Translate

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

Minh Trị Thiên Hoàng và cuộc canh tân Nhật Bản

Nhật Bản từ hàng trăm năm nay vẫn được coi là cường quốc hàng đầu của Châu Á. Không phải ngẫu nhiên mà nước Nhật đạt được thành tích này. Nằm ở đông bắc Á Châu, Nhật không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, đã vậy phải đối phó với thiên tai hàng năm. Nhật là một trong những quốc gia bị động đất nhiều nhất, và thường xuyên hứng chịu những trận bão từ Thái Bình Dương. Điều gì đã đưa nước Nhật lên hàng cường quốc? Muốn biết điều này chúng ta hãy giở lại trang sử của Nhật từ vài thế kỷ trước.

Triều đại Tokugawa

Năm 1603, sau khi đánh bại dòng họ Hideyori, Tokugawa Ieyasu lên nắm quyền. Ông được hoàng đế Nhật phong tước hiệu Shogun và đóng đô ở Edo (nay là Tokyo). Tưởng cũng nên biết rằng tại Nhật thời đó, quyền hành nằm hết trong tay các Shogun--một tước vị tương đương với lãnh chúa. Hoàng đế chỉ có hư vị, tuy vẫn được dân chúng kính trọng như thần thánh.

Năm 1615, Ieyasu tấn công thành Osaka và tiêu diệt dòng họ Toyotomi, kể từ đó ông ta không còn đối thủ nào khác. Trong suốt hai trăm năm kế tiếp, nước Nhật sống trong một xã hội khép kín với thế giới bên ngoài. Dưới triều Tokugawa, xã hội được ra làm bốn giai cấp: thấp nhất là giai cấp thương gia, rồi đến công nhân, cao hơn một chút là nông dân, và trên cùng là samurai. Samurai là giới võ sĩ Nhật, họ là sĩ quan trong quân đội và có nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Samurai được mang kiếm và hưởng nhiều đặc quyền trong xã hội. Những người thuộc giai cấp thấp không được giao du với giai cấp cao hơn hoặc ngược lại.

Bản đồ Nhật Bản & Triều Tiên (Nam Hàn, Bắc Hàn)



Vào nửa giai đoạn sau của triều đại Tokugawa, nhiều cuộc nổi loạn của nông dân dấy lên vì chính sách thuế má nặng nề. Thêm vào đó là các thiên tai và nạn đói làm cho ngân sách triều đình khiếm hụt. Trật tự xã hội bắt đầu thay đổi khi giới thương gia càng trở nên giàu có và nhiều samurai trở thành con nợ của họ. Cuối thế kỷ 18, áp lực của thế giới bên ngoài bắt đầu tác động lên nước Nhật khi các thương gia Tây Phương tỏ ý muốn giao thương với Nhật. Nhưng chế độ Tokugawa nhất quyết cự tuyệt.

Năm 1853, bốn chiến hạm Hoa Kỳ chạy bằng hơi nước do thiếu tướng Matthew Perry chỉ huy thả neo gần Edo. Các chiếc tàu này cần thêm than và nước trên đường đến Trung Quốc. Người Nhật rất ngỡ ngàng trước sự tân tiến của bốn chiến hạm này. Họ gọi đó là những chiếu tàu đen vì thấy khói đen từ các ống khói bốc lên. (Perry đã cố ý cuốn buồm và chạy bằng máy vào vịnh để cho người Nhật thấy sức mạnh của máy hơi nước). Nhiều người Nhật chưa từng thấy Tây bao giờ. Trong các bức tranh cũ, người ta thấy cảnh dân Nhật đứng nhìn đám thủy thủ một các tò mò. Khi lên bờ, Perry tặng cho người Nhật nhiều món quà, trong đó có một chiếc xe lửa nhỏ xíu mà người Nhật rất thích thú xem xét.

Chuyến viếng thăm của Perry có một tác động lớn. Nó gửi một thông điệp đến cho nước Nhật: nếu họ không tự mở cửa thì Tây Phương sẽ dùng sức mạnh để mở. Năm 1854, Perry trở lại và ép chính quyền Tokugawa ký hiệp ước Kanagawa, trong đó Nhật đồng ý mở một số hải cảng để cho tàu ngoại quốc vào buôn bán, mặc dù có sự phản đối của hoàng đế Nhật.


Matthew Perry đến Nhật Bản 1853
Theo chân Hoa Kỳ, các tàu Anh, Nga, Pháp và Hòa Lan nhanh chóng vào buôn bán. Với một số người Nhật, sự xuất hiện của Tây Phương là một sự thách thức với truyền thống và giá trị cổ truyền. Một nhóm samurai gọi là Shishi--tức những người với lý tưởng cao thượng--bắt đầu nổi lên. Họ tin rằng đất Nhật là một thánh địa và vua là thần. Nhóm Shishi cực lực chống sự hiện diện của Tây Phương, họ nêu cao khẩu hiệu "Phò Hoàng Đế, Đuổi Rợ Tây". Họ ám sát Tây và tấn công các tàu buôn. Để trả lời lại sự chống đối, Tây Phương đã cho giới samurai Nhật nếm sức mạnh của kỹ thuật quân sự hiện đại. Hai thành phố Satsuma và Choshu, căn cứ địa của nhóm Shishi, bị đại bác tàn phá.

Một số người Nhật đã lưu lạc sang Châu Âu và Trung Quốc, họ nhận ra rằng chính Trung Quốc, một quốc gia mà Nhật luôn coi là mẫu mực cho mô hình phát triển, cũng đang bị Tây Phương xâu xé. Nhóm Shishi nhận ra rằng việc đánh đuổi Tây Phương là vô vọng, họ quay mũi dùi vào chế độ Tokugawa. Mục tiêu của họ giờ là đánh đổ chế độ lãnh chúa Tokugawa và xây dựng một chính quyền trung ương với hoàng đế đứng đầu. Họ tổ chức quân đội theo lối Tây Phương và tuyển mộ thường dân thay vì chỉ dùng samurai như trước.

Vua Minh Trị khôi phục quyền hành


Vua Minh Trị lúc 21 tuổi (1873)

Đất nước rơi vào cuộc nội chiến với các cuộc tấn công và ám sát đã cướp đi sinh mạng của nhiều lãnh tụ tài giỏi. Cuộc tấn công thất bại của chính quyền vào thành Choshu năm 1866 đã làm chế độ Tokugawa suy yếu và mất uy tín. Năm 1867, liên quân Choshu-Satsuma đánh bại quân đội lãnh chúa tại cố đô Kyoto. Họ tiến vào Edo và đem theo một vị hoàng đế 16 tuổi. Vị hoàng đế này lên ngôi với đế hiệu Minh Trị (Meiji). Sự khôi phục quyền hành của vua Minh Trị --sau một thời gian dài nằm trong tay các lãnh chúa--được mệnh danh là "Minh Trị Hồi Phục (The Meiji Restoration)". Các cuộc chống đối lẻ tẻ kéo dài đến năm 1869 thì chấm dứt, chế độ Tokugawa hoàn toàn bị triệt tiêu. Ngay sau khi lên ngôi, vua Minh Trị và một nhóm triều thần bắt tay vào một cuộc cải cách vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Nhật. (Hình: Vua Minh Trị ở tuổi 27.)

Thủ đô Edo được đổi tên thành Tokyo. Những năm đầu tiên rất bấp bênh, triều đình Minh Trị đứng trước một đất nước hỗn loạn. Triều đình gồm đa số các triều thần gốc từ hai thành phố Choshu, Satsuma, và những người đã ủng hộ vua Minh Trị trong công cuộc giành lại quyền hành. Họ tin rằng Nhật Bản cần có một chính quyền thống nhất để đạt được sự thinh vượng và sức mạnh quân sự tương đương với Tây Phương. Đa số triều thần, như Kido Koin, Ito Hirobumi, Saigo Takamori, Okubo Toshimichi, là những người trẻ tuổi thuộc giai cấp samurai hạng trung, nhưng họ không coi trọng vấn đề giai cấp. Ngược lại, họ là những người chủ trương xóa bỏ giai cấp. Để tìm sự ủng hộ cho chính sách của mình, họ dựa vào những lãnh chúa mà họ đã từng hợp tác--Tosa, Saga, Echizen--và những đại thần như Iwakura Tomomi và Sanjo Sanetomi. Sự hợp tác của vị hoàng đế trẻ tuổi là một yếu tố quyết định cho công cuộc cải cách. Triều đình Minh Trị tin tưởng rằng Tây Phương dựa vào hiến pháp để đoàn kết dân tộc, công nghiệp hóa để phát triển kinh tế, và sức mạnh quân sự để giữ an ninh. "Làm giàu đất nước, củng cố quân đội" trở thành khẩu hiệu của triều đình. Họ gửi các sinh viên đi du học ở Hoa Kỳ và Châu Âu để học hỏi.

Triều đình bắt đầu cuộc cải cách bằng dẹp bỏ hệ thống lãnh địa mà họ cho là nguyên nhân của sự chia rẽ và suy yếu. Năm 1869, các địa chủ ở Satsuma, Choshu, Tosa và Saga được thuyết phục để giao nộp lãnh địa cho triều đình. Một số khác noi gương. Năm 1871, triều đình xóa bỏ các lãnh địa, chia thành 72 quận và 3 thành phố công nghiệp. Các địa chủ được đặt vào các chức vụ hành chánh. Dần dần, các địa chủ này bị tước bớt quyền hành trong công cuộc cải cách.

Công việc khó khăn nhất là xóa bỏ sự phân chia giai cấp mà nhờ nó giới samurai được hưởng nhiều đặc quyền. Sĩ số samurai và gia đình của họ ở thời điểm năm 1868 là hai triệu người. Chính quyền bãi bỏ nhiều đặc quyền của samurai, bù lại, họ được hưởng một số tiền trợ cấp hàng năm. Số tiền trợ cấp này dần dần được chuyển sang trả dưới dạng trái phiếu. Nhiều samurai không có kiến thức về kinh doanh và họ đã phí phạm các trái phiếu. Nạn lạm phát cũng góp phần làm trái phiếu giảm giá trị. Một đạo luật mới đưa ra năm 1873, trong đó tước bỏ độc quyền phục vụ quân đội của samurai. Sự bất mãn của samurai dẫn đến nhiều cuộc nổi loạn. Cuộc nổi loạn lớn nhất nổ ra vào năm 1877 và kéo dài sáu tháng do Saigo Takamori lãnh đạo. Saigo là một trong những triều thần đã ủng hộ vua Minh Trị trong công cuộc khôi phục quyền hành. Ông muốn duy trì giai cấp samurai và bất mãn với triều đình trong chính sách mới. Saigo muốn triều đình đem quân xâm lăng Triều Tiên để giới samurai có cơ hội phục vụ quân đội. Khi ý kiến của Saigo bị bác bỏ, ông từ quan. Khi triều đình cắt bỏ tiền trợ cấp của samurai, Saigo lãnh đạo cuộc nổi loạn chống lại triều đình. Với phương tiện vận chuyển tốt, kỹ thuật liên lạc hiện đại và vũ khí tối tân, quân triều đình chiếm ưu thế. Trong trận đánh lớn nhất, Saigo dẫn một đạo binh samurai đầy màu sắc tấn công vào chiến lũy Kumamoto, được bảo vệ bởi những binh sĩ mặc đồng phục huấn luyện theo kiểu mới. Saigo gọi họ là những tên nông dân bẩn thỉu mà nay lại có quyền mang vũ khí. Khi trận chiến tàn, quân số của Saigo chỉ còn lại vài trăm người. Saigo cay đắng trở về nhà ông ở Kagoshima, nơi mà ông đã tự sát trong nghi lễ của một samurai thực thụ. Cái chết của Saigo cũng là cái chết của giai cấp samurai. Nó đánh dấu thời kỳ mới của cuộc cải cách. Khẩu hiệu của thời kỳ này là: Văn Minh và Khai Sáng.

Với sự xóa bỏ giai cấp và quyền lực tập trung về triều đình, người dân Nhật cảm thấy bình đẳng. Các sản phẩm Tây Phương được được ưa thích, từ bia đến quần áo đến máy móc. Fukuzawa Yukichi, một nhà giáo dục, đã du lịch sang Châu Âu và viết nhiều cuốn sách phổ biến tư tưởng của Tây Phương. Ông dạy người Nhật cách ăn uống và trang phục theo lối tây. Fukuzawa rất thích thú với việc sử dụng đồng hồ để tính thời gian. Người Nhật thời đó vẫn còn dùng mặt trời để tính thời gian, vì vậy đối với họ đồng hồ là một phát minh kỳ diệu. Fukuzawa đã thức tỉnh một thế hệ thanh niên Nhật với những tư tưởng mới. Ông nói: "Thượng đế không tạo ra người trên kẻ dưới". Với Fukuzawa, mọi người sinh ra đều bình đẳng.

Công cuộc cải cách ruộng đất được tiến hành. Với sự phân chia lại ruộng đất, nhiều nông dân cảm thấy bối rối và nhiều cuộc cuộc biểu tình nổ ra. Tuy nhiên sự chống đối không kéo dài. Với chính sách sở hữu rõ ràng, kỹ thuật, phân hóa học, hạt giống mới, năng suất tăng vọt. Thuế đất trở thành nguồn thu nhập chính của chính quyền trong các thập niên kế tiếp.

Chương trình công nghiệp hóa được đẩy mạnh. Ban đầu chính quyền bỏ vốn ra xây dựng các công xưởng, nhưng sau đó vì thiếu tiền nên quyết định giao lại cho tư nhân. Các công ty tư nhân này được hưởng một số ưu đãi của chính quyền, đổi lại, họ cung cấp cho chính quyền một số dịch vụ quốc phòng và công cộng như chế tạo vũ khí, vận chuyển hàng hóa. Chính sách này đã tạo ra những tập đoàn khổng lồ gọi là zaibatsu. Một trong những zaibatsu điển hình là tập đoàn Mitsubishi. Mitsubishi ban đầu chỉ là một công ty vận chuyển hàng hải nhỏ. Được chính quyền trợ giúp, Mitsubishi dần dần trở thành một tập đoàn khổng lồ với nhiều công ty con. Trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, Mitsubishi đã sản xuất nhiều chiến hạm và phi cơ cho chính quyền. Các thương ước ký với Tây Phương trước đó đã làm cho chính quyền không thể áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch. Các công ty Nhật phải vất vả cạnh tranh với thương gia nước ngoài. Tuy nhiên sự cạnh tranh này lại có lợi về lâu dài, các công ty Nhật phải tự cải tiến để thích nghi với môi trường nên trở nên hiệu quả và có khả năng cạnh tranh cao.

Để đề cao tinh thần dân tộc, Shinto (Thần Đạo) được tôn lên hàng quốc giáo. Shinto là một tôn giáo lâu đời của Nhật, theo đó thần mặt trời là tổ tiên của người Nhật. Phật Giáo trở thành một tôn giáo thứ yếu. Thiên Chúa Giáo cũng được miễn cưỡng công nhận, dù chính quyền không mấy có thiện cảm. Nền giáo dục phổ thông được chú trọng. "Giáo dục là chìa khóa thành công" là khẩu hiệu của chính quyền.

Hiến pháp và dân chủ

Nhiều người Nhật tin rằng Tây Phương mạnh là nhờ hiến pháp, vì vậy triều đình Minh Trị tìm cách đi theo hướng này. Năm 1868, chính quyền thử thành lập quốc hội, nhưng không thành công mấy. Năm 1868, hoàng đế ra chỉ dụ hứa sẽ thành lập "hội đồng nghiên cứu" và "cơ quan nghe nhìn" để lắng nghe ý kiến của quần chúng và học hỏi kiến thức mới từ khắp thế giới.

Hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền, các cấp lãnh đạo làng xã muốn có một hệ thống mà trong đó tiếng nói của họ có hiệu lực. Các cựu samurai nhận thấy hệ thống này sẽ giúp họ lấy lại vị thế đã mất. Năm 1873, Itagaki Taisuke rời bỏ triều đình vì bất đồng ý kiến về vấn đề xâm lăng Triều Tiên. Ông kêu gọi thành lập một quốc hội do dân bầu lên. Với sự giúp đỡ của các cựu samurai, Itagaki mở rộng phong trào tranh đấu cho "tự do và quyền căn bản" để dung nạp nhiều nhóm khác. Năm 1880, gần 250,000 chữ ký được thu thập để yêu cầu thành lập quốc hội. Năm 1881 Itagaki thành lập Đảng Tự Do (Jiyuto) với các thành viên phần lớn là phú nông.

Trước yêu cầu của quần chúng, hoàng đế ra lệnh cho các quan thượng thư nghiên cứu vấn đề này. Okuma Shigenobu trình một bản thảo hiến pháp khá thoáng vào năm 1881. Ông cho phổ biến bản hiến pháp này mà không hỏi ý kiến triều đình. Ông cũng tiết lộ bằng chứng về sự bê bối của chính quyền trong vụ chuyển nhượng tài sản tại Hokkaido, do vậy mà ông bị đẩy ra khỏi chính quyền trung ương. Okuma bèn thành lập Đảng Cấp Tiến (Kaishinto) năm 1882 để phổ biến tinh thần của hiến pháp.

Các sự kiện trong năm 1881 đã dẫn đến sự hứa hẹn ban hành hiến pháp của triều đình năm 1889. Các đảng phái được khuyến khích chờ đợi trong yên lặng. Ở hậu trường chính trị, hiến pháp được soạn thảo bởi một ban tham mưu do Ito Hirobumi dẫn đầu, với sự tư vấn của Hermann Rosesler, một hiến pháp gia người Đức. Trong thời gian soạn thảo hiến pháp, Ito sang Châu Âu để học hỏi. Tại Đức ông thấy có một sự cân bằng quyền lực giữa triều đình và các cơ quan dân cử. Trở về nước, ông cải tổ chính quyền theo lối Châu Âu. Một hội đồng bộ trưởng do hoàng đế chỉ định được thành lập năm 1885, và một hội đồng tư vấn với nhiệm vụ phán xét và bảo vệ hiến pháp do Ito đứng đầu, được thành lập năm 1888.

Hiến pháp được ban hành năm 1889 và một cuộc bầu cử được tổ chức để chuẩn bị thành lập Quốc Hội, bao gồm thượng viện và hạ viện. Hiến pháp được trình bày dưới dạng một đặc ân của triều đình ban cho dân chúng và chỉ được sửa đổi với sự đề nghị của triều đình. Tự do cá nhân và quyền căn bản được công nhận "trừ những giới hạn của luật pháp". Quốc Hội có quyền phủ quyết ngân sách quốc gia. Hoàng đế là "thiêng liêng và bất khả xâm phạm"; hoàng đế đứng đầu quân đội, có quyền tuyên chiến hoặc ký hòa ước, và có quyền giải tán hạ viện.

Dù còn nhiều hạn chế, bản hiến pháp cũng mở ra một thời kỳ dân chủ mới chưa từng thấy trong lịch sử nước Nhật. Hạ viện có quyền soạn thảo luật. Tài sản cá nhân được tôn trọng. Tự do cá nhân, dù còn hạn chế, vẫn lớn hơn bao giờ. Ngay cả ngân sách quốc phòng cũng phải do Quốc Hội biểu quyết. Ban đầu, một mức thuế 15 yên được qui định cho những ai muốn đi bầu. Việc đánh thuế bầu cử đã hạn chế số cử tri ở con số 500,000; mức thuế này dần dần giảm xuống năm 1900 và 1920, đến năm 1925 thì bãi bỏ và tất cả đàn ông trưởng thành đều có quyền bầu cử. Chính quyền nhận ra rằng họ khó điều khiển hạ viện hơn họ tưởng lúc đầu, và các đảng phái cảm thấy có lợi hơn khi hợp tác với chính quyền. Bản hiến pháp đã làm thay đổi sinh hoạt chính trị cho mọi tầng lớp dân chúng. Nó chấm dứt thời kỳ cách mạng của triều đình Minh Trị. Các triều thần dần dần rút lui khỏi chính trường và chỉ giữ vai trò cố vấn.

Sự lớn mạnh của đế quốc Nhật

Cân bằng quyền lực với Tây Phương là mục tiêu chính của triều đình Minh Trị. Từ năm 1871, Iwakura đã sang Châu Âu và Hoa Kỳ với nỗ lực sửa đổi lại các hiệp ước bất bình đẳng. Mãi đến năm 1894 các hiệp ước này mới được sửa đổi.

Năm 1874, Nhật đem quân chinh phạt Đài Loan để trả đũa lại vụ ngư dân Nhật bị giết hại. Cuộc chinh phạt này giúp Nhật chiếm luôn quần đảo Ryukyu, dù có sự phản đối của Trung Quốc. Nhật cũng bành trướng ảnh hưởng của mình trên bán đảo Triều Tiên, một quốc gia mà Trung Quốc vẫn coi là chư hầu của mình. Để tránh đối đầu, Nhật và Trung Quốc thỏa thuận sẽ không bên nào đưa quân sang Triều Tiên mà không báo cho bên kia biết.

Chiến tranh Hoa-Nhật

Năm 1894, Triều Tiên yêu cầu Trung Quốc giúp dẹp một cuộc nổi loạn trong nước. Khi Trung Quốc báo cho Nhật biết, Nhật đã nhanh chóng đưa quân vào Triều Tiên. Sau khi cuộc nổi loạn chấm dứt, không bên nào chịu rút quân. Chiến Tranh Hoa-Nhật nổ ra. Quân lực Nhật tỏ ra ưu việt trên biển lẫn trên cạn. Với hạm đội miền bắc bị đánh tan, Trung Quốc đành mưu tìm hòa bình. Một hòa ước được ký năm 1895; hai bên công nhận sự độc lập của Triều Tiên, Trung Quốc phải nhượng Đài Loan, quần đảo Pescadores, và bán đảo Liaotung, cho Nhật được hưởng nhiều quyền lợi kinh tế ngang với Tây Phương, kể cả việc sử dụng các thương cảng và bồi thường chiến phí. Một thương ước được ký năm 1896, trong đó Nhật được hưởng một số thuế thương mại và một số đặc quyền công nghiệp. Từ một quốc gia bị Tây Phương chèn ép, nay Nhật không những đã thoát khỏi sự chèn ép mà còn áp đặt những điều kiện khó khăn hơn cho các nước láng giềng.

Tuy nhiên, Pháp, Nga và Đức không bằng lòng trước sự lấn chiếm của Nhật và bắt Nhật phải trả lại bán đảo Liaotung cho Trung Quốc. Sau đó chính Nga lại thuê bán đảo này để đặt căn cứ hải quân Port Arthur. Nhật nhận ra rằng không thể bành trướng mà không gây hấn với Tây Phương.

Chiến tranh Nga-Nhật

Để chống lại ảnh hưởng của Nhật, Triều tiên tìm sự hậu thuẫn của Nga. Năm 1900, Nga chiếm miền nam Mãn Châu, củng cố quan hệ với Triều Tiên. Năm 1904 Nhật bất ngờ tấn công hạm đội Nga ở cảng Port Arthur, chiến tranh Nga-Nhật nổ ra. Nhật thắng thế trên mọi phương diện; chiến thắng vang dội nhất là trận đánh trên eo biển Tsushima, nơi mà các chiến hạm của đô đốc Togo Heihachiro đánh tan hạm đội Baltic của Nga. Một hòa ước được ký năm 1905, Nga nhượng cho Nhật toàn quyền trên lãnh thổ Triều Tiên, các quyền lợi kinh tế và chính trị ở nam Mãn Châu, kể cả bán đảo Liaotung. Nga cũng nhượng cho Nhật miền nam đảo Sakhalin. Chiến thắng của Nhật làm thay đổi thế cân bằng quyền lực ở Á Đông. Nhật giờ đây là một cường quốc ngang hàng với Tây Phương. (Cũng trong năm 1905, Phan Bội Châu đã đưa một số thanh niên Việt sang Nhật du học, khởi xướng phong trào Đông Du).

Sự bành trướng

Sau cuộc chiến, Nhật rảnh tay lấn át Triều Tiên. Ito Hirobumi, được gửi sang Triều Tiên với chức vụ toàn quyền, ép Triều Tiên phải ký một hiệp ước để đặt Triều Tiên dưới sự bảo hộ của Nhật. Ito bị ám sát năm 1909, dẫn đến hậu quả Triều Tiên bị biến thành thuộc địa của Nhật năm sau đó. Tất cả các sự chống đối đều bị nghiền nát.

Khi vua Minh Trị băng hà năm 1912, Nhật đã trở thành một cường quốc không những ngang hàng với Tây Phương mà còn là đế quốc hùng mạnh nhất ở Á Đông. Những năm kế tiếp, Nhật còn có nhiều cơ hội để sử dụng quyền lực. Trong thời kỳ Thế Chiến I (1914-1918), Nhật đứng về phe Đồng Minh nhưng chỉ giới hạn hoạt động trong việc chiếm các cơ sở của Đức ở Trung Quốc và vùng Thái Bình Dương. Khi Trung Quốc đòi lại các cơ sở ở tỉnh Shantung, Nhật đưa ra Yêu Sách Hai-Mươi-Mốt-Điều, trong đó ép Trung Quốc phải nhượng bộ từ việc cho Nhật quyền sử dụng Mãn Châu cho đến việc cùng khai thác các mỏ than và sắt, đến việc xử dụng các hải cảng và kiểm soát các thành phố. Trung Quốc nhượng bộ một số điều nhưng chống lại những yêu sách quá lố khả dĩ có thể biến Trung Quốc thành một tỉnh của Nhật. Sự tham lam của Nhật đã để lại một ấn tượng xấu cho Trung Quốc và Tây Phương, cộng thêm với sự dung túng những tay lãnh chúa tham nhũng ở Mãn Châu và miền bắc Trung Quốc của Nhật đã làm cho tinh thần bài Nhật của người Hoa tăng lên.

Để ngăn chặn sự bành trướng của Nhật, sau Thế Chiến I, các quốc gia Tây Phương như Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Ý đã ký một loạt các hiệp ước với Nhật, trong đó các bên thỏa thuận sẽ giới hạn hoạt động quân sự ở Đông Á và Thái Bình Dương.

Nước Nhật và Thế Chiến II (1939-1945)

Khi Thế Chiến II bùng nổ, Nhật chiếm Đông Dương và khóa đường tiếp vận của chính phủ Quốc Dân Trung Hoa. Nhật nêu khẩu hiệu "Đông Á cho người Á Đông" với ý muốn lập lại một "trật tự mới ở Đông Á" với Nhật là trung tâm quyền lực. Hoa Kỳ phản ứng lại bằng cấm vận kinh tế và ngưng cung cấp nhiên liệu cho Nhật.

Ngày 7 tháng 12, 1941, Nhật bất thần tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), một căn cứ hải quân Mỹ ở Hawaii. Cuộc tấn công đã phá tan hầu như toàn bộ hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Nhật cho rằng với tổn thất này, nước Mỹ với một nền dân chủ quá "mềm yếu" sẽ không đủ can đảm để tham chiến, và Nhật sẽ tha hồ tung hoành ở Thái Bình Dương. Cuộc tấn công này đã dẫn đến quyết định tham gia vào Thế Chiến II của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ tuyên chiến với Nhật ngay ngày hôm sau.

Trong vòng mấy tháng sau đó, Nhật nhanh chóng chiếm vùng Đông Nam Á, và nhất là miền đông Indonesia, nơi có nhiều mỏ dầu. Trái với dự đoán, Hoa Kỳ đã tái thiết lại hạm đội Thái Bình Dương với một vận tốc kinh ngạc, và các cuộc phản công diễn ra nhanh chóng trước khi Nhật có thể khai thác nguồn tài nguyên ở Đông Nam Á. Trận chiến Midway (6/1942) làm Nhật tổn thất bốn hàng không mẫu hạm và nhiều phi công. Trận đánh ở quần đảo Solomons buộc Nhật phải rút quân khỏi nơi đây.

Năm 1944, các thành phố của Nhật bị không quân Hoa Kỳ dội bom nặng nề. Chính quyền nhận thấy viễn ảnh thua trận. Nhưng họ không biết làm cách nào để kết thúc chiến tranh với sự đồng thuận của quân đội. Khó khăn lớn nhất là làm sao để nói với dân chúng, khi lâu nay họ vẫn luôn được báo tin chiến thắng.

Hai quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima và Nagasaki ngày 6 và 9 tháng Tám, 1945. Ngày 8 tháng Tám, Liên Xô tuyên chiến với Nhật và tiến vào Mãn Châu. Chính quyền Nhật thương thuyết để đầu hàng với điều kiện giữ nguyên chế độ quân chủ; sau khi phe Đồng Minh đồng ý tôn trọng nguyện vọng của dân Nhật, hoàng đế Nhật quyết định đầu hàng. Hàng ước được ký kết trên chiến hạm Hoa Kỳ USS Missouri ngày 2 tháng Chín. Không chấp nhận đầu hàng, nhiều sĩ quan Nhật đã tự sát và nhiều đơn vị ở Đông Nam Á tiếp tục chiến đấu đơn lẻ cho đến khi kiệt sức.

Kết luận

Trong nhiều thế kỷ, Nhật, cũng như một số nước Á Đông như Việt Nam và Triều Tiên, luôn coi Trung Quốc là mẫu mực cho mô hình phát triển xã hội. Đầu thế kỷ 19, một số người Nhật ra nước ngoài trở về đã cảnh báo chính quyền Tokugawa về sự phát triển của Tây Phương. Nhưng chính quyền Tokygawa vẫn bỏ ngoài tai những lời cảnh báo. Khi bị Tây Phương can thiệp bằng võ lực, một số người Nhật đã sang Trung Quốc để mưu tìm cứu cánh, nhưng họ nhận ra rằng chính Trung Quốc cũng đang bị Tây Phương xâu xé.

Chính quyền Minh Trị đã thấy rằng chọn lựa duy nhất là canh tân đất nước để tránh họa ngoại xâm. Công cuộc canh tân Nhật Bản diễn ra với tốc độ chóng mặt. Tây Phương phải mất 150 năm để tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp. Nhật chỉ mất 40 năm để đi từ một nước nông nghiệp lạc hậu lên hàng cường quốc công nghiệp. Cuộc canh tân do một nhóm triều thần khởi xướng, tuy nhiên nếu không có sự hợp tác của vị vua trẻ Minh Trị thì nó đã khó thành công. Có thể nói Minh Trị là một minh quân của Nhật Bản.

Điều đáng nói là mặc dù vẫn duy trì chế độ quân chủ, nhưng Nhật đã có hiến pháp và dân chủ từ rất sớm. Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng nền dân chủ sơ khai này đã giúp cho quần chúng Nhật có tiếng nói trong chính quyền, và chính quyền đã được lèo lái theo nguyện vọng của người dân. Đó là một trong những yếu tố quyết định để cuộc canh tân thành công.

Lòng tự hào dân tộc cũng là một yếu tố giúp Nhật thành công. Nhưng cũng chính lòng tự hào dân tộc đã đẩy Nhật vào thảm họa. Khi đã có sức mạnh kinh tế và quân sự trong tay, Nhật đã gây chiến với các dân tộc khác trong khu vực. Trong nửa đầu thế kỷ 20, Nhật đã gây hấn với Tây Phương, chèn ép Trung Quốc, cai trị Triều Tiên trong 36 năm (1910-1945). Trong Thế Chiến II, Nhật đã xâm lăng nhiều quốc gia Á Đông, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam, Miến Điện, Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonesia, và lính Nhật đã phạm nhiều tội ác. Tại Việt Nam, Nhật đã gây ra cái chết của hai triệu người trong nạn đói Ất Dậu (1945). Hậu quả là nước Nhật lãnh hai quả bom nguyên tử và đất nước bị tan hoang bởi bom đạn Đồng Minh.

Sau Thế Chiến II, dưới sự chiếm đóng của Hoa Kỳ, chính quyền quân phiệt do các tướng lãnh cầm đầu bị buộc phải được thay thế bằng chính quyền dân sự do dân chúng bầu lên, sinh hoạt dân chủ đa đảng được bảo đảm. Nền dân chủ này đã tạo ra một chính quyền trong sạch. Chỉ trong vòng 20 năm, Nhật đã vươn lên hàng cường quốc kinh tế. Một lần nữa, Nhật trở lại vị trí số một Á Châu.

Thành phố Hiroshima sau khi bị dội bom nguyên tử (trái). Tòa nhà trong hình trái hiện nay là Tuợng Đài Hòa Bình Hiroshima Peace Memorial, được giữ nguyên trạng như lúc bị dội bom (phải).

***

Tài Liệu Tham Khảo:
Encyclopedia of Britannica (Tự Điển Bách Khoa Britannica)
http://en.wikipedia.org/wiki/Emperor_Meiji
http://www.willamette.edu/~rloftus/meijirest.html
http://www2.sjsu.edu/faculty/watkins/meiji.htm
http://afe.easia.columbia.edu/japan/japanworkbook/modernhist/meiji.html

1 nhận xét: