Translate

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2020

Trung Quốc Đã Để Sổng Con Virus COVID-19 Như Thế Nào?

Người bị nhiễm COVID-19 đột ngột chết ngoài đường
Cuối tháng 12 năm 2019, Lý Văn Lượng (Li WenLiang), một bác sĩ nhãn khoa làm việc tại bệnh viện Trung Ương Vũ Hán, thấy có nhiều bệnh nhân đến khám ở bệnh viện này với triệu chứng của bệnh SARS, một căn bệnh truyền nhiễm về đường hô hấp đã gây ra nạn dịch vào năm 2003. Nghi ngờ đây là một căn bệnh truyền nhiễm mới, anh đã kín đáo cảnh báo các bạn học của mình trên mạng xã hội WeChat, bảo họ phải đề phòng để tránh bị lây nhiễm. Lời cảnh báo này đã được nhanh chóng loan truyền trên mạng, ngoài ý muốn của bác sĩ Lý. 

Ngày 03 tháng 01, 2020, công an Vũ Hán đã mời bác sĩ Lý lên "làm việc" và yêu cầu anh viết bản cam kết không "loan tin đồn thất thiệt trên mạng". Công an đe dọa rằng nếu không tuân thủ anh sẽ bị đưa ra trước pháp luật. Ngoài bác sĩ Lý, có 7 người khác cũng bị công an mời lên làm việc với lý do tương tự.

Tuy cấm được người dân không đưa tin, nhưng chính quyền không thể cấm được con virus tiếp tục lây lan. Chỉ vài tuần sau, số người lây nhiễm lên hàng ngàn, nhiều trường hợp tử vong. Chính quyền thành phố Vũ Hán thỉnh ý chính quyền Trung Ương. Họ được lệnh phải tiếp tục giữ kín thông tin để tránh làm dân chúng hoang mang. 

Ngày 18 tháng 01, trước tết Nguyên Đán 2020 một tuần, thành phố Vũ Hán tổ chức một "bữa tiệc ngàn nhà" có 40 ngàn người tham dự. Đây là sự kiện được tổ chức hàng năm trước tết để cho dân chúng tụ họp ăn uống ngoài trời vui vẻ. Chính đây là một sự kiện góp phần làm virus COVID-19 lây lan mạnh.

Mặc dù mấy ngày trước đó đã có nhiều tin đồn về căn bệnh truyền nhiễm mới, chính quyền vẫn trấn an dân chúng rằng căn bệnh này không nguy hiểm và không lây lan từ người sang người. Thế nhưng chỉ vài ngày sau đó, số người bị nhiễm bệnh tăng vọt và chính quyền phải ra lệnh phong tỏa thành phố vào ngày 23 tháng 01, hai ngày trước tết Nguyên Đán. 

Lệnh phong tỏa này đã quá muộn màng vì trước đó đã có hàng triệu người dân rời Vũ Hán về quê ăn tết hoặc sang các thành phố khác thăm thân nhân, góp phần làm con virus COVID-19 (còn gọi là virus Corona) lây lan sang các khu vực khác, và ra cả thế giới. 

Bản thân bác sĩ Lý Văn Lượng có triệu chứng bị lây nhiễm vào ngày 10 tháng 01 và phải nằm viện vài ngày sau đó. Trong khi nằm điều trị, bác sĩ Lý đã đưa lên mạng ảnh chụp tờ biên bản làm việc với công an trước đó, gây lên một làn sóng bất mãn trong dân chúng. Mọi người cho rằng lẽ ra lời cảnh báo của bác sĩ Lý đã phải được coi trọng và chính quyền phải công khai tin tức để dân chúng đề phòng. Ngay cả Tòa Án Nhân Dân Tối Cao cũng lên tiếng, cho rằng bác sĩ Lý và những người khác lẽ ra đã không nên bị cấm đoán. Nếu chính quyền chịu lắng nghe những người này thì có lẽ tình hình đã khác đi. 

Bác sĩ Lý qua đời ngày 07 tháng 02. Cái chết của anh làm cho nhiều người xúc động và giận dữ. Trên mạng xuất hiện nhiều lời kêu gọi chính quyền nên tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tuy nhiên những lời kêu gọi này nhanh chóng bị xóa bỏ trên các mạng xã hội Trung Quốc. 

Trước và ngay sau khi bác sĩ Lý qua đời, chính quyền có vẻ nới lỏng trong việc kiểm soát thông tin, khiến dân chúng nghĩ rằng có sự thay đổi tư duy trong giới lãnh đạo. Nhưng rồi Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhanh chóng trở lại bản tính cố hữu của mình. Các thông tin bị coi là bất lợi cho chính quyền bị xóa bỏ, nhiều người lại bị công an mời lên "làm việc" với lý do "loan tin đồn thất thiệt", cho dù những tin tức và hình ảnh này là những gì người dân mắt thấy tai nghe tại địa phương. Những gì chính quyền muốn cho dân chúng thấy trên các kênh truyền thông chính thức khác xa với những gì người dân ở các vùng bị dịch chứng kiến và đưa lên mạng. 

Ngay cả khi nạn dịch được chính quyền công khai nhìn nhận, nhiều người vẫn cho rằng con số bệnh nhân mà chính quyền công bố thấp hơn nhiều so với thực tế. Khi lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán được ban ra ngày 23 tháng 01, con số người bị lây nhiễm được thông báo chính thức là gần 500 người, nhưng các chuyên gia dịch học quốc tế cho rằng con số này có thể đã lên tới hàng ngàn, hoặc hàng chục ngàn. Cho tới nay, nhiều người vẫn cho rằng con số báo cáo chưa bao giờ đúng thực tế. 

Các chuyên gia quốc tế cho rằng, lẽ ra Trung Quốc đã có thể ngăn chặn sự lây lan của virus COVID-19 ngay từ đầu nếu họ chịu lắng nghe ý kiến của các bác sĩ và không bưng bít thông tin. Khi lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc (bao gồm thành phố Vũ Hán) báo cáo lên trung ương về tình hình dịch bệnh, họ đã được lệnh phải giữ kín thông tin. Đối với chính quyền Cộng Sản, ổn định chính trị quan trọng hơn sự an toàn và tính mạng của dân chúng. Thay vì quan tâm đến việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, họ chỉ quan tâm đến việc ngăn chặn thông tin, rốt cuộc dân chúng Trung Quốc phải gánh chịu hậu quả.

Tính đến thời điểm bài viết này được đăng (ngày 01-03-2020, 1:00 GMT), theo báo cáo chính thức về tình hình dịch bệnh COVID-19 thì có tổng số 86,611 ca lây nhiễm, trong đó có 42,326 ca hồi phục và 2,977 người tử vong. 
Nguồn: https://www.worldometers.info/coronavirus



Bác sĩ Lý Văn Lượng trên giường bệnh và tờ cam kết công an bắt ký để giữ im lặng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét