau đó ông ta đã thắng với tỷ lệ 74%. Sau khi nhậm chức lần thứ nhì, Lý Thừa Vãn lại ép Nghị Viện  sửa đổi hiến pháp. Hiến pháp cũ quy định một cá nhân chỉ được làm tổng thống nhiệm kỳ liên tiếp, họ Lý đã ép Nghị Viện  bãi bỏ sự giới hạn này, với ý đồ tiếp tục làm tổng thống sau này. Năm 1956 Lý Thừa Vãn lại đắc cử tổng thống. Họ Lý càng ngày càng trở nên độc tài và áp chế. Ông ám sát các lãnh tụ đối lập, siết chặt luật An Ninh Quốc gia và kiểm soát sinh hoạt chính trị ở mọi tầng lớp xã hội. Dân chúng nhiều lần xuống đường phản đối nhưng ông ta thẳng tay đàn áp.

Tháng Ba năm 1960, Lý Thừa Vãn, lúc này đã 84 tuổi, lại đắc cử với tỷ lệ 90%. Đảng Dân Chủ đối lập đã tố cáo ông ta gian lận và kêu gọi dân chúng xuống đường phản đối. Cảnh sát đã bắn vào dân chúng và họ chống trả bằng gạch đá. Vài tuần sau đó, một học sinh biểu tình bị cảnh sát bắn chết bằng lựu đạn cay và vứt xác xuống sông. Dân chúng nổi giận và một cuộc nổi dậy vào ngày 19 tháng Tư đã trở thành một cuộc cách mạng mà sau này được gọi là cuộc "Cách Mạng Tháng Tư". Hàng trăm ngàn sinh viên đã xuống đường tuần hành và đến trước Nhà Xanh, nơi làm việc của tổng thống. Cảnh sát đã bắn chết khoảng 180 người và làm bị thương hàng ngàn người khác. Chính quyền ban bố lệnh thiết quân luật. Ngày 25 tháng Tư, các giáo sư đã cùng sinh viên xuống đường với một lực lượng đông đảo, cảnh sát và quân lính đã từ chối không bắn vào những người biểu tình. Ngày 26 tháng Tư, Lý thừa Vãn từ chức và sau đó lưu vong sang Hawaii, Hoa Kỳ. Ông ta đã qua đời tại đây 5 năm sau đó. 

Sự ra đi của Lý Thừa Vãn đã chấm dứt nền Đệ Nhất Cộng Hòa. Vì chiến tranh và những bất ổn chính trị, Hàn Quốc đã không đạt được những thành tựu gì đáng kể về kinh tế. Chính quyền phải dựa vào viện trợ của Hoa Kỳ để tồn tại. Nếu so với miền Bắc, miền Nam có phần sút kém hơn ở thời kỳ này.

Lý Thừa Vãn 

Nền Đệ Nhị Cộng Hòa (1960-1961)

Sau khi Lý Thừa Vãn ra đi, một cuộc tái bầu cử Nghị Viện được tổ chức và Đảng Dân Chủ, vốn là một đảng đối lập dưới thời họ Lý, đã thắng đa số, khai sinh ra nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Hiến pháp được tu chính lại để chính quyền theo thể chế đại nghị trong đó quyền hành nằm trong tay Nghị Viện, với thủ tướng đứng đầu chính phủ và chịu sự kiểm soát của Nghị Viện, tổng thống chỉ có quyền hạn chế. Đây là thời kỳ duy nhất chính phủ Hàn Quốc theo thể chế này. Nghị Viện đã bầu Doãn Pù Thiện (Yun Bo-seon) làm tổng thống và Trương Miễn (Chang Myon) làm thủ tướng. 

Các sinh hoạt chính trị trước đây bị cấm đoán dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa nay rộ lên. Các nghiệp đoàn phát triển mạnh và hoạt động rầm rộ, trong đó đáng kể là Nghiệp Đoàn Giáo Viên, Nghiệp Đoàn Ký Giả, và Nghiệp Đoàn Thương Mại. Dưới sức ép của công chúng, chính quyền đã thanh trừng những phần tử trong cảnh sát và quân đội có dính líu đến tham nhũng và đàn áp dân chúng. 2,200 viên chức chính phủ và 4,000 cảnh sát đã bị khai trừ. Chính quyền đưa ra kế hoạch kinh tế 5 năm, nhưng với những khó khăn chồng chất, đã không thực hiện được. Đồng Won bị mất giá phân nửa so với đồng dollar Hoa Kỳ. Những bất ổn chính trị liên tục khiến chính quyền không thể nào áp dụng cải cách được, cho đến ngày bị đảo chính. 

Thời Kỳ Quân Đội Nắm Quyền (1961-1963)

Cuộc đảo chính ngày 16 tháng 05 năm 1961 của tướng Phác Chính Hy (Park Chung-hee) đã chấm dứt nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Phác là một trong những người chủ trương loại chính trị ra khỏi quân đội. Ông ta lo sợ rằng những bất ổn xã hội có thế làm lợi cho Cộng Sản, nên đã đứng lên chủ động giành quyền. 

Nghị Viện bị giải tán và các sĩ quan quân đội thay thế các quan chức dân sự. Chính quyền quân phiệt công bố "Lời Hứa của Cách Mạng": chống Cộng Sản là quốc sách; thắt chặt mối liên hệ với các quốc gia tự do, nhất là Hoa Kỳ; diệt trừ tham nhũng; tái cấu trúc nền kinh tế để tự lực cánh sinh; và đất nước sẽ trở lại thể chế dân chủ trong vòng hai năm. 

Ban đầu họ Phác hứa sẽ không ra tranh cử tổng thống, nhưng trong cuộc bầu cử năm 1963, ông ta lại ra ứng cử với danh nghĩa đại diện cho Đảng Dân Chủ Cộng Hòa, một đảng mới thành lập, và thắng với một tỷ lệ khít khao. Cuộc bầu cử này đã khai sinh ra nền Đệ Tam Cộng Hòa.

Phác Chính Hy

Nền Đệ Tam Cộng Hòa 1963–1972

Phác Chính Hy khởi đầu nền Đệ Tam Cộng Hòa bằng Kế Hoạch Kinh Tế 5 Năm, tiến hành công nghiệp hóa theo hướng xuất khẩu. Với khẩu hiệu "Phát triển trước, thống nhất sau", nền kinh tế đã được phát triển mau lẹ với các cơ sở công nghiệp. Chính quyền huy động vốn từ Nhật Bản và Hoa Kỳ, cho các doanh nghiệp vay với lãi suất và chính sách thuế ưu đãi. Các doanh nghiệp này sau dần dần phát triển thành các tập đoàn tài phiệt (Chaebol) chi phối phần lớn hoạt động kinh tế Hàn Quốc. 

Để khuyến khích tư bản Nhật đầu tư vào Hàn Quốc, chính quyền đã ký Hiệp Ước Hàn-Nhật năm 1965, căn bản là thiết lập lại quan hệ bình thường giữa hai nước. Để bồi thường cho những thiệt hại và đau khổ mà Nhật gây ra cho nhân dân Hàn Quốc trong thời gian chiếm đóng, Nhật đồng ý trả 300 triệu USD dưới hình thức viện trợ kinh tế và 500 triệu cho các doanh nghiệp vay. Hiệp ước này lại không đòi hỏi Nhật phải chính thức xin lỗi cho những tội ác mà họ gây ra. Điều này gây căm phẫn trong quần chúng, tạo nên một làn sóng xuống đường phản đối hiệp ước. 

Chính quyền cũng giữ quan hệ mật thiết với Hoa Kỳ, thỏa thuận để cho một lực lượng vài chục ngàn binh sĩ Hoa Kỳ đồn trú lâu dài tại Hàn Quốc, với mục đích đề phòng một cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên. Lúc này tại Việt Nam, chiến tranh giữa hai miền Nam-Bắc đang leo thang. Để yểm trợ đồng minh, Hàn Quốc đã gửi tổng cộng khoảng 300,000 binh sĩ sang Việt Nam trong khoảng thời gian 1964-1973 để chiến đấu bên cạnh quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ. 

Sự phát triển kinh tế đã nhanh chóng thay đổi mức sống và phát triển giáo dục. Các đô thị bành trướng, đường cao tốc nối liền các đô thị lớn được thiết lập, đời sống thôn quê cũng được cải thiện. 

Phác Chính Hy lại ứng cử tổng thống lần hai và tái đắc cử năm 1967 với tỷ lệ 51.4%. Lúc này hiến pháp giới hạn số nhiệm kỳ tổng thống cho một cá nhân là hai lần, nhưng năm 1969, Phác Chính Hy lại thúc ép Quốc Hội tu chính hiến pháp để ông ta có thể tranh cử lần nữa. Các cuộc biểu tình lớn đã nổ ra để phản đối tu chính này. Các phe đối lập lúc đó đang ủng hộ Kim Đại Trung (Kim Dae-jung), một chính khách bất đồng chính kiến với Phác Chính Hy. Nhưng rồi Phác Chính Hy lại tái đắc cử vào năm 1971. 

Cuộc bầu cử Quốc Hội tiếp theo sau bầu cử tổng thống đã đem lại chiến thắng cho phe đối lập. Đa số các ghế đại biểu thuộc về đối lập, tạo cơ hội cho phe đối lập sửa đổi hiến pháp. Cảm thấy quyền lực bị đe dọa, Phác Chính Hy đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 12/1971. Đến tháng 10/1972, họ Phác tuyên bố thiết quân luật, giải tán Quốc Hội và tạm ngừng thực thi hiến pháp. 

Nền Đệ Tứ Cộng Hòa 1972–1979

Nền Đệ Tứ Cộng Hòa bắt đầu bằng bản Hiến Pháp Phục Hưng (Yushin Constitution) vào ngày 21 tháng 11 năm 1972. Bản hiến pháp này cho Phác Chính Hy quyền kiểm soát Quốc Hội và có khả năng làm tổng thống trọn đời. Tổng thống sẽ được bầu gián tiếp bởi một nhóm dân biểu, với nhiệm kỳ 6 năm và không có giới hạn số nhiệm kỳ. Ngành Lập Pháp và Tư Pháp bị nhóm cầm quyền kiểm soát. Chính quyền cũng kiểm soát luôn ngành giáo dục, sửa đổi sách giáo khoa cho phù hợp với quan điểm của chính quyền, khiến cho Bộ Giáo Dục không còn thực quyền. Bản hiến pháp này được công chúng thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý với tỷ lệ 93.3%, một con số khó tin được. Với bản hiến pháp này, Phác Chính Hy trở thành một nhà độc tài hợp hiến. 

Mặc dù có nhiều bất ổn chính trị và xã hội, kinh tế tiếp tục phát triển mạnh. Các kế hoạch phát triển 5 năm liên tiếp gặt hái được nhiều thành quả. Kinh tế Hàn Quốc chuyển sang hướng phát triển hóa học và công nghiệp nặng. Các tập đoàn tài phiệt tiếp tục được ưu đãi, lớn mạnh và khống chế nền kinh tế. 

Sinh viên và các nhà hoạt động tranh đấu tiếp tục xuống đường đòi bãi bỏ bản Hiến Pháp Phục Hưng. Để đối phó với tình trạng bất ổn, chính quyền Phác Chính Hy lại tuyên bố trình trạng khẩn cấp vào các năm 1974 và 1975, bắt giam hàng trăm nhà bất đồng chính kiến. Làn sóng phản đối càng mạnh hơn, với sự tham gia của các chính trị gia, giới trí thức, các nhà lãnh đạo tôn giáo, giới công nhân và nông dân. 

Năm 1978, Phác Chính Hy lại đắc cử tổng thống qua thể thức bầu gián tiếp. Các cuộc biểu tình càng nổ ra lớn hơn. Để đáp trả, chính quyền đã loại Kim Vịnh Tam (Kim Young-sam), một trong những lãnh tụ đối lập, ra khỏi Quốc Hội và dùng vũ lực đàn áp các nhà hoạt động. Năm 1979, biểu tình lan rộng trên toàn quốc. Trong con rối loạn chính trị đó, Phác Chính Hy đã bị giám đốc của Cơ Quan Tình Báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA) là Kim Jae-gyu hạ sát ngày 26 tháng 10, chấm dứt chế độ quân phiệt sau 18 năm. (Kim Jae-gyu sau đó lại bị bắt giữ vì tội này, rồi bị treo cổ)

Thời kỳ cai trị của Phác Chính Hy đầy bất ổn chính trị, nhưng cũng là thời kỳ phát triển kinh tế mạnh mẽ nhất. Chính trong thời kỳ này mà đất nước Hàn Quốc lột xác, từ một quốc gia nhược tiểu nghèo nàn trở thành một cường quốc kinh tế. Báo chí quốc tế thường gọi cuộc phát triển thần kỳ này là  “Phép Lạ bên Sông Hàn (Miracle on the Han River)".. 

Nền Đệ Ngũ Cộng Hòa 1979–1987

Sau khi Phác Chính Hy chết, thủ tướng Thôi Khuê Hạ tạm giữ quyền tổng thống. Đến tháng 12 năm 1979 ông ta chính thức được Quốc Hội bầu làm tổng thống. Nhưng chỉ 6 ngày sau khi nhậm chức, ông ta bị tiếm quyền trong cuộc đảo chính ngày 12 tháng 12 do tướng Toàn Đẩu Hoán (Chun Doo-hwan) cầm đầu. Trên danh nghĩa, Thôi Khuê Hạ vẫn là tổng thống nhưng thực quyền nằm trong tay Toàn Đẩu Hoán. 

Tháng 5 năm 1980, một cuộc đối đầu giữa sinh viên và quân đội nổ ra ở thành phố Quang Châu (Gwangju). Cuộc đối đầu biến thành cuộc biểu tình rộng khắp trong thành phố, kéo dài 9 ngày và kết thúc bằng một cuộc thảm sát mà sau này các sử gia gọi là "Cuộc Thảm Sát Quang Châu". Có khoảng 200 thường dân bị giết và 850 người bị thương.

Cuộc nổi dậy ở Quang Châu tháng 05/1980

Tháng Sáu năm đó, Toàn Đẩu Hoán giải tán Quốc Hội, lập ra Hội Đồng Khẩn Cấp Bảo Vệ Quốc Gia và tự cho mình là một thành viên. Tháng Chín, tổng thống Thôi Khuê Hạ bị ép từ chức để nhường quyền cho Toàn Đẩu Hoán. Họ Toàn sau đó được bầu làm tổng thống theo thể thức gián tiếp và tuyên thệ vào tháng Ba năm kế tiếp, chính thức bắt đầu nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. Một bản hiến pháp mới được thiết lập với một số thay đổi. Tổng thống vẫn được bầu gián tiếp, nhưng giới hạn trong một nhiệm 7 năm duy nhất, Quốc Hội có thêm quyền hạn, được quyền chỉ định chánh án của Tối Cao Pháp Viện. 

Chính quyền hứa hẹn một thời kỳ phát triển kinh tế mới và một nền dân chủ pháp trị. Chính sách kiểm soát tiền tệ chặt chẽ và lãi suất thấp đã giúp giá cả ổn định và kinh tế bùng phát trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn và ô tô. Đầu tư ngoại quốc được khuyến khích và tổng sản lượng kinh tế tăng nhanh nhờ xuất khẩu. Dầu vậy, sự phát triển kinh tế nhanh chóng này lại làm tăng thêm sự cách biệt giữa giàu và nghèo, giữa nông thôn và thành thị, cộng thêm với sự đàn áp các chính khách bất đồng chính kiến khiến mối bất mãn trong dân chúng càng tăng lên. 

Chính quyền cũng quan tâm việc phát triển văn hóa, các viện bảo tàng quốc gia được xây dựng, và Á Vận Hội 1986 được tổ chức thành công ở Seoul. Hàn Quốc lúc đó cũng đã được chọn đăng cai Thế Vận Hội 1988. 

Mặc dù đạt được những thành tựu kinh tế và văn hóa đáng kể, trong con mắt của người dân một chính quyền được dựng lên từ một cuộc đảo chính vẫn là một chính quyền quân phiệt, và lòng tin vẫn còn thấp khi các hứa hẹn cải tổ dân chủ không bao giờ được thực thi. 

Trong cuộc bầu cử Quốc Hội năm 1985, phe đối lập chiếm đa số, chứng tỏ lòng dân muốn thay đổi. Tháng 01 năm 1987, một sinh viên trường đại học Seoul bị cảnh sát bắt giữ trong khi biểu tình, anh ta đã chết trong đồn cảnh sát sau đó. Sự kiện này khơi dậy ký ức về cuộc thảm sát Quang Châu, khiến dân chúng nổi giận. Tháng Tư năm đó, tổng thống Toàn Đẩu Hoán tuyên bố bảo vệ bản hiến pháp hiện thời, thay vì thay đổi để cho dân chúng bầu tổng thống trực tiếp. Tuyên bố này càng làm dân chúng thêm ủng hộ phe đối lập. Tháng Sáu, hơn một triệu sinh viên và dân chúng tham gia vào cuộc biểu tình được gọi là "Phong Trào Dân Chủ Tháng Sáu". Đây cũng là lúc sắp sửa có cuộc bầu cử tổng thống. Ứng cử viên tổng thống Lô Thái Ngu (Roh Tae-woo) buộc phải đáp ứng yêu sách của dân chúng, ông ta đã công bố bản Tuyên Ngôn 26 Tháng Sáu kêu gọi bầu cử tổng thống trực tiếp và phục hồi lại các quyền dân sự. Tháng Mười năm đó, hiến pháp được sửa đổi lại trong một cuộc trưng cầu dân ý. Tháng Mười Hai, tổng thống mới được bầu trực tiếp, chấm dứt nền Đệ Ngũ Cộng Hòa.

Nền Đệ Lục Cộng Hòa 1987–Hiện Tại

Lô Thái Ngu đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử trực tiếp lần đầu tiên sau 16 năm. Mặc dù họ Lô là một quân nhân và từng tham gia vào vụ đảo chính do Toàn Đẩu Hoán cầm đầu trước đây, nhưng ông ta thắng cử là vì hai ứng cử viên đối lập Kim Đại Trung và Kim Vịnh Tam không chịu tranh cử chung một liên danh. Điều này khiến cho những cử tri ủng hộ phe đối lập bị chia phiếu, thay vì dồn phiếu bầu cho một người, họ bị chia làm hai, khiến cho Lô Thái Ngu có cơ hội thắng cử. 

Dù vậy, họ Lô vẫn không biến thành một nhà độc tài. Sau khi nhậm chức, Lô Thái Ngu dần dần loại bỏ những tàn tích của các chế độ độc tài, sửa đổi luật pháp theo hướng dân chủ. Quyền tự do ngôn luận được tôn trọng, tính độc lập của các trường đại học được công nhận. Thế Vận Hội 1988 diễn ra ở Soul, mở ra cho thế giới thấy một nước Hàn Quốc hiện đại, văn minh, và một chính quyền hoạt động hữu hiệu. 

Một sự kiện lịch sử diễn ra vào năm 1990, khi Bắc Triều Tiên chấp nhận đề nghị trao đổi văn hóa và thể thao giữa hai nước. Năm 1991, sau một tuyên bố chung về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân, cả hai nước được nhận làm thành viên của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc. Lúc này tại Bắc Triều Tiên, Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) vẫn còn làm lãnh tụ kể từ khi chia cắt đất nước. 

Chính quyền của Lô Thái Ngu đã mở đầu cho nền Đệ Lục Cộng Hòa, và nền cộng hòa đó vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay, trải qua nhiều đời tổng thống. Lý do nó vẫn giữ nguyên danh xưng Đệ Lục Cộng Hòa đến nay là vì từ thời Lô Thái Ngu trở đi, nền dân chủ đã được thiết lập, các đời tổng thống sau vẫn tiếp tục theo khuôn mẫu dân chủ này, không có những biến động chính trị lớn lao như các đời tổng thống trước, ngoại trừ một vài biến cố đáng ghi nhận. Kể từ năm 1987, hiến pháp giới hạn mỗi nhiệm kỳ tổng thống là 5 năm, và không ai được tái tranh cử. Các đời tổng thống tiếp theo gồm có:

Kim Vịnh Tam (Kim Young-sam) 1993-1998: là một chính trị gia đối lập chống độc tài từ thời tổng thống Lý Thừa Vãn. Ông ta đã từng bị loại khỏi Quốc Hội, bị cấm tham gia chính trị và bị quản thúc tại gia dưới thời tổng thống Toàn Đẩu Hoán. Là tổng thống dân sự đầu tiên trong vòng 30 năm. Ông hứa hẹn sẽ xây dựng một nước "Hàn Quốc mới", sửa đổi những sai lầm của các chế độ cũ. Dưới sức ép của quần chúng, hai cựu tổng thống Toàn Đẩu Hoán và Lô Thái Ngu đã bị đưa ra tòa vì tội tham nhũng. Toàn Đẩu Hoán còn bị quy trách nhiệm trong cuộc thảm sát Quang Châu. Cả hai bị kết án và bị giam năm 1996, nhưng được Kim Vịnh Tam ân xá một năm sau. Năm 1997, Hàn Quốc bị ảnh hưởng của cuộc Khủng Hoảng Tài Chính Á Châu, phải nhờ đến sự trợ giúp của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, điều này làm giảm uy tín của Kim Vịnh Tam.

Kim Đại Trung (Kim Dae-jung) 1998–2003: Hoạt động chính trị từ thời tổng thống Lý Thừa Vãn, Kim đã từng là dân biểu Quốc Hội. Ông bị kết án tử hình dưới thời tổng thống Toàn Đẩu Hoán vì chống đối chế độ, án này sau được giảm xuống còn 20 năm nhờ sự can thiệp của tòa thánh Vatican vì ông ta là tín hữu Công Giáo, sau đó ông ta sống lưu vong và dạy học, viết báo tại Hoa Kỳ. Trở về nước năm 1985, ông tái tham gia vào chính trường và đắc cử tổng thống năm 1998. Kim Đại Trung đã giúp đưa Hàn Quốc khắc phục khủng hoảng kinh tế nhanh chóng và tái cấu trúc lại hệ thống tài phiệt. Giải bóng đá thế giới World Cup 2002 đồng tổ chức với Nhật Bản đã thành công mỹ mãn. Ông đề xuất Chính Sách Ánh Dương (Sunshine Policy), một chính sách ngoại giao hòa giải với Bắc Triều Tiên, hợp tác kinh tế, chính trị và tổ chức các cuộc gặp giữa những gia đình ở hai miền bị ly tán từ thời chiến tranh. Vì chính sách này mà Kim Đại Trung được trao giải Nobel Hòa Bình năm 2000. 

Lô Vũ Huyền (Roh Moo-hyun) 2003–2008: Chính quyền họ Lô cũng có những cố gắng cải cách và xây dựng nhưng rất chậm chạp. Năm 2004 ông ta bị Quốc Hội biểu quyết truất phế vì tham nhũng, nhưng sau đó nhờ sự ủng hộ của cử tri, ông ta được Tòa Án Hiến Pháp đảo ngược quyết định này và trở lại nắm quyền. Tuy nhiên, uy tín của ông ta càng ngày càng xuống thấp. Sau khi mãn nhiệm, ông ta bị điều tra tội hối lộ và tham nhũng. Tháng 09 năm 2009, ông ta tự tử. 

Lý Minh Bác (Lee Myung-bak) 2008–2013: Từng là tổng giám đốc của tập đoàn Hyundai Engineering & Construction. Ông ta áp dụng một chính sách ngoại giao cứng rắn đối với Bắc Triều Tiên. Sau khi mãn nhiệm, ông ta bị điều tra tội tham nhũng, hối lộ, chiếm đoạt tài sản công, trốn thuế và lạm quyền. Năm 2018 ông ta bị kết án 15 năm tù. 

Phác Cận Huệ (Park Geun-hye) 2013–2017: Bà là con gái của cố tổng thống Phác Chính Hy, là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, cũng là phụ nữ đầu tiên ở Á Đông được cử vào chức vụ lãnh đạo quốc gia theo thể chế bầu cử trực tiếp. Bà cũng là tổng thống đầu tiên sinh ra sau khi nền Cộng Hòa được thiết lập. Năm 2013 và 2014, bà được xếp hạng 11 trên sách 100 Phụ Nữ Quyền Lực Nhất Thế Giới của tạp chí Forbes, và đứng đầu ở Á Châu. Khi tuyên thệ nhậm chức, Phác Cận Huệ tuyên bố sẽ xây dựng một "kỷ nguyên hy vọng và hạnh phúc cho tất cả mọi người". Bà cũng hứa sẽ xóa bỏ "bốn tội ác xã hội". Bốn tội ác đó là: quấy rối tình dục, bạo hành trong gia đình, bạo hành trong trường học và thực phẩm độc hại. Bà lập ra các ủy ban để giám sát và báo cáo lại về các tiến trình thực thi chính sách của bà. Trong khi tại chức, Phác Cận Huệ bị liên hệ đến vụ bê bối của Choi Soon-sil. Choi Soon-sil là một người quen biết với bà Phác từ khi bà chưa làm tổng thống. Khi Bà Phác làm tổng thống, Choi không giữ một chức vụ gì nhưng lại hành xử như một người có chức quyền và có nhiều ảnh hưởng đến các quyết định của tổng thống. Bà Choi đã gặp gỡ nhiều chính khách, những người lãnh đạo các tập đoàn, móc ngoặc với họ và nhận hối lộ. Năm 2016, báo chí Hàn Quốc phanh phui vụ bê bối này, tạo ra một làn sóng căm phẫn trong dân chúng. Các cuộc biểu tình lớn xảy ra trên toàn quốc. Tháng 01/2017, Tòa Án Hiến Pháp bắt đầu tiến trình xét xử tổng thống, đến tháng Ba, tòa án quyết định truất phế bà Phác Cận Huệ, chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống, bà bị án 25 năm tù. Choi Soon-sil bị án 20 năm tù và phải nộp phạt 18 tỉ Won (16.6 triệu USD).

Văn Tại Dần (Moon Jae-in) 2017- : Là tổng thống đương nhiệm. Cha của ông là một người tị nạn từ Bắc Triều Tiên trong thời nội chiến Nam-Bắc, có lẽ vì lý do đó mà ông ta rất tận lực trong việc cải thiện quan hệ giữa hai miền. Thành tích ngoại giao lớn nhất của ông là đã thuyết phục được lãnh đạo hai nước Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ là Kim Chính Ân và Donald Trump họp thượng đỉnh để bàn về việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. 

Vai trò của Ki-tô Giáo 

Ki-tô Giáo (hay còn gọi là Cơ Đốc Giáo, bao gồm Công Giáo và Tin Lành) được truyền bá đến Triều Tiên từ cuối thế kỷ 16, nhưng đến cuối thế kỷ 18 mới bắt đầu phát triển. Đạo Phật và Khổng Giáo đã có ở Triều Tiên từ lâu đời. Khổng Giáo được triều đình coi như là nền tảng để duy trì trật tự xã hội và bảo vệ chế độ quân chủ, vì vậy chính quyền rất dị ứng với Ki-tô Gíáo. Họ lo sợ ảnh hưởng của tôn giáo mới này sẽ làm lung lay chế độ, nên ra sức đàn áp từ trong trứng nước. Dân chúng bị cấm ngặt theo đạo, giáo dân bị tù đày, tra tấn hoặc xử tử. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, Ki-tô Giáo vẫn âm thầm phát triển. 

Kể từ cuối thế kỷ 19, những bất ổn của đất nước và nguy cơ bị rơi vào ách độ hộ của các cường quốc đã làm cho những nhà ái quốc cảm thấy một nhu cầu cấp bách để thay đổi xã hội. Họ tìm thấy nơi Ki-tô Giáo một niềm hy vọng. Họ cho rằng sự truyền bá của Ki-tô Giáo sẽ giúp thay đổi tư duy của một xã hội Triều Tiên đang bị tụt hậu và ngủ mê trong trật tự Khổng Giáo. Khi Nhật Bản cai trị Triều Tiên, họ ép người Triều Tiên phải đồng hóa với Nhật, họ muốn xóa bỏ nguồn gốc văn hóa Triều Tiên. Người Triều Tiên đã dùng Ki-tô Giáo như một phương tiện để chống lại sự đồng hóa, họ coi Ki-tô Giáo là cứu cánh cho dân tộc. Có một thời thành phố Bình Nhưỡng (tức Pyongyang, nay là thủ đô của Bắc Triều Tiên) được mệnh danh là "Thành Jerusalem Phương Đông (Jerusalem of the East)". Nơi đây đạo Thiên Chúa phát triển mạnh mẽ trong nửa đầu thế kỷ 20, đến nỗi các nhà truyền giáo Tây Phương đã ví nó như là thành phố Jerusalem của Do Thái, nơi xuất phát đạo Thiên Chúa. 

Khi đất nước bị chia đôi, phần lớn tín hữu Ki-tô Giáo miền Bắc đã di cư vào Nam vì họ không muốn sống chung với chế độ Cộng Sản vô thần. Kể từ đó, Ki-tô Giáo ở miền Nam thì phát triển mạnh mẽ còn ở miền Bắc thì không ai biết được chính xác hiện tình của các tôn giáo nói chung ra sao. Người Hàn Quốc coi sự phát triển của Ki-tô Giáo là một phần quan trọng của tiến trình dân chủ hóa và hiện đại hóa đất nước. Họ cho rằng Ki-tô Giáo đem lại tư duy mới, sinh khí mới và sự phát triển kinh tế. Thống kê năm 2015 cho thấy có khoảng 20% dân số Hàn Quốc theo đạo Tin Lành, 8% Công giáo, và 15.5% Phật Giáo.

Quân Đội Hàn Quốc trong Chiến Tranh Việt Nam

Khi tiếng súng trên bán đảo Triều Tiên vừa ngưng thì trên bán đảo Đông Dương, một cuộc chiến khác lại bắt đầu, đó là chiến tranh Việt Nam (1955-1975). Cũng tương tự như Triều Tiên, Việt Nam cũng chia thành hai miền Nam-Bắc ở hai bên chiến tuyến. Miền Nam theo Chủ Nghĩa Tư Bản được Hoa Kỳ hậu thuẫn, còn miên Bắc thì theo Chủ nghĩa Cộng Sản được Liên Xô và Trung Quốc hậu thuẫn. Vì những tương đồng này mà chính quyền Hàn Quốc cảm thấy họ có nghĩa vụ đóng góp cho đồng minh tại Việt Nam. Quân đội Hàn Quốc hiện diện ở Việt Nam trong khoảng 1969-1972, dưới thời tổng thống Phác Chính Hy. Số lượng binh sĩ Hàn Quốc phục vụ ở Việt Nam dao động trong khoảng 30,000-50,000 người, với tổng cộng 300,000 người luân phiên nhau. 

Sự hiện diện cúa quân đội Hàn Quốc ở Việt Nam thật ra không giúp xoay chuyển được tình thế, quân đội Hàn Quốc phần lớn đóng vai trò thụ động, ít khi trực tiếp tham chiến. Tuy rằng trên danh nghĩa là giúp đỡ đồng minh cùng chung lý tưởng, nhưng trên thực tế, không phải người lính nào sang Việt Nam cũng vì lý tưởng. Nhiều người tham gia chiến đấu để có cơ hội thăng chức, và đồng lương của họ giúp nuôi sống gia đình ở Hàn Quốc, vốn còn đang trong thời kỳ vất vả. Quân đội Hàn Quốc, cũng như quân đội Hoa Kỳ, thật ra rất lúng túng ở Việt Nam. Chiến tranh Triều Tiên là chiến tranh quy ước, hai phe đào hào đắp lũy, dàn quân đánh nhau với quy mô lớn. Còn ở Viêt Nam, quân Cộng Sản áp dụng chiến tranh du kích, lẫn trốn trong rừng rậm, nông thôn. Nên khi đến Việt Nam, binh sĩ Hàn Quốc và Hoa Kỳ bị lâm vào một tình huống hoàn toàn khác hẳn. Họ không thấy địch đâu, chỉ thấy những ngôi làng ban ngày thì yên tĩnh, nhưng ban đêm thì địch quân trà trộn vào, phục kích bắn lén. Khi họ bắn trả lại thì kết quả là thường dân chết theo địch. Nó là một cuộc chiến mà những vũ khí hiện đại đầy uy lực và binh lực hùng hậu cũng trở thành vô dụng. 

Trong thời gian đóng quân, quân đội Hàn Quốc đã du nhập vào Việt Nam một thứ mà cho đến ngày nay, người dân Việt vẫn còn yêu thích, đó là môn võ Thái Cực Đạo (Taekwondo). Môn võ này ban đầu được dùng để dạy cho các binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa, nhưng sau đó đã được dạy rộng rãi trong công chúng. 

Khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Paris 1973 thì quân đội Hàn Quốc cũng rút theo, để lại một mình quân đội Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu với quân đội Cộng Sản miền Bắc. 

Nhận Xét 

Cũng như Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước Á Châu khác, Triều Tiên cũng phải trải qua một thời kỳ đắm chìm trong sự đô hộ của ngoại bang và cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nỗi nhục mất nước đó đã thức tỉnh tinh thần dân tộc. Họ nhận ra rằng nguyên do mất nước không phải vì dân tộc Triều Tiên kém khả năng hơn các dân tộc khác. Không giống như các quốc gia Á Châu khác, Triều Tiêu không bị cai trị bởi một cường quốc Tây Phương, mà bởi chính quốc gia láng giềng là Nhật Bản.

Chỉ mới mấy thập niên trước đó thôi, Nhật Bản cũng là một quốc gia nhược tiểu không hơn gì Triều Tiên. Thế mà chỉ sau một thời gian ngắn mạnh dạn thay đổi, canh tân đất nước theo đường lối Tây Phương, Nhật đã mau chóng trở thành một cường quốc và đã xâm chiếm Triều Tiên. Trong khi Nhật thay đổi thì triều đình Triều Tiên vẫn khư khư giữ chặt những tư duy, trật tự xã hội cũ, bỏ ngoài tai những kêu gào thay đổi của giới sĩ phu trong nước. Giới cầm quyền cho rằng những gì đến từ Tây Phương là xa lạ, không hợp với đạo đức và tư duy của Á Đông, nên khinh bỉ và cấm ngặt. Đạo Ki-tô cũng nằm trong vùng cấm này. Hậu quả của sự tự nhốt mình đó ra sao, nay ai cũng biết. 

Khi đất nước bị chia đôi, Nam Triều Tiên trải qua một sự thay đổi lột xác. Sự thay đổi này không êm thắm nhẹ nhàng mà nó là cả một quá trình tranh đấu bằng máu, mồ hôi và nước mắt. Nam Triều Tiên có một may mắn là nó được tiếp quản bởi quân đội Hoa Kỳ sau Thế Chiến II. Ngay từ đầu, Hoa Kỳ đã xác định là sẽ xây dựng đất nước Triều Tiên theo chiều hướng dân chủ và áp dụng chính sách kinh tế thị trường tự do, giống như mô hình mà chính Hoa Kỳ đang theo đuổi. Định hướng này đã đưa Nam Triều Tiên đến sự thịnh vượng như ngày nay. Trong suốt thời gian các chế độ độc tài của Lý Thừa Vãn, Phác Chính Hy và Toàn Đẩu Hoán nắm quyền, Hoa Kỳ luôn bị đặt vào tình thế hết sức tế nhị và khó xử. Hoa Kỳ không ủng hộ các chế độ độc tài ở Nam Triều Tiên, nhưng cũng không muốn những xáo trộn, bất ổn có thể làm miền Nam sụp đổ, vì quân đội miền Bắc luôn trong tư thế sẵn sàng tấn công bất cứ lúc nào. Những bất ổn chính trị ở miền Nam có thể dễ dàng bị miền Bắc lợi dụng, bằng chứng là cuộc ám sát bất thành của Mun Se-gwang, một người Nhật được Bắc Triều Tiên chiêu mộ, nhắm vào tổng thống Phác Chính Hy vào năm 1974, giữa lúc phong trào chống đối của phe đối lập đang dâng cao. Hoa Kỳ không thể xen vào nội tình chính trị của Nam Triều Tiên, nhưng cũng không thể khoanh tay ngồi nhìn những nhà dân chủ bị đàn áp. Mỗi khi có những nhà đối lập quan trọng bị bắt, Hoa Kỳ luôn can thiệp, yêu cầu chính quyền đối xử nhân nhượng với họ. Những động thái này làm cho quan hệ giữa Hoa Kỳ và các chính quyền độc tài luôn ở trong tình trạng căng thẳng và mong manh. 

Trong khi đó tại Bắc Triều Tiên, Liên Xô đã áp dụng Chủ Nghĩa Xã Hội và tập trung quyền lãnh đạo vào gia đình họ Kim, kết quả là Bắc Triều Tiên là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới hiện nay còn chế độ cha truyền con nối, và kinh tế Bắc Triều Tiên vẫn nằm trong nhóm các quốc gia chưa phát triển. Tại miền Nam, người dân luôn ý thức rằng họ đang bị kẹp giữa hai cường quốc là Trung Quốc và Nhật Bản. Nếu không ngừng cố gắng vươn lên thì họ có thể có nguy cơ bị tụt hậu như trước kia, nên Nam Triều Tiên không ngừng phát triển. Còn tại miền Bắc thì bộ máy tuyên truyền nhà nước luôn đem thành tích "chống Mỹ cứu nước" ra tuyên truyền để thổi phồng lòng tự hào dân tộc, gây cho người dân miền Bắc ảo tưởng rằng họ là dân tộc anh hùng nhất, tiến bộ nhất trên địa cầu, trong khi họ không biết rằng họ đang bị thế giới xếp vào hàng những quốc gia lạc hậu nhất thế giới. 

So sánh hai miền Nam, Bắc Triều Tiên & Việt Nam:

Nam Triều Tiên Bắc Triều Tiên Việt Nam
Dân số (năm 2018) 51 triệu 25 triệu 97 triệu
Tổng sản lượng quốc gia
(năm 2017)
2035 tỷ USD
(Xếp hạng 14)
40 tỷ USD
(Xếp hạng 117)
649 tỷ USD
(Xếp hạng 35)
Lợi tức bình quân đầu người
(năm 2017)
39500 USD
(Xếp hạng 46)
1700 USD
(Xếp hạng 214)
6900 USD
(Xếp hạng 159)

Nguồn: Sách Dữ kiện Thế giới của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ (CIA World Factbook)
https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/ks.html



Tài liệu tham khảo:
https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_South_Korea
https://en.wikipedia.org/wiki/Syngman_Rhee
https://www.christianitytoday.com/history/2018/february/korean-christianity.html
https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/ks.html
https://piie.com/publications/chapters_preview/341/2iie3373.pdf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét