Translate

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

Venezuela: Một quốc gia có hai tổng thống

Venezuela là quốc gia duy nhất trên thế giới hiện nay có hai vị đương kim tổng thống: Nicolas Maduro và Juan Guaido. Cả hai đều tuyên bố mình là tổng thống hợp pháp, cả hai đều có lực lượng quần chúng ủng hộ, và đều được một số quốc gia công nhận. Sao lại có chuyện kỳ lạ này?

Nicolas Maduro (trái) và Juan Guaido (phải). Cả hai đều tuyên bố mình là tổng thống hợp pháp của Venezuela.



Quốc gia nào cũng có những điều nghịch lý, nhưng có lẽ những điều nghịch lý ở Venezuela hiện đang được truyền thông quốc tế nói đến nhiều nhất. Những điều nghịch lý đó là:

1) Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu thô nhiều nhất thế giới. Với dân số khoảng 31 triệu người, số dầu thô này thừa sức đem lại một đời sống sung túc cho dân chúng. Thế nhưng người dân Venezuela hiện thiếu thốn mọi thứ, từ lương thực, thuốc men, đến hàng tiêu dùng mọi thứ. Đa số dân chúng đang sống bên bờ vực đói kém, hàng triệu người phải chạy sang các nước láng giềng tị nạn, tạo nên một cuộc khủng hoảng ở các vùng biên giới.

2) Mặc dù dân chúng đang rất thiếu thốn khổ cực, chính quyền vẫn bòn rút tài nguyên dầu thô để viện trợ cho Cuba, một quốc gia Cộng Sản trong vùng cũng nổi tiếng là nghèo đói, dù không đến nỗi khủng hoảng như Venezuela.

3) Dù không có chiến tranh, Venezuela hiện bị xếp hạng nhì trên danh sách các quốc gia nguy hiểm nhất thế giới, với số người bị giết, cướp, bắt cóc, hãm hiếp, chết vì đói, vì thiếu thuốc men v.v... cao đến mức khủng hoảng (quốc gia đứng đầu bảng là El Salvador). Thủ đô Caracas cũng bị xếp hạng nhì trên danh sách các thành phố có số người bị sát hại cao nhất hàng năm, với tỷ lệ 111 người trên mỗi 100,000 dân cư  (thành phố xếp hạng nhất là Los Cabos của Mexico). Ngay cả Syria và Iraq là hai quốc gia đang có chiến tranh mà được coi là ít nguy hiểm hơn Venezuela.

4) Như đã nói ở trên, Venezuela hiện có hai tổng thống. Không những có hai tổng thống mà còn có hai quốc hội nữa. Cả hai bên  đều đang cố tranh giành ảnh hưởng trong và ngoài nước. Dù chưa đến nỗi phải dùng súng đạn nhưng những xung đột đã gây thiệt mạng nhiều người.

Trên đây chỉ là một số trong muôn và điều nghịch lý ở Venezuela. Nguồn cơn bắt đầu từ thời tổng thống Hugo Chavez. Venezuela nằm ở Nam Mỹ, phía bắc của Brazil. Từ sau Thế Chiến II đến thập niên 1980, Venezuela là một quốc gia tương đối phát triển, với mức sống cao nhất trong các quốc gia vùng Châu Mỹ La Tinh, một phần cũng nhờ nguồn lợi xuất cảng dầu thô. Đến thập niên 1990, Venezuela rơi vào khủng hoảng vì giá dầu sụt giảm, chính quyền bất lực và tham nhũng. Hugo Chavez lúc đó là một sĩ quan trong quân đội. Bất mãn với chính quyền, ông đã tham gia nhiều tổ chức cách mạng và tham dự vào một âm mưu đảo chính vào năm 1992. Đảo chính bất thành, ông bị tù, sau đó được tha bổng. Năm 1998 ông ứng cử tổng thống và đắc cử.

Xem bài liên hệ:
Hugo Chavez và Con Đường Gập Ghềnh Tiến Lên Chủ Nghĩa Xã Hội

Với tư tưởng cách mạng, Hugo Chavez muốn xây dựng một xã hội công bằng. Chịu ảnh hưởng của Fidel Castro, ông ta muốn lèo lái đất nước đi theo con đường Xã Hội Chủ Nghĩa, vì ông tin tưởng rằng chỉ có XHCN mới xóa bỏ những bất công trong xã hội. Khi lên nắm quyền, Chavez lập ra các chương trình trợ cấp cho người nghèo. Với mối lợi khổng lồ nhờ xuất cảng dầu thô, ông ta dùng số tiền này mua lương thực, thuốc men và hàng tiêu dùng để bán rẻ lại cho dân nghèo, một số được cho không. Mặt khác, ông ta cho quốc hữu hóa một số nông trại, đồn điền và các công ty lớn bằng cách tịch thu, đền bù với giá rẻ mạt, rồi giao lại cho các quan chức chính quyền quản lý.

Trong thập niên 2000, giá dầu thô tăng vọt, từ 40 USD/thùng năm 2000 lên đến hơn 140 USD/thùng năm 2008 (một thùng dầu có dung tích khoảng 160 lít). Số tiền lời thu được từ bán dầu tăng vọt, khiến cho tổng thống Chavez tha hồ ban phát ân huệ  cho dân nghèo, uy tín của ông lên cao, dân nghèo coi ông như vị cứu tinh của họ. Nhưng chính những đồng tiền lợi nhuận đó là mối họa sau này của người dân Venezuela.

Chính sách quốc hữu hóa và Xã Hội Chủ Nghĩa đã làm thui chột nền kinh tế Venezuela. Các công ty khi bị quốc hữu hóa, giao cho nhà nước quản lý thì trở nên kém hiệu năng. Từ làm ăn có lời, trở thành lỗ lã và phải sống nhờ bù lỗ của chính phủ. Vì không muốn công nhân bị mất việc nên chính phủ phải rót tiền xuống cho các công ty này để nó tồn tại. Các đồn điền, nông trại sau khi bị quốc hữu hóa thì trở nên hoang tàn, sản xuất lụn bại, năng xuất giảm hẳn. Rồi thêm nạn tham nhũng, bòn rút của công. Khi Chavez lên nắm quyền thì ông luôn kêu gọi làm cách mạng, thay cũ đổi mới. Chavez chỉ trọng dụng và tin tướng những người thuộc đảng Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela (gọi tắt là PSUV) do chính ông ta thành lập và lãnh đạo. Các chức vụ quan trọng trong chính quyền đều do các đảng viên PSUV nắm giữ. Tuy trên danh nghĩa, Venezuela là quốc gia đa nguyên đa đảng, nhưng từ khi lên nắm quyền, Chavez loại dần các đảng đối lập trong chính quyền, biến Venezuela thành thể chế gần như độc đảng. Ông phế truất những quan chức nào không đồng quan điểm cách mạng với ông và đặt để những người mà ông cho rằng có tư tưởng cách mạng, dù họ không có khả năng chuyên môn.

Nhiều người trong số này thật ra chỉ hô hào cách mạng ngoài miệng để được trọng dụng. Khi vào trong chính quyền, họ móc ngoặc, bòn rút của công. Tệ hơn nữa, có những quan chức cao cấp móc ngoặc với bọn buôn ma túy, tổ chức những đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, phần lớn số ma túy này nhắm vào Hoa Kỳ và Châu  u. Tướng Henry Rangel Silva, bộ trưởng quốc phòng, bị Cơ Quan Bài Trừ Ma Túy Hoa Kỳ tố cáo là một ông trùm bảo kê cho các tay buôn ma túy. Walid Makled, một trùm ma túy nổi tiếng người Venezuela, bị chính quyền Colombia bắt giữ năm 2010, trong thời gian bị giam tại Columbia đã thú nhận rằng nhiều tướng lãnh và viên chức trong chính quyền Chavez đã được hắn trả lương.

Hugo Chavez dĩ nhiên là bác bỏ tất cả những lời kết án này. Ông cho rằng Hoa Kỳ chống lại ông vì ông đi theo Chủ Nghĩa Xã Hội và ủng hộ chế độ Cộng Sản Cuba của Fidel Castro. Trong thời Chavez làm tổng thống đã có một cuộc đảo chánh do một số tướng lãnh thân Hoa Kỳ tố chức vào năm 2002. Cuộc đảo chính bất thành, Chavez tiếp tục nắm quyền. Vì lý do này mà Chavez căm ghét Hoa Kỳ. Ông ta thường xuyên lên án Hoa Kỳ và kêu gọi các quốc gia Châu Mỹ La Tinh đoàn kết chống lại "Đế Quốc Mỹ".

Bằng việc ban phát các phúc lợi xã hội cho dân nghèo, Chavez đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của họ. Nhưng như một câu châm ngôn đã từng được nói: nếu bạn cho người nào đó một con cá, thì bạn nuôi sống anh ta được một ngày; nhưng nếu bạn dạy anh ta cách bắt cá, thì bạn nuôi sống anh ta cả đời. Chính quyền Chavez chỉ biết "phát cá" cho dân chúng mà không biết dạy họ cách bắt cá. Thay vì dùng số tiền lời từ việc bán dầu thô để đầu tư phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho dân chúng, Chavez dùng phần lớn mua thực phẩm, thuốc men và hàng tiêu dùng bán rẻ lại cho dân. Đó là chưa kể đến nạn tham nhũng, thâm lạm công quỹ rất trầm trọng trong chính quyền. Chavez là một nhà cách mạng có lý tưởng, nhưng làm cách mạng và quản trị đất nước là hai việc khác nhau, và Chavez đã thất bại trong việc quản trị.

Hugo Chavez (phải) và nhà lãnh đạo Cuba Fidel Castro. Những năm cuối cùng trước khi Chavez qua đời
Những năm cuối trước khi Chavez qua đời, nền kinh tế tuột dốc thảm bại. Sản xuất đình đốn, lương thực, thuốc men và hàng tiêu dùng thiếu trầm trọng, lạm phát phi mã, tham nhũng tràn lan. Khi giá dầu thô còn cao thì các vấn nạn này bị che lấp đi, nhưng đến cuối năm 2008 khi giá dầu thô rớt từ trên 140 USD/thùng xuống còn dưới 50 USD/thùng thì Venezuela rơi vào khủng hoảng. Dân chúng phải xếp hàng rồng rắn cả ngày để mua các lương thực và hàng tiêu dùng khan hiếm, bệnh viện thiếu thuốc men và dụng cụ trầm trọng. Thay vì nhìn nhận sai lầm, Hugo Chavez luôn đổ lỗi cho Hoa Kỳ. Ông ta cho rằng chính Hoa Kỳ đang âm mưu dùng đòn "chiến tranh kinh tế" để lật đổ chính phủ của ông.

Khi biết mình mắc bệnh ung thư thời kỳ cuối, Chavez đã cất nhắc người thân tín là Nicolas Maduro vào chức vụ phó tổng thống. Maduro vốn là một tài xế lái xe buýt. Nhờ thành tích tranh đấu cho nghiệp đoàn mà ông được Chavez chú ý từ khi chưa làm tổng thống. Về sau được Chavez trọng dụng và chọn làm người kế tục. Năm 2013, Chavez chết khi đang làm tổng thống, Maduro tạm thời lên thay như hiến pháp quy định. Một cuộc bầu cử được tổ chức sau đó để chính thức bầu lại tổng thống. Maduro với phương tiện và quyền hành trong tay, đã dùng mọi thủ đoạn để được đắc cử. Ông ta thắng sít sao với tỉ số phiếu 51%. Phe đối lập tố cáo ông ta gian lận trong cuộc bầu cử, dân chúng liên tục xuống đường phản đối, nhưng Maduro vẫn kiên quyết bám quyền.

Xem bài liên hệ:
Venezuela Thừa Dầu Thô, Thiếu Giấy Vệ Sinh

Dưới thời của Maduro, mọi sự càng tệ hại hơn. Kể từ năm 2013 đến nay, Venezuela luôn đứng đầu bảng của "các quốc gia tệ hại nhất" về mặt kinh tế. Người dân thiếu thốn đủ mọi thứ. Mỗi ngày người ta phải mất hàng giờ đồng hồ, có khi cả ngày, để xếp hàng mua các thứ cần dùng. Các siêu thị trống trơn, không có hàng để bán. Dân chúng phải vượt biên giới sang các nước lân cận mua hàng về, nhưng rồi đồng tiền Venezuela mất giá đến nỗi họ không còn đủ khả năng mua hàng của nước bạn. Năm 2018, tỷ lệ lạm phát của Venezuela là 1,000,000% (một triệu phần trăm), có nghĩa là một món hàng nếu đầu năm nó trị giá 1 Bolivar (đơn vị tiền tệ của Venezuela) thì đến cuối năm có trị giá 10,000 bolivar, gấp mười ngàn lần!

Không những tham nhũng, các quan chức chính quyền còn tiếp tục dính dáng vào việc tổ chức buôn lậu ma túy. Diosdado Cabello, chủ tịch Quốc Hội và là phó chủ tịch đảng cầm quyền PSUV, bị Hoa Kỳ tố cáo là một người bảo kê cho các tổ chức ma túy ở Venezuela. Nhiều tướng lãnh thân trong quân đội cũng bị Hoa Kỳ tố cáo. Năm 2015, hai người cháu vợ của tổng thống Maduro là Campo Flores và Flores de Freitas bị bắt tại Haiti trong lúc đang vận chuyển 800 kg ma túy bằng máy bay riêng, dự định đưa tới thành phố New York. Hai người bị áp giải Hoa Kỳ, một năm sau họ bị đưa ra tòa và lãnh án 18 năm tù.

Kể từ nửa sau nhiệm kỳ của Hugo Chavez và suốt nhiệm kỳ của Nicolas Maduro, nhiều cuộc xuống đường phản đối của dân chúng và phe đối lập liên tục xảy ra. Bất mãn ngày càng gia tăng. Để đối phó lại, Chavez và Maduro đã sử dụng nhiều biện pháp bỏ tù các lãnh tụ phe đối lập, đóng cửa hoặc ép mua lại các tờ báo, đài truyền hình đối lập, gian lận trong các cuộc bầu cử. Tuy bị chống đối, nhưng Đảng cầm quyền PSUV của Chavez và Maduro cũng có được một lực lượng dân chúng ủng hộ khá đông đảo. Đa số những người này thuộc thành phần nghèo, nhận trợ cấp từ chính phủ. Họ sợ phe đối lập nếu lên nắm quyền sẽ cắt bỏ các trợ cấp này, như Chavez và Maduro thường cảnh báo họ, mặc dù phe đối lập nhiều lần khẳng định họ sẽ không cắt bỏ các chương trình trợ cấp cho người nghèo nếu chính quyền về tay họ.

Cường độ các cuộc biểu tình chống đối ngày càng tăng và sự ủng hộ của dân chúng dành cho Maduro ngày càng giảm. Ngay cả những người trước đây từng ủng hộ đảng PSUV và Hugo Chavez giờ cũng chán ngán với Maduro. Thay vì tìm cách sửa sai và thay đổi đường lối điều hành, Maduro chỉ biết đổ lỗi cho Hoa Kỳ. Ông ta cho rằng Hoa Kỳ đang huy động một cuộc "chiến tranh kinh tế" chống lại chế độ của ông ta. Cứ mỗi khi có một biến cố tai hại gì xảy ra như nhà máy lọc dầu bị cháy hay nhà máy phát điện bị phát nổ là ông ta tuyên bố đó là âm mưu "của các thế lực phản động", mặc dù các chuyên gia đều chỉ ra nguyên nhân là do quản trị kém.

Tháng 12/2015, dân chúng Venezuela tái bầu cử Quốc Hội. Các ứng cử viên của liên minh các đảng đối lập đã thắng lớn, chiếm 109 trong tổng số 164 ghế. Với thắng lợi này, phe đối lập hy vọng họ sẽ xoay chuyển được tình thế. Nhưng hy vọng đó đã tan biến vài năm sau. Ngay từ khi Quốc Hội mới được bầu lên, Maduro đã dùng đủ mọi thủ đoạn để vô hiệu hóa Quốc Hội. Trước đó ông ta đã thay Tòa Án Tối Cao bằng những người thân tín của mình, rồi Tòa Án này sau đó đưa ra những phán quyết tước bỏ quyền hành của Quốc Hội. Năm 2017 ông ta lại còn tổ chức bầu ra một quốc hội khác, gọi là "Quốc Hội Hiến Pháp", với ứng cử viên toàn là người do ông ta chỉ định, cũng tổ chức ứng cử và bầu cử, và sau khi đắc cử cũng họp hành giống như một quốc hội thực thụ. Dĩ nhiên là cái quốc hội bù nhìn này luôn ủng hộ các quyết định của Maduro, và cũng tuyên bố mình là cơ quan hợp pháp đại diện cho toàn dân.

Tháng 05/2018, Venezuela tái bầu cử tổng thống. Để bảo đảm thắng lợi, Maduro đã cấm ứng cử viên đối lập sáng giá Henrique Capriles tham gia, bỏ tù một số lãnh tụ đối lập và đặt ra các điều kiện khắt khe để phe đối lập không thể thắng được. Phe đối lập đã tẩy chay cuộc bầu cử này vì họ biết trước rằng đây là một cuộc bầu cử gian lận, không ai mong gì thắng được Maduro. Kết quả là Maduro đã thắng cử, mặc dù các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ của dân chúng dành cho Maduro xuống rất thấp.

Ngày 10 tháng 01 năm 2019, Nicolas Maduro tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ 2, bất chấp sự chống đối của phe đối lập và đa số dân chúng. Trước tình hình bế tắc đó, phe đối lập đã có một quyết định táo bạo. Ngày 23 tháng 01, chỉ hai tuần sau khi Maduro tuyên thệ, Quốc Hội đã tuyên bố công nhận chủ tịch Quốc Hội Juan Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela, không công nhận Maduro.

Venezuela trở thành một quốc gia có hai tổng thống đối đầu nhau.

Dân chúng ào xuống đường ủng hộ Juan Guaido. Maduro cũng không chịu thua, ông ta tuyên bố đây là một cuộc đảo chính và kêu gọi những người ủng hộ ông xuống đường. Tuy đa số dân chúng ủng hộ Juan Guaido, nhưng Maduro có một lợi thế là ông ta đang nắm trong tay lực lượng cảnh sát và mật vụ. Các quan chức chính quyền là người của ông ta nên dĩ nhiên họ nghe lệnh ông ta.

Juan Guaido được Hoa Kỳ, đa số các quốc gia Tây Phương và các quốc gia vùng Châu Mỹ La Tinh ủng hộ. Phía Maduro thì có Nga, Trung Quốc, Cuba, Iran, Syria và một số quốc gia nghèo trong vùng Châu Mỹ La tinh ủng hộ. Đa số các quốc gia ủng hộ Maduro là các quốc gia đang có chế độ độc tài, độc đảng, và chống lại Hoa Kỳ. Ngoài chính trị, các quốc gia này còn có lý do khác để ủng hộ Maduro. Trung Quốc và Nga đã từng cho chính phủ Maduro vay hàng chục tỉ USD. Maduro dùng dầu thô để trả nợ cho Trung Quốc, và cho các công ty Nga khai thác dầu của họ. Phe đối lập đã từng chỉ trích các món nợ này vì điều kiện chi trả không hợp lý, và số tiền vay nợ hầu hết đã bị tiêu tán vào việc gì không ai biết được. Vì lý do đó mà Nga và Trung Quốc sợ rằng khi phe đối lập lên nắm quyền thì họ không đòi được nợ, dù phe đối lập đã cố thuyết phục hai nước này rằng họ sẽ không bị mất quyền lợi khi chính quyền thay đổi. Cuba thì cũng đang cố bám víu vào Maduro, vì từ thời Hugo Chavez, ông ta đã viện trợ cho Cuba mỗi năm một lượng dầu trị giá hàng tỉ USD. Để đổi lại, Cuba cung cấp các bác sĩ và nhân viên y tế sang Venezuela làm việc với đồng lương rẻ mạt. Cuba còn gửi nhân viên tình báo và quân sự sang giúp chế độ Chavez để dọ thám các lực lượng đối lập. Vì vậy mà phe đối lập luôn phản đối mối quan hệ giữa Cuba và chế độ Chavez-Maduro.

Một lực lượng quan trọng khác cũng đang đứng về phía Maduro, đó là quân đội. Đa số binh lính và sĩ quan thật ra cũng chán ghét chế độ Maduro, nhưng các viên tướng cầm đầu thì vẫn ủng hộ ông ta. Lý do là Maduro đã khôn khéo mua chuộc họ bằng cách trao cho họ những quyền lợi về kinh tế. Maduro giao cho quân đội việc phân phối lương thực và nhu yếu phẩm cho dân nghèo. Các ông tướng tha hồ ăn bớt, làm giàu từ công việc này. Maduro lại đặt để những sĩ quan quân đội vào các vị trí điều hành kinh tế quan trọng, dù họ chẳng có kinh nghiệm và kiến thức gì trong các lĩnh vực này, tạo cơ hội cho họ tư túi. Chẳng hạn như việc đặt viên tướng Manuel Quevedo vào chức vụ chủ tịch công ty Dầu Khí Venezuela, dù ông này chẳng biết tí gì về dầu khí, khiến cho công ty này càng ngày càng tuột dốc thê thảm, mức khai thác dầu xuống thấp chưa từng thấy. Một số tướng lĩnh lại dính vào việc buôn lậu ma túy, một số khác đã từng ra lệnh cho quân đội đàn áp dân chúng, nên họ sợ  nên họ sợ khi Maduro ra đi thì họ sẽ phải ra tòa trả lời cho các tội ác của mình. Phe đối lập đã nhiều lần kêu gọi các tướng lãnh đứng về phía dân chúng và hứa sẽ khoan hồng khi lên nắm quyền, nhưng cho đến nay họ tuyên bố ủng hộ Maduro.

Từ mấy tuần lễ trước, Juan Guaido đã kêu gọi dân chúng tổng biểu tình vào ngày Quốc Tế Lao Động 01 tháng 05 để áp lực Maduro từ chức. Vào đúng ngày này, hàng trăm ngàn người đã ào ạt xuống đường. Mặc dù phe đối lập chủ trương bất bạo động, nhưng các cuộc biểu tình đã biến thành bạo động khi dân chúng ném gạch đá, bom xăng vào lực lượng an ninh, và lực lượng này đã tung lựu đạn cay, bắn đạn cao su, xịt vòi rồng để đàn áp. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo mới đây tuyên bố với truyền thông rằng Maduro đã toan tính rời bỏ Venezuela, nhưng Nga đã thuyết phục ông ta ở lại. Maduro bác bỏ tin này, cho rằng Pompeo bịa đặt. Để chứng minh là mình vẫn còn tại vị và nắm quyền, Maduro đã xuất hiện trên truyền hình với một số tướng lãnh. Phe quân đội vẫn đứng về phía Maduro, chính điều này giúp ông ta còn trụ lại được.

Giới truyền thông quốc tế đồn đoán rằng Hoa Kỳ và Nga đang thương thảo với nhau đằng sau hậu trường để quyết định về số phận của Maduro. Tuy nhiên khả năng thỏa hiệp rất thấp vì không bên nào chịu để mất ảnh hưởng chính trị ở Venezuela. Bao lâu mà Nga và Trung Quốc còn ủng hộ Maduro thì dân chúng Venezuela khó có thể lật đổ được ông ta, trừ khi quân đội đổi chiều đứng về phía họ.

Juan Guaido trong cuộc biểu tình ngày 01 tháng 05 năm 2019

Maduro xuất hiện với các tướng lãnh trong ngày 01 tháng 05 năm 2019

Biểu tình ở thủ đô Caracas trong ngày 01-05-2019

Tài Liệu Tham Khảo
https://www.businessinsider.com/what-life-is-like-in-some-of-the-worlds-most-dangerous-countries-2018-10
https://www.worldvision.org/disaster-relief-news-stories/venezuela-crisis-facts
https://www.worldatlas.com/articles/most-dangerous-cities-in-the-world.html
https://www.cnn.com/2019/04/30/politics/pompeo-maduro-russia/index.html
https://www.aljazeera.com/news/2019/01/venezuela-crisis-latest-updates-190123205835912.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét