Translate

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

Vì Sao Nga Xâm Lăng Ukraine?

Rạng sáng ngày 24 tháng Hai năm 2022, hàng ngàn chiến xa Nga ồ ạt tràn qua biên giới tấn công vào Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga bắt đầu một "Chiến Dịch Đặc Biệt" để "giải giáp quân đội Ukraine" và "tảo thanh các thành phần quá khích Tân Quốc Xã". Nguyên nhân nào dẫn đến cuộc xâm lăng này? Để tìm hiểu, ta hãy lùi lại hơn một thế kỷ xem lại lịch sử của Ukraine.

Liên Bang Xô Viết

Thế kỷ 17-18, Ukraine là phần đất bị chia cắt giữa đế quốc Nga, đế quốc Ottoman và vương quốc Ba Lan. Đầu thế kỷ 20, khi chế độ Sa Hoàng của Nga sụp đổ và cuộc cách mạng Bolshevik nổ ra, nhiều phe nhóm người Ukraine với nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau đã nổi lên tranh giành ảnh hưởng. Trong số các phe này có phe  Bolshevik chủ trương theo Nga, phe chủ nghĩa quốc gia chủ trương thành lập một nước Ukraine độc lập, phe thân Ba Lan, phe chủ trương vô chính phủ, và nhiều phe khác. Đây là một trong những thời kỳ loạn lạc và đẫm máu nhất của Ukraine. Cuối cùng phe Bolshevik thắng thế, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết Ukraine được thành lập, cùng với Nga, Belarus và một số quốc gia Trung Á khác hợp thành Liên Bang Xô Viết (gọi tắt là Liên Xô). Về sau Liên Xô sáp nhập thêm một số quốc gia nữa, có tổng cộng 15 nước nằm trong liên bang này. Trong Liên Bang Xô Viết, Ukraine là nước có diện tích và dân số lớn thứ nhì, chỉ sau Nga. Những người theo chủ nghĩa quốc gia Ukraine phần lớn bị bỏ tù, lưu đày hoặc xử tử. 


Bản đồ Ukraine với vùng ly khai năm 2014


Nạn đói năm 1932-1933

Năm 1932 & 1933 một nạn đói quy mô xảy ra làm hàng triệu người Ukraine chết. Nguyên nhân là do ruộng đất bị trưng thu vào hợp tác xã, năng suất thấp nhưng nhà nước Xô Viết trung ương vẫn bất phải đạt chỉ tiêu cao. Đến mùa thu hoạch, bao nhiêu nông sản bị thu gom đẻ nộp cho trung ương cho đủ chỉ tiêu. Nông dân không còn gì để ăn nên bị chết đói. Các sử gia ước tính có khoảng 4-7 triệu người Ukraine bị chết đói. Người đứng đầu Liên Xô lúc đó là Joseph Stalin. Một số người cho rằng nạn đói này do Stalin cố tình gây ra đẻ bẻ gãy ý chí đòi độc lập tách khỏi Liên Bang Xô Viết của người Ukraine. Người Ukraine gọi nạn đói này là "Holodomor". Sự kiện này đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong lòng người Ukraine. Nó là một trong những nguyên nhân làm sống lại tình thần quốc gia đòi độc lập sau này. 


Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939-1945)

Khi quân Đức Quốc Xã (Nazi) xâm lăng Liên Xô năm 1941, nhiều người Ukraine coi đây là cơ hội để đứng lên giành độc lập. Họ chào đón quân Đức, một số người thậm chí còn hợp tác với quân Đức nữa. Nhưng rồi họ nhận ra rằng quân Đức đến không phải để giải phóng Ukraine. Chủ trương của Đức Quốc Xã là tận diệt những người gốc Do Thái và ngược đãi những sắc tộc mà họ cho rằng "thấp kém" hơn họ. Có khoảng hơn một triệu người Ukraine, trong đó có nhiều người gốc Do Thái, đã bị thảm sát, hàng trăm ngàn người bị bắt vào các trại cưỡng bức lao động để phục vụ chiến tranh. Người Ukraine sau đó đã quay ra cùng với Nga chống lại Đức Quốc Xã. Các sử gia cho rằng đây là một sai lầm lớn của Hitler. Nếu Hitler chủ trương thu phục người Ukraine, dùng họ chống lại Nga, thì có thể quân Đức Quốc Xã đã thành công trong việc xâm chiếm Liên Bang Xô Viết.


Sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết (1991)

Kể từ năm 1988, Liên Bang Xô Viết bắt đầu suy yếu. Cuộc xâm lăng và chiếm đóng của Liên Xô vào quốc gia láng giềng Afghanistan năm 1979 đã làm quân đội Liên Xô sa lầy 10 năm, kinh tế bị kiệt quệ, cuối cùng phải rút quân về năm 1989. Thất bại này đã mở màn cho sự sụp đổ của Liên Xô và cả khối các quốc gia Cộng Sản Đông Âu. Các nước cộng hòa trong Liên Bang Xô Viết bắt đầu tuyên bố độc lập và tách rời khỏi liên bang, mở đầu là Lithuania năm 1990, sau đó lần lượt các nước cộng hòa khác theo gương. Ukraine tuyên bố độc lập ngày 24 tháng Tám 1991. Một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức và 90% cử tri Ukraine đồng ý với chủ trương độc lập. Ngày 26 tháng Mười Hai 1991, Liên Bang Xô Viết tuyên bố giải tán. Mikhail Gorbachev, người đứng đầu Liên Bang Xô Viết, chính thức  trao quyền lại cho tổng thống Nga Boris Yeltsin. 


Từ bỏ vũ khí hạt nhân, và Giác Thư Budapest (1994)

Khi còn nằm trong Liên Bang Xô Viết, Ukraine là cái kho vũ khí hạt nhân của liên bang. Vì Ukraine nằm ở vị trí chiến lược sát Châu Âu nên Liên Xô đặt nhiều đầu đạn hạt nhân ở đây. Khi Liên Xô sụp đổ Ukraine có khoảng 1,700 đầu đạn hạt nhân (khoảng 1/3 tổng số đầu đạn của Liên Xô), đứng hàng thứ ba chỉ sau Hoa Kỳ và Nga. Để tránh hiểm họa hạt nhân sau này, Hoa Kỳ và Nga đã thuyết phục Ukraine, cùng với hai nước Belarus và Kazakhstan, chuyển giao hết số vũ khí hạt nhân lại cho Nga, đổi lại, Hoa Kỳ, Nga và Anh Quốc đã ký một hiệp ước với Ukraine, Belarus và Kazakhstan gọi là Giác Thư Budapest (Budapest Memorandum on Security Assurances) năm 1994. Theo giác thư này thì Hoa Kỳ, Nga và Anh Quốc cam kết sẽ tôn trọng nền độc lập của ba nước, không dùng quân sự uy hiếp, không gây sức ép kinh tế, không dùng vũ khí hạt nhân uy hiếp, và một số điều khoản khác nữa để bảo đảm an ninh cho ba quốc gia này. (Giác thư này được ký ở Budapest, thủ đô của Hungary). Đến năm 1996 thì Ukraine đã chuyển giao toàn bộ vũ khí hạt nhân cho Nga. 


Thời kỳ độc lập và dân chủ

Sau khi độc lập, Ukraine trở thành một quốc gia dân chủ, với các cuộc bầu cử tự do. Người dân có quyền bỏ phiếu chọn lựa các ứng cử viên vào các chức vụ lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, kể cả chức vụ tổng thống. Hiến pháp Ukraine quy định mỗi nhiệm kỳ của tổng thống là 5 năm và mỗi người không được làm quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Kinh tế phát triển theo chiều hướng thị trường tự do. Trong những năm đầu mới độc lập, Ukraine vẫn có khuynh hướng thân Nga. Khoảng 20% dân số Ukraine là người Nga, dân Ukraine nhiều người nói thông thạo cả hai thứ tiếng Ukrainian và Nga, đa số đều có họ hàng hay bạn bè sống ở Nga. 


Cuộc Cách Mạng Cam (2004)

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2004, hai ứng cử viên đối đầu nhau là  Viktor Yanukovych, đương kim thủ tướng, và Viktor Yushchenko (cùng tên khác họ) có khuynh hướng chính trị trái ngược nhau. Yanukovych chủ trương thân Nga, còn Yushchenko chủ trương thân Tây Phương và muốn Ukraine gia nhập khối Liên Minh Châu Âu (European Union, gọi tắt là EU). Trong cuộc bỏ phiếu chung kết, Yanukovych được tuyên bố thắng cuộc nhưng phe Yushchenko cho rằng cuộc bỏ phiếu đã bị gian lận. Họ xuống đường biểu tình phản đối. Tòa Án Tối Cao Ukraine đã hủy cuộc bỏ phiếu này và tổ chức bỏ phiếu lại. Kết quả Yushchenko thắng. Trong các cuộc xuống đường biểu tình, phe Yushchenko dùng màu cam làm nền cho các biểu ngữ, áo và cờ nên biến cố này thường được gọi là "Cách Mạng Cam". Trong thời gian tranh cử, Yushchenko bị nhiễm chất độc dioxin làm da mặt bị sần sùi biến dạng, sức khỏe suy sụp, phải qua Châu Âu chữa bệnh. Nhiều người nghi rằng Nga đã nhúng tay vào vụ đầu độc này vì Yushchenko có tư tưởng thân Tây Phương. 


Năm 2010, Yushchenko tái tranh cử nhiệm kỳ hai, lần này đối thủ không ai khác hơn, cũng lại là Yanukovych, nhưng ngoài ra còn có một ứng cử viên nữa là bà Yulia Tymoshenko. Tymoshenko vốn là đồng minh với Yushchenko trong cuộc Cách Mạng Cam, nhưng sau mấy năm Yushchenko làm tổng thống, Tymoshenko trở thành địch thủ chính trị với Yushchenko vì những bất đồng cá nhân. Trong cuộc đối đầu tay ba này, Yushchenko đã thất bại thảm hại với tỷ lệ chưa tới 6% phiếu bầu. Trong vòng bỏ phiếu kế tiếp thì Yanukovych đã đánh bại Tymoshenko, đắc cử tổng thống. 



Cuộc Cách Mạng Maidan (2014)

Yanukovych là người có khuynh hướng thăn Nga, ông ta muốn lái Ukraine đi theo quỹ đạo của Nga. Cuối năm 2013 ông ta từ chối ký vào bản Giao Ước Liên Minh Châu Âu – Ukraine (European Union–Ukraine Association Agreement) trong đó hai bên thỏa thuận hợp tác kinh tế, chính trị và nhiều lãnh vực khác. Bản Giao ước này đã được thảo luận trong nhiều năm qua mấy đời tổng thống. Nó là bước đầu để Ukraine tiến tới việc được kết nạp vào Liên Minh Châu Âu. Sự việc này là làm dân Ukraine nổi giận. Họ xuống đường biểu tình đòi Yanukovych từ chức. Hàng trăm ngàn người đã dựng lều ở Maiden Square (tức Quảng Trường Độc Lập) và ở đó suốt ngày đêm. Đỉnh cao của cuộc đối đầu là các ngày 18-20 tháng Hai, 2014, với các cuộc xung đột làm hơn`100 người biểu tình và 13 cảnh sát thiệt mạng. Ngày 22 tháng Hai, Yanukovych rời Ukraine, bỏ chạy sang Nga. Quốc Hội bỏ phiếu bãi nhiệm ông ta. Sự kiện này được gọi là Cuộc Cách Mạng Maidan, theo tên của quảng trường Maidan, hay còn gọi là cuộc Cách Mạng Euromaidan (chữ ghép của Euro và Maidan). Yanukovych sau đó bị truy tố tội phản quốc, tham nhũng, lạm quyền, và "giết người tập thể" vì ông ta đã ra lệnh cho cảnh sát đàn áp người biểu tình làm thiệt mạng nhiều người. Ông ta bị xử khiếm diện với bản án 13 năm tù. 


Biểu tình ở quảng trường Maidan 2014

Những vùng ly khai

Yanukovych bị lật đổ vì dân Ukraine muốn gia nhập Liên Minh Châu Âu. Nhưng không phải ai cũng đồng quan điểm này. Gần 20% dân Ukraine là người gốc Nga, họ vẫn muốn Ukraine nằm trong ảnh hưởng của Nga. Dân gốc Nga ở vùng Crimea bắt đầu nổi dậy đòi ly khai với Ukraine. Crimea là một bán đảo nằm phía nam của Ukraine, trong vùng Biển Đen. Vùng đất này trước kia thuộc Nga. Khi Ukraine gia nhập Liên Bang Xô Viết, Nga đã sáp nhập vùng đất này vào nước Cộng Hòa Xô Viết Ukraine. Năm 1991 khi Ukraine tuyên bố độc lập tách rời khỏi Liên Xô thì Crimea trở thành một vùng đất tự trị nằm dưới quyền kiểm soát của Ukraine. Ukraine vẫn để cho hải quân Nga tiếp tục đóng quân và sử dụng hải cảng quân sự tại Sevastopol trên đất Crimea. Khi dân Crimea nổi dậy đòi ly khai, quân đội Nga đã cho lính mặc quân phục trơn , không phù hiệu, không cờ xí, tiến vào Crimea chiếm lĩnh các vị trí quân sự trọng yếu. Quân đội Ukraine lúc đó rất yếu, lại gặp lúc chính trị rối ren, không người lãnh đạo, đã không có một sự kháng cự nào đáng kể. Nga chiếm Crimea dễ dàng, gần như không đổ máu.


Dân gốc Nga ở hai vùng miền đông là Donetsk và Luhansk (gọi chung là vùng Donbas) cũng rục rịch nổi dậy. Chính quyền Ukraine đưa quân đội đến dẹp loạn thì những người này tự vũ trang chống lại. Nga cũng nhân cơ hội này đưa quân đội và vũ khí vượt biên giới sang giúp quân ly khai. Giống như ở Crimea, lính Nga mặc quân phục trơn, không phù hiệu cờ xí. Khi UKraine tố cáo Nga can thiệp vào nội tình Ukraine thì Nga bác bỏ, cho rằng đây là những người lính tự nguyện, không nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Nga. Cuộc chiến giữa quân chính phủ Ukraine và quân ly khai bắt đầu. Nhờ có vũ khí và lính Nga trợ chiến, quân ly khai có khả  năng chống trả và cuộc chiến đã kéo dài từ năm 2014 đến nay, với nhiều thương vong và tổn thất cho cả hai phía. Người đang lãnh đạo nước Nga lúc này là tổng thống Vladimir Putin. 


Vladimir Putin

Vladimir Putin là một cựu sĩ quan tình báo của cơ quan KGB thời Liên Bang Xô Viết. Khi Liên Xô sụp đổ, Putin chuyển sang hoạt động chính trị. Đối với Putin, sự sụp đổ của Liên Xô là một "thảm họa của thế kỷ 20". Năm 1999 Putin được đề cử lên chức vụ thủ tướng dưới trướng của tổng thống Boris Yeltsin. Khi Boris Yeltsin bất ngờ từ chức cuối năm đó, Putin nghiễm nhiên trở thành tổng thống lâm thời. Vài tháng sau đó, Putin chính thức đắc cử trong kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 05/2000. Kể từ khi nắm quyền, Putin chứng tỏ mình là một người lãnh đạo khôn ngoan và có năng lực. Trong tám năm đầu Putin làm tổng thống (hai nhiệm kỳ), Kinh tế Nga tăng trưởng 72%. đầu tư nước ngoài tăng mạnh, lòng tin của dân chúng vào chính quyền cũng tăng lên. Việc chiếm Crimea cũng làm cho những người có tinh thần quốc gia cực hữu thêm ủng hộ Putin. Tuy nhiên vấn đề tham nhũng và những vi phạm nhân quyền của chế độ Putin cũng gặp không ít chỉ trích. Dưới thời Putin, các tài phiệt được tự do thao túng, làm giàu bất chính. Chủ trương của Putin là: muốn làm giàu theo kiểu nào cũng được, miễn là đừng đụng đến chính trị, đừng chống lại ông ta. Bản thân Putin cũng bị các nhân vật đối lập tố cáo là có những tài sản khổng lồ được giấu kín. Để giữ vững ngôi vị, Putin triệt hạ những nhân vật đối lập có khả năng tranh cử với mình bằng cách ngăn chặn các nguồn tài chính của họ, gán cho họ các tội danh, bỏ tù, hoặc thậm chí ám sát (vụ ám sát Boris Nemtsov năm 2015 là một thí dụ).



Hiến pháp Nga có quy định một người chỉ được làm tổng thống hai nhiệm kỳ liên tiếp. Để né tránh các quy định này, năm 2008 sau khi hết hai nhiệm kỳ tổng thống, Putin ứng cử vào chức thủ tướng, để cho Dmitry Medvedev, một người thân tín của mình, ra ứng cử tổng thống. Đây chỉ là một sự hoán chuyển quyền lực hình thức, trên thực tế, Putin vẫn là người 

nắm quyền, Medvedev chỉ là tổng thống bù nhìn. Sau 4 năm, Putin lại tranh cử và đắc cử tổng thống (2012) trong một cuộc bầu cử bị phe đối lập tố cáo là gian lận. Để giúp Putin nắm quyền lâu hơn, Quốc Hội Nga, vốn nằm dưới sự kiểm soát của Putin, đã sửa đổi hiến pháp để Putin có thể tiếp tục tranh cử và làm tổng thống cho tới hết năm 2036. (Lần tranh cử kế tiếp của Putin sẽ là năm 2024). 


Giấc mộng lớn nhất của Putin là tái lập lại đế chế Nga. Sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết làm ông ta rất bất mãn. Sau khi lên nắm quyền, Putin tìm cách lôi kéo những quốc gia nằm trong Liên Bang Xô Viết cũ vào vòng ảnh hưởng của Nga, và không ngần ngại dùng vũ lực để uy hiếp quốc gia nào có khuynh hướng làm tổn hại đến quyền lợi hoặc an ninh của Nga. Vụ can thiệp vũ trang vào Georgia năm 2008, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, là một thí dụ. 


Đối với Putin, và có thể với đa số dân Nga, Ukraine là một vùng đất quan trọng, không chỉ về mặt chính trị, kinh tế, mà còn về văn hóa và tinh thần. Ukraine là nước cộng hòa lớn và đông dân thứ nhì trong Liên Bang Xô Viết cũ, chỉ sau Nga. Gần 20% dân số Ukraine là người gốc Nga. Đa số dân Ukraine có bà con thân thuộc hay bạn bè sống ở Nga và ngược lại. Người Ukraine và người Nga qua lại thăm viếng, làm việc hay du lịch thường xuyên. Putin đã có lần tuyên bố: hai dân tộc Nga và Ukraine là một. 


Quan hệ Nga—Ukraine

Kể từ khi độc lập, người Ukraine có khuynh hướng nghiêng về phía Tây Phương và Hoa Kỳ. Họ mong muốn đất nước được phát triển thịnh vượng như Tây Phương, và quan trọng hơn hết là đất nước đi theo hướng tự do, dân chủ. Có một điều nghịch lý là Putin càng muốn lôi kéo Ukraine vào vòng ảnh hưởng của Nga thì lòng dân Ukraine lại càng hướng về Tây Phương. Lý do là vì chế độ của Putin tuy đem lại những hiệu quả phát triển kinh tế nhưng lại có khuynh hướng độc tài. Các chính trị gia đối lập bị hăm dọa, bỏ tù, những người lên tiếng chống tham nhũng thì bị trù dập, truyền thông bị kiểm duyệt gắt gao, biểu tình bị hạn chế hoặc cấm đoán, các cuộc bầu cử luôn bị tố cáo là gian lận. Trong khi đó ở Ukraine thì chế độ chính trị cởi mở, tự do ngôn luận, dân có quyền chọn lựa lãnh đạo các cấp. Nạn tham nhũng ở Ukraine cũng không thua gì ở Nga, nhưng ít ra người dân có quyền lên tiếng tố cáo mà không sợ bị tù. Trong hầu hết các cuộc bầu cử ở Ukraine, Putin thường ngầm can thiệp gây ảnh hưởng giúp cho các ứng cử viên thân Nga thắng cử. Việc Ukraine muốn làm thành viên khối Liên Minh Châu Âu làm Putin không hài lòng. Việc Ukraine muốn tham gia vào khối NATO càng làm cho Putin tức giận.


NATO

NATO là chữ viết tắt của North Atlantic Treaty Organization tức "Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương" hay còn được dịch là "Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương". Tổ chức này thành hình từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, với mục đích liên kết các quốc gia ở vùng bắc Đại Tây Dương (bao gồm Châu Âu và Bắc Mỹ) về mặt quân sự để đề phòng kẻ thù chung. Quân đội của các quốc gia NATO liên kết, hỗ trợ cho nhau, cùng đóng góp chi phí quân sự và tập trận chung. Giao ước quan trọng nhất của khối NATO là: khi một quốc gia trong khối này bị tấn công bằng quân sự thì tất cả các quốc gia còn lại có bổn phận phải trợ giúp và tham gia chống lại kẻ tấn công. NATO được chính thức thành lập năm 1949 và hiện bao gồm 28 quốc gia Châu Âu cộng với Mỹ và Canada. Thời Chiến Tranh Lạnh, khi Liên Xô và khối các quốc gia Cộng Sản ở Đông Âu còn tồn tại, NATO là lực lượng chính đối đầu với khối này. 


Để đối đầu với NATO, Liên Xô cũng lập ra Khối Warsaw, tức Warsaw Treaty Organization, gọi tắt là WTO. Hiệp ước thành lập khối này được ký kết vào năm 1955 tại Warsaw, thủ đô của nước Ba Lan (Ba Lan lúc đó do đảng Cộng Sản nắm quyền). Khi Liên Xô tan rã vào năm 1991 thì khối này cũng tan rã luôn, cuộc Chiến Tranh Lạnh coi như chấm dứt. 


Sau Chiến Tranh Lạnh, NATO vẫn tiếp tục tồn tại. Không những vậy, NATO còn kết nạp thêm các thành viên mới là các quốc gia cựu Cộng Sản như Ba Lan, Tiệp Khắc, Bulgaria, v.v... Ngay cả các quốc gia trước kia vốn là một phần của Liên Bang Xô Viết Latvia, Lithuania và Estonia cũng gia nhập vào NATO sau khi tuyên bố độc lập. Các quốc gia này coi việc tham gia vào NATO là cần thiết vì họ sợ rằng Nga có thể dùng vũ lực ép họ trở lại vùng ảnh hưởng của Nga. Những năm đầu khi Liên Xô mới sụp đổ, tổng thống Nga là Boris Yeltsin thân thiện với Hoa Kỳ và Tây Phương nên không coi NATO là đối thủ quân sự. Khi Putin lên nắm quyền, những năm đầu quan hệ đôi bên còn dễ chịu, nhưng từ khi chế độ của Putin có khuynh hướng độc tài, bị Tây Phương chỉ trích về các vi phạm nhân quyền, thì quan hệ dần xấu đi. Putin dần dần coi NATO là mối nguy của nước Nga. 


Quan hệ giữa Ukraine và NATO bắt đầu từ năm 1992, khi Ukraine mới tách khỏi Liên Xô. Không giống như các quốc gia cựu Cộng Sản khác nhanh chóng gia nhập NATO, Ukraine lúc đầu không mặn mà mấy với NATO. Quan điểm của dân chúng Ukraine không đồng nhất về NATO, một số muốn gia nhập, một số chống đối, số khác trung lập. Năm 2008 dưới thời của tổng thống Viktor Yushchenko, Ukraine muốn NATO khởi động quá trình xem xét để Ukraine trở thành thành viên chính thức của NATO (gọi là Membership Action Plan). Một cuộc thăm dò lúc đó cho thấy 57.8% dân Ukraine ủng hộ việc gia nhập NATO, tuy rằng phe chống đối vẫn còn mạnh. Năm 2014, khi cuộc cách mạng Maidan nổ ra dẫn đến việc Nga chiếm đóng Crimea và can thiệp quân sự vào vùng Donbas, thì nhu cầu tham gia NATO của Ukraine bỗng trở nên cấp bách. Đa số dân Ukraine nhận ra rằng, nếu không tham gia vào NATO thì họ không thể chống lại Nga. NATO và Ukraine càng ngày càng tiến gần đến nhau qua các chương trình trao đổi và huấn luyện quân sự, cho đến thời tổng thống Volodymyr Zelensky thì ông ta quyết tâm tham gia vào NATO. 


Volodymyr Zelensky

Volodymyr Zelensky sinh năm 1978, là người Ukraine có tổ tiên là gốc Do Thái. Ông nội của ông ta là một sĩ quan của Hồng Quân Liên Xô, đã từng chiến đấu chống Đức Quốc Xã trong Thế Chiến II. Cha của ông ta là một khoa học gia tin học. Zelensky tốt nghiệp ngành luật nhưng không hành nghề. Ông ta nói tiếng Nga và tiếng Ukrainian. Ông ta theo đuổi nghệ thuật, thành lập công ty Kvartal 95 sản xuất phim và các chương trình truyền hình. Năm 2015 công ty của ông ta xuất bản bộ phim hài truyền hình nhiều tập với tựa đề "Đầy Tớ của Nhân Dân" trong đó ông ta đóng vai chính. Trong phim này Zelensky đóng vai một thầy giáo dạy sử trường trung học, bất mãn với vấn đề tham nhũng trong chính quyền, ông ta đăng ký ứng cử tổng thống, ai ngờ đắc cử. Sau khi đắc cử thì nhân vật này quyết tâm loại trừ nạn tham nhũng trong chính quyền. Bộ phim rất thành công, được công chúng đón nhận nồng nhiệt, nồng nhiệt đến nỗi nhiều người đề nghị Zelensky ra ứng cử tổng thống (thật). Năm 2019 Zelensky ra ứng cử thật và ông ta đắc cử với tỷ lệ phiếu áp đảo 73%. Thế là từ một diễn viên hài ông ta thành tổng thống, giống như trong truyện phim. 


Khi lên làm tổng thống, Zelensky có hai vấn đề cấp bách cần được giải quyết: diệt trừ tham nhũng và chấm dứt cuộc chiến ở vùng Donbas. Nhưng vừa mới làm tổng thống chưa được bao lâu thì Zelensky phải đối đầu với vụ bê bối chính trị Trump–Ukraine.



Vụ bê bối chính trị Trump–Ukraine

Năm 2019, tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Donald Trump muốn triệt hạ đối thủ chính trị của mình là Joe Biden. Biden vốn là phó tổng thống dưới thời tổng thống Barack Obama, ông này đang được đảng Dân Chủ sửa soạn để đưa ra làm ứng cử viên tổng thống trong kỳ bầu cử sắp tới, đối đầu với Donald Trump. Khoảng tháng Bảy 2019, Trump gọi điện cho Zelensky, yêu cầu ông ta điều tra và công bố những việc làm "mờ ám" của Joe Biden và con trai là Hunter Biden ở Ukraine thời Biden còn làm phó tổng thống. Cụ thể, Trump cho rằng chính công ty CrowdStrike của con trai Biden là thủ phạm trong vụ xâm nhập vào máy tính của Đảng Dân Chủ Hoa Kỳ và đánh cắp các email mật, đem giấu ở Ukraine, rồi làm rò rỉ trên trang Wikileak vào năm 2016. Trump cũng cho rằng vào khoảng 2015 Biden khi còn làm phó tổng thống đã ép chính quyền Ukraine cách chức ông Viktor Shokin, người có nhiệm vụ điều tra vụ bê bối của công ty khí đốt Burisma, nơi mà Hunter Biden lúc đó đang nằm trong ban chỉ đạo.


Để gây sức ép, Trump đã ngăn chặn khoảng viện trợ 400 triệu USD mà Quốc Hội Hoa Kỳ đã chuẩn chi để giúp đỡ Ukraine. Ukraine lúc đó đang rất cần khoản viện trợ này vì phải đối phó với cuộc chiến ở Donbas và sự can thiệp quân sự của Nga. Về mặt pháp lý, việc ngăn chặn viện trợ này là phi pháp vì khoản viện trợ này do Quốc Hội chuẩn chi, tổng thống không có quyền can thiệp. Hơn nữa hành động này rất nguy hiểm vì nếu thiếu viện trợ, Ukraine có thể bị vỡ trận ở Donbas và quân Nga có thể tiến sâu vào lãnh thổ Ukraine. Zelensky lúc đó lâm vào thế khó xử vì ông ta không muốn dính vào các cuộc đấu đá chính trị giữa các chính trị gia Hoa Kỳ. Đến tháng Chín, vụ việc này bị rò rỉ và đăng trên báo chí Mỹ, Trump vội vàng tháo khoán ngân khoản cho Ukraine. Quốc Hội bắt đầu vào cuộc điều tra và sự việc nổ lớn. Các cuộc điều tra cho thấy những điều mà Donald Trump cho rằng Joe Biden và con trai hành động "mờ ám" là không có cơ sở, nhưng việc Trump ngăn chặn khoản viện trợ cho Ukraine là vi hiến, và làm nguy hại cho uy tín và nên an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Vụ bê bối này dẫn đến việc Quốc Hội biểu quyết đàn hặc (impeachment) TT Donald Trump vào tháng Mười Hai 2019. (TT Trump sau đó còn bị đàn hặc thêm một lần nữa vào tháng Một 2021 với tội danh kích động cuộc đại náo Quốc Hội vào ngày 06 tháng Một cùng năm.)


Ý định tham gia vào NATO

Hơn bao giờ hết, người dân Ukraine cảm thấy việc gia nhập vào NATO là cấp bách. Năm 2017, một cuộc thăm dò cho thấy 69% dân chúng ủng hộ việc gia nhập NATO. Năm 2018, Hội Đồng Tối Cao Ukraine thông qua một đạo luật an ninh quốc gia trong đó định ra các nguyên tắc để Ukraine dần tiến tới việc tham gia vào Liên Minh Châu Âu và NATO. Cùng năm đó, quốc hội Ukraine biểu quyết với đa số đồng ý sửa đổi hiến pháp, dọn đường cho Ukraine gia nhập LMCA và NATO. Tháng Sáu 2021, trong cuộc họp thượng đỉnh của NATO tại Brussels, thủ đô của Bỉ, các nhà lãnh đạo NATO đã thảo luận về quyết định chuẩn bị cho Ukraine gia nhập. Họ khẳng định rằng Ukraine là một quốc gia độc lập, có chủ quyền và có quyền quyết định tương lai của mình. Cũng trong tháng này, Ukraine và NATO tổ chức một cuộc tập trận chung trong vùng biển Hắc Hải, điều này làm cho Nga rất tức giận. 


Nga luôn luôn chống đối việc Ukraine tham gia vào NATO. Họ cho rằng nếu Ukraine trở thành thành viên của NATO thì NATO có thể đặt các dàn hỏa tiễn trên đất Ukraine để nhắm vào Nga. Tháng Mười Hai 2021, tổng thống Putin yêu cầu Tây Phương phải đảm bảo rằng Ukraine sẽ không tham gia NATO, nhưng tổng thư ký NATO là tướng Jens Stoltenberg khẳng định rằng Ukraine có quyền tự vệ và NATO sẽ không khuất phục trước yêu cầu của Nga. 


Chiến tranh

Từ tháng Mười 2021, Nga bắt đầu đưa quân đội đến đóng dọc biên giới Nga-Ukraine và biên giới Belarus-Ukraine. Belarus là một cựu thành viên của Liên Xô cũ, tuy rằng đã tuyên bố độc lập nhưng vẫn thân cận với Nga. Báo chí Tây Phương bắt đầu đồn đoán rằng Nga có thể tấn công Ukraine, nhưng TT Putin luôn bác bỏ tin này. Ông tuyên bố rằng quân đội Nga chỉ tập trận. Sang tháng Hai 2022, càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị chiến tranh. Tình báo Hoa Kỳ và Tây Phương liên tục cảnh báo chính quyền Ukraine. Để đề phòng, NATO cũng điều động binh sĩ đến biên giới các quốc gia NATO nằm kề Nga. 


Ở vùng Donbas, nơi đang có tranh chấp giữa quân đội Ukraine và quân ly khai, các cuộc đụng độ tăng lên. Ngày 21 tháng Hai, Putin tuyên bố công nhận Donetsk và Luhansk (hai tỉnh thuộc vùng Donbas) là hai nước cộng hòa độc lập. Ngay sau đó, quân đội Nga rầm rộ tiến vào vùng này, lấy danh nghĩa là "giữ hòa bình". Quốc hội Ukraine tuyên bố tình trạng khẩn trương và huy động quân đội chuẩn bị ứng chiến.


Rạng sáng ngày 24 tháng Hai 2022, quân đội Nga đồng loạt tấn công với quy mô lớn trên ba hướng: hướng bắc từ biên giới Belarus-Ukraine nhắm vào thủ đô Kyiv, hướng đông từ vùng Donbas nhắm vào thành phố lớn thứ nhì là Kharkiv và các vùng phụ cận, hướng Nam từ bán đảo Crimea và biển Hắc Hải nhắm vào thành phố Kherson và vùng duyên hải. Với quân lực hùng hậu gấp 10 lần Ukraine, Nga ở thế áp đảo ban đầu. Tuy nhiên quân đội Ukraine đã chống trả mãnh liệt. Chỉ sau mấy ngày giao tranh, hàng ngàn binh sĩ của hai bên đã thiệt mạng. Đây là cuộc chiến lớn nhất ở Châu Âu kể từ sau Đệ Nhị Thế Chiến. 


Cuộc tấn công này là một cú sốc cho cả thế giới vì chỉ mấy ngày trước đó, đa số mọi người, kể cả các nhà lãnh đạo trên thế giới, đều cho rằng Nga chỉ dàn quân để dọa, áp lực Ukraine không được tham dự vào NATO. Ngay cả tổng thống Zelensky, dù được Hoa Kỳ cảnh báo liên tục, cũng có vẻ không tin rằng Nga sẽ tấn công. 


Hãng thông tấn Associated Press tường thuật rằng: trong những giờ phút nguy cấp, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã gọi điện cho tổng thống Zelensky và ngỏ ý muốn giúp ông ta rời khỏi thủ đô Kyiv, nhưng Zelensky đã trả lời: "Cuộc chiến đang ở đây; tôi cần đạn dược, không cần quá giang (The fight is here; I need ammunition, not a ride)."


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét