Translate

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2020

Cúm Tây Ban Nha — Trận Dịch Kinh Hoàng của Thế Kỷ 20

Cách đây đúng 100 năm, một trận dịch cúm kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng gần 50 triệu người. Trân dịch cúm này được gọi (một cách sai lầm) là "Cúm Tây Ban Nha —Spanish Flu". Số người chết vì dịch cúm này còn nhiều hơn cả sô người chết vì súng đạn trong Thế Chiến Thứ Nhất. Trận dịch này còn được các nhà sử học gọi là "Trận Dịch Bị Lãng Quên — The Forgotten Pandemic" vì sử sách thường ít nhắc tới sự kiện này.

Trận dịch cúm này bắt đầu xuất hiện vào đầu năm 1918, khi Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất (1914-1918) ở vào giai đoạn cuối. Vi rút của bệnh cúm này thuộc chủng H1N1 phát xuất từ gà vịt và lây sang người. Không ai rõ dịch cúm này bắt đầu từ khu vực nào. Có nhà nghiên cứu cho rằng dịch này bắt nguồn từ Hoa Kỳ, người khác cho rằng nó bắt nguồn từ Châu Âu, có người lại cho rằng nó bắt nguồn từ Trung Quốc.


Đợt Thứ Nhất

Tại Hoa Kỳ, bệnh này bắt đầu xuất hiện ở một trại lính ở tiểu bang Kansas.Khoảng tháng 03/1918, một người đầu bếp trong trại tên Albert Gitchell bắt đầu có triệu chứng sốt, ho giống như bệnh cúm thông thường. Đến trưa hôm đó, hơn một trăm binh sĩ bắt đầu có triệu chứng tương tự. Vài tuần sau, con số lên tới hơn 1,000 và có 47 người chết. Trại lính này có hàng trăm ngàn binh sĩ đến và đi mỗi tháng nên bệnh này nhanh chóng lan sang các trại khác và theo chân các binh sĩ Mỹ sang Châu Âu, nơi chiến tranh đang diễn ra ác liệt và điêu tàn.

Sự thiếu thốn thuốc men và phương tiện chữa trị, cộng thêm điều kiện sống tồi tệ trong chiến tranh đã làm cho bệnh dịch lây lan nhanh chóng và tỷ lệ tử vong lên cao. Dịch bệnh nhanh chóng lan ra ở Hoa Kỳ, Châu Âu, và nhiều vùng khác trên thế giới. Hàng trăm triệu người bị nhiễm bệnh và hàng triệu người chết. Số binh sĩ Hoa Kỳ chết vì dịch bệnh còn nhiều hơn số chết vì súng đạn chiến tranh.

Tưởng cũng nên biết rằng vào thời đó, khái niệm về "vi rút" chưa hình thành trong lĩnh vực y học. Người ta chỉ biết đến vi khuẩn chứ chưa biết đến vi rút. Các nhà khoa học thời đó cho rằng dịch cúm bị gây ra bởi các vi khuẩn rất nhỏ, hoặc là do độc tố của các vi khuẩn này. Mãi đến thập niên 1930 khi kiến thức và phương tiện nghiên cứu phát triển hơn, người ta mới chứng minh được sự hiện hữu của vi rút qua kính hiển vi.

Một yếu tố nữa làm cho dịch bệnh càng trở nên tồi tệ là sự bưng bít thông tin của các quốc gia đang tham gia chiến tranh. Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga, Đức, Ý v.v... đều giấu kín thông tin về tình hình bệnh dịch của mình. Lý do là các nước tham chiến không muốn làm mất tinh thần chiến đấu của binh sĩ và không muốn cho phe địch biết được yếu điểm của mình. Ở Hoa Kỳ, ai loan tin về dịch bệnh mà không được phép của chính quyền có thể đối diện với án 20 năm tù. Vì vậy truyền thông của Hoa Kỳ và Châu Âu thời đó đều tránh nói thật về mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch.

Chỉ riêng có Tây Ban Nha là loan tin đầy đủ và xác thực về bệnh dịch. Lý do vì Tây Ban Nha là một quốc gia trung lập, không tham gia vào cuộc chiến nên họ không cần phải dấu diếm. Tây Ban Nha cũng chịu sự lây nhiễm nặng nề của dịch cúm, và báo chí hàng ngày loan tin đầy đủ xác thực. Điều này gây cho người dân Châu Âu cảm tưởng là bệnh dịch phát sinh từ Tây Ban Nha nên họ gọi một cách sai lầm trận dịch này là "Dịch Cúm Tây Ban Nha".

Đa số những người bị nhiễm bệnh là trẻ dưới 2 tuổi, người già trên 70 tuổi, và thanh niên ở lứa tuổi 20-40. Đặc biệt ở lứa tuổi 20-40, số tử vong chiếm hơn phân nửa tổng số người tử vong. Đây là một điều khá lạ vì nạn nhân của các bệnh cúm thông thường là trẻ em và người già. Các nhà nghiên cứu cho rằng những người thuộc lứa tuổi thanh niên khi bị nhiễm cúm này thường bị hội chứng "bão Cytokine" dễ dẫn đến tử vong. Cytokine là các protein có trọng lượng phân tử thấp do cơ thể sản xuất ra trong quá trình chống lại vi rút. Khi cơ thể phản kháng quá mạnh, Cytokine được sản xuất ra quá nhiều dễ gây ra tử vong. Đa số binh lính tham chiến đều nằm trong lứa tuổi này, nên số binh lính chết vì bệnh dịch cũng tương đương với số chết vì súng đạn.

Đợt Thứ Hai

Cơn dịch bùng phát vào mùa xuân năm 1918 thì đến mùa hè năm đó có dấu hiệu giảm bớt. Nhưng đến mùa thu năm đó thì dịch bùng phát trở lại. Các nhà nghiên cứu gọi đây là "đợt sóng thứ hai". Lần này thì vi rút đã biến thể thành một loại mới, có khả năng gây tử vong cao hơn. Bệnh nhân có thể chết trong vòng vài giờ từ khi có triệu chứng, da của họ đổi thành màu xanh sẫm và phổi chứa đầy dịch lỏng làm họ không thở được. Hiện tượng này làm nhiều người tưởng là trận dịch "Cái Chết Đen" đang trở lại với nhân loại. Cái Chết Đen (Black Death) là trận đại dịch xảy ra vào các năm 1347-1351 ở Châu Âu và Châu Á, đã làm thiệt mạng khoảng 75 - 200 triệu người, tức khoảng 15% - 45% dân số thế giới thời đó. Người mắc bệnh dịch "Cái Chết Đen" bị sốt, ói mửa và nổi các cục hạch đen trên người, nhiễm bệnh chỉ sau vài ngày là chết.

Một trong những thành phố bị tác hại nặng nề nhất là Philadelphia của Hoa Kỳ. Tháng Chín năm 1918, thành phố tổ chức một cuộc diễn hành để kêu gọi dân chúng mua công khố phiếu phục vụ nhu cầu chiến tranh. Ông Wilmer Krusen, trưởng Ban Y Tế Công Cộng của thành phố đã bỏ ngoài tai lời khẩn cầu của các bác sĩ muốn hủy bỏ cuộc diễn hành. Cuộc diễn hành đã có 200,000 người tham dự. Hậu quả là mấy ngày sau, tất cả các bệnh viện đều tràn ngập người bệnh. Thành phố trên bờ vực sụp đổ. 11,000 ngàn người đã chết trong tháng Mười. Các xe chở xác chết chạy ngày đêm trong thành phố với các tài xế luôn miệng kêu "Đem người chết ra đây!" Các xác chết này sau đó được đem chôn trong các mồ tập thể được đào bằng máy.

Đợt Thứ Ba

Sự kết thúc của Đệ Nhất Thế Chiến vào tháng 11 năm 1918 đã phần nào làm giảm bớt cường độ của trận dịch. Cuối năm đó, số người bị lây nhiễm và chết giảm hẳn. Sang đầu năm 1919, có thêm một đợt lây nhiễm nữa mà các nhà nghiên cứu gọi là "đợt sóng thứ ba". Tuy nhiên lần này số người bị lây nhiễm ít hơn và tỷ lệ tử vong cũng thấp hơn. Đến mùa hè năm 1919 thì trận dịch biến mất. Lý do là khi vi rút đã lây lan nhiều đến mức không còn người để lây nữa thì nó tự biến thể thành một lại vi rút khác ít nguy hiểm hơn. 



Kết Thúc
Không có một dữ liệu chính xác nào để tính tổng số người bị lây nhiễm và tử vong trên toàn thế giới. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng số người bị lây nhiễm là khoảng 500 triệu, tức khoảng 1/3 dân số thế giới lúc đó. Số người chết vào khoảng 20-50 triệu, hoặc có thể lên đến 100 triệu (so với số 20 triệu người chết vì chiến tranh Thế Giới I), nặng nhất là ở Châu Âu và Hoa Kỳ, còn lại là ở Trung Quốc và các vùng khác trên thế giới. Trận dịch này được coi là một trong những trận dịch có số người chết cao nhất trong lịch sử nhân loại, có lẽ chỉ thua trận dịch "Cái Chết Đen" như đã nói ở trên.

Nhiều thập niên sau đó, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về trận dịch này và tác hại của nó. Tuy nhiên báo chí, truyền thông lại mau chóng quên lãng nó. Vì vậy có người còn gọi trận dịch này là "Trận Dịch Bị Lãng Quên — The Forgotten Pandemic". Có nhiều lý do khác nhau để người ta mau quên nó. Một là Thế Chiến I kéo dài 4 năm đã chiếm hết thì giờ và tâm trí của mọi người, nhiều người coi trận dịch này là một phần hệ quả của cuộc chiến. Hai là phần lớn những người chết nằm trong lứa tuổi thanh niên, đây cũng là tuổi của những người lính chết trận, nên người ta đồng hóa số người chết vì bệnh dịch với số người chết vì bom đạn. Ba là thời đó nhân loại phải đối phó với nhiều loại thiên tai, bệnh dịch khác nhau, nên họ coi trận dịch này là một trong những điều họ phải đối phó hàng ngày.

Một lý do quan trọng nữa là thời đó chính phủ của nhiều nước không cung cấp thông tin đầy đủ về bệnh dịch cho dân chúng. Đặt biệt là các quốc gia can dự vào Thế Chiến I đã cố tình bưng bít thông tin để tránh bị "kẻ địch lợi dụng". Chính sự bưng bít này đã làm dịch bệnh mau chóng lan ra vì dân chúng và chính quyền địa phương không nhận thức được đúng mức nguy cơ của nó. Những quốc gia bưng bít thông tin là những quốc gia chịu tác hại nặng nề nhất, kể cả Hoa Kỳ.

Người Vá Trời

*****************


Tài liệu tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét