Translate

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Thế Giới Ả Rập và Cuộc Cách Mạng Hoa Lài (The Jasmine Revolution)

Sáng ngày 16 tháng 12 năm 2010, anh Mohamed Bouazizi, một thanh niên 26 tuổi làm nghề bán trái cây dạo trên đường phố, bắt đầu công việc của mình như thường lệ. Khoảng 10 giờ rưỡi sáng, một nữ cảnh sát và thuộc hạ của bà ta xét hỏi anh ta. Họ đòi anh phải trình giấy phép bán dạo. Mục đích của cảnh sát thật ra chỉ nhằm đòi tiền hối lộ vì không mấy ngườì bán dạo ở Tunisia có giấy phép.

Vì không có tiền hối lộ nên cảnh sát tịch thu số hàng của Bouazizi. Người nữ cảnh sát tát vào mặt Bouazizi, phỉ nhổ và chưởi mắng anh. Ngoài ra anh ta còn bị các cảnh sát khác đánh đập. Bouazizi đến tìm viên chủ tịch địa phương để khiếu nại và đòi lại đồ nghề, nhưng viên chủ tịch từ chối không tiếp. Quá phẫn uất, Bouazizi mua một thùng xăng, đến trước văn phòng chủ tịch và nổi lửa tự thiêu, sự việc xảy ra chỉ trong vòng một giờ kể từ khi đôi co với cảnh sát.


Những người đi đường cố gắng dập tắt ngọn lửa và đưa anh ta đi cấp cứu. Chỉ trong vòng vài giờ, câu chuyện của anh Mohamed Bouazizi nhanh chóng được cư dân tại Sidi Bouzid, một thị trấn nhỏ ở Tunisia, biết đến. Dân chúng kéo đến văn phòng của viên chủ tịch biểu tình. Cuộc biểu tình nhanh chóng lan đến các thành phố khác trên toàn cõi Tunisia, và tiếp tục lan sang các quốc gia Ả Rập khác để biến thành một hiện tượng mà giới truyền thông quốc tế gọi là “Cách Mạng Hoa Lài”, một cuộc cách mạng làm rúng động không chỉ các quốc gia Ả Rập mà cả các quốc gia đang có chế độ toàn trị trên thế giới.

Một Chút Kinh Tế và Chính Trị

Tunisia là một quốc gia nằm ở bắc Châu Phi, với diện tích 163,610 km vuông và dân số 11 triệu. Lợi tức bình quân đầu người hàng năm là 4,200 USD (so với Việt Nam là 1,174 USD, thống kê năm 2010). Đa số dân Tunisia theo đạo Hồi. Hiến pháp Tunisia qui định tống thống phảo là một người Hồi Giáo.

Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali lên nắm quyền từ năm 1987. Ben Ali theo đuổi chính sách cải cách kinh tế, nhờ vậy mà nền kinh tế tăng trưởng ngoạn mục. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp ba từ năm 1987 cho tới năm 2008. Tunisia được đánh giá là một trong những quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất Châu Phi. Đối với Tây Phương thì tổng thống Ben Ali giữ thái độ thân thiện. Ben Ali cũng giữ mối giao hảo tốt với các quốc gia Ả Rập Hồi Giáo khác.

Tuy theo đuổi chính sách cải cách kinh tế, nhưng Tunisia lại khắt khe về chính trị. Trên danh nghĩa, Tunisia theo chế độ cộng hòa với hệ thống đa đảng. Trên thực tế, Tunisia là một chế độ toàn trị với quyền hành nằm trong tay tổng thống và đảng cầm quyền với danh xưng “Rassemblement Constitutionel Démocratique (RCD)” nghĩa là “Tập Hợp Dân Chủ Hiến Pháp”. Các bài diễn văn của tổng thống Ben Ali luôn chứa đựng những từ ngữ cổ vũ cho dân chủ và tự do, nhưng theo Hội Ân Xá Quốc Tế thì “chính quyền Tunisia đang đánh lừa thế giới bằng cách chuyển tải hình ảnh tích cực của tình hình nhân quyền trong nước, trong khi sự đàn áp của lực lượng an ninh lại không suy giảm mà còn được bao che”.

Các nhà báo thường bị cấm đăng các bài viết có tính nhạy cảm. Những ai công khai chỉ trích chính quyền hoặc biểu tình có thể bị tù. Tham nhũng và lạm quyền là căn bệnh trầm kha của chế độ. Cảnh sát thường xách nhiễu dân chúng để đòi hối lộ. Vợ của Ben Ali được mô tả là một người mê đi mua sắm. Bà ta từng lấy máy bay Boeing 747 của nhà nước để sang Châu Âu du lịch và mua sắm. Hai cháu trai của Ben Ali từng bị chính quyền Pháp đòi dẫn độ về Pháp với tội ăn cắp du thuyền, nhưng chính quyền Tunisia từ chối. Có những lời đồn đoán rằng Sakher al-Materi, con rể của Ben Ali, đang được chuẩn bị để lên kế vị Ben Ali.

Tuy kinh tế phát triển, nhưng những vấn nạn như tình trạng thất nghiệp cao, hố cách biệt giàu nghèo, tham nhũng, gia đình trị v.v… đã tạo mầm mống bất mãn trong dân chúng, nhất là giới trẻ. Họ dùng Internet làm phương tiện để liên lạc và chuyển tải những thông tin chống chế độ, mặc dù chính quyền luôn áp dụng những biện pháp kiểm duyệt gắt gao để kiểm soát thông tin trên mạng.

Lửa Cách Mạng Bùng Phát

Trở lại Sidi Bouzid, thị trấn nhỏ nơi anh Bouazizi vừa tự thiêu, khi dân chúng trong vùng hay tin, họ đã kéo đến nơi anh tự thiêu để phản đối. Dân chúng dùng Internet và điện thoại di động để phát tán tin tức và hình ảnh về cuộc biểu tình đến cho toàn dân Tunisia và quốc tế biết. Chỉ trong vòng vài tuần, dân chúng ở các thành phố khác cũng rầm rộ xuống đường biểu tình để bày tỏ sự bất mãn. Ngày 27 tháng 12, ngọn lửa lan đến thủ đô Tunis. Hàng ngàn người đã xuống đường để bày tỏ sự đồng tình với dân chúng ở Sidi Bouzid và đòi giải quyết tình trạng thất nghiệp.

(Trái) biểu tình ở Tunisia. (Phải) tổng thống Zine El Abidine Ben Ali


Để xoa dịu tình hình, ngày 28 tháng 12 tổng thống Ben Ali đến thăm Bouazizi, lúc đó đã được chuyển đến một bệnh viện gần thủ đô. Bouazizi qua đời đúng một tuần sau đó.

Ngày 6 tháng 1, đại đa số các luật sư trong luật sư đoàn quốc gia cùng bãi công. Sau đó các giáo viên cũng cùng tham gia bãi công. Dân chúng đòi tổng thống Ben Ali từ chức và giải tán Đảng RCD. Trong nhiều cuộc biểu tình, cảnh sát đã dùng hơi cay và bắn đạn thật vào dân chúng. Những người biểu tình hô to khẩu hiệu: “Chúng tôi không sợ, chúng tôi không sợ, chúng tôi chỉ sợ thượng đế!” Quân đội cũng được điều động để trấn áp biểu tình. Lệnh giới nghiêm được ban hành.

Ngày 14 tháng 01 năm 2011, sau khi đề cử thủ tướng Mohamed Ghannouchi tạm thời nắm quyền lãnh đạo đất nước, tống thống Ben Ali và gia đình bay sang Châu Âu. Ban đầu ông ta định sang Pháp nhưng bị chính phủ Pháp từ chối, ông ta phải sang Ả Rập Saudi và được chấp nhận với điều kiện không được dính dáng tới chính trị nữa. Sự nghiệp chính trị của Ben Ali chấm dứt từ đây.

Tại Tunisia, dân chúng tiếp tục biểu tình đòi giải tán Đảng RCD và loại bỏ tất cả những người có dính dáng đến chính tổng thống Ben Ali, kể cả Ghannouchi. Các cuộc biểu tình tiếp tục kéo dài trong tháng Hai đến đầu tháng Ba. Các đảng viên RCD đang giữ các vị trí cao cấp trong chính quyền lần lượt từ chức. Cả Ghannouchi cũng từ chức và được thay thế bởi Beji Caid el Sebsi.

Ngày 3 tháng 3, chính quyền lâm thời tuyên bố cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra ngày 24 tháng 7 năm 2011, và cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ diễn ra sau đó. Điều này thỏa mãn được yêu sách của dân chúng. Cơ quan mật vụ, sản phẩm của chế độ Ben Ali, và Đảng RCD đều bị giải tán.

Ảnh Hưởng Đến Các Quốc Gia Trong Vùng

Cuộc biến loạn tại Tunisia đã nhanh chóng lan sang các quốc gia Ả Rập Hồi Giáo khác. Bằng Internet và điện thoại di động, tin tức và hình ảnh về các cuộc biểu tình tại Tunisia đã khích động giới trẻ ở các quốc gia Ả Rập cùng đứng lên bày tỏ sự bất mãn của mình đối với chính quyền. Tính cho đến khi bài này được viết, cuộc biến loạn đã diễn ra trong các quốc gia: Ai Cập, Algeria, Bahrain, Iran, Jordan, Libya, Morocco, Syria, và Yemen. Bài này chỉ nói đến một vài quốc gia tiêu biểu dưới đây.

Bản đồ khu vực các quốc gia chịu ảnh hưởng Cách Mạng Hoa Lài

AI CẬP

Cũng giống như Tunisia, Ai Cập có một chế độ toàn trị dưới bàn tay sắt của tổng thống Hosni Mubarak. Lên cầm quyền từ năm 1981, Mubarak cho tái ban hành Đạo Luật Khẩn Cấp. Đạo Luật Khẩn Cấp này, vốn đã từng được thi hành trước đó, cho phép chính quyền có thể bắt giữ bất cứ ai mà không cần lý do, không cần xét xử, và có thể giam giữ vô thời hạn. Tất cả các cuộc biểu tình đều bị cấm, thông tin bị kiểm duyệt gắt gao, bất cứ tổ chức nào không có sự chấp thuận của chính quyền đều không được phép hoạt động. Với đạo luật này, chế độ đã giam giữ khoảng 30,000 tù nhân chính trị. Đối với Do Thái và Tây Phương, Mubarak giữ thái độ thân thiện.

Từ năm 2004, kinh tế Ai Cập bắt đầu tăng trưởng mạnh nhờ chính sách đổi mới kinh tế. Các công ty quốc doanh được cổ phần hóa, thuế công ty được giảm xuống, đầu tư nước ngoài được khuyến khích. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF đã đánh giá Ai Cập là một trong những quốc gia đi đầu trong cải cách kinh tế.

Tuy nhiên nạn tham nhũng là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển. Tình trạng thất nghiệp cao và hố cách biệt giàu nghèo gây bất mãn trong dân chúng.

Theo gương giới trẻ Tunisia, giới trẻ Ai Cập bắt đầu xuống đường từ ngày 25 tháng 01 năm 2011. Quảng trường Tahrir ở Cairo tràn ngập người biểu tình. Dân chúng ở các thành phố khác cũng hưởng ứng. Họ đòi Mubarak từ chức , bãi bỏ Luật Khẩn Cấp, và ban hành các chính sách cải tổ chính trị. Để xoa dịu tình hình, Mubarak tuyên bố sẽ không ra tái tranh cử vào cuộc bầu cử sắp tới, vốn được ấn định vào tháng 9 tới. Nhưng những người biểu tình không đồng ý, họ đòi Mubarak phải ra đi ngay lập tức. Trên đường phố Cairo đã xảy ra những cuộc đụng độ giữa những người chống và ủng hộ Mubarak.


(Trái) biểu tình ở Ai Cập. (Phải) tổng thống Hosni Mubarak

Ngày 11 tháng 02, phó tống thống Omar Suleiman tuyên bố tổng thống Hosni Mubarak đã từ chức. Tin này gây phấn khởi trong dân chúng. Mọi người đổ ra đường phất cờ và reo hò.

Sau khi từ chức, Mubarak và gia đình đã âm thầm rời thủ đô đến Sharm el-Sheikh, một thành phố nhỏ của Ai Cập bên bờ Biển Đỏ. Giới truyền thông Tây Phương ước lượng tài sản của gia đình Mubarak trong khoảng từ 40 đến 70 tỉ USD. Phần lớn tài sản này nằm ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Ủy Ban Thanh Tra Quốc Gia Ai Cập đã ra lệnh phong tỏa tài sản của gia đình Mubarak và tiến hành điều tra để đưa Mubarak ra tòa về tội tham nhũng và lạm quyền.

SYRIA

Không giống như Ai Cập và Tunisia, là hai quốc gia giữ thái độ thân thiện với Tây Phương, Syria coi Hoa Kỳ và các cường quốc Châu Âu là kẻ thù không đội trời chung.

Cũng giống như nhiều quốc gia Ả Rập khác, Syria theo chế độ toàn trị với Đảng Baath (Đảng Phục Hưng) nắm giữ quyền hành gần như tuyệt đối. Đạo Luật Khẩn Cấp được áp dụng từ năm 1962. Tổng thống Bashar al-Assad lên cầm quyền từ năm 2000, sau khi cha ông ta là tổng thống Hafiz al-Assad qua đời sau 30 năm nắm giữ quyền hành.

Bashar al-Assad là người có chút tư tưởng cải cách. Ngay sau khi lên nắm quyền, al-Assad nới lỏng quyền tự do ngôn luận, điều này đã dẫn đến “Mùa Xuân Damascus” (Damascus là thủ đô của Syria), một khoảng thời gian mà các chính khách và giới trí thức Syria công khai bàn cãi về chính trị. Các cuộc bàn cãi này đã đưa đến sự ra đời của “Tuyên Ngôn 99”. Tuyên ngôn này bao gồm chữ ký của 99 nhà trí thức, trong đó đòi hỏi bãi bỏ Luật Khẩn Cấp, bỏ thiết quân luật, thả hết tù chính trị và cho các đảng đối lập hoạt động. Tuyên Ngôn 99 còn đòi bỏ điều 8 hiến pháp, trong đó qui định đảng Baath là đảng cầm quyền.

Ban đầu, chính quyền có vẻ nhượng bộ. Tháng 10 năm 2000 hàng trăm tù chính trị được thả và nhà tù Mezze bị đóng cửa. Nhưng sau đó chính quyền đổi hướng, một số người bị bắt giam và các câu lạc bộ chính trị bị cấm hoạt động. “Mùa Xuân Damascus” chỉ kéo dài khoảng từ giữa năm 2000 đến mùa thu năm 2001.

Ngày 26 tháng 01 năm 2011, hưởng ứng cuộc nổi dậy của các quốc gia trong vùng, dân chúng Syria xuống đường. Những người biểu tình đòi chính phủ cải cách chính trị, tôn trọng quyền công dân và bãi bỏ Luật Khẩn Cấp . Chính quyền thẳng tay đàn áp, hàng ngàn người bị bắt và một số người bị bắn chết ngay trong ngày đầu tiên.

Các cuộc biểu tình tiếp diễn cho đến tháng 3. Những người biểu tình hô vang khẩu hiệu: “Thượng Đế, Syria, tự do, thế là đủ”. Ngày 29 tháng 03, để xoa dịu dân chúng,  tổng thống Assad yêu cầu nội các từ chức. Adel Safar được chỉ định làm thủ tướng và nội các mới tuyên thệ nhậm chức ngày 14 tháng 04. Luật Khẩn Cấp được bãi bỏ vào ngày 21 tháng 04.

Tuy nhiên dân chúng vẫn tiếp tục xuống đường đòi các cải cách rộng lớn hơn. Cho đến thời điểm của bài viết này, các cuộc biểu tình ở Syria vẫn tiếp diễn và bị chính quyền đàn áp thô bạo với hàng ngàn người bị bắt và hàng trăm người bị giết.

(Trái) biểu tình ở Sirya. (Phải) Tổng thống al-Assad


LIBYA

Trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng của Cách Mạng Hoa Lài, không có quốc gia nào đổ máu nhiều như Libya.

Libya nằm giữa Tunisia và Ai Cập, với dân số khoảng 6.5 triệu, là quốc gia có trữ lượng dầu thô cao nhất Châu Phi. Với 41.5 triệu thùng dầu (6.6 tỉ mét khối), Libya đứng hàng thứ chín trên thế giới về trữ lượng dầu thô. Libya cung cấp khoảng 10% số dầu thô cả thế giới đang tiêu thụ. Nhờ nguồn lợi dầu hỏa, Libya có lợi tức bình quân đầu người hàng năm khá cao, khoảng 11,314 USD, đứng hạng 4 Châu Phi và hạng 50 toàn thế giới (theo số liệu của Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế IMF năm 2010).

Muammar Gaddafi lên cầm quyền từ năm 1969 sau một cuộc đảo chánh. Gaddfi thành lập các Ủy Ban Cách Mạng. Có khoảng 10 đến 20% dân số Libya nằm trong các ủy ban này. Nhiệm vụ của họ là theo dõi và báo cáo mọi hoạt động của người dân cho chính quyền. Trung bình cứ mười người dân thì có một hoặc hai người làm công tác chỉ điểm. Tỉ lệ này ngang với Iraq dưới thời Saddam Hussein và Bắc Triều Tiên hiện thời. Các hoạt động đối lập với chính quyền đều bị cấm. Gaddafi đã từng tuyên bố: “Kẻ nào lập đảng đối lập sẽ bị xử tử”. Nói chuyện chính trị với người nước ngoài là một trọng tội và có thể bị tù đến 3 năm. Gaddfi cấm dạy ngoại ngữ trong trường học.  Trong một cuộc biểu tình năm 2011, một người Libya đã nói với nhà báo nước ngoài: “Gaddfi làm cho chúng tôi trở nên vô ý thức và mù quáng”.

Chế độ kiểm duyệt của Libya được coi là khắc nghiệt nhất vùng Trung Đông và Bắc Phi. Chính quyền thường xử tử những người đối kháng trước công chúng và chiếu lại cảnh xử tử trên truyền hình quốc gia.

Ngay cả những người Lybia lưu vong cũng không thoát khỏi bàn tay của Gaddafi. Gaddafi thuê một đạo quân giết mướn để ám sát những người Libia lưu vong dám chỉ trích ông ta. Hội Ân Xá Quốc Tế đã liệt kê khoảng 25 vụ ám sát như vậy trong khoảng từ 1980 đến 1987. Năm 1984, trong một cuộc biểu tình của người Lybia lưu vong chống Gaddfi trước tòa đại sứ Lybia ở Luân Đôn, đạn đã bắn ra từ tòa đại sứ làm bị thương mười người biểu tình và giết chết một nữ cảnh sát người Anh. Vì vụ này mà Anh đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Libya. Mãi đến năm 1999 quan hệ mới được nối lại sau khi Libya nhận lỗi và bồi thường cho gia đình của người nữ cảnh sát.

Muammar Gaddafi

Gaddfi yểm trợ nhiều tổ chức khủng bố trên thế giới. Năm 1986, mật vụ Libya đặt bom ở hộp đêm La Belle ở Tây Đức (Nước Đức lúc đó đang bị chia hai thành Đông Đức và Tây Đức) làm bị thương 229 người và chết 3 người. Vì vụ khủng bố này mà Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Phương đã áp đặt lệnh cấm vận kinh tế lên Libya.

Gaddafi tài trợ cho tổ chức “Dân Tộc Hồi Giáo (Nation of Islam)” tại Hoa Kỳ. Năm 1986, đài truyền hình quốc gia Libya tuyên bố Libya đang huấn luyện các nhóm tấn công tự sát để tấn công Hoa Kỳ và Châu Âu.

Ngày 14 tháng 4 năm 1986, tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan mở chiến dịch không kích nhắm vào Gaddafi, tiêu diệt các hệ thống phòng không, ba căn cứ quân sự và hai phi trường. Cuộc không kích không giết được Gaddafi nhưng một người con gái nuôi của Gaddafi chết trong vụ này.

Gaddafi còn theo đuổi chương trình nghiên cứu chế tạo vũ khí giết người hàng loạt, bao gồm vũ khí nguyên tử và hóa học.

Ngày 21 tháng 12 năm 1988, chuyến bay 103 của hãng hàng không Pan Am Hoa Kỳ cất cánh từ Luân Đôn đến New York bị nổ tung trên bầu trời Tô Cách Lan. Các mảnh vụn rớt xuống thị trấn Lockerbie làm chết thêm 11 người, nâng tổng số người thiệt mạng lên 270. Vụ nổ này được gọi là “Lockerbie Bombing”. Các cuộc điều tra sau đó đã dẫn tới kết luận là thủ phạm xuất phát từ Libya.

Sang thập niên 1990, Gaddafi bắt đầu hòa hoãn với Tây Phương. Năm 1999 Gaddafi đồng ý giao nộp hai nghi can trong vụ nổ bom Lockerbie cho Tô Cách Lan để xử án. Sau khi Hoa Kỳ đem quân vào Iraq hạ bệ chế độ độc tài Saddam Hussein năm 2003, Gaddafi càng tỏ ra thân thiện với Tây Phương. Gaddafi nhận trách nhiệm trong vụ Lockerbie và đồng ý bồi thường gia đình các nạn nhân tổng cộng 2.7 tỉ USD. Gaddafi còn đồng ý hủy bỏ chương trình sản xuất vũ khí giết người hàng loạt , cam kết hỗ trợ Hoa Kỳ tiêu diệt tổ chức khủng bố Al-Qaeda. Đổi lại, Hoa Kỳ và Châu Âu bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế và bình thường hóa quan hệ.

Sau khi nối lại quan hệ với Tây Phương, Libya bắt đầu mở cửa và cải cách kinh tế, đời sống người dân Libya nhờ vậy dễ thở hơn. Tuy nhiên, với chế độ toàn trị và mọi đặc quyền kinh tế nằm trong tay thiểu số cầm quyền, nhất là gia đình Gaddafi, người dân Lybia vẫn không được hưởng thành quả phát triển kinh tế đồng đều. Tham nhũng, gia đình trị, thất nghiệp và hố cách biệt giàu nghèo là những vấn đề nổi cộm.

Giữa tháng 2 năm 2011, các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra. Làn sóng biểu tình nhanh chóng lan đến thủ đô Tripoli. Chính quyền phản ứng mạnh ngay từ đầu, quân đội và cảnh sát được lệnh bắn thẳng vào những người biểu tình. Hỗn loạn và bạo động diễn ra khắp nước. Để chống lại sự đàn áp của quân đội, người dân đã xử dụng vũ khí và tổ chức thành đội ngũ. Một số quân nhân bỏ hàng ngũ chạy sang phe nổi dậy.

Gaddafi thuê chiến binh ngoại quốc, kể cả trẻ em 13 tuổi, tham gia tàn sát người biểu tình. Những thành viên trong Hội Đồng Cách Mạng của Gaddafi đã lùng sục các bệnh viện ở Tripoli và xử tử những người biểu tình đang nằm điều trị trong bệnh viện rồi đem xác họ đi. Các sĩ quan quân đội xử tử những quân nhân nào từ chối bắn vào người biểu tình.

Biểu tình ở Libya


Ngày 27 tháng 2, phe nổi dậy thành lập Hội Đồng Chuyển Tiếp Quốc Gia tại thành phố Benghazi, miền tây Libya. Hội đồng này tuyên bố đại diện cho toàn dân Libya.

Sang tháng 3, phần lớn đất nước Libya vuột khỏi sự kiểm soát của chính quyền. Gaddafi ra lệnh cho quân đội xử dụng xe tăng, đại bác, hỏa tiễn, máy bay để tấn công quân nổi dậy. Thành phố Zawiyah cách Tripoli 50 km về phía tây đã bị tấn công “với một sự tàn bạo chưa từng thấy”, theo báo The Independent.

Các thành phố Benghazi, Ajadabiya, và Misrata diễn ra các trận đánh ác liệt giữa quân chính phủ và phe nổi dậy. Quân chính phủ thả bom và pháo kính bừa bãi vào dân chúng. Phe nổi dậy kêu gọi Hoa Kỳ và Châu Âu áp dụng “vùng cấm bay” để bảo vệ dân chúng khỏi sự tàn sát của quân chính phủ.

Trước tình hình khẩn trương, tổng thống Pháp Nicolas Sarkosy đã thúc dục Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết áp dụng vùng cấm bay. Ngày 17 tháng 3, HĐBALHQ thông qua nghị quyết 1973 với 10 phiếu thuận và 5 phiếu trắng (các quốc gia bỏ phiếu trắng là Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Đức). Nghị quyết 1973 qui định vùng cấm bay trên phần lớn lãnh thổ Libya và cho phép không quân các quốc gia liên hệ tuần tra để thi hành lệnh cấm. Nghị quyết còn cho phép “xử dụng các phương thức cần thiết, ngoại trừ sự chiếm đóng của quân nước ngoài, để bảo vệ thường dân”.

Dân chúng ở thành phố Benghazi khi nghe tin này đã nhảy múa ngoài đường phố, nhưng sự vui mừng của họ không kéo dài lâu. Ngày hôm sau, dù mới tuyên bố ngừng bắn, Gaddafi đã ra lệnh cho quân đội tấn công ác liệt vào hai thành phố Benghazi và Misrata với ý đồ nghiền nát quân nổi dậy và chiếm toàn thành phố trước khi Liên Hợp Quốc kịp phản ứng.

Ngày 19 tháng 3, tổng thống Sarkosy đã ra lệnh cho không quân Pháp khai hỏa vào quân Gaddafi tại Benghazi. Hoa Kỳ và Anh cũng phóng hơn 100 hỏa tiễn Tomahawk từ các chiến hạm ngoài khơi biển Địa Trung Hải vào các hệ thống phòng không trên khắp Libya.

Các cuộc không tập sau đó đã giúp quân nổi dậy đẩy lùi quân đội Gaddafi ra khỏi miền tây Libya. Miền đông Libya phần lớn nằm dưới sự kiểm soát của Gaddafi, trừ thành phố Misrata. Sau hơn hai tháng chiến đấu kể từ cuối tháng 2, phe nổi dậy đã đánh bật được quân Gaddafi ra khỏi thành phố Misrata vào đầu tháng 5. Vì nằm lọt thỏm trong vùng kiểm soát của chính phủ Gaddafi nên Misrata, một thành phố cảng, chỉ có thể được tiếp viện bằng đường biển.

Cuộc chiến hiện vẫn đang tiếp diễn ở Libya. Gaddafi tuyên bố sẽ không bỏ cuộc. Tòa Án Tội Phạm Quốc Tế (International Criminal Court) hiện đang thảo luận về việc ra án lệnh bắt giữ Gaddafi về tội sát hại người biểu tình. Nếu án lệnh này thành hình thì Gaddafi sẽ không có chỗ dung thân một khi bị lật đổ.

Ảnh Hưởng Đến Trung Quốc và Việt Nam

Trong số các quốc gia không thuộc khối Ả Rập, có lẽ Trung Quốc là quốc gia lo sợ ảnh hưởng của Cách Mạng Hoa Lài nhất. Ngay từ đầu, Trung Quốc đã triệt tiêu tất cả các thông tin về diễn biến các cuộc biến loạn. Truyền thông nhà nước tuyệt nhiên không nói đến, Internet bị kiểm duyệt gắt gao. Các nhà đối kháng Trung Quốc đã kêu gọi dân chúng xuống đường tạo Cách Mạng Hoa Lài ở Trung Quốc, nhưng công an TQ đã canh chừng cẩn mật mọi địa điểm có thể có biểu tình.

Tại Việt Nam, mọi thông tin về CMHL lại được phổ biến rộng rãi trên truyền thông chính thức, mặc dù chính quyền VN vẫn có vẻ đề phòng. Đây là một điều đáng ngạc nhiên.

Trên mạng rải rác xuất hiện lời kêu gọi dân chúng VN xuống đường. Ngày 28 tháng 2, bác sĩ Nguyễn Đan Quế đưa ra lời kêu gọi toàn dân xuống đường làm cách mạng và đã bị công an bắt giữ nhưng lại được thả sau vài ngày. Cũng như Trung Quốc, Việt Nam đã không có những cuộc xuống đường.

Vì Sao Gọi Là “Cách Mạng Hoa Lài (Jasmine Revolution)”?

Giới truyền thông Tây Phương đã gọi cuộc cách mạng ở Tunisia là “Cách Mạng Hoa Lài” và đây cũng là tên gọi chung cho những cuộc cách mạng dây chuyền tiếp đó trong các quốc gia Hồi Giáo Ả Rập. Điều đáng nói là tên gọi này lại không phổ biến ngay tại Tunisia.

Có người giải thích rằng hoa lài là loại hoa tiêu biểu của quốc gia Tunisia nên cuộc cách mạng được lấy tên của loài hoa này. Lại có người giải thích rằng anh Mohamed Bouazizi, người châm lửa tự thiêu làm bùng nổ cuộc cách mạng, bán loại hoa này trên đường phố (thật ra anh Bouazizi bán trái cây).

Lời giải thích có vẻ xác đáng nhất là tên gọi này xuất phát từ một dãy các tên gọi của các cuộc cách mạng tương tự khác đã xảy ra trong thập niên 2000. Các cuộc cách mạng có chung các đặc điểm là lật đổ chế độ độc tài và mang tên một loài hoa hay một màu sắc, chẳng hạn như Cách Mạng Hoa Hồng ở Georgia (2003), Cách Mạng Màu Cam ở Ukraine (2004), Cách Mạng Hoa Tuyết Tùng ở Lebanon (2005), Cách Mạng Xanh ở Kuwait (2005). Vì vậy cuộc cách mạng ở Tusinia được đặt tên một loài hoa để cùng âm hưởng với các cuộc cách mạng trước.

Bài Học Từ Cách Mạng Hoa Lài.

Khi cuộc các cuộc biểu tình nổ ra ở Tunisia, Hoa Kỳ và Châu Âu không mấy chú ý, giới truyền thông chỉ đăng tin qua loa. Khi cuộc cách mạng bắt đầu lan sang các quốc gia khác, thế giới mới chú ý và tin tức được loan truyền rộng rãi.

Không ai ngờ rằng tình hình lại biến chuyển nhanh đến vậy. Không mấy ai đoán trước Tusinia sẽ có một cuộc cách mạng. Tunisia không phải là một quốc gia nghèo. Kinh tế của Tunisia được coi là khá mạnh. Ngoài ra, các quốc gia Lybia, Bahrain và Iran đều là những quốc gia có lợi tức khá hoặc cao nhờ sản xuất dầu thô.

Điều gì làm cho người dân bất mãn? Có người lập luận rằng các chế độ ở Tunisia và Ai Cập thân Hoa Kỳ và Châu Âu nên quần chúng muốn lật đổ để thay thế bằng một chế độ chống Hoa Kỳ. Nếu lập luận như vậy thì làm sao giải thích được trường hợp của Syria và Iran, là hai chế độ coi Hoa Kỳ và Châu Âu là kẻ thù không đội trời chung?

Nhìn kỹ hơn, người ta có thể thấy rằng các quốc gia này có chung những đặc điểm: độc tài, tham nhũng và bất công xã hội. Tạì Tunisia, tham nhũng là một thứ gần như là sự thường tình trong xã hội. Bất cứ ai có chút quyền hành cũng có thể biến thành con sâu tham nhũng. Cảnh sát Tunisia có thể chặn bắt bất cứ ai với bất cứ lý do gì để vòi vĩnh tiền hối lộ. Bất cứ công ty nước ngoài nào muốn đầu tư vào Tunisia phải có tiền lót tay cho những quan chức cao cấp hoặc thân nhân của gia đình tổng thống Ben Ali. Tất cả các đầu mối làm ăn béo bở đều do gia đình Ben Ali nắm giữ. Vì vậy tuy kinh tế phát triển và đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng, đa số người dân được hưởng rất ít các thành quả này. Trong khi gia đình Ben Ali có trong tay hàng tỉ USD thì nhiều người dân Tunisia, chẳng hạn như anh Mohamed Bouazizi, phải làm lụng vất vả kiếm từng đồng để nuôi sống gia đình. Rất nhiều thanh niên Tunisia sau khi ra trường không kiếm được việc làm. Tỉ lệ thất nghiệp ở Tunisia ước tính khoảng 14%.

Tham nhũng và bất công xã hội không thể nào giải quyết được bao lâu mà chế độ độc tài còn tồn tại. Người ta không thể cách chức hay xử tội một quan chức tham nhũng được khi quan chức này có dây mơ rễ má với giới lãnh đạo cao cấp, và giới lãnh đạo cao cấp này sẽ không bao giờ mất chức được khi mà người dân không có quyền chọn ai khác để thay thế họ.

Những người lãnh đạo này sẽ không bao giờ chịu rời bỏ chiếc ghế khi mà mỗi giờ, mỗi ngày ngồi trên ghế, tiền cứ tuôn vào túi họ đều đều. Chỉ có một cuộc cách mạng mới bứng được gốc rễ của họ. Người dân các nước Ả Rập nhìn thấy được đều này, và họ đã xuống đường hành động.
*****

Videos(Các đoạn video trên Youtube có thể có quảng cáo ở khúc đầu)

Biểu tình ở Tunisia:
http://www.youtube.com/watch?v=eUuuM4sWPCs
http://www.youtube.com/watch?v=omWjoDlS0LE

Biểu tình ở Ai Cập:
http://www.youtube.com/watch?v=24uclpb2U7k
http://www.youtube.com/watch?v=3xWiBCIxjIk

Biểu tình ở Syria:
http://www.youtube.com/watch?v=oC55uPBKYqU
http://www.youtube.com/watch?v=at4_wCArgW8

Biểu tình ở Libya:
http://www.youtube.com/watch?v=G5xT-Ljepz0
http://www.youtube.com/watch?v=EwmlYXnnvmE

Libya: quân nổi dậy ở thành phố Benghazi:
http://www.youtube.com/watch?v=qNHvDEUbeLo

Libya: quân nổi ở thành phố Misrata:
http://www.youtube.com/watch?v=2aRwVCcNohM
http://www.youtube.com/watch?v=OgQBB1XPe18

Libya: đoạn video này ghi lại cảnh Misrata trước và sau cuộc nổi dậy:
http://www.youtube.com/watch?v=bIN4XrY62ME

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét