Translate

Thứ Năm, 7 tháng 4, 2022

Những sai lầm chiến lược quân đội Nga đã mắc phải khi xâm lăng Ukraine

Mấy tháng trước khi tổng thống Vladimir Putin của Nga phát lệnh xâm lăng Ukraine, truyền thông thế giới đã đồn đoán, bàn tán về cuộc tấn công này. Họ đưa ra những so sánh về tương quan lực lượng giữa hai bên (xem hình 1). Hầu hết đều đồng quan điểm: Ukraine khó đứng vững trong cuộc tấn công, họ chỉ có thể hy vọng cầm cự được một thời gian và phải thương lượng hòa bình. 


Ngày 24 tháng Ba 2022, quân Nga đồng loạt tiến sang Ukraine theo nhiều hướng. Cuộc tấn công diễn ra khốc liệt và đẫm máu như dự đoán. Nhưng sau một tháng giao tranh, những gì mọi người tiên đoán đã không xảy ra. Các mũi tiến công của quân Nga đã hầu như bị chững lại. Ngoại trừ thành phố Kherson bị chiếm ngay từ đầu và thành phố Mariupol ở miền nam đang bị vây hãm, có thể sẽ rơi vào tay quân Nga, tất cả các thành phố khác đều đứng vững. Thậm chí, quân Ukraine đã phản công và chiếm lại một số làng mạc, thị trấn. 


Nhiều nhà phân tích quân sự nay tin rằng Ukraine có thể sẽ đánh bại được quân Nga. Họ đã chỉ ra những sai lầm mà quân Nga mắc phải, và quân Ukraine đã khai thác tối đa những sai lầm đó để xoay chuyển tình thế. 


Không triệt tiêu lực lượng phòng không, không quân của Ukraine ngay từ đầu

Trong chiến tranh hiện đại, không quân là lực lượng không thể thiếu được trong các cuộc tấn công. Phe nào làm chủ được bầu trời là làm chủ được trận chiến. Trong cuộc chiến vùng Vịnh năm 1990 (Hoa Kỳ và quân đồng minh giải phóng Kuwait khỏi sự xâm lăng của Iraq) Hoa Kỳ đã dùng không quân oanh tạc các mục tiêu quân sự của Iraq trong suốt 42 ngày đầu tiên. Sau các cuộc oanh tạc, lực lượng phòng không và không quân của Iraq gần như tê liệt, Hoa Kỳ hoàn toàn làm chủ bầu trời, nhờ vậy mà bộ binh và xe tăng khi tiến vào được không quân yểm trợ nên dễ dàng chiến thắng. 


Nga đã không làm điều đó. Khi phát lệnh tấn công, tổng thống Putin đã cho xe tăng và bộ binh đồng loạt tiến qua biên giới ngay từ những giờ đầu tiên. Phi cơ và trực thăng Nga có bay vào một số thành phố lớn, nhưng dường như chủ yếu chỉ để uy hiếp tinh thần, vì vậy mà lực lượng phòng không và không quân của Ukraine gần như còn nguyên vẹn và có khả năng nghênh chiến với không quân Nga. Các nhà phân tích quân sự cho rằng, lẽ ra Nga phải lợi dụng những giờ phút bối rối hoang mang của quân đội Ukraine lúc đầu để triệt để đánh tan lực lượng phòng không, không quân của họ, không để họ có đủ thì giờ bố trí phòng thủ. Sự việc không quân Ukraine vẫn có khả năng bay lượn nghênh chiến với không quân Nga sau đó đã làm cho binh lính lên tinh thần rất nhiều. Vì không làm chủ được bầu trời nên có nhiều trận đánh quân Nga không thể tận dụng được ưu thế của không quân. Có lẽ Putin chủ quan, cho rằng chỉ cần đưa lực lượng chiến xa và bộ binh hùng hậu tiến vào là quân Ukraine đủ khiếp vía, sẽ buông súng đầu hàng. 


Quá ỷ lại vào sức mạnh của chiến xa

Từ Thế Chiến II trở về sau, xe tăng được coi như là vua của chiến trường trên bộ, phe nào nhiều xe tăng hơn sẽ chiếm ưu thế. Nga có số xe tăng nhiều gấp năm lần Ukraine, vì vậy mà họ ỷ lại, cứ xua xe tăng tiến ào ạt, không đợi phối hợp với các binh chủng khác. Hậu quả là chỉ sau hai tuần chiến đấu, rất nhiều xe tăng bị bắn cháy. Xe tăng Nga gần như không phát huy được ưu thế, lý do là địa hình ở Ukraine không thuận lợi cho xe tăng. Đất đai của Ukraine phần lớn rất mềm, mùa đông tuyết rơi phủ mặt đất, xe cán lên sẽ tạo thành bùn, rất dễ bị sa lầy. Mùa xuân tuyết tan ra làm cho đất ướt, cũng sình lầy. Vì vậy xe tăng Nga chỉ chạy được trên đường lộ. Hàng đoàn xe tăng Nga nổi đuôi nhau chạy trên đường rất dễ bị chăn đánh. Lính Ukraine núp bên đường, bắn cháy những chiếc đi đầu và đi cuối là cả đoàn xe bị kẹt, tiến không được mà lui cũng không xong, chạy xuống đồng thì bị sa lầy. Ukraine lại được Hoa Kỳ và Châu  Âu viện trợ cho các loại hỏa tiễn chống tăng Javelin và NLAW rất lợi hại, được hướng dẫn bằng tia hồng ngoại có thể tự tìm đến mục tiêu (mỗi viên hỏa tiễn trị giá hàng chục ngàn USD). Chỉ sau mấy ngày đụng độ, Ukraine đã diệt được hàng trăm xe tăng Nga. Nhiều xe tăng Nga bị sa lầy, bỏ lại chiến trường, lính Ukraine chỉ việc ra kéo về. Bộ quốc phòng Ukraine công bố rằng sau một tháng giao tranh, họ đã thu được hơn 100 xe tăng Nga, nhiều hơn số xe của Ukraine bị Nga phá hủy hay thu được.


Việc xe tăng Nga bị sa lầy làm người ta liên tưởng đến cuộc xâm lăng của quân Đức Quốc Xã vào Liên Bang Xô Viết năm 1941. Hàng ngàn chiến xa Đức đã ào ạt tiến vào lãnh thổ Nga và Ukraine, để rồi bị vướng sình lầy, di chuyển vô cùng khó khăn, góp phần vào yếu tố thất bại của quân Đức. Người Nga có từ "Rasputitsa" để chỉ khoảng thời gian đất đai vô cùng lầy lội không thể di chuyển được, vào mùa xuân hoặc mùa thu. Một năm chỉ có một khoảng thời gian ngắn độ vài tuần vào mùa đông khi trời thật lạnh mặt đất đóng băng cứng và mùa hè khi mặt đất khô ráo là xe có thể chạy được trên đồng trống. Địa hình của Nga và Ukraine tương tự nhau, lẽ ra quân Nga phải tính trước tình huống này. Rốt cuộc họ mắc chính cái sai lầm mà kẻ thù của họ đã mắc hơn 80 năm trước. 



Không tận dụng được mạng xã hội để tuyên truyền

Tuyên truyền là một bộ phận không thể thiếu được trong chiến tranh. Có những cuộc chiến phe yếu hơn thắng nhờ tuyên truyền. Thời xưa tuyên truyền chủ yếu dùng TV, radio và báo giấy, nhưng những thứ này chỉ có tác dụng ở một khu vực nhất định. Thời bây giờ Internet với các mạng xã hội có thể tải thông điệp đi toàn cầu trong giây lát. Khi chiến tranh bắt đầu, Nga đã dùng tường lửa chặn không cho dân chúng vào các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Youtube, Twitter, Instagram v.v... Những mạng nào dân Nga vào được thì thông tin bị kiểm duyệt gắt gao. Vì chính quyền Putin không muốn dân Nga biết những gì đang thật sự xảy ra ở Ukraine. Dân Nga và dân Ukraine có nhiều bà con và bạn bè sống cả hai bên. Họ thường qua lại thăm viếng, làm việc hoặc du lịch. Putin sợ dân Nga thấy cảnh tàn phá chết chóc ở Ukraine thì sẽ bất mãn chống chiến tranh. Putin cấm không dùng chữ "chiến tranh" mà gọi đây là "Chiến Dịch Quân Sự Đặc Biệt". Đa số dân Nga tới giờ vẫn không tin là đang có chiến sự xảy ra ở Ukraine. Họ tin rằng quân Nga sang đó chủ yếu làm công tác cứu trợ nhân đạo. 


Việc kiểm soát truyền thông giúp Putin tránh được những chống đối từ bên trong, nhưng nó gây bất lợi cho việc tuyên truyền ra thế giới bên ngoài. Vì người Nga không vào được các mạng xã hội toàn cầu nên đa số những thông tin về cuộc chiến trên các mạng này đều do dân Ukraine đưa lên, mà dĩ nhiên là họ đưa những thông tin có lợi cho Ukraine. Các kênh chính thức của chính quyền Putin trên mạng xã hội thì bị các công ty chủ quản các mạng này khóa hoặc hạn chế. Chẳng hạn như kênh Russia Today (RT) và Sputnik của Nga đã bị Youtube khóa. Trang Facebook của RT bị sàng lọc thông tin gắt gao, không cho đăng các thông tin tuyên truyền có lợi cho Nga. Có thể nói, Nga thành công trong việc kiểm soát thông tin trong nước nhưng thất bại trong thông tin toàn cầu. 


Không chuẩn bị hậu cần đầy đủ

Tướng John J. Pershing của Hoa Kỳ thời Đệ Nhất Thế Chiến đã từng nói: "Bộ binh thắng trận đánh, hậu cần thắng cuộc chiến (Infantry wins battles, logistics wins wars)". Ý nói rằng binh lính giỏi thì có thể thắng được một trận đánh, nhưng muốn thắng một cuộc chiến thì phải có hậu cần đầy đủ. Sách binh thư Tôn Tử, thiên thứ hai nói về tác chiến đã nhấn mạnh về lương thực, tức là hậu cần. Danh tướng Napoleon cũng có câu nói nổi tiếng: "Một đạo binh hành quân dựa trên bao tử của họ (An army marches on its stomach)", ý nói rằng quân lính đi đến đâu cũng phải được cung ứng đầy đủ thì mới đánh trận được. 


Quân Nga khi tiến vào Ukraine chỉ mới chưa đầy một tuần đã thiếu lương thực và xăng. Một đoàn chiến xa dài 60 cây số tiến từ biên giới Belarus-UKraine về hướng thủ đô Kyiv. Khi còn cách thành phố này khoảng 50km về hướng đông bắc thì nằm lại gần hai tuần lễ trên đường lộ. Lý do: hết xăng và lương thực. Các đoàn xe tiếp tế đến sau bị quân Ukraine chặn đánh, khiến cho cuộc tiến quân bị đình trệ. Sự chậm trễ này đã giúp cho dân quân thủ đô Kyiv có đủ thời giờ bố trí phòng thủ, tổ chức đánh tập kích làm tiêu hao lực lượng và tinh thần binh sĩ Nga. Rốt cuộc sau hơn một tháng tiến quân, Nga đã thất bại trong ý định bao vây và đánh chiếm thủ đô. Họ phải rút quân khỏi các vùng phụ cận của Kyiv. Họ thất bại vì đã để mất đi yếu tố thần tốc và bất ngờ.


Tin tình báo của Hoa Kỳ và Anh cho biết: nhiều binh sĩ Nga được phát các gói lương thực hết hạn từ lâu. Chiến xa nhiều chiếc bị hư hỏng vì lâu không sử dụng. Nhiều người lính phải bỏ xe đi bộ vì bị hư. Một số lính không được trang bị đầy đủ áo giáp, áo ấm cho mùa đông, chăn màn để ngủ. Khi bị kẹt trên đường họ phải nằm ngủ ngoài trời giữa mùa đông giá lạnh. Đã vậy còn bị quân Ukraine tập kích đánh lẻ cả ngày lẫn đêm. Tinh thần của binh sĩ Nga xuống rất thấp. Có lẽ vì cấp lãnh đạo Nga tính toán rằng, chỉ cần đánh vài ngày là chiếm "binh bất yếm trá"được thủ đô, và vài tuần là chính quyền Ukraine đầu hàng, nên họ không chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài. 


Không chuẩn bị tinh thần chiến đấu cho binh sĩ

Mấy tháng trước cuộc tiến quân, báo chí Tây Phương đã đăng rầm rộ các tin tức tiên đoán rằng Nga sẽ xâm lăng Ukraine. Tổng thống Putin và bộ trưởng quốc phòng Nga đã bác bỏ các tin này. Binh pháp cổ của Trung Quốc có câu "binh bất yếm trá (dụng binh không ngại dối trá)”. Tây Phương cũng áp dụng phương châm này. Khi dùng binh thì không ngại nói dối để đánh lừa địch, và Putin đã dùng kế sách này, đánh lừa được rất nhiều người. Nhưng chính sự dối trá này lại gây phản tác dụng cho quân Nga. Trước khi tấn công, nhiều binh sĩ Nga không hề nghĩ rằng mình sẽ sang đánh trận ở Ukraine. Chính họ cũng tin lời nói dối của Putin. Một số binh sĩ Nga khi bị Ukraine bắt sống đã thú nhận rằng ngay cả khi tiến quân, họ cũng không biết là đi đâu. Họ tưởng là chỉ đi tập trận, như chỉ huy của họ vẫn nói từ đầu. Đến khi đụng trận họ mới biết mình đang đi vào chỗ chết. Vì không chuẩn bị tư tưởng, nên nhiều lính Nga bị sốc và bất bình, không có tinh thần chiến đấu. 


Pháo kích bừa bãi làm chết nhiều thường dân
Sau một tháng giao tranh, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ước tính có khoảng 1500 thường dân Ukraine bị thiệt mạng và 2000 người bị thương. Phần lớn những thương vong này do pháo kích của Nga gây ra. Phía Nga luôn tuyên bố rằng họ chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự. Trên thực tế họ pháo kích bừa bãi vào các khu vực dân cư như chung cư, khu thương mại và cả bệnh viện. Có những trường hợp rõ ràng là cố ý. Chẳng hạn như ở thành phố Mariupol, nơi đang bị quăn Nga vây hãm, có 600 thường dân trú ẩn trong một nhà hát. Để tránh bị pháo kích, người ta đã viết chữ "trẻ em" bằng tiếng Nga thật to trên sân cỏ trước và sau nhà hát để máy bay hoặc vệ tinh có thể nhìn thấy. Vậy mà nhà hát này vẫn bị pháo kích làm thiệt mạng 300 người. Cũng tại thành phố này, Nga đã pháo kích vào một bệnh viện phụ sản làm một phụ nữ và hài nhi mới sinh chết. Khi các hình ảnh thương được đăng lên thì phía Nga chối bỏ, cho là hình ảnh giả tạo. 


Những cuộc pháo kích này càng làm cho binh sĩ Ukraine càng thêm căm hận và họ quyết chiến đấu đến cùng. Thành phố Mariupol bị vây hãm cả tháng trời, lương thực, thuốc men, đạn dược không được tiếp tế, người chết đầy đường, mà quân Ukraine vẫn quyết tử thủ không chịu đầu hàng. 



Đánh giá quá thấp khả năng kháng cự của Ukraine

Sau khi phát lệnh tấn công, tổng thống Putin đã lên đài kêu gọi quân đội Ukraine buông súng đầu hàng và lật đổ chính quyền. Ông ta gọi tổng thống Zelensky của Ukraine là "tên nghiện ma túy". Không rõ Putin chỉ đánh đòn tâm lý, hay ông ta thật sự tin rằng quân đội Ukraine sẽ buông súng đầu hàng, và Zelensky là kẻ nghiện ngập. Trong những năm vừa qua, truyền thông của nhà nước Nga luôn tuyên truyền những điều không tốt về Ukraine. Họ cho rằng chính quyền Ukraine cực kỳ tham nhũng, Zelensky chỉ là một anh hề, hoàn toàn không có năng lực lãnh đạo (Zelensky vốn là một diễn viên hài trước khi ra tranh cử tổng thống). Có thể những lời tuyên truyền sai lạc này đã gây tác dụng ngược, chính Putin và chính quyền của ông ta đã tin những điều này nên họ cho rằng việc chiếm Ukraine sẽ rất dễ dàng. 


Công bằng mà nói, không chỉ Nga đã lầm, mà chính nhiều nhà lãnh đạo Tây Phương cũng lầm. Trước cuộc tấn công, giới lãnh đạo Tây Phương nghĩ rằng Ukraine khó cầm cự được lâu. Họ chỉ hy vọng rằng chính quyền Zelensky sẽ giữ được một phần lãnh thổ để thương lượng hòa bình. Ngay cả dân Ukraine trước đó một tháng khi được thăm dò, chỉ khoảng một phần ba tin rằng Zelensky có đủ khả năng lãnh đạo chống lại cuộc xâm lăng. Buổi tối đầu tiên sau khi cuộc tấn công bắt đầu, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gọi điện cho Zelensky ngỏ ý muốn giúp ông ta rời khỏi thủ đô, Zelensky đã trả lời: "Cuộc chiến đang ở đây; tôi cần đạn dược, không cần quá giang (The fight is here; I need ammunition, not a ride)."


***

Thông thường, khi so sánh tương quan lực lượng hai quân đội, người ta nhìn vào những con số: số lượng binh sĩ, số chiến xa, số phi cơ, số hỏa tiễn v.v…Bên nào có con số lớn hơn được coi là có khả năng thắng cao hơn. Nhưng có những thứ không thể tính bằng số, như lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu, Ukraine thua hẳn Nga về những con số, nhưng họ có một thứ Nga không có trong cuộc chiến này, đó là chính nghĩa. Quân đội Nga xâm lăng, còn quân đội Ukraine bảo vệ đất nước, và chính nghĩa thuộc về những người bảo vệ đất nước. Ukraine là một quốc gia độc lập, có chủ quyền, được Liên Hiệp Quốc công nhận. Chính Nga cũng đã từng công nhận nền độc lập của Ukraine. Năm 1991 khi Ukraine tuyên bố độc lập, tách ra khỏi Liên Bang Xô Viết, chính quyền Nga lúc đó dưới sự lãnh đạo của tổng thống Boris Yeltsin cũng công nhận điều này. Lập luận của tổng thống Putin rằng Ukraine là một phần lãnh thổ của Nga, phải quay về với Nga là không có cơ sở pháp lý. Cuộc xâm lăng của Nga là phi nghĩa. Nga không thể khuất phục được Ukraine. 


Trước lên đường hành quân, các binh sĩ Nga được lệnh mang theo mỗi người một bộ lễ phục. Cấp chỉ huy Nga chắc tính rằng họ sẽ cho binh sĩ diễn hành mừng chiến thắng sau khi chiếm thủ đô Kyiv. Cho đến nay thì có lẽ các binh sĩ Nga đã nhận ra rằng, cái họ cần mang theo không phải là bộ lễ phục, mà là chiếc quan tài.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét