Translate

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Trại Thú (Animal Farm)


George Orwell (1903-1950)
Trại Thú, tức Animal Farm là tên một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Anh George Orwell. (Có người dịch chữ Animal FarmTrại Súc Vật). George Orwell là bút hiệu của nhà văn Eric Arthur Blair (1903–1950), trước khi viết tác phẩm này Goerge Orwell là một nhà văn không mấy tiếng tăm. Ông từng là nhà báo, xướng ngôn viên đài phát thanh và viết một số tiểu thuyết. Ông đã tham gia vào nội chiến Tây Ban Nha (1936-1939) và chính kinh nghiệm trong cuộc chiến này đã giúp ông viết tác phẩm Trại Thú về sau.


Ông bắt đầu viết tiểu thuyết Trại Thú vào năm 1943, giữa lúc Chiến Tranh Thế Giới II đang sôi động. Khi cuốn tiểu thuyết hoàn thành, Orwell muốn in thành sách nhưng không nhà xuất bản nào nhận in, lý do là cuốn sách hàm ý chỉ trích Liên Bang Xô Viết (bao gồm nước Nga bây giờ), mà Liên Xô lúc đó là đồng minh quan trọng của nước Anh để chống lại Phát Xít Đức. Cuối cùng cuốn tiểu thuyết cũng được xuất bản vào tháng 8 năm 1945, ngay khi chiến tranh kết thúc.

Cuốn tiểu thuyết này sau đó được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 cuốn tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất được xuất bản trong khoảng thời gian từ 1923 đến 2005. Nó cũng được nhà xuất bản Modern Library xếp hạng 31 trên danh sách các cuốn tiểu thuyết hay nhất của thế kỷ 20. Nó cũng được một Giải Thưởng Hugo năm 1996 và cũng nằm trong danh sách Những Cuốn Sách Hay của Tây Phương.

Cuốn sách này đã bị cấm tại Liên Bang Xô Viết khi chế độ Cộng Sản còn tồn tại ở đây. Nó cũng bị cấm ở Kenya vì chế độ độc tài ở đây cho rằng cuốn tiểu thuyết ám chỉ họ.

Nội dung cuốn tiểu thuyết xoay quanh câu chuyện xảy ra trong một nông trại ở miền quê Anh. Người chủ trang trại là một kẻ hay say rượu và rất tàn ác đối với súc vật. Một buổi tối, con heo già tên Manor triệu tập tất cả các các súc vật trong trại lại và khẩn thiết kêu gọi loài thú hãy đoàn kết, vùng lên làm cách mạng lật đổ loài người bất công và tàn ác. Khi con heo già chết thì các con thú ngấm ngầm liên kết với nhau, chọn ra hai con heo trẻ là Napoleon và Snowball làm thủ lĩnh để lãnh đạo cuộc cách mạng.

Một buổi tối khi tên chủ trại say rượu và đánh đập các con vật thì cuộc cách mạng bùng nổ, các con vật rượt đuổi gia đình tên chủ trại và các thuộc hạ của hắn ra khỏi nông trại. Kể từ đó, trại được đổi tên là "Trại Thú (Animal Farm)" và hoàn toàn do các con thú làm chủ. Một chủ nghĩa mới được hình thành, gọi là "Chủ Nghĩa Cầm Thú" trong đó khẳng định quyền bình đẳng của các loài thú và chủ trương xóa bỏ phân biệt giai cấp. Một bản hiến chương gồm Bảy Điều Răn được viết ra cho các loài thú. Bảy điều răn đó như sau:

1. Bất cứ loài nào đi hai chân là kẻ thù.
2. Bất cứ loài nào đi bốn chân, hoặc có cánh, là bạn.
3. Không con thú nào được mặc quần áo.
4. Không con thú nào được ngủ trên giường.
5. Không con thú nào được uống rượu.
6. Không con thú nào được giết các con thú khác.
7. Tất cả mọi loài thú đều bình đẳng.

Các con thú gọi nhau là "đồng chí" và cùng làm cùng hưởng với nhau. Ban đầu, tất cả đều hồ hởi xây dựng một cuộc sống mới, không có áp bức bóc lột, không phân biệt giai cấp. Hai "đồng chí" heo Napoleon và Snowball cùng làm lãnh đạo. Nhiều ủy ban cách mạng được thành lập để khuyến khích sản xuất, tăng năng suất lao động. Các con thú được học chữ và được hứa hẹn một cuộc sống tốt hơn. Mỗi Chủ Nhật đều có các cuộc họp và mọi vấn đề điều được đưa ra để biểu quyết chung theo tinh thần dân chủ tập thể.

Tuy nhiên dần dần có sự mâu thuẫn giữa Napoleon và Snowball. Snowball thì hoạt bát và năng nổ hơn, luôn xông xáo động viên các con thú, và có nhiều sáng kiến. Mỗi khi có ý kiến trái ngược giữa Napoleon và Snowball thì thường các con thú ủng hộ Snowball hơn. Một ngày kia trong một buổi họp, giữa lúc có sự bàn cãi căng thẳng giữa Napoleon và Snowball thì bất ngờ một bầy chó xuất hiện. Bầy chó này lâu nay được Napoleon bí mật nuôi nấng. Chúng xông vào toan cắn xé Snowball, nhưng may mắn là Snowball chạy thoát ra khỏi trại.

Từ đó, Napoleon trở thành kẻ độc tài. Các loài thú phải làm theo mệnh lệnh của Napoleon, con nào chống đối bị bầy chó cắn chết. Các con thú phải lao động quần quật và thiếu ăn. Napoleon ưu đãi loài heo, cho chúng miễn lao động và được ăn uống nhiều hơn. Trong trại hình thành hai giai cấp, giai cấp thống trị gồm bầy heo, được bảo vệ bởi các con chó, giai cấp bị trị gồm các con thú còn lại.

Napoleon đem cái đầu lâu của con heo già Manor đã chết ra đặt dưới cột cờ. Hàng tuần các con thú phải kính cẩn đi ngang cái đầu lâu này để tưởng nhớ vị cha già kính yêu đã chết. Trong các buổi họp thường kỳ, các con thú được học tập để quán triệt tinh thần cách mạng và nghe đọc những bản báo cáo với những thành quả đã đạt được. Lúc nào cũng nghe năng suất tăng không ngừng, dù khẩu phần ăn ngày một giảm đi.

Mỗi khi có một sự hư hao mất mát gì trong trại, Napoleon đều giải thích đó là do tên phản cách mạng Snowball phá hoại. Chẳng hạn như khi cái cối xay gió đang được xây cất bỗng dưng sập xuống, nó được giải thích là do Snowball lẻn vào trại phá hoại; hoặc khi có một đám hoa màu bị kẻ nào đó nhổ trộm, thì được giải thích là do Snowball. Có khi chiếc chìa khóa kho bị mất, đồng chí Napoleon tuyên bố là chính Snowball đã đánh cắp, nhưng rồi sau đó nó được tìm thấy lại và không ai giải thích gì thêm. Dần dần tất cả mọi sự hư hỏng trong trại đều được đổ cho tên phản động Snowball, và những sự hư hỏng mất mát xảy ra ngày càng nhiều.

Bất cứ thành quả gì đạt được, cũng đều được xưng tụng là do công lao của đồng chí lãnh đạo Napoleon. Các con thú hình thành thói quen nói gì, làm gì cũng phải xưng tụng lãnh tụ. Chẳng hạn như hai con gà nói chuyện nói chuyện với nhau: "Nhờ sự lãnh đạo của đồng chí Napoleon, tôi đã đẻ được sáu quả trứng trong năm ngày"; hoặc hai con bò khi uống nước: "Nhờ ơn đồng chí Napoleon, hôm nay nước uống ngon tuyệt!"

Napoleon và các con heo bắt đầu tập sự sống như loài người. Chúng ăn và ngủ trong căn nhà của tên chủ trại cũ, thậm chí chúng còn ngủ trên giường và uống rượu, mặc dù các điều này bị cấm trong Bảy Điều Răn. Chúng còn đi xa hơn nữa là bắt đầu làm ăn buôn bán với loài người ở bên ngoài trại. Chúng ép các con thú phải làm việc nhiều hơn để có nông sản đổi chác với loài người, rồi dùng tiền bán nông sản mua rượu và các thứ xa xỉ khác để thụ hưởng.

Nhiều năm trôi qua, nhiều con thú từng tham gia cuộc cách mạng đã chết. Các con thú mới sinh sau này được các đồng chí lãnh đạo dạy bảo rằng đời sống của Trại Thú hiện giờ tốt hơn thời còn bị loài người cai trị, dù chẳng có con thú nào còn nhớ hoặc biết đời sống dưới chế độ cũ ra sao để mà so sánh.

Một ngày kia các con thú chợt kinh ngạc khi thấy các con heo bắt đầu tập sự đi hai chân và mặc quần áo giống như người. Rồi bọn heo lại mời một đám loài người từ các nông trại lân cận vào thăm Trại Súc Vật. Bọn chúng tuyên bố đổi tên Trại Thú thành "Trại Manor" vốn là tên cũ thời loài người còn làm chủ.

Đoạn cuối câu chuyện miêu tả bữa tiệc do các con heo khoản đãi loài người, là chủ các nông trại trong vùng. Bữa tiệc diễn ra trong tòa nhà chính của trại. Bọn heo và loài người chúc tụng nhau, cam kết sẽ hợp tác làm ăn với nhau. Một số thú lén đến bên cửa sổ nhìn vào bữa tiệc và nghe các lời đối thoại. Khi bọn dự tiệc bắt đầu quay sang chơi bài, các con thú bỏ đi.
"Nhưng chúng đi được chưa tới hai mươi thước thì ngừng lại. Có tiếng la lối ở trong tòa nhà. Chúng chạy trở lại và nhìn vào cửa sổ. Đúng là có một cuộc cãi lộn đang xảy ra. Có tiếng la hét, đập bàn, cãi cọ. Nguyên nhân là do Napoleon và ông Pilkington mỗi người cùng xổ ra một lá bài ách bích.

"Mười hai giọng nói cùng la hét giận dữ, và chúng đều giống nhau. Không còn nghi ngờ gì về sự biến đổi khuôn mặt của các con heo nữa. Các con thú bên ngoài nhìn vào mặt mấy con heo rồi nhìn sang người, từ người sang heo, lại từ heo sang người; nhưng chúng không thể nào phân biệt được đâu là heo, đâu là người nữa."

Câu chuyện kết thúc ở đây. Người đọc có thể ngầm hiểu rằng các con heo giờ đã biến thành người và sẽ tiếp tục cai trị loài thú theo cách thức y như loài người trước giờ vẫn làm, có khi còn tàn bạo hơn.

Khi cuốn sách được phát hành, nó đã nhanh chóng thu hút được chú ý của đọc giả Tây Phương. Người đọc nhận ra rằng tiểu thuyết này ám chỉ chế độ Cộng Sản của Liên Xô.

Chúng ta nên biết rằng vào thời điểm khi Đệ Nhị Thế Chiến vừa kết thúc thì Chủ Nghĩa Cộng Sản, hay chính xác hơn là Chủ Nghĩa Xã Hội, đang thời cực thịnh với Liên Xô là ngọn cờ đầu. Là một trong những quốc gia chủ chốt của phe Đồng Minh vừa đánh bại phe Phát Xít, Liên Xô nổi lên như một siêu cường với đạo binh hùng mạnh, vũ khí tối tân, lãnh thổ trải dài từ Âu sang Á. Không quốc gia nào dám coi thường Liên Xô.

Tuy nhiên những gì xảy ra bên trong lãnh thổ Xô Viết thì không phải ai cũng biết. Sau khi Lenin lãnh đạo đảng Bolshevik giành được chính quyền ở Nga năm 1917, sau đó thành lập Liên Bang Xô Viết và xây dựng chế độ Cộng Sản thì Liên Xô trở thành một quốc gia khép kín. Đối với nhiều người bên ngoài, Chủ Nghĩa Cộng Sản là một cái gì rất hấp dẫn và đẹp đẽ. Chủ Nghĩa Cộng Sản chủ trương xóa bỏ giai cấp, kêu gọi vô sản thế giới vùng lên phá bỏ xiềng xích của giai cấp thống trị Tư Bản. Chủ Nghĩa Cộng Sản hứa hẹn một xã hội công bằng, không có kẻ giàu người nghèo, không có áp bức bóc lột, không có giai cấp thống trị. Nó là một xã hội mà ai cũng mơ ước.

Nhưng những gì xảy ra trên thực tế hoàn toàn khác hẳn. Người Cộng Sản, sau khi tiến hành cách mạng thành công, trở thành những kẻ thống trị mới, với phương thức cai trị còn tàn bạo hơn cả những kẻ mà họ vừa lật đổ. Hơn thế nữa, những bất công xã hội mà chế độ Cộng Sản tạo ra còn gay gắt hơn cả của chế độ mà họ xóa bỏ.

Liên Bang Xô Viết giờ đây đã sụp đổ, nước Nga bây giờ không còn đi theo chế độ Cộng Sản nữa, nhưng không vì thế mà quyển tiểu thuyết của George Orwell không còn chỗ đứng.

Năm 2002 một nhóm sinh viên trường Kịch Nghệ Trung Ương Trung Quốc bắt đầu trình diễn vở kịch dựa theo tác phẩm Animal Farm. Một số khán giả trẻ tuổi không hiểu gì, nhưng những người lớn tuổi thì khác. Họ cảm thấy những gì cuốn tiểu thuyết này nói đến giống hệt như những gì đang xảy ra tại Trung Quốc. Thậm chí có người kinh ngạc thốt lên rằng đây là một tác phẩm tiên tri, tiên đoán được những gì sẽ xảy ra ở Trung Quốc từ hơn nửa thế kỷ trước.

Giống như những con heo trong truyện, những người Cộng Sản, vốn trước đây hô hào xóa bỏ giai cấp và bình đẳng xã hội, nay chính họ lại tạo cho mình một giai cấp mới: giai cấp tư bản đỏ. Những gì mà trước đây họ đả kích và hô hào xóa bỏ, nay chính họ lại đang tạo ra. Họ tham nhũng, vơ vét, sống trong xa hoa, tạo ra những bất công xã hội.

George Orwell đã không sống đến ngày Liên Bang Xô Viết sụp đổ, cũng không sống đến ngày nhìn thấy các quốc gia theo chủ nghĩa Cộng Sản thay đổi giống như truyện ông đã viết. Nếu George Orwell còn sống, có thể ông sẽ viết tiếp đoạn sau của cuốn sách. Đoạn sau đó là gì? Không ai biết chắc Orwell sẽ viết gì, nhưng người ta có thể đoán được: tất cả những sự bất công phi lý không thể nào tồn tại mãi được, nếu nó không tự biến mất thì người ta sẽ vùng lên lật đổ nó.
***

Đọc Animal Farm trên mạng:
Tiếng Việt (bản dịch của Phạm Minh Ngọc)
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=543
Tiếng Anh:
http://www.george-orwell.org/Animal_Farm/

Dạng hồ sơ .pdf (nhấn vào liên kết dưới đây, sau khi bài mở ra, bạn có thể lưu vào máy bằng cách nhấn "File > Save As" trên trình duyệt)
http://vuonghoangminh.files.wordpress.com/2011/09/trai_suc_vat.pdf

Xem thêm chi tiết về Animal Farm:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Trại_súc_vật
http://en.wikipedia.org/wiki/Animal_Farm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét