Translate

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2019

Ngày Độc Lập (Quốc Khánh) Hoa Kỳ 04 tháng 07

Ngày Độc Lâp (Independence Day) tức là ngày Quốc Khánh của Hoa Kỳ. Hơn 200 năm trước, Hoa Kỳ là thuộc địa của Anh Quốc. Bất mãn vì tfnh trạng sưu thuế nặng nề mà lại không được bầu đại biểu của mình vào Quốc Hội Anh để bênh vực cho quyền lợi  của mình, dân chúng Hoa kỳ đã nổi dậy làm cách mạng để đòi độc lập. 





Lúc đó lãnh thổ Hoa Kỳ chỉ bao gồm 13 tiểu bang ở miền đông, phần lơn đất đai còn lại chưa khai phá. Họ cũng có chính quyền và Quốc Hội, nhưng chính quyền này nằm dưới sự kiểm soát của nước Anh. Hoa Kỳ không có quân đội riêng, không có quyền quyết định trong chính sách ngoại giao, và quan trọng nhất là không được cử đại biểu vào Quốc Hội Anh, nơi các chính sách quan trọng về các vấn đề thuộc địa được bàn thảo và quyết định.

Từ năm 1965, các cuộc đụng độ giữa dân chúng Hoa Kỳ và quân đội Anh đã xảy ra, để chống tình trạng thuế khoá nặng nề. Các cuộc đụng độ này dần dần dẫn đến việc dân chúng Hoa kỳ tự thành lập các nhóm vũ trang chống lại quân đội Anh. Các cuộc đụng độ diễn ra ngày càng nhiều. Ngày 19 tháng 04 năm 1775, quân đội Anh tấn công vào hai thị trấn Lexington và Concord thuộc tiểu bang Massachusetts để tiêu diệt các nhóm vũ trang, đây được coi là thời điểm mở màn cuộc chiến giành độc lập. Trước tình hình đó, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thành lập một đạo binh gọi là Quân Lực Lục Địa (Continental Army) và giao cho tướng George Washington làm tổng tư lệnh. Nước Pháp, dưới sự cai trị của vua Louis XVI (16) đã ngầm yểm trợ cho quân cách mạng Hoa Kỳ, vì Pháp lúc đó coi Anh là kẻ thù.

Ngày 4 tháng 7 năm 1776, Quốc Hội Hoa Kỳ đã công bố bản Tuyên Ngôn Độc Lập (Declaration of Independence). Đây được coi là ngày Hoa Kỳ trở thành một quốc gia độc lập, mặc dù trên thực tế, cuộc chiến giành độc lập chỉ mới bắt đầu.

Cuộc chiến giành độc lập ban đầu rất gian nan. Quân Hoa Kỳ có lúc chỉ còn có 5000 người, thua trận, thiếu vũ khí, lương thực, tinh thần xuống thấp, tưởng chừng như tan rã. Nhưng Washington vẫn bền chí chiến đấu. 

Năm 1777, chiến thắng quyết định ở Satatoga của quân cách mạng đã xoay chuyển tình thế, nó chứng minh là Hoa Kỳ có khả năng chiến thắng. Pháp đã chính thức nhảy vào cuộc chiến, đưa quân đội và tàu chiến sang giúp Hoa Kỳ, tạo nên nhân tố quyết định để giúp giành thắng lợi sau cùng.  

Cuộc chiến kết thúc vào năm 1783, và Hoa Kỳ cuối cùng đã giành được độc lập. Nước Pháp, vì dấn thân vào cuộc chiến này mà lún sâu thêm vào nợ nần, và chỉ vài năm sau đó ở chính nước này lại nổ ra một cuộc cách mạng làm sụp đổ triều đại Louis, đó là Cách Mạng Pháp 1789. 

George Washington trở thành anh hùng dân tộc, được coi như “khai quốc công thần (founding father)”. Ông được bầu làm tổng thống trong hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 4 năm, từ 1789 đến 1797. Sau đó ông quyết đinh không tiếp tục tranh cử, tạo tiền lệ cho các đời tổng thống sau, chỉ giới hạn trong hai ngiệm kỳ (sự giới hạn này sau đó trở thành luật từ sau Đệ Nhị Thế Chiến). 

Điều làm tôi khâm phục Washington nhất không phải là tài lãnh đạo của ông ta, mà  là việc ông ta can đảm từ bỏ chính trường khi uy tín còn đang cao. Ông ta có thể sẽ tiếp tục đắc cử làm tổng thống thêm nhiều nhiệm kỳ nữa, thậm chí có thể đến cuối đời. Nhưng ông ta rút lui, vì cho rằng một người dù tài giỏi đến đâu cũng không nên ở ngôi vị lãnh đạo quá lâu. Sự việc này đã tạo thành tiền lệ cho chính trường Mỹ. 

Trong lịch sử Mỹ chỉ có một vị tổng thống duy nhất là Franklin D Roosevelt làm tổng thống hơn hai nhiệm kỳ, từ 1933 đến 1945 (ông ta qua đời khi đang trong nhiệm kỳ thứ tư). Tuy nhiên Roosevelt làm tổng thống vào thời điểm Hoa Kỳ phải trải qua một cuộc đại khủng hoảng kinh tế và đại chiến thế giới, nên  việc ông tại vị lâu là có lý do chính đáng. Sau Đệ Nhị Thế Chiến thì hiến pháp Hoa Kỳ được thay đổi, giới hạn hai nhiệm kỳ tổng thống cho bất cứ ai.

Nền độc lập của Hoa Kỳ sẽ chẳng có giá trị gì nếu nó đẻ ra một chế độ độc tài. Độc lập mà không có dân chủ thì cũng chỉ là việc thay chủ đổi ngôi, người dân thay vì bị đè đầu cưỡi cổ bởi một chế độ ngoại bang thì nay bị đè đầu cưỡi cổ bởi một bọn người tự xưng là đại diện cho dân tộc nhưng thực chất chỉ lo vun vén cho cá nhân và đồng bọn. Danh xưng thì có khác nhưng bản chất cũng như nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét