Translate

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Triều Tiên: Cuộc Chiến Bị Quên Lãng (The Forgotten War)

Trong tất cả các cuộc chiến có quân đội Hoa Kỳ tham dự, có một cuộc chiến được gọi bằng một danh từ kỳ lạ là “Cuộc Chiến Bị Quên Lãng (The Forgotten War)”. Chiến Tranh Triều Tiên chỉ kéo dài 3 năm (1950-1953) nhưng nó đã làm tổn thất hàng triệu nhân mạng của cả hai miền Nam-Bắc. Cuộc chiến này có sự tham dự của cả quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây không phải là một một cuộc chiến nhỏ, nhưng tại sao nó lại mang một tên gọi không xứng đáng với tầm vóc của nó? Trước khi trả lời câu hỏi   này, ta hãy ngược dòng lịch sử Triều Tiên trở về thế kỷ thứ 19.


Sự can thiệp của Nhật vào nội tình Triều Tiên
Nhật Bản bắt đầu can thiệp vào nội tình của Hàn Quốc từ cuối thế kỷ 19. Lợi dụng sự suy yếu của triều đình phong kiến Hàn và cuộc nổi loạn của dân chúng ở Tonghak (1884) đòi cải tổ chính quyền, Nhật và Trung Quốc đánh nhau để giành ảnh hưởng. Nhật thắng Trung Quốc và hiệp ước Shimonoseki được ký kết vào tháng Tư 1885, trong đó Trung Quốc công nhận quyền chiếm đóng của Nhật trên đất Hàn.

Tháng Mười 1895, Nhật ám sát Thái Hậu Min, người chủ trương chống Nhật. Để bảo toàn tính mạng, vua Kojong trốn vào tòa lãnh sự của Nga. Năm 1896, ông Seo Chae-pil từ nước ngoài về lập ra Câu Lạc Bộ Độc Lập để giành lại chủ quyền cho Hàn. Với sự ủng hộ của tổ chức này, nhà vua trở lại hoàng cung, tự phong mình là hoàng đế và đặt tên nước là Đại Hàn.

Chiến tranh Nga-Nhật nổ ra (1904-05), triều đình Hàn ban đầu tuyên bố trung lập, nhưng Nhật bắt Hàn phải để cho Nhật sử dụng hầu hết lãnh thổ Hàn để làm bàn đạp đánh Nga. Sau khi thắng Nga, Nhật ép triều đình Hàn ký hiệp ước công nhận sự bảo hộ của Nhật (tháng Mười 1905). Sau đó Nhật truất phế hoàng đế Kojong và đưa con của ông là Sunjong lên ngai. Quân đội Hàn bị giải thể. Năm 1910 Nhật sát nhập Hàn vào lãnh thổ Nhật. Ngay sau hiệp ước 1905, sĩ phu Hàn thành lập "Đạo Binh Lẽ Phải" kháng chiến chống Nhật. Đạo binh này chiến đấu rất hữu hiệu và gây nhiều tổn thất cho quân đội Nhật. Sau khi Hàn bị sát nhập, tổ chức này phải rút qua Mãn Châu.

Nhật đặt các tướng lãnh của mình vào các chức vụ cao cấp trong chính quyền. Dân Hàn bị tước hết quyền tự do ngôn luận và hội họp. Nhiều trường dân lập bị đóng cửa. Trường học phải dạy tiếng Nhật. Văn học và lịch sử Hàn bị cấm dạy. Chính quyền thuộc địa bắt nông dân phải kê khai đất đai. Ai không kê khai thì bị chiếm đoạt. Các đất công đều bị người Nhật chiếm hết. Nhiều người Hàn bị mất đất phải vào rừng kiếm sống hoặc bỏ sang Mãn Châu hoặc Nhật để tìm việc.

Biến cố Một Tháng Ba
Đầu năm 1919, cựu hoàng Kojong, biểu tượng tinh thần độc lập của dân tộc Hàn, qua đời. Dân chúng khắp mọi miền đất nước đổ về thủ đô Seoul (Hán Thành) để viếng tang. Nhân dịp này, một bản tuyên ngôn độc lập được công bố trong cuộc tuần hành vào ngày 01 tháng Ba. Khoảng hai triệu sinh viên và dân chúng xuống đường đòi độc lập. Nhật thẳng tay đàn áp. 7,500 người bị giết, 16,000 người bị thương, 47,000 người bị bắt, trong đó có 10,500 người bị cầm tù.

Sau biến cố này, Nhật nhận thấy họ phải áp dụng chính sách mềm dẻo hơn. Quyền tự do ngôn luận được nới lỏng, cảnh sát dã chiến được thay thế bằng cảnh sát thường để giữ trật tự. Tuy nhiên chính sách chung vẫn cứng rắn.

Chính quyền lưu vong
Tháng Tư 1919, một chính quyền lâm thời được thành lập tại Thượng Hải (Trung Quốc) bởi những người Hàn lưu vong. Lãnh tụ của nhóm này gồm có Syngman Rhee, An Chang-ho, và Kim Ku. Đến năm 1922, Tất cả các tổ chức chống Nhật tại Mãn Châu thống nhất lại dưới sự lãnh đạo của chính quyền lưu vong. Tờ báo "Độc Lập" được phát hành để thức tỉnh tinh thần độc lập.

Chấm dứt chế độ thuộc địa
Năm 1931 Nhật lại áp dụng chính sách quân phiệt. Sau khi chiến tranh Hoa-Nhật nổ ra (1937) và Thế Chiến II lan tới Thái Bình Dương (1941), Nhật muốn đồng hóa dân tộc Hàn: dân Hàn phải theo Thần Đạo, lấy tên Nhật, các cơ quan văn hóa Hàn và báo chữ Hàn bị đóng cửa. Vì thiếu nhân lực, Nhật bắt người Hàn phục vụ trong quân đội, đi làm trong các hầm mỏ, nhà máy và căn cứ quân sự.

Khi Thượng Hải rơi vào tay Nhật, chính quyền lưu vong dời về Chungking ở tây nam Trung Quốc. Họ tuyên chiến với Nhật và thành lập Đạo Binh Phục Quốc. Đạo binh này chiến đấu bên cạnh quân đội đồng minh ở Trung Quốc cho đến khi Nhật đầu hàng vào tháng Tám 1945, chấm dứt 36 năm chế độ cai trị của Nhật trên đất Hàn.

Chia đôi đất nước
Tháng Bảy 1945, tại hội nghị Potsdam, Hoa Kỳ đề nghị Liên Bang Xô Viết (bao gồm nước Nga bây giờ) cùng đưa quân vào giải giới quân đội Nhật ở Hàn quốc. Hội nghị này cũng đưa ra lời tuyên cáo nhắc lại lời tuyên cáo trước đó tại hội nghị Cairo, rằng Hàn quốc sẽ được trả độc lập.

Theo thỏa thuận, Liên Xô sẽ giải giới quân đội Nhật ở phần đất phía bắc của vĩ tuyến 38 và Hoa Kỳ phía nam. Ngày 9 tháng Tám, quân Liên Xô tiến vào phía bắc Hàn quốc. Một tháng sau, quân Hoa Kỳ tiến vào phía nam và tiếp nhận sự đầu hàng của quân Nhật tại Seoul. Ngay sau khi tiếp quản, Liên Xô bắt đầu khóa chặt vĩ tuyến 38, vô hình trung cắt rời Hàn quốc thành hai miền.

Miền Nam
Sự kết thúc của chế độ cai trị Nhật gây ra nhiều bối rối ở cả hai miền nam bắc. Tại miền nam, Quân đội Hoa Kỳ, dưới sự chỉ huy của tướng John Hodge, thành lập chính quyền quân sự. Nhiều đảng phái được thành lập. Chính phủ lưu vong từ Trung Quốc trở về nhưng họ không được Hoa Kỳ công nhận mà chỉ được coi như một đảng phái, không phải một chính quyền.

Tháng Mười Hai 1945, bộ trưởng ngoại giao các nước Hoa Kỳ, Liên Xô và Anh họp ở Mạc Tư Khoa và quyết định thành lập một hội đồng ủy nhiệm bốn nước (gồm Hoa Kỳ, Liên Xô, Anh và Trung Quốc) để điều hành Hàn quốc trong 5 năm. Khi nhận được tin này, dân Hàn phản ứng dữ dội. Tháng Hai 1946, để xoa dịu sự bất mãn, chính quyền quân sự thành Hội Đồng Dân Biểu và chọn Syngman Rhee, vốn là chủ tịch của chính quyền lưu vong, làm chủ tịch. Tháng Mười, Hội Đồng Lập Pháp ra đời với phân nửa thành viên do nhân dân bầu lên và nửa còn lại do chính quyền quân sự chỉ định.

Miền Bắc
Khi quân đội Liên Xô tiến vào miền bắc, họ đem theo một nhóm những người Cộng Sản Hàn lưu vong. Bằng cách đặt những người này được đặt vào các chức vụ then chốt trong chính quyền, Liên Xô đã dễ dàng thành lập một chính quyền Cộng Sản tại miền bắc. Kim Nhật Thành (Kim IL-Sung), một người Hàn mang lon thiếu tá của Hồng Quân Sô Viết, được giới thiệu với dân chúng như một anh hùng dân tộc. Sau đó Kim được chọn làm tổng bí thư Đảng Cộng Sản Hàn. Với sự yểm trợ mạnh mẽ của Liên Xô, Kim dần dần củng cố địa vị của mình trong chính trường.

Hai quốc gia Triều Tiên
Tháng Mười 1947, Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết trong đó kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử Hàn quốc dưới sự giám sát của một ủy ban đặc nhiệm, nhằm thành lập một chính quyền thống nhất. Liên Xô đã ngăn cản không cho ủy ban đặc nhiệm vào miền bắc. Dù vậy miền nam vẫn tổ chức bầu cử vào tháng Năm 1948. Một bản hiến pháp được thông qua và Rhee được bầu làm tổng thống. Ngày 15 tháng Tám 1948, nước Cộng Hòa Triều Tiên (tức Nam Hàn) được thành lập, với Seoul là thủ đô.

Tại miền bắc, một cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng Tám 1948. Tháng Chín, Kim Nhật Thành được chọn làm thủ tướng. Ngày 9 tháng Chín 1948, nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (tức Bắc Hàn) ra đời, với thủ đô là Pyongyang (Bình Nhưỡng).

Bản đồ hai miền Nam, Bắc Hàn và các quốc gia trong vùng

Miền Bắc tấn công
Rạng sáng ngày 25 tháng Sáu 1950, quân đội Bắc Hàn, được trang bị vũ khí và chiến xa Liên Xô, vượt vĩ tuyến 38 tiến vào phần đất Nam Hàn. Lính biên phòng Nam Hàn ban đầu tưởng đây chỉ là một cuộc đụng độ nho nhỏ, nhưng sau đó họ nhận ra nó là một cuộc tấn công qui mô.

Quân đội Nam Hàn lúc đó có khoảng 98,000 quân với vũ khí nhẹ, chỉ đủ để giữ trật tự và tuần phòng. Quân đội Hoa Kỳ đã rút khỏi Nam Hàn từ tháng Sáu 1949, chỉ để lại 500 cố vấn để huấn luyện lính Nam Hàn. Viện trợ quân sự của Hoa Kỳ lúc đó chưa được chuyển giao cho Nam Hàn.

Quân đội Bắc Hàn có khoảng 135,000 quân, gồm cả một lữ đoàn xe tăng. Từ năm 1946, hàng ngàn sĩ quan Bắc Hàn được đưa sang Liên Xô huấn luyện. Khi quân đội Xô Viết rời Bắc Hàn (1948), họ để lại 150 cố vấn cho mỗi sư đoàn Bắc Hàn. Họ cung cấp nhiều vũ khí nặng cho Bắc Hàn. Khi cuộc chiến bùng nổ, quân Bắc Hàn vượt xa quân Nam Hàn về quân số cũng như trang bị.

Chỉ trong vòng bốn ngày, quân Cộng Sản Bắc Hàn đã chiếm được Seoul. Một tháng sau, quân Nam Hàn đã bị dồn về khu vực quanh thành phố Pusan phía đông nam bán đảo Triều Tiên.

Một ngày sau khi quân Bắc Hàn tiến vào nam, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết lên án cuộc tấn công. Liên Xô lúc đó không có mặt để phản đối nghị quyết này, vì họ đang tẩy chay các cuộc họp, với lý do Liên Hiệp Quốc chưa công nhận chính quyền Trung Quốc (do Mao Trạch Đông lãnh đạo). Với sự đồng thuận của LHQ, tổng thống Harry Truman ra lệnh cho hải quân và không quân Hoa Kỳ yểm trợ cho Nam Hàn. Tướng Douglas MacArthur được chỉ định làm tư lệnh quân Đồng Minh. Seoul đã nhanh chóng rơi vào tay Bắc Hàn vào ngày 28 tháng Sáu và phần lớn quân đội Nam Hàn bị đánh tan tác. Bộ binh Hoa Kỳ hiện diện ở chiến trường vào ngày 4 tháng Bảy, nhưng không ngăn nổi bước tiến của Bắc Hàn. Đầu tháng Tám, quân Đồng Minh bị dồn vào khu vực quanh thành phố Pusan, dọc theo sông Naktong.

Miền Nam phản công
Ngày 15 tháng Chín, tướng MacArthur phản công bằng cuộc đổ bộ vào Inchon, một thành phố nhỏ ở bờ biển phía tây. Mặc dù được báo trước, Kim Nhật Thành đã không tăng viện cho Inchon và thành phố nhỏ này đã nhanh chóng rơi vào tay quân Đồng Minh. Cuộc đổ bộ này đã cắt đứt con đường chi viện của quân Bắc Hàn. Quân Bắc Hàn bị cô lập và rút lui trong hỗn loạn. Đầu tháng Mười, quân Đồng Minh đã tiến đến vĩ tuyến 38 và đến cuối tháng họ đã chiếm được Pyongyang (thủ đô của Bắc Hàn), sau đó truy đuổi quân Bắc Hàn đến tận sông Yalu, biên giới Trung Quốc - Triều Tiên.

Trung Quốc lâm chiến
Mao Trạch Đông tin rằng quân Đồng Minh sẽ vượt sông Yalu và tấn công Trung Quốc nên quyết định lâm chiến. Với chiến thuật biển người, Trung Quốc đánh bạt quân Đồng Minh về phía nam . Ngày 6 tháng Mười Hai 1950, quân Cộng Sản chiếm lại Pyongyang, đến cuối tháng họ chiếm Seoul lần nữa.

Miền Nam phản công lần 2
Nhưng quân miền bắc không thành công như lần trước. Tháng Ba 1951, quân Đồng Minh tái chiếm Seoul. Trong suốt tháng Tư và Năm hai bên lại đối mặt nhau ở vĩ tuyến 38. Kể từ đó cho đến năm 1953, cuộc chiến trở nên bất phân thắng bại.

(Trái) một bé gái cõng em chạy nạn tại Haengju. (Phải) Một gia đình trong cảnh đổ nát.

Hòa đàm
Từ mùa hè 1951, các cuộc hòa đàm được bắt đầu. Cuộc hòa đàm bị tan vỡ nhiều lần vì những bất đồng giữa đôi bên. Ba điểm bất đồng quan trọng nhất là:

1) Trung Quốc yêu cầu tất cả quân ngoại quốc phải rút khỏi bán đảo Triều Tiên, một điều Hoa Kỳ cực lực phản đối.

2) Phía Cộng Sản đòi xử dụng vĩ tuyến 38 làm lằn ranh chia đôi hai miền, nhưng Hoa Kỳ muốn dùng chiến tuyến hiện thời làm lằn ranh (lý do là quân Đồng Minh hiện đang ở phía bắc của vĩ tuyến 38).

3) Điểm bất đồng quan trọng nhất là vấn đề tù binh. Quân Đồng Minh đang bắt giữ 171,000 tù binh Bắc Hàn và Trung Quốc, trong số đó có 50,000 người không muốn trở về sống với chế độ Cộng Sản. Phía Cộng Sản không muốn mất mặt nên đòi phải được nhận lại hết số tù binh.

Các cuộc hòa đàm bị bế tắc và tan vỡ nhiều lần. Mãi đến tháng Sáu 1953 các bất đồng mới được giải quyết. Hai bên thỏa thuận sẽ để cho tù binh được tự do lựa chọn, họ có thể trở về nguyên quán, sống ở Đài Loan, Nam Hàn, hay một quốc gia trung lập khác. Chiến tuyến hiện thời được xử dụng làm lằn ranh chia đôi hai miền, với vùng phi quân sự được thiết lập dọc lằn ranh này. Quân đội Hoa Kỳ vẫn tiếp tục hiện diện trên phần đất Nam Hàn.

Một hiệp ước ngưng bắn được ký kết vào ngày 27 tháng Bảy 1953 giữa Hoa Kỳ và phe Cộng Sản. Tổng thống Nam Hàn Syngman Rhee từ chối không ký vào bản hiệp ước này vì không chấp nhận sự chia đôi đất nước, dù vậy ông vẫn tôn trọng các điều khoản trong hiệp ước .

Vì sao bị quên lãng?
Những năm về sau người Mỹ thường gọi chiến tranh Triều Tiên là "Cuộc Chiến bị Quên Lãng (The Forgotten War)". Lý do là hai cuộc chiến trước và sau đó, Thế Chiến II  (1939-1945) và Chiến Tranh Việt Nam (1954-1975), đã cuốn hút hết mọi sự quan tâm của chính quyền và nhân dân Hoa Kỳ. Báo chí và sách vở thường nhắc nhiều đến hai cuộc chiến kia hơn.

Điều đó không có nghĩa là chiến tranh Triều Tiên không đáng quan tâm. Những chiến binh tham dự cuộc chiến này đều công nhận rằng nó là một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất trên thế giới. Bắc Hàn mất 1,520,000 nhân mạng, Trung Quốc 900,000, Nam Hàn 1,313,000, Hoa Kỳ 33,629. Hai phần năm tổng số xí nghiệp và một phần ba nhà cửa ở cả hai miền bị hủy hoại.

So sánh hai miền Nam, Bắc
Tuy cuộc chiến Triều Tiên coi như được chấm dứt kể từ ngày hiệp ước ngưng bắn được ký kết, nhưng hiệp ước này không phải là một bản hòa ước, nên trên lý thuyết hai miền Nam Bắc vẫn còn trong tình trạng chiến tranh.

Miền Nam, kể từ sau chiến tranh luôn theo đuổi chính sách kinh tế thị trường tự do và chế độ chính trị đa đảng. Trong suốt hơn ba thập niên đầu sau chiến tranh Nam Hàn đã trải qua những cuộc biến động chính trị với mấy cuộc đảo chính và các cuộc xuống đường của sinh viên. Năm 1987 hiến pháp được sửa đổi, theo đó dân chúng có quyền trực tiếp bầu tổng thống. Lô Thái Ngu (Roh Tae-woo) là vị tổng thống đầu tiên thắng cử theo thể chế mới này. Năm 1988 Nam Hàn đăng cai tổ chức Thế Vận Hội, chứng minh cho thế giới thấy nền kinh tế thịnh vượng của mình. Năm 1997 Nam Hàn là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của Cuộc Khủng Hoảng Tài Chính Á Châu, tuy nhiên kinh tế Nam Hàn đã hồi phục và tiếp tục phát triển, dù với tốc độ chậm. Theo Niên Giám Thế Giới năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Nam Hàn là 30,000 USD/năm (hạng 31/193).

Miền Bắc, dưới sự cai trị của Kim Nhật Thành, là một chế độ toàn trị. Tất cả mọi quyền tự do ngôn luận đều bị dẹp bỏ. Những ai chống đối chế độ họ Kim đều bị xử tử hoặc giam cầm. Bắc Hàn triệt để đi theo chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, tất cả mọi quyền tư hữu đều bị triệt tiêu, tất cả các tư liệu và cơ sở sản xuất đều do chính quyền điều hành. Trong suốt thập niên 1990, nạn đói kéo dài nhiều năm làm chết khoảng từ 1 đến hơn 3 triệu người. Đa số những cái chết này không trực tiếp do đói mà do những bệnh liên quan đến thiếu ăn như lao, viêm phổi và tiêu chảy. Nguyên nhân nạn đói một phần do thiên tai, nhưng chủ yếu là do chính sách nông nghiệp kém cỏi. Năm 1991 Bắc Hàn thiết lập Đặc Khu Kinh Tế Rajin-Sonbong nhằm thu hút đầu tư từ Nga và Trung Quốc. Từ năm 2002, nhiều đặc khu kinh tế nhỏ khác được thành lập, cho phép dân chúng buôn bán, nhờ vậy đời sống dân chúng dễ thở hơn. Kinh tế Bắc Hàn nhờ vậy tiến triển chậm nhưng đều đặn. Thu nhập bình quân đầu người của Bắc Hàn, theo Niên Giám Thế Giới năm 2009, là 1800 USD/năm (hạng 160/193).

Hiện nay hai miền nam bắc đang sống trong tình trạng chiến tranh lạnh. Không có quan hệ ngoại giao giữa hai miền, ngoại trừ những cuộc tiếp xúc lẻ tẻ. Viễn ảnh thống nhất đất nước còn rất xa vời. Bắc Hàn hiện có một đạo quân đông đảo đứng hàng thứ tư trên thế giới (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Ấn Độ) với số quân hiện dịch hơn một triệu người. Bắc Hàn luôn theo đuổi chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân và các chương trình chế tạo vũ khí tốn kém khác. Kim Nhật Thành mất năm 1994 và nhường ngôi lại cho con là Kim Chính Nhật (Kim Jong-il). Hiện Kim Chính Nhật đang chuẩn bị cho con trai thứ của mình là Kim Chính Ân (Kim Jong-un) lên nối ngôi về sau.

Tài Liệu Tham Khảo:
http://en.wikipedia.org/wiki/Korean_war
http://www.koreanwar.com
http://www.history.navy.mil/branches/org6-7.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét