Translate

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Fidel Castro Và Cuộc Cách Mạng Cuba

Lời tựa: Bài này do tôi viết lần đầu vào năm 2005 và đã đăng trên diễn đàn Trái Tim Việt Nam (http://ttvnol.com/f_533/521359). Nội dung bài viết dựa trên bản tiếng Anh của Wikipedia (http://en.wikipedia.org/wiki/Fidel_Castro) và một số tài liệu khác. Sau đó cũng trên Wikipedia tôi thấy xuất hiện bản tiếng Việt viết về Fidel Castro (http://vi.wikipedia.org/wiki/Fidel_Castro), với một số đoạn văn giống hệt như bài của tôi. Có điều bài viết không được khách quan lắm, tác giả bỏ đi những điều không được đẹp về Castro. Bài của tôi đăng trên ttvnol.com vào tháng 06/2005, còn bài tiếng Việt trên Wikipedia được khởi đăng từ tháng 07/2005, nên tôi cho  rằng bài trên Wikipedia đã tự ý trích đăng những đoạn văn của tôi.

Fidel Castro sinh ngày 13 tháng 8 năm 1926 (có tài liệu chép ngày 14 tháng 8 năm 1927). Cha mẹ của Castro, vốn là di dân từ Tây Ban Nha, là chủ đồn điền trồng mía giàu có. Lúc nhỏ Castro theo học trường Dòng Tên của Công Giáo. Ông ta vào đại học Havana năm 1945 và tốt nghiệp ngành luật năm 1950.


Trong thời gian ở đại học, Castro tham gia vào nhiều tổ chức chống đối chính quyền. Castro hành nghề luật sư từ năm 1950 đến 1952. Castro trở thành đảng viên của Đảng Chính Thống (Orthodoxo Party) và vận động để tranh cử vào Quốc Hội Cuba. Thế nhưng ý định của Castro chưa thành thì cuộc đảo chính của tướng Fulgencio Batista nổ ra. Batista muốn lên nắm chính quyền để ngăn cản sự lớn mạnh của Đảng Chính Thống. Dưới sự cai trị của Batista, hàng ngàn chính khách bị ám sát và dân chúng bị sống dưới sự đàn áp.

Fidel Castro (2010)

Làm cách mạng

Castro bắt đầu vận động chống lại Batista bằng biện pháp quân sự. Ông liên kết được hơn 200 phần tử cách mạng trên toàn quốc và trở thành thủ lãnh của họ. Ngày 26 tháng Bảy, 1953, Castro và các chiến hữu tấn công vào trại lính Moncada. Hơn 80 chiến hữu bị tử trận và Castro bị bắt. Castro bị đưa ra tòa và bị kết án 15 năm tù. Cuối phiên tòa, Castro đã hùng hồn đọc bài diễn văn "Lịch Sử Sẽ Giải Oan cho Tôi (History Will Absolve Me)", một bài diễn văn phản ánh quan điểm chính trị của Castro.

Một năm sau, Batista đại xá cho nhiều tù chính trị, trong đó có Castro, và ông ta được thả. Castro sang Mê Hi Cô và lập nhóm vũ trang kháng chiến. Nhóm này lấy tên là nhóm Hai Mươi Sáu Tháng Bảy, để tưởng niệm cuộc nổi dậy ngày 26 tháng Bảy trước đó. Trong số những người tham gia vào nhóm này có Che Guevara, một sinh viên y khoa đang tập sự tại thủ đô Mê Hi Cô.

Ngày 2 tháng Mười Hai 1956, nhóm Hai Mươi Sáu Tháng Bảy, gồm 80 người, trở lại Cuba trên chiếc thuyền Granma dài 18 mét. Họ nhanh chóng bị tiêu diệt bởi quân chính phủ. Chỉ còn chưa đến 20 người sống sót và rút vào vùng rừng núi Sierra Maestra để tổ chức kháng chiến. Trong số những người sống sót, ngoài Fidel Castro còn có Raul Castro (em của Fidel Castro), Che Guevara, và Camilo Cienfuegos. Nhóm kháng chiến được quần chúng ủng hộ và phát triển lên đến 800 người. Trong suốt 2 năm, họ áp dụng chiến thuật đánh du kích gây nhiều thiệt hại cho quân chính phủ. Tháng 5 năm 1958, Batista huy động nhiều tiểu đoàn tiến đánh quân kháng chiến. Dù bị thua kém về quân số, phe kháng chiến vẫn thắng nhiều trận quan trọng. Quân của Batista đào ngũ và đầu hàng rất nhiều. Ngày 01 tháng 01 năm 1959, Batista chạy trốn khỏi Cuba.

Fidel Castro lên nắm quyền

Fidel Castro lên làm chủ tịch nước. Ông ta hứa hẹn sẽ xây dựng một chính quyền trong sạch và tôn trọng hiến pháp Cuba. Tuy nhiên lời hứa này không bao giờ được thực hiện. Trong những năm kế tiếp, Castro đã xử tử hàng ngàn người thuộc Đảng Batista.

Hoa Kỳ ban đầu công nhận chính quyền Fidel Castro, nhưng sau khi Castro quốc hữu hóa các công ty Hoa Kỳ tại Cuba thì quan hệ Hoa Kỳ - Cuba trở nên lạnh nhạt. Chính sách kinh tế của Castro làm cho Hoa Kỳ nghi ngờ rằng Castro theo chủ nghĩa Cộng Sản và có quan hệ với Liên Xô - kẻ thù của Hoa Kỳ. Tháng Tư 1959 Castro viếng Nhà Trắng nhưng tổng thống Eisenhower từ chối gặp, thay vào đó là phó tổng thống Richard Nixon. Sau cuộc gặp gỡ này, Nixon cho rằng Castro là một người "ngây thơ" nhưng không nhất thiết là Cộng Sản.

Tháng Hai 1960, Cuba ký một hiệp thương với Liên Xô (nay là nước Nga), trong đó Liên Xô đồng ý bán dầu hỏa cho Cuba. Hoa Kỳ cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao và áp dụng chính sách cấm vận lên Cuba vào ngày 31 tháng Một 1961. Cuba tiếp tục thắt chặt quan hệ với Liên Xô và ngày càng nhận nhiều viện trợ quân sự và kinh tế.

Sự kiện Vịnh Con Heo

Ngày 17 tháng Tư 1961, Hoa Kỳ yểm trợ một đạo binh gồm 1400 người Cuba lưu vong đổ bộ lên vùng Vịnh Con Heo (Bay of Pigs) nhằm mục đích lật đổ Fidel Castro. Cuộc đổ bộ thất bại. Trong số những người bị bắt, chín người bị Castro xử tử. Cũng trong năm đó, ngày 2 tháng Mười Hai , Castro tuyên bố rằng ông ta theo chủ nghĩa Marxist-Leninist, và đất nước Cuba sẽ đi theo chủ nghĩa CS.

Vụ Tên Lửa Cuba

Ngày 15 tháng Mười 1962, máy bay do thám U2 của Hoa Kỳ phát hiện các dàn phóng phi đạn hạt nhân trên lãnh thổ Cuba do Liên Xô xây dựng. Các dàn phóng này chỉ cách lãnh thổ phía đông nam Hoa Kỳ có 150 km. Ngày 22 tháng Mười, Tổng Thống Kennedy ra lệnh cho hải quân Hoa Kỳ phong tỏa các vùng biển quanh Cuba và ra tối hậu thư buộc Liên Xô phải rút các hỏa tiễn đi. Khruschev, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Liên Xô, đồng ý rút hỏa tiễn đi với điều kiện Hoa Kỳ cũng phải rút các hỏa tiễn ở Thổ Nhĩ Kỳ (Châu Âu) và cam kết không xâm phạm lãnh thổ Cuba.

Người dân Cuba đào tỵ

Ngày 28 tháng Ba 1980, một chiếc xe buýt tông sập cổng tòa đại sứ Peru ở thủ đô Havana. Trong vòng 48 tiếng, hơn 10,000 người Cuba đã nhân cơ hội tràn vào tòa đại sứ xin tị nạn chính trị. Ngày 10 tháng Tư, Castro tuyên bố cho mọi người được tự do rời Cuba qua cảng Mariel ở Havana. Dân Cuba bắt đầu lũ lượt xuống tàu ra đi, đa số đến Florida, Hoa Kỳ. Cuộc hành trình này được mệnh danh là "Đoàn Tàu Tự Do". Tuần duyên Hoa Kỳ ước lượng rằng có 125,000 người đã rời Cuba tính đến ngày 26 tháng Chín, khi Castro đóng cảng Mariel. Castro cũng nhân dịp ngày tống khứ đi hàng ngàn kẻ tội phạm, đồng tính luyến ái và bệnh tâm thần.

Nhiều người Cuba sau đó tiếp tục đào thoát khỏi Cuba, phần lớn bằng đường biển. Hiện có khoảng hơn một triệu kiều dân Cuba sống trên đất Mỹ. Phần lớn những người này chống đối sự cai trị của Fidel Castro.

Người dân Cuba vượt biển đến Hoa Kỳ trên những chiếc bè tự chế


Con đường Xã Hội Chủ Nghĩa

Chính quyền Castro áp dụng chính sách kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa, quốc hữu hóa các ngành công nghiệp và hợp tác hóa nông nghiệp. Chính sách này làm cho giới trung lưu bất mãn, kể cả những người trước kia ủng hộ kháng chiến. Nhiều người trong số này trốn sang Hoa Kỳ và lập ra những tổ chức chống Fidel Castro tại Florida. Chính sách cấm vận của Hoa Kỳ càng làm cho Cuba lệ thuộc vào Liên Xô. Sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 đã gây khốn đốn cho nền kinh tế Cuba.

Năm 1994, nền kinh tế của Cuba đứng trên bờ vực sụp đổ. Để xoay sở, Cuba hợp pháp hóa đồng đô la Mỹ, chuyển sang du lịch, và khuyến khích việc chuyển kiều hối USD từ người Cuba sống ở Mỹ cho người thân của họ trên đảo.

Tháng 4 năm 2009, tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nới lỏng lệnh cấm du lịch, cho phép người Mỹ gốc Cuba được về thăm thân nhân. Tổng thống Obama cũng đưa ra một số yêu sách mà nếu Cuba chấp nhận thì có thể sẽ cải thiện quan hệ giữa hai nước. Các yêu sách đó bao gồm việc thả tù nhân chính trị, cho phép các công ty viễn thông Hoa Kỳ hoạt động ở Cuba và ngưng thu lệ phí trên các khoản tiền mà kiều dân Cuba ở Hoa Kỳ gửi về cho thân nhân trong nước.

Tháng 1 năm 2011, lệnh cấm du lịch được bãi bỏ hoàn toàn. Người dân Hoa Kỳ có thể tự do du lịch sang Cuba. Các phi trường có thể tiếp nhận các chuyến bay giữa hai nước. Mỗi người Mỹ có thể đầu tư tối đa 500 USD vào các cơ sở kinh tế tại Cuba, với điều kiện các cơ sở này không dính dáng tới đảng Cộng Sản Cuba. Nhờ sự nới lỏng này mà nhiều kiều dân Cuba ở Hoa Kỳ đã mang về nước một số lớn ngoại tệ, giúp cho kinh tế Cuba dễ thở hơn. Tuy nhiên lệnh cấm vận kinh tế vẫn còn hiệu lực và chỉ có Quốc Hội mới có quyền bãi bỏ.

Thủ đô Havana (2009)


Sức khỏe của Castro

Từ năm 1998, sức khỏe Castro bắt đầu suy yếu. Tháng Một 2004, Luis Eduardo Garzón, thị trưởng thành phố Bogotá, thủ đô của Columbia, sau cuộc gặp gỡ với Castro nói rằng ông ta "trông có vẻ rất bệnh hoạn". Tháng Năm 2004, bác sĩ của Castro bác bỏ các tin đồn cho rằng sức khỏe Castro đang xuống dốc. Ông tuyên bố rằng Castro sẽ sống đến 140 tuổi.

Ngày 20 tháng Mười 2004, Castro bị vấp té sau khi đọc diễn văn trước một cuộc mít tinh. Cú ngã này làm ông ta bị vỡ xương tay và đầu gối. Ông ta phải trải qua ba giờ giải phẫu. Sau đó Castro viết một lá thư để đăng lên báo, đài. Trong thư Castro cam đoan với công chúng rằng mình vẫn khỏe và sẽ "không mất liên lạc với quí vị". Năm 2005, tình báo CIA cho rằng Castro mắc bệnh Parkinson (sự rối loạn thoái hoá của hệ thần kinh trung ương làm suy yếu khả năng vận động, lời nói, và các chức năng khác). Castro bác bỏ điều này, tuyên bố rằng ông ta không sợ bệnh tật.

Đời sống cá nhân

Fidel Castro có một con trai với người vợ đầu tiên tên Mirta Diaz-Balart. Hai người ly dị năm 1955 sau 7 năm hôn nhân. Mirta có hai người cháu trai là Lincoln Diaz-Balart và Mario Diaz-Balart, hiện là hai dân biểu trong Quốc Hội Hoa Kỳ. Hai người này có khuynh hướng chỉ trích chính quyền Fidel Castro.

Trong khi còn chung sống với Mirta, Castro dan díu với một người đàn bà tên Natalia Revuelta Clews và có một người con gái tên Alina Fernadez-Revuelta. Alina rời Cuba năm 1993 và đến Hoa Kỳ xin tị nạn chính trị. Cô ta luôn lớn tiếng chỉ trích chính sánh cai trị của cha mình.

Castro có năm con trai với người vợ thứ nhì tên Dalia Soto del Valle.

Castro có một con trai khác tên Jorge Angel Castro với một người đàn bà không rõ danh tánh. Ngoài ra ông ta còn một cô con gái nữa tên Francisca Pupo sinh năm 1953 từ một cuộc tình qua đêm. Alina hiện sống với chồng tại Miami, Hoa Kỳ.

Chuyển giao quyền hành và cải cách

Tháng Bảy 2006, Fidel Castro chuyển giao các chức vụ của mình cho em trai là Raul Castro. Các chức vụ này bao gồm Chủ Tịch Hội Đồng Quốc Gia, Chủ Tịch Hội Đồng Bộ Trưởng, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Cuba và Tổng Tư Lệnh Quân Đội.

Raul Castro sinh năm 1931, là một người đã từng sát cánh với Fidel Castro trong cuộc cách mạng lật đổ Batista. Raul có khuynh hướng cải cách, muốn áp dụng chính sách kinh tế thị trường lên Cuba.

Năm 2008, chính quyền bãi bỏ lệnh cấm buôn bán một số mặt hàng như đầu máy DVD, vi tính, nồi cơm điện, lò vi sóng. Để tăng sản lượng nông nghiệp, chính quyền cho phép chuyển giao đất công cho nông dân làm chủ và giao quyền quyết định cho địa phương. Chính quyền còn cho phép dân chúng xử dụng điện thoại di động.

Tháng Tư 2011, Raul công bố 300 điều khoản cải cách, dựa trên khuôn mẫu của Trung Quốc, trong đó bao gồm việc hạn chế quyền của chủ tịch nước, cho phép các doanh nghiệp tư nhân hoạt động, giảm ngân sách nhà nước, vận động đầu tư từ nước ngoài và cải cách nông nghiệp. Báo chí Hoa Kỳ dự đoán rằng Cuba sắp sửa cho người dân được mua bán bất động sản, có thể trước cuối năm 2011. Các chuyên gia cho rằng việc tự do mua bán đất động sản sẽ nhanh chóng biến đổi nền kinh tế Cuba vốn còn rất nghèo nàn.

Raul Castro

1 nhận xét:

  1. Wikipedia tiếng Việt số lượng thành viên "ma" đăng kí để phá hoại, quảng cáo thì nhiều (trên 300.000) nhưng mỗi tháng chỉ có 1000 người có ít nhất 1 edit, và trong số đó chưa đến 50 người là thực sự nghiêm túc đóng góp đều đặn. Trong khi đó, Wiki tiếng Anh có hơn 100.000 người tích cực viết, rõ ràng không thể đòi hỏi chất lượng hay so sánh Wiki tiếng Việt này với tiếng Anh. Ngoài ra, hàng ngày mấy chục người đó ngoài công việc mưu sinh trong đời thực thì còn phải ngăn chặn hàng trăm, hàng nghìn lượt phá hoại của những kẻ đã không có 1 đóng góp nào nhưng cứ muốn phá hoại bài viết hay đăng quảng cáo. Thứ nhất, họ không được phá bài vì đó là việc làm vô đạo đức không thể chấp nhận. Thứ hai, họ không phép đăng quảng cáo, vì Wiki dựa trên tiền quyên góp chứ không kiếm được 1 đồng nào từ kinh doanh thương mại, nên họ không có quyền kiếm tiền từ Wiki.

    Việc thông tin do bạn tìm tòi bị một người thiếu đạo đức hay thiếu kĩ năng biên tập bài nào đó đưa Wikipedia tiếng Việt là lỗi của riêng người đó và không phải chủ trương của Wikipedia tiếng Việt. Trong trường hợp như vậy, bạn hãy đăng kí 1 tài khoản và vào bài viết đó, đến phần Thảo luận rồi ghi ra bằng chứng về sự sao chép, sau đó xoá toàn bộ các đoạn sao chép đi. Đó là cách đối phó với nạn đạo văn tràn lan hiện nay. Chúc bạn vui.

    Trả lờiXóa