Translate

Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Hai Bờ Đại Dương (truyện ngắn)


Tuấn lái xe chạy dọc đường Bolsa, qua khỏi ngã tư đường Euclid, quẹo trái vô bãi đậu xe, ngừng lại trước tiệm hoa. Tuấn bước vô tiệm, chọn mua một bó hoa và một cái vòng đeo cổ kết bằng hoa lan. Vòng hoa này, người Mỹ gọi là lei, thường được dùng để tặng cho những sinh viên để mang trên cổ trong ngày ra trường. Mua hoa xong Tuấn lái xe lên đường cao tốc 57 đi về hướng Pomona, nơi có ngôi trường đại học bách khoa California State University Pomona. Hôm nay là ngày lễ tốt nghiệp của Vũ, con trai của Tuấn. 

Trời California hôm nay nắng ấm, đã bước sang mùa hè, bầu trời trong xanh không một gợn mây. Đoạn đường cao tốc này, Tuấn đã đi nhiều lần, nhưng hôm nay cảnh vật có vẻ vui tươi, có lẽ vì trong lòng Tuấn đang vui. Mười lăm năm kể từ ngày đặt chân đến Mỹ, hôm nay có lẽ là ngày vui nhất của Tuấn, vì con trai tốt nghiệp đại học. Tuấn nghĩ thầm trong lòng: hôm nay chắc Ngọc sẽ rất vui khi thấy đứa con trai yêu dấu của mình đã thành đạt.

Tuấn và Ngọc gặp nhau trong khói lửa chiến tranh. Ngày ấy Tuấn là một sĩ quan thiếu úy vừa tốt nghiệp trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, được sung vào Sư đoàn 3 Bộ binh, đóng ở căn cứ Ái Tử thuộc tỉnh Quảng Trị vào đầu năm 1972. Quảng Trị là tỉnh thuộc địa đầu giới tuyến của cuộc chiến hai miền Nam-Bắc. Phía bắc Quảng Trị là sông Bến Hải, nơi phân chia hai miền. Mặc dù ở địa đầu giới tuyến nhưng tình hình Quảng Trị lúc đó yên tĩnh. Theo tinh thần của Hiệp định Geneve được ký kết năm 1954 thì vùng giới tuyến là vùng phi quân sự, hai bên cam kết sẽ không có những hoạt động quân sự gần vùng này. Vì vậy mà các đơn vị đóng ở đây được coi là an nhàn.

Những lần rảnh rỗi, Tuấn thường qua khu vực gần thành cổ Quàng Trị (còn gọi là thành Đinh Công Tráng) bên kia sông Thạch Hãn, nơi có phố phường đông đúc, để ăn uống, dạo chơi, và nhất là ngắm các cô nữ sinh giờ tan trường. Một lần, đang ngồi uống cafe tại một quán nhỏ bên lề đường, Tuấn nhìn thấy một cô nữ sinh mặc áo dài trắng cắp cặp đi thong thả. Cô này có mái tóc đen nhánh chảy xuống bờ vai, cặp mắt long lanh, môi xinh như cánh hoa hống, dáng người thon thả, thướt tha trong tà áo dài trắng. Vừa nhìn thấy, Tuấn đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của cô gái. Từ hôm đó, mỗi khi có dịp, Tuấn lại ra quán ngồi đúng giờ tan trường để được ngắm người đẹp. 

Tuấn cố suy nghĩ cách nào để làm quen với người đẹp, nhưng nghĩ hoài không ra. Mặc dù là quân nhân, nhưng đằng sau bộ quân phục Tuấn vẫn là một chàng thanh niên nhút nhát trước phụ nữ. Rồi một lần, một sự việc xảy ra như cơ duyên đưa đẩy. 

Hôm đó ngồi ờ quán như thường lệ, Tuấn thấy bóng dáng cô nữ sinh từ xa, nhưng lần này lại có hai thanh niên lái xe gắn máy đi kè kè sát lề. Hai thanh niên này để tóc dài, mặc quần ống loe theo mốt hippy, có vẻ con nhà giàu, đang kè theo cô gái để tán tỉnh. Cô gái cỏ vẻ hơi khó chịu, nhưng vẫn cố giữ vẻ mặt bình thản, mắt nhìn thẳng và tiếp tục đi. Khi đi ngang chỗ Tuấn ngồi, chàng bất chợt đứng dậy, bước ra mé đường và nói với hai thanh niên kia: "Hai chú làm ơn để yên cho cô em của tôi được không?" Nhìn thấy Tuấn trong bộ quân phục sĩ quan, hai thanh niên kia hết hồn, rồ máy đi thẳng. Cô gái đứng lại, tần ngẩn nhìn Tuấn, cúi đầu nói lí nhí: "Dạ em cảm ơn anh."

Tuấn gật đầu, rồi cũng không biết nói gì. Cô gái cúi đầu chào rồi đi tiếp. Tuấn đứng bâng khuâng nhìn theo cho đến khi cô gái đi khuất rồi cũng rời quán. Tự nhiên Tuấn thấy giận mình sao quá ngu ngơ, lẽ ra nên nhân cơ hội này hỏi thăm vài câu làm quen, hay ít nhất cũng hỏi tên cô gái. 

Từ sau lần đó, mỗi lần đi ngang quán nhìn thấy Tuấn, cô gái hơi mĩm cười và khẽ cúi đầu chào. Tuấn cũng gật đầu đáp trả, cố làm ra vẻ bình thản, dù trong lồng ngực con tim đang đập rộn ràng reo vui. Nhưng sự việc có vẻ như chỉ giới hạn ở mức đó. Tuấn cố moi óc tìm cách nào để tiến xa hơn nữa. Cứ mỗi lần thấy cô gái từ xa, trong lòng Tuấn lại thôi thúc: "Đứng dậy đi. Đứng dậy bước ra hỏi thăm nàng vài câu đi!" Nhưng rồi cũng chỉ một nụ cười và một cái gật đầu, rồi bóng nàng lại xa khuất. 

Một lần đi ngang, nàng chợt làm rớt cây viết máy mà không biết, cứ tiếp tục đi. Tuấn vội đứng dậy, lượm cây viết, rảo bước theo và nói: "Em ơi, em làm rớt cây viết." Cô gái đứng lại, nhận cây viết từ Tuấn, mĩm miệng cười duyên dáng: "Dạ em cảm ơn anh."

Một thoáng giây im lặng, cô gái dường như có ý chờ đợi. Tuấn thu hết can đảm, hỏi: "Em học trường nào?" Tuấn chợt thấy câu hỏi của mình hơi thừa vì trên ngực áo nàng có mang huy hiệu trường. Nhưng nàng dường như không quan tâm tới cái sự thừa thãi đó, vẫn trả lời: "Dạ em học trường Trung Học Nguyễn Hoàng." Trường Trung Học Nguyễn Hoàng là một trong những ngôi trường khang trang nhất Quảng Trị lúc đó.

"Em học lớp mấy?" Tuấn hỏi tiếp.

"Dạ lớp mười hai."

Cô gái nhìn cái lon thiếu úy có bông mai vàng trên cổ áo Tuấn, hỏi: "Anh ở đơn vị mô?"

"À anh thuộc Sư đoàn 3, đóng ở căn cứ Ái Tử."

Đến đây thì Tuấn không biết hỏi gì hơn. Cái tính nhút nhát trước phụ nữ của Tuấn vẫn không thay đổi. Cô gái lại cúi chào rồi quay đi. Tuấn nhìn theo và sực nhớ là mình quên chưa hỏi tên cô gái. Còn cô thì không cần hỏi chắc cũng biết được tên Tuấn vì trên ngực áo quân nhân ai cũng có in tên. 

Những lần sau đó, Tuấn đã bắt đầu dạn dĩ hơn. Mỗi khi nàng đi ngang, Tuấn đứng dậy đi theo nàng một quãng. Tuấn biết được tên nàng là Ngọc. Ngọc có ba đứa em. Ba mẹ Ngọc không giàu nhưng đủ sức nuôi các con ăn học. Ngoài giờ học Ngọc còn phụ giúp mẹ buôn bán. Biết được địa chỉ nhà Ngọc, Tuấn định bụng hôm nào sẽ đến thăm. Nhưng Tuấn chưa thực hiện được ý định đó thì một biến cố xảy ra, như một trận cuồng phong nổi lên làm đảo lộn mọi thứ.

Tuấn bật đèn báo hiệu, đổi qua làn đường bên phải, rồi thoát khỏi cao tốc. Đến đường Temple, Tuấn quẹo trái, đi một quãng nữa là tới trường. Trường nằm cạnh một trang trại nuôi ngựa của dòng họ Kellogg. Dòng họ này nổi tiếng với công ty Kellogg's chuyên sản xuất các thức ăn chế biến từ ngũ cốc. Con đường dẫn vô trường đi ngang qua một cánh đồng rộng có những con ngựa được thả chạy rông, giống ngựa cao lớn, chân thon dài dùng để chạy đua. Ngoài ngựa, trang trại còn nuôi một số gia súc, trồng hoa và một số cây ăn trái. Sinh viên học ngành nông nghiệp của trường dùng trang trại này làm nơi thực tập. 

Đến bãi đậu xe của trường, Tuấn theo bảng chỉ dẫn tìm chỗ đậu gần lối đi vào nơi cử hành lễ rồi xuống xe đi bộ. Trường rất rộng, diện tích hơn 5 cây số vuông, nếu không có bảng chỉ dẫn thỉ có thể đi lạc, mất nhiều thì giờ tìm nơi mình muốn tới. Trong trường rộn rịp sinh viên mặc áo choàng thụng, đầu đội mũ chóp vuông có gắn tua. Thân nhân, bạn bè của sinh viên cũng tới dự lễ rất đông, trên tay nhiều người cầm hoa và bong bóng. Đi qua khỏi thư viện trường là tới một cái sân cỏ rộng, có dựng khán đài. Tuấn đưa mắt tìm kiếm. Vũ đã tới trường từ sớm. Thật khó mà tìm được người thân trong cái sân rộng mênh mông có hàng ngàn người đi lại. Tuấn đành nghĩ thầm, thôi để tới lúc các sinh viên xếp hàng tiến vào nơi hành lễ thì mình sẽ đứng một chỗ canh tìm. 

Trưa ngày 30-3-1972, đạn pháo kích của quân Cộng Sản dội như mưa vào Quảng Trị, mở màn cho một chiến dịch quân sự đẫm máu kéo dài sáu tháng mà Cộng Sản gọi là "Chiến dịch Xuân-Hè 1972", quân sử Việt Nam Cộng Hòa sau này gọi là "Mùa Hè Đỏ Lửa". Căn cứ Ái Tử là một trong những nơi đầu tiên hứng đạn pháo kích nặng nề. Các đơn vị đóng khắp Quảng Trị cũng lần lượt hứng đạn pháo kích và sau đó là những đợt tấn công liên tiếp bằng biển người. Dân chúng khắp nơi chạy loạn, gồng gánh kéo nhau vào thị xã Quảng Trị, nương nhờ sự che chở của quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Mỗi khi có chiến sự xảy ra thì dân chúng luôn chạy tìm nơi có quân Cộng Hòa đóng để được che chở hoặc giúp phương tiện di tản. 

Cuộc tấn công ở Quảng Trị là một đòn bất ngờ cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Hiệp định Geneve quy định rằng khu vực hai bên sông Bến Hải, lằn ranh phân chia hai miền Nam-Bắc, là vùng phi quân sự. Hai bên cam kết không tiến hành bất cứ hoạt động quân sự nào trong vòng 5 km ở mỗi bên. Phía Việt Nam Cộng Hòa luôn giữ cam kết này, vì vậy mà Sư đoàn 3 bộ binh đóng ở đây đa số là các binh sĩ ít có kinh nghiệm chiến đấu. Phía Cộng Sản thì ký kết là một chuyện, giữ lời là một chuyện hoàn toàn khác. Hơn 40 ngàn quân Cộng Sản đã vượt sông Bến Hải tấn công Quảng Trị trong những ngày đầu tiên của chiến dịch. Ngoài ra, quân Cộng Sản còn tấn công ở Kontum và Bình Long, cũng ác liệt không kém.

Tuấn cùng đồng đội của mình chiến đấu cố thủ tại căn cứ Ái Tử gần một tháng, sau đó đơn vị của Tuấn rút vào Thành cổ Ðinh Công Tráng bên kia sông Thạch Hãn. Nhân dịp này Tuấn vội vã tìm tới nhà Ngọc. Đây là lần đầu tiên Tuấn gặp ba mẹ và các em của Ngọc. Trong cơn dầu sôi lửa bỏng, sự xuất hiện của Tuấn như một ngọn nến thắp lên trong đêm đen, đem lại niềm hy vọng cho gia đình Ngọc. Trong con mắt Ngọc, Tuấn giờ là một người hùng. Còn Tuấn, suốt gần một tháng đứng dưới chiến hào chịu trận mưa bom đạn, đầu óc quay cuồng giữa sự sống và sự chết, nay nhìn thấy bóng dáng yêu kiều của Ngọc, chàng bỗng nhận ra rằng cuộc chiến đấu của mình không vô nghĩa. Chàng đang liều chết để bảo vệ cho tình yêu của mình.

Gia đình Ngọc muốn di tản về Huế nhưng chưa có phương tiện. Ngay hôm đó Tuấn liền liên lạc với các đồng đội, nhờ họ thu xếp cho gia đình Ngọc được đi chung xe với các gia đình khác. Hôm sau, gia đình Ngọc rời Quảng Trị. Trước khi đi Ngọc trao cho Tuấn một mảnh giấy ghi địa chỉ người thân ở Huế. 

Ngày 1 tháng 5, chuẩn tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh Sư đoàn 3, tuyên bố rút quân khỏi Quảng Trị. Khi nghe tin này, dân chúng đã ùn ùn chạy theo đoàn quân rút lui trên quốc lộ 1 về hướng Mỹ Chánh, tạo ra cảnh hỗn loạn, dân chúng đi lẫn với quân đội, gây khó khăn trong việc rút quân. Trong cơn hoảng loạn, một tai ương khác lại ập đến: pháo kích của Cộng quân đổ chụp lên đoàn người đang rút chạy. Cả lính và dân đều hứng đạn, chết la liệt. Những chiếc xe quân xa và xe chở thường dân bị trúng đạn bốc cháy, xác người chết và bị thương nằm rên la suốt một đoạn đường dài 10 cây số từ phía nam Quàng trị đến cầu Mỹ Chánh. Cộng Sản biết thừa có nhiều dân chúng đi lẫn với binh lính, nhưng họ không quan tâm. Đối với Cộng Sản, mạng người dân không đáng kể, chỉ có chiến thắng mới quan trọng. Trong số những cảnh thương tâm, hình ảnh gây xúc động nhất cho Tuấn là cảnh một em bé nằm trên xác người mẹ đã chết cố nút vú mẹ. Một người lính đã bế em bé lên và tiếp tục đi về phía Nam. Đoạn đường này về sau phóng viên Ngy Thanh của báo Sóng Thần khi làm phóng sự đã gọi là "Đại Lộ Kinh Hoàng". Thành ngữ này đã ghi đậm vào ký ức của người dân miền Nam lúc đó. 

Qua khỏi cầu Mỹ Chánh, tình hình an toàn hơn vì có một lữ đoàn Thủy quân Lục chiến trấn giữ nơi đây. Tuấn đi thẳng về Huế, tìm tới địa chỉ mà Ngọc đã đưa. Người nhà cho biết không có tin tức gì của gia đình Ngọc, không biết họ đang ở đâu. Trong lòng Tuấn dấy nên một nỗi lo sợ, không biết gia đình Ngọc có bị trúng đạn pháo kích trên đường chạy loạn không. Biết đâu trong số xác những người nằm trên Quốc lộ 1 có gia đình của Ngọc? Lòng Tuấn rối bời, không biết phải làm sao.

"Ba tới lâu chưa?" Tiếng của Lan làm Tuấn giật mình. Quay lại nhìn Lan, tuấn đáp: "Ba mới vừa tới, anh Vũ đâu con?" Lan đáp: "Dạ ảnh đang đứng ở gần chỗ Student Union, để con dẫn ba tới." Tuấn đưa bó hoa cho Lan cầm, "Con giữ đi, chút nữa cuối lễ đưa cho anh." Sáng này Lan đã đi cùng anh tới trường trước. Lan vừa học hết năm thứ hai tại trường đại học UC Irvine. Lan học ngành Biology (Sinh học). Ước muốn của Lan là sau khi tốt nghiệp cử nhân sẽ nộp đơn vào ngành y. Còn Vũ thì tốt nghiệp ngành Computer Science (Khoa Học Vi Tính).

Tuấn đi theo Lan về phía tòa nhà có hàng chữ "Student Union". Tòa nhà này dành cho các sinh hoạt của sinh viên ngoài giờ học. Trong đó có  cafeteria bán thức ăn (giống như căn-tin ở Việt Nam), có phòng hội họp, hội trường, phòng chơi game. Hôm nay không phải ngày học nên tòa nhà đóng cửa. Vũ và một số bạn bè mặc áo thụng, đội nón chóp vuông đang đứng trên bậc tam cấp chụp hình. Tuấn bước tới, choàng vòng hoa vào cổ Vũ. Vũ ôm Tuấn, nói: "Cám ơn ba." Tuấn vỗ vai Vũ: "Bữa nay chắc mẹ vui lắm." Vũ nhìn Tuấn, chưa kịp nói gì thì tiếng loa vang lên, yêu cầu các sinh viên đến địa điểm tập trung để chuẩn bị tiến về khán đài. Vũ vội chào ba rồi đi theo đám bạn. 

Tuấn và Lan đi tìm chỗ ngồi. Trên sân cỏ đã sắp sẵn hàng ngàn chiếc ghế, chia ra thành nhiều khu vực. Khu vực gần khán đài dành riêng cho các khách mời, giáo sư và sinh viên. Thân nhân và bạn hữu thì ngồi xa hơn phía sau. Tuấn và Lan may mắn tìm được chỗ ngồi gần lối sinh viên sẽ đi qua. Tuấn định bụng sẽ chụp mấy tấm hình lúc Vũ đi ngang. Số người đi dự quá đông nên nhiều người không có chỗ ngồi, phải đứng đàng sau. Tiếng loa vang vang, tuyên bố buổi lễ bắt đầu, một điệu nhạc vui tươi nổi lên. Đoàn người bắt đầu tiến về phía khán đài. Đi đầu là ban giám hiệu, đến các giáo sư, rồi đến các sinh viên. Đoàn người đông đến gần cả ngàn. Trường có vài chục ngàn học sinh theo học. Mỗi năm số sinh viên ra trường đến vài ngàn, vì vậy mà lễ tốt nghiệp của mỗi ngành phải chia ra nhiều giờ và ngày khác nhau. 

Tuấn ở Huế được mấy ngày thì nghe tin trung tướng Ngô Quang Trưởng được bổ nhiệm làm tư lệnh Quân Đoàn I thay thế tướng Hoàng Xuân Lãm. Quân Đoàn I có nhiệm vụ trấn giữ Vùng 1 chiến thuật, bao gồm các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín và Quãng Ngãi. Điều đó có nghĩa là tướng Trưởng sẽ là người có trách nhiệm điều quân đánh chiếm lại Quảng Trị. 

Lệnh ban ra: tất cả binh sĩ đang ở Huế phải lập tức trình diện để được tái phối trí. Sư đoàn 3 của Tuấn là đơn vị trực thuộc Quân đoàn I, nhưng vì binh sĩ đã bị phân tán nên phải rút về Đà Nẵng để tổ chức lại. Tuấn không đi theo sư đoàn mà ở lại Huế trình diện và được bổ sung vào một đơn vị tại chỗ, chuẩn bị tham gia vào cuộc chiến tái chiếm lại Quảng Trị. 

Ngày 28 tháng 6, 1972, Quân lực Việt Nam Cộng hòa bắt đầu cuộc Hành Quân Lam Sơn 72 tái chiếm lại Quảng Trị với các đơn vị chủ lực của Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Kích Dù. Quân Cộng Sản cũng quyết tâm giữ Quảng Trị nên đã điều động nhiều sư đoàn bộ đội vượt sông Bến Hải sang tăng viện. Cuộc chiến ác liệt kéo dài 81 ngày đêm. Đến ngày 16 tháng 9, quân Cộng Hòa chiếm lại được cổ thành Quảng Trị. Kể từ trận chiến Tết Mậu Thân 1968 đến nay, đây là trận chiến ác liệt nhất, với con số thương vong mỗi bên hàng chục ngàn binh sĩ, chưa tính tới thường dân. Tuy chiếm lại được cổ thành Quảng Trị, nhưng vùng đất bên kia sông Thạch Hãn trở ra sông Bến Hải vẫn do phe Cộng Sản chiếm giữ.  

Còn về phần tướng Vũ Văn Giai, ông ta bị cách chức Tư lệnh Sư đoàn 3 và bị đưa ra tòa án binh vì tội để mất Quảng Trị. Lẽ ra nếu tướng Giai cố gắng tổ chức phòng thủ cổ thành Quảng Trị thì có thể giữ được, nhưng ông ta đã vội vàng cho lệnh rút quân, dù có lệnh của Quân Đoàn I là phải cố thủ Quảng Trị. Khi tuyên bố rút khỏi Quảng Trị, ông ta đã hứa với thuộc cấp là sẽ cùng anh em binh sĩ đi đường bộ, nhưng rốt cuộc ông ta cùng bộ tư lệnh sư đoàn lên trực thăng bay thẳng về Đà Nẵng, khiến đoàn quân rút lui như rắn mắt đầu, hứng chịu thảm cảnh trên Quốc Lộ 1. Tướng Giai bị lãnh án 5 năm tù.

Giữa lúc này, có tin đồn Hoa Kỳ sắp rút hết quân khỏi Việt Nam. Người Mỹ đã mệt mỏi vì cuộc chiến. Dân Mỹ đã chán ngán chiến tranh và không muốn con em của mình phải chết trên một đất nước xa lạ. Kể từ năm 1970, quân đội Hoa Kỳ đã bắt đầu rút bớt quân khỏi Việt Nam. Cho đến cuối năm 1972, số lính Mỹ chỉ còn lại khoảng gần 30 ngàn người. Trong cuộc Hành Quân Lam Sơn, Hoa Kỳ chỉ yểm trợ pháo binh và không quân, các cuộc chiến trực tiếp trên bộ đều do các đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đảm trách. Lý do người Mỹ chưa thể rút hết quân khỏi Việt Nam là vì còn mấy trăm tù binh Mỹ đang bị giam giữ ở miền Bắc. Những người này là các phi công lái máy bay ném bom bị bắn rơi. Người Mỹ muốn ký một thỏa hiệp với Cộng Sản miền Bắc để họ trao trả tù binh, đổi lại Mỹ sẽ rút hết quân khỏi miền Nam. 

Chiến dịch chấm dứt, Tuấn trở lại Huế thì được người nhà của Ngọc cho hay gia đình Ngọc đã đi thắng đến Đà Nẵng trong cuộc di tản. Tuấn vội vàng xin cấp trên cho trở về Sư đoàn 3 đang đóng ở Đà Nẵng. Cấp trên đồng ý, vậy là Tuấn đi ngay tới Đà Nẵng. Tuy biết là gia đình Ngọc về được Đà Nẵng, nhưng Tuấn không biết có ai nằm lại trên đường không, vì vậy mà trên đường đi Tuấn luôn thấy bồn chồn lo lắng. 

Lần theo địa chỉ, Tuấn tới trước một căn nhà trong hẻm, bấm chuông. Trong nhà thấp thoáng một người con gái đi ra, dáng dấp quen thuộc. Trong lòng Tuấn hồi hộp. Cửa mở, Ngọc xuất hiện, nhìn Tuấn ngỡ ngàng. Vẫn dáng dấp yêu kiều ấy, vẫn mái tóc dài tha thướt, nhưng Ngọc gầy và trông mệt mỏi. Nàng như cánh hoa đang bị cơn gió lốc chiến tranh cuốn đi. Tuấn thấy lòng dâng lên một niềm thương yêu không bờ bến. Chàng muốn ôm ghì nàng vào lòng, nhưng không dám. Tuấn thu hết can đảm, nắm lấy tay Ngọc. Bàn tay thon nhỏ, ấm mềm của Ngọc nằm gọn trong lòng bàn tay sắt thép của người lính trận vừa trở về từ vùng máu lửa. Bốn mắt nhìn nhau, chan chứa ân tình. Khóe mắt của Ngọc long lanh giọt lệ.

Trước khi chiến sự xảy ra, Ngọc chỉ còn mấy tháng nữa là hoàn tất trung học, nhưng đành phải bỏ dở. Thời chiến tranh, học đến lớp 12 đã là một cố gắng vượt bực rồi, nay còn phải phụ giúp gia đình ổn định lại cuộc sống và giúp các em đi học trở lại, Ngọc đành thôi học. Mấy tháng sau, vào đầu năm 1973, Tuấn và Ngọc thành hôn. Ba má Tuấn từ Sài Gòn đáp máy bay của hãng hàng không Air Vietnam ra Đà Nẵng dự đám cưới. 

Lúc này một sự kiện chính trị quan trọng xảy ra: Hiệp Định Hòa Bình Paris (Paris Peace Accords). Theo hiệp định này thì Hoa Kỳ đồng ý rút hết quân khỏi Việt Nam, đổi lại, phía Cộng Sản trao trả hết tù binh Hoa Kỳ và cam kết không dùng vũ lực để tấn công miền Nam. Tháng Ba năm đó, người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Tuy gọi là hiệp định hòa bình, nhưng nó không đem lại hòa bình như tên gọi. Phía Cộng Sản không bao giờ ngừng tấn công, cuộc chiến vẫn tiếp diễn. Với việc rút quân của người Mỹ, cuộc chiến giờ đây chính thức là cuộc nội chiến giữa hai miền Nam-Bắc.

Hè năm 1974, con trai đầu lòng là Vũ ra đời. Thời gian này cuộc sống của hai vợ chồng Tuấn tạm thời bình yên. Ngoài những chuyến công vụ, Tuấn không phải rời xa Ngọc. 

Cho tới đầu năm 1975, một cơn bão thời cuộc lại nổi lên, và lẩn này nó đảo lộn tất cả.

Tuấn và Lan dõi mắt nhìn đoàn người đi qua, cố tìm Vũ. Khi thấy Vũ trong đoàn người, Tuấn đưa máy ảnh lên, bấm liên tiếp mấy cái. Vũ nhìn thấy ba và em, tươi cười vẫy tay. Đoàn người lần lượt đến các dãy ghế, ngồi theo thứ tự được sắp đặt trước. Sau khi tất cả đã ngồi vào ghế, các nghi thức bắt đầu. Đầu tiên là một nhóm các em Boy Scouts (Hướng Đạo Sinh) rước lá cờ Hoa Kỳ lên khán đài. Sau khi cắm cây cờ vào giá, lễ chào quốc kỳ và hát quốc ca bắt đầu. Không giống như nhiều nước khác, quốc ca Hoa Kỳ chỉ do một người hát. Ai muốn thì cứ hát theo, nhưng chỉ có một người cầm microphone hát đơn ca là chính. 

Sau nghi thức chào cờ là phần phát biểu của thầy hiệu trưởng, một vài giáo chức và khách mời danh dự. Các bài diễn văn thường rất ngắn, chỉ chừng 3-5 phút. Người Mỹ rất thực tế, họ biết thừa rằng ít ai muốn nghe những bài diễn văn dài lê thê. Diễn văn càng dài thì khán giả càng ít muốn nghe, vì vậy ai cũng phát biểu ngắn gọn. Tiếp đó là phần phát biểu của sinh viên thủ khoa và một vài sinh viên có thành tích hoạt động nổi bật. Rồi đến phần phát bằng ban khen cho một số giáo sư và sinh viên. Cuối cùng là phần xướng danh các sinh viên và từng người sẽ lần được bước lên khán đài để được bắt tay, chụp hình và trao một tấm giấy tượng trưng cho bằng tốt nghiệp. Đây là phần chính của buổi lễ, là giây phút mong đợi của tất cả các sinh viên. 

Đầu tháng 3, 1975, quân Cộng Sản mở chiến dịch tấn công Tây Nguyên và Huế-Đà Nẵng. Chiến cuộc lần này cũng quy mô và ác liệt không kém cuộc chiến năm 1972. Ngọc và gia đình lại một lần nữa phải chạy trốn chiến tranh. Gia đình di tản về Sài Gòn. Tuấn ở lại cùng đơn vị chiến đấu. Đến ngày 29 tháng 3 thì Đà Nẵng rơi vào tay quân Cộng Sản. Tuấn cùng đơn vị rút về Sài Gòn. 

Người dân Sài Gòn lúc này sống trong hoảng loạn, lo sợ. Những ai có phương tiện rời Việt Nam được thì họ bắt đầu nhốn nháo thu xếp để ra đi. Người Mỹ bắt đầu di tản những ai trước kia đã từng làm việc với quân đội Mỹ, họ sợ những người này ở lại sẽ gặp nguy hiểm nếu quân Cộng Sản chiếm được Sài Gòn. Chính cuộc di tản này đã gây thêm tâm trạng hoang mang trong dân chúng. Tình hình biến chuyển xấu đi rất nhanh. Ngày 21 tháng 4, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, trao quyền lại cho phó tổng thống Trần Văn Hương. Bảy ngày sau, Trần Văn Hương từ chức, trao quyền lại cho đại tướng Dương Văn Minh. Những ngày này, dân chúng tìm mọt cách để rời khỏi Việt Nam. Trước cổng tòa đại sứ Mỹ tràn ngập người muốn vào để được trực thăng di chuyển ra Đệ thất Hạm đội ngoài khơi Thái Bình Dương. Nhiều người không thuộc diện được Hoa Kỳ chọn lựa nhưng họ vẫn chen lấn, cố vào cho được tòa đại sứ, vì họ biết rằng một khi vào được bên trong thì sẽ được bốc đi. Người Mỹ không bỏ rơi bất cứ ai đang ở trong tầm tay của họ. Bến Bạch Đằng cũng tràn ngập người chen nhau lên các con tàu. Nhiều người chạy xuống tận Vũng Tàu tìm ghe đi. 

Hai ngày sau, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, yêu cầu quân lực Việt Nam Cộng Hòa buông vũ khí. Đó là ngày định mệnh 30 tháng 4, 1975.

Lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh làm Tuấn và các đồng đội bàng hoàng. Nhiều người gục đầu xuống khóc. Chỉ mới hai tháng trước đây, không ai nghĩ rằng chế độ Việt Nam Cộng Hòa có thể sụp đổ nhanh chóng như vậy. Quân đội còn đó, vũ khí còn đó, lòng dân còn đang mong mỏi quân đội lật ngược tình thế, nhưng giới lãnh đạo lại hèn nhát, người thì từ chức, bỏ chạy, kẻ thì vội vàng tuyên bố đầu hàng. Cho tới giờ phút đó, chưa một đơn vị nào của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phất cở trắng, kể cả những đơn vị bị vây khốn nguy cấp, mà kẻ lãnh đạo cao nhất đã tuyên bố đầu hàng! Một vài đồng đội của Tuấn đã tự sát vì không muốn sống trong sự nhục nhã. Tuấn không đủ can đảm tự sát vì chàng không muốn Ngọc và đứa con trai của mình phải sống bơ vơ. Chàng cởi bỏ quân phục, trở về cùng Ngọc.

Những ngày sau đó, Tuấn hỏi dò tin tức của các bạn đồng đội, có người bỏ về quê, có người đã di tản ra Đệ Thất Hạm Đội của Hoa Kỳ ở ngoài khơi Thái Bình Dương. Đau xót nhất là tin tức về những sĩ quan, binh lính đã tự sát, trong đó có năm vị tướng: Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Thiếu Tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai va Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ. Ngoài ra còn nhiều sĩ quan cấp tá, cấp úy, hạ sĩ quan và binh lính, không thể kể hết. 

Các sinh viên lần lượt xếp hàng hai bên hông khán đài. Khi được xướng danh, từng người bước lên sân khấu, bắt tay hiệu trường, giáo sư trưởng khoa, và một vài giáo chức khác, rồi nhận tấm giấy cuốn tròn, tượng trưng cho bằng tốt nghiệp (bằng tốt nghiệp chính thức sẽ được gởi về nhà sau). Tuấn mở tập sách nhỏ được phát cho mọi người dự lễ, trong sách này có in chương trình lễ và danh sách các sinh viên được xướng danh theo thứ tự. Vừa nghe xướng danh, vừa rà danh sách để xem khi nào đến lượt Vũ. 

Khi đến lượt Vũ bước lên khán đài, Tuấn giơ máy ảnh lên chụp. Chụp cho có lệ, chứ ở khoảng cách xa như vậy, khi lên hình khó nhận ra mặt mũi ai. Nhà trường có thuê một công ty chụp hình, có các thợ đứng gần sân khấu chụp từng người. Mỗi sinh viên khi nhận bằng chính thức sẽ được nhận kèm một tấm hình lúc đứng trên khán đài.

Sau khi tất cả các sinh viên đã được xướng danh, một giáo chức lên đọc bài diễn văn bế mạc. Sau bài diễn văn, vị hiệu trưởng long trọng tuyên bố: các sinh viên giờ có thể gạt cái tua trên mũ từ bên phải qua bên trái. Đây là nghi thức đánh dấu giây phút các sinh viên đã chính thức tốt nghiệp. 

Màn cuối cùng, cũng là màn vui nhất, là các sinh viên cởi mũ tung lên trời. Tiếng reo hò, vỗ tay vang dậy. Tung mũ xong, mạnh ai nấy chạy đi tìm nhặt lại, nhiều người lẫn lộn mũ của nhau, không khí vui nhộn. Rồi nhạc nổi lên, đoàn sinh viên lần lượt rời ghế, xếp hàng đi ngược hướng lúc nãy. Khi các sinh viên đã rời khu vực hành lễ, mọi người đứng dậy, đi tìm con em của mình. 

Sau ngày 30 tháng 4, Tuấn hạn chế ra đường, chỉ ở nhà với Ngọc. Mở TV lên coi thấy cảnh bộ đội được dân chúng Sài Gòn chào đón với những bó hoa và khuôn mặt hớn hở, Tuấn biết đó là những cảnh được dàn dựng. Nhưng Tuấn không quan tâm mấy đến điều này, điều Tuấn quan tâm là: chính quyền mới sẽ đối xử ra sao với những quân nhân như Tuấn? 

Mấy tuần sau, có thông báo của chính quyền mới tuyên bố khoan hồng cho những quân nhân của chế độ "ngụy quyền"—danh từ họ dùng để gọi chế độ cũ. Họ kêu gọi những binh lính và sĩ quan cấp thấp ra trình diện để được "học tập cải tạo tư tưởng". Một số người ra trình diện, nhiều người lo sợ vẫn trốn tránh. Những người này được tập trung học tập trong vài ngày rồi ra về. Sau đó, chính quyền lại kêu gọi những người chưa được học tập phải ra trình diện. Lần này số người ra trình diện đông hơn, cũng được học tập rồi về. Đến giữa tháng Sáu, có lệnh tất cả các sĩ quan từ cấp úy trở lên đều phải trình diện và đem theo vật dụng "đủ dùng trong 10 ngày". Tuấn ra trình diện. Đúng lúc đó, Ngọc có dấu hiệu mang thai. 

Lần này, số người ra trình diện rất đông, vì ai cũng nghĩ, đi học tập 10 ngày thì không có gì phải trốn tránh. Nhưng có ai ngờ đâu, đó là một cái bẫy. Chính quyền chỉ dặn đem đồ đủ dùng 10 ngày, chứ không hề nói là đi học tập 10 ngày. Hàng trăm ngàn người bị lùa vào các trại tập trung, vài tháng sau chuyển ra Bắc trong nhiều đợt. Những người tù cải tạo bị lùa xuống tàu, nhốt dưới hầm như nhốt súc vật, một số người chết ngộp trong hầm. Đến Hải Phòng, họ bị nhét vào các toa xe lửa, loại toa không có ghế ngồi thường dùng để chở hàng hóa hay súc vật, tiếp tục di chuyển. Đích đến là vùng đồi núi Hoàng Liên Sơn lạnh lẽo heo hút. 

Ấn tượng đầu tiên của Tuấn khi đặt chân lên miền Bắc là quang cảnh khốn khó, nghèo nàn, không như miền Nam trù phú, sung túc. Tuấn chợt thấy một cảm giác chua xót. Xưa nay trong lịch sử, người giàu có sung túc mới đi giải phóng kẻ nghèo khổ, chứ có bao giờ kẻ nghèo khổ lại đi "giải phóng" người giàu có bao giờ. Càng nghĩ, Tuấn càng cảm thấy buồn, điều đó có nghĩa là miền Nam rồi đây cũng sẽ rơi vào cảnh nghèo khổ như miền Bắc. 

Khi tới phà Ô Lâu để qua Yên Bái thì mọi người xuống tàu để qua phà. Một đám đông dân chúng đứng chờ sẵn. Họ ném đá vào đoàn người tù và chửi bới: "Quân Mỹ-Ngụy ăn thịt người." Tuy không ai bị thương nhưng sự việc này gây tác động tâm lý rất nặng cho đoàn tù. Về sau khi vào các trại cải tạo, nói chuyện với nhiều người, Tuấn mới biết hầu như ai cũng trải qua cảnh đó. Trong những lần hiếm hoi tiếp xúc với người dân miền Bắc, Tuấn được biết rằng người miền Bắc luôn được tuyên truyền rằng người miền Nam sống khổ cực dưới sự kềm kẹp của Mỹ-Ngụy, rằng quân Mỹ-Ngụy tàn ác lắm, ăn cả thịt người. Tuấn đoán rằng đó nguyên nhân của các cuộc ném đá. Tuy nhiên, sự việc này xảy ra cho hầu hết những chuyến xe chở tù cải tạo khiến Tuấn không thể cho đó là sự ngẫu nhiên, mà chắc nó phải có sự sắp đặt của chính quyền. Đây có lẽ là một cách để phủ đầu bọn tù cải tạo, cho họ biết rằng từ đây họ chỉ là những tên tội phạm, và đã là tội phạm thì không được đối xử như con người.

Những năm tháng tù đày trong các trại cải tạo trên vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn, ăn uống thiếu thốn, lao động cực nhọc. Hàng ngày bọn Tuấn phải đi làm các công việc đồng áng hoặc lên rừng chặt cây, tối về bị nhốt vào các căn nhà trại chật chội, hôi thối. Mặc dù làm việc đồng áng quanh năm, nhưng hoa màu thu hoạch được phần lớn chở đi đâu hết, người tù chỉ ăn toàn khoai sắn, chỉ những ngày lễ, tết mới được ăn cơm, cái đói luôn dày vò. Nhiều người tự "cải thiện" bẳng cách dấu diếm những củ khoai, củ sắn hoặc ếch, nhái, rắn bắt được trong lúc đi lao động để đem vể trại lén nấu ăn. Nhưng khi về trại bị khám xét, nếu bị bắt được thì họ sẽ bị cán bộ đánh bằng báng súng. Trong trại hầu như không có thuốc men gì. Ai bị bệnh chỉ được phát cho một loại thuốc duy nhất: xuyên tâm liên. Ngoại trừ những người bị bệnh nằm liệt không đi được, ai bệnh mà còn đi được thì vẫn phải đi lao động. Nhiều người tù đã gục ngã, bỏ xác nơi vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn. Thỉnh thoảng có người trốn trại, nếu bị bắt lại thì hoặc là bị xử tử, hoặc là bị đánh bằng báng súng đến ngất xỉu rồi bị giam vào hầm đá. 

Trong những năm tháng đen tối đó, tình yêu của của Ngọc là nguồn động lực giúp Tuấn vượt qua tất cả. Những lá thư, những gói quà của Ngọc chắt chiu gởi từ miền Nam ra, là minh chứng cho lòng chung thủy và tình yêu của nàng. Ngọc đã hạ sinh Lan, đứa con gái mà Tuấn chưa hề được gặp mặt. Sau bốn năm ở trong trại, một ngày nọ Tuấn được thông báo: có người ra thăm nuôi. Tuấn đoán ngay đó là Ngọc.  

Tuấn và Lan rời ghế, đi tìm Vũ. Đang loanh quanh giữa đám đông thì có người vỗ vai, Tuấn quay lại nhìn thì thấy Hiệp, một người bạn lớn tuổi hơn Tuấn. Anh ta hỏi: "Con mày học ở đây à?" Tuấn gật đầu: "Ừ, hôm nay cháu nó tốt nghiệp. Còn anh, cũng có con học ở đây à?" Hiệp lắc đầu: "Không, hôm tay tao đi vì đứa cháu." 

Hiệp và Tuấn quen nhau trong trại cải tạo. Câu chuyện của Hiệp cũng khá ly kỳ. Hiệp là sĩ quan hải quân. Vào những ngày Sài Gòn đang hấp hối, Hiệp đang ở trên chiến hạm gần đảo Phú Quốc. Khi nghe tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, người hạm trưởng ra lệnh cho tàu chạy thẳng ra phía Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Hải quân Hoa Kỳ đã hướng dẫn tàu đi đến đảo Guam, nơi có căn cứ quân sự của Hoa Kỳ. Trên đảo lúc này có hàng trăm ngàn người Việt đã được di tản đến đây. Trong những tháng kế tiếp, phần lớn những người này đã được đưa vào Hoa Kỳ định cư, duy còn lại hơn một ngàn người không chịu đi mà muốn quay lại Việt Nam, trong số đó có Hiệp. Mặc cho các đồng hương và các sĩ quan Hoa Kỳ cố gắng thuyết phục, những người này nhất quyết quay về. Nhiều người trong số họ đã ra đi bất đắc dĩ, như trường hợp của Hiệp, vợ con của họ còn bị kẹt lại ở Việt Nam nên họ muốn quay về, bất kể số phận sẽ ra sao. 

Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã phải đứng ra dàn xếp cho chuyến hồi hương này. Họ liên lạc với chính quyền Cộng Sản Việt Nam nhưng không nhận được câu trả lời dứt khoát, trong khi đó những người muốn hồi hương thì biểu tình, tuyệt thực, đòi về gấp. Cuối cùng hải quân Hoa Kỳ phải sắp xếp cho họ quay về trên chiếc tàu Việt Nam Thương Tín. Đây là chiếc tàu sắt vận tải lớn đã chở hơn 600 người Việt di tản vào ngày 30 tháng Tư từ Sài Gòn đến đảo Guam. Tàu được sữa chữa và trang bị các tiện nghi đầy đủ cho đoàn người hồi hương. Tàu cũng được cung cấp lương thực và nhiên liệu dư thừa, để trong trường hợp những người hồi hương đổi ý thì họ có thể quay trở lại Guam. Trung Tá Hải Quân Trần Đình Trụ được chỉ định làm thuyền trưởng. Tàu rời Guam ngày 16 tháng 10, 1975, đem theo hơn 1600 người, trong đó có nhiều sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. 

Lần đầu tiên gặp lại Ngọc sau 4 năm xa cách, Tuấn cố giữ vẻ mặt bình tĩnh. Chàng không muốn Ngọc lo nghĩ nhiều về mình. Khi đối diện với Ngọc, Tuấn không kềm được nỗi niềm thương xót. Ngọc vẫn đẹp như xưa, nhưng nhan sắc giờ phảng phất một màn sương u tối. Mái tóc dài giờ đã cắt ngắn, môi như cánh hồng phai, mắt đượm vẻ buồn. Phần Tuấn, chàng trai trẻ lính chiến dạn dày sương gió xưa kia giờ là một tên tù gầy gò, má hóp, mắt trũng sâu, da thâm đen. Cũng như lần gặp gỡ trước ở Đà Nẵng, tay trong tay, bốn mắt nhìn nhau, nhưng lần này trong lòng hai người là những cơn bão, nước mắt muốn tràn mi nhưng bị kềm giữ. Trước những đôi mắt dò xét của các cán bộ trại, Tuấn không muốn bộc lộ cảm xúc của mình. 

Cuộc gặp gỡ diễn ra vài giờ trong phòng thăm nuôi, có sự hiện diện của cán bộ. Hai người chỉ thầm thì trao đổi, không dám nói những điều nhạy cảm, cấm kỵ. Ngọc chỉ đi một mình vì hai con còn nhỏ. Khi chia tay, Tuấn nói với Ngọc: "Em ra thăm anh lần này là đủ rồi, không cần đi thăm nữa đâu. Em cứ ở nhà lo cho con là anh vui rồi." 

Năm 1981, Tuấn được thả về sau 6 năm bị giam giữ. 

Ngày đoàn tụ gia đình, lòng Tuấn vui buồn lẫn lộn. Vui vì được về với gia đình, buồn vì thời thế đổi thay. Tuấn giờ đây thành một tên "ngụy" bị chính quyền mới coi như một công dân hạng bét. Không những vậy, các con của Tuấn, cũng như con cái của hàng triệu quân nhân của chế độ cũ, bị đối xử phân biệt. Cái lý lịch "gia đình ngụy" không bao giờ gột rửa được. 

Tuấn đã từng đọc lịch sử Hoa Kỳ, biết rằng sau năm 1865, khi cuộc nội chiến Nam-Bắc chấm dứt, chính quyền Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách hòa giải dân tộc. Không có những trại tù cải tạo, không phân biệt đối xử với gia đình, con cái những người trong quân đội miền Nam, không có những từ ngữ khinh miệt, gọi chế độ cũ là "ngụy". Chỉ trong vòng một thập niên, nước Mỹ gần như xóa bỏ mọi vết tích chiến tranh, dân tộc đoàn kết, đất nước phát triển. 

Điều làm Tuấn lo sợ hơn hết là các thế hệ thanh thiếu niên bị nhồi nhét vào đầu những điều dối trá, sai lệch về chế độ cũ, về những gì cha anh họ đã chiến đấu để bảo vệ. Tuấn đã được xem phim "Mùa Gió Chướng", một cuốn phim được sản xuất sau năm 1975. Cuốn phim này hoàn toàn xuyên tạc hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa và chế độ miền Nam cũ. Trong phim còn có cảnh một cán bộ nằm vùng Cộng Sản bị chính quyền miền Nam bắt và chôn sống, một điều không hề xảy ra trong chế độ cũ. Đối với Tuấn, con đường duy nhất mà Tuấn phải chọn lựa cho cá nhân và gia đình là vượt biên, thoát khỏi chế độ này. 

Khi chiếc tàu Việt Nam Thương Tín về đến Vũng Tàu thì nó không được cập bến mà phải neo đậu ngoài khơi. Hôm sau, chính quyền ra lệnh cho tàu hướng về phía Nha Trang. Khi cập bến ở Nha Trang, tất cả mọi người sau khi bị khám xét và tịch thu gần hết đồ đạt, bị đưa thẳng vào nơi giam giữ. Sau đó họ bị thẩm vấn liên tục trong nhiều tháng. Nhiều người đã hối hận vì quyết định sai lầm của mình. Vài tháng sau họ được phân chia ra từng nhóm. Một số phụ nữ và trẻ em được thả về, một số bị đưa vào các trại giam. Khoảng một phần ba trong số họ là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, số này đã bị đưa vào các trại cải tạo. Đa số bị giam từ 5 đến 10 năm. Trung Tá Trần Đình Trụ bị giam 13 năm. Hiệp bị giam cùng trại với Tuấn.  

Có lần Tuấn hỏi Hiệp: "Anh đã tới đảo Guam rồi, sao không đi Mỹ phứt đi, nghĩ sao mà lại đòi quay về?" Hiệp trầm ngâm nói: "Lúc đó vợ con tao còn ở Việt Nam, không biết sống chết ra sao, tao không nỡ bỏ đi. Vả lại tao nghĩ, cùng là người Việt với nhau, hết chiến tranh rồi, còn gì nữa mà thù hận nhau. Tao có ngờ đâu là có những trại cải tạo như vầy." Tuấn vỗ vai Hiệp, nói: "Không phải chỉ có mình anh, mà có cả triệu người đã lầm." 

Phong trào vượt biên lúc đó đang rầm rộ ở miền Nam. Ai có tiền bạc, phương tiện đều tìm cách ra đi. Tuấn không có tiền để đi, chàng đang cố nghĩ cách thì nhận được tin Hiệp được ra trại. Là cựu sĩ quan hải quân, những người như Hiệp thường được các nhóm tổ chức vượt biên cho đi miễn phí vì họ cần người có kinh nghiệm đi biển để hướng dẫn tàu. Tuấn rủ Hiệp, cùng liên lạc với một nhóm tổ chức. Tuấn phải liên lạc, móc nối với những người muốn đi, chịu đóng góp vàng cho đủ số lượng yêu cầu. Hè năm 1982, Tuấn và Ngọc dắt hai con xuống tàu vượt biên cùng với gia đình Hiệp. Hiệp được chỉ định làm thuyền trưởng.

Tàu chở gẩn trăm người, đi từ Bến Tre, xuôi dòng ra cửa biển, chạy thẳng ra hài phận quốc tế rồi nhắm hướng Nam. Mục tiêu của tàu là đến Indonesia hay Malaysia. Nếu không có gì trở ngại thì khoảng 2-3 ngày sẽ đến nơi. Nhưng chạy được hơn một ngày đêm thì tàu chết máy, lênh đênh giữa đại dương. 

Trong mấy ngày lênh đênh đó, thỉnh thoảng có những chiếc tàu hàng khổng lồ chạy xa xa. Bọn Tuấn ra sức vẫy, đốt lửa báo hiệu, nhưng họ vẫn chạy thẳng. Có thể họ không thấy, hoặc cũng có thể họ biết là tàu vượt biên nên lờ đi vì không muốn cưu mang. Sang đến ngày thứ ba, một chiếc tàu đánh cá giương cờ Thái Lan chạy tới. Mọi người trên tàu hồi hộp, không biết lành dữ ra sao. Ai cũng đã từng nghe kể những câu chuyện người vượt biên bị tàu đánh cá Thái Lan cướp, hãm hiếp và giết chết. Ngược lại, cũng có những người may mắn được tàu Thái Lan giúp đỡ.

Chiếc tàu Thái lượn một vòng như dò xét. Trên tàu lô nhô những thanh niên cởi trần, da ngăm đen, đầu quấn khăn rẳn, miệng cười nham nhở. Một số tên cầm mã tấu, một tên cầm súng trường. Mọi người bắt đầu lo sợ. Phụ nữ vội vã trốn xuống hầm tàu, họ lấy dầu máy bôi vào mặt cho dơ dáy, xấu xí đi. Chiếc tàu Thái cặp sát, một nhóm người nhày sang, lăm lăm mã tấu và súng. Chúng ra hiệu cho đàn ông đứng sang một phía, trẻ em và phụ nữ một phía, rồi bắt đầu lục soát tìm vàng bạc. Sau khi thu gom được một số vàng, chúng lôi gần chục người phu nữ sang tàu chúng, trong số đó có Ngọc. 

Trò chuyện với Hiệp vài câu, rồi Tuấn và Lan lại đi tìm Vũ. Thấy Vũ đứng túm tụm với đám bạn để chụp hình, Lan bước tới, trao bó hoa cho Vũ, rồi mấy cha con cùng chụp hình. Nhìn Vũ hân hoan vui sướng, Tuấn thấy lòng mình cũng vui lây. Mười lăm năm từ ngày đặt chân tới Mỹ, Tuấn đã trông đợi giây phút này. Bao nhiêu tháng năm vất vả làm lụng nuôi con, hôm nay là ngày Tuấn mãn nguyện nhất. 

Đám bạn của Tuấn rủ nhau ra bars liên hoan. Thấy Vũ ngần ngừ, Tuấn hiểu ý, nói: "Con cứ đi chơi với bạn. Tối nay gia đình mình sẽ cùng chung vui với nhau sau." Vũ cúi đầu nói: "Dạ con cám ơn ba."

Tuấn nhìn bó hoa Vũ đang ôm trên tay, rồi chợt nói: "Cho ba rút một cành nhe!" Vũ chưa kịp trả lời thì Tuấn nói luôn: "Mẹ rất thích hoa Thạch Thảo, ba muốn dành một cành cho mẹ." Vũ nhìn Tuấn, im lặng không nói gì. Tuấn nhẹ rút một cành hoa, rồi vỗ vai Vũ: "Thôi con đi chơi với bạn đi, chiều gặp lại." Tuấn quay qua bảo Lan: "Con đi với anh cho vui đi. Ba về trước." Lan dạ. 

Tuấn đứng nhìn Ngọc bị lôi kéo kêu khóc mà đành bất lực. Mấy ngày lênh đênh trên biển, đói khát, say sóng, bao nhiêu sức lực tiêu hao hết. Trong tay lại không một tấc sắt, không thể chống lại bọn cầm mã tấu, súng trường. Một người đàn ông nóng lòng vì vợ mình bị lôi đi, xông lại giằng co, bị chúng chém một mã tấu gục tại chỗ. 

Lôi các phụ nữ sang tàu mình xong, chúng rời xa một khoàng, neo lại, rồi bắt đầu giở trò thú tính. Tiếng kêu khóc, gào thét của những người phụ nữ làm mọi người trên tàu xé lòng. Độ vài giờ sau, lại có thêm mấy chiếc tàu Thái kéo đến nữa. Chúng dùng máy vô tuyến liên lạc để thông báo cho nhau. Những tên mới đến lại tiếp tục giở trò đồi bại. Tuấn ngồi gục đầu, ôm hai con, cố tìm cách bưng tai để không nghe những tiếng kêu khóc rền rĩ, nhưng không tài nào thoát được. Lòng Tuấn tan nát như mảnh giấy bị dao đâm rách toang. 

Sau một ngày đêm, chúng ném trả những người phụ nữ sang tàu lại rồi bỏ đi. Trước khi đi chúng còn dùng tàu húc vào chiếc tàu vượt biên khốn khổ mấy lần, ý như muốn đánh chìm, nhưng may mắn tàu chỉ bị sứt mẻ một bên. 

Ngọc nằm mê man trong tay Tuấn, thân xác rã rời, tan nát. 

Chia tay hai con xong, Tuấn lững thững đi về hướng bãi đậu xe. Chợt Tuấn đổi ý, thay vì đi thẳng ra xe, lại đi lòng vòng, thơ thẩn dạo trong khuôn viên trường. Nhìn những tòa nhà đẹp đẽ uy nghi, Tuấn chạnh nhớ lại ước mơ thởi trẻ của mình. Hồi còn đi học, Tuấn ước ao sẽ được bước chân vào trường đại học, được ngồi trong giảng đường nghe các giáo sư giảng những kiến thức cao xa. Nhưng giấc mơ đó không bao giờ thành. Chiến tranh đã làm tan biến bao nhiêu ước vọng của cả một thế hệ thanh niên thời đó. Tuấn cũng như bao nhiêu người lúc đó, đã mong ước một ngày hòa bình, một ngày quê hương không còn tiếng súng. Rồi ngày hòa bình đó cũng tới. Nó tới một cách bất ngờ, hụt hẫng, không như cách người ta mong đợi. Thay vì hạnh phúc, hòa hợp,  nó đem lại bao điều cay đắng, chia rẽ. 

Tuấn lái xe theo đường cũ quay về. Thoát khỏi cao tốc, Tuấn không về nhà mà chạy thẳng ra hướng biển. Tuấn theo đường Magnolia về hướng nam, chạy chửng 15 phút là tới biển. Tìm chỗ đậu xe xong, Tuấn cầm cành hoa, băng qua bãi cát trắng, rồi thong thả đi bộ dọc bờ biển. 

Biển hôm nay trong xanh hiền hòa, sóng rì rầm. Tuấn tìm một đụn cát, ngồi xuống, nhìn ra xa xăm. Bên kia bờ đại dương là quê hương, nơi Tuấn và Ngọc đã rời bỏ để đi tìm tự do. Ngọc đã không đến được bờ bến nơi nàng mong muốn. Nàng đã nằm lại dưới lòng đại dương. Khi chiếc tàu hàng của Hoa Kỳ phát hiện ra tàu của Tuấn và ra tay cứu vớt thì Ngọc đã tắt thở. Nàng không chịu đựng được nỗi đau thân xác và sự ô nhục. Nàng và người đàn ông bị chém chết đã được thủy táng.

Đôi khi Tuấn tự hỏi lòng, nếu ngày đó Tuấn không dẫn gia đình đi vượt biên, chấp nhận ở lại sống với chế độ mới, thì sẽ ra sao? Ngọc sẽ sống, sẽ vẫn còn bên Tuấn. Nhưng đổi lại, các con Tuấn sẽ bị nhổi nhét những điều dối trá, sẽ học những bài học lịch sử bị bóp méo, xuyên tạc. Chúng sẽ hiểu sai lạc về chế độ miền Nam cũ, chế độ mà cha anh của chúng đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ, nhưng thất bại. Chúng sẽ luôn bị đối xử như những công dân hạng bét. Cái lý lịch con cái "ngụy" sẽ không bao giờ được bỏ qua. Thời phong kiến có luật tru di tam tộc, một người phạm tội cả ba họ bị hành hình. Dưới chế độ mới, dù không bị hành hình nhưng cái lý lịch ba đời nó đeo bám người ta suốt đời. Cái chết của Ngọc là cái giá phải trả để đánh đổi cho tương lai các con. Nếu không ra đi, các con Tuấn đã không có ngày hôm nay. 

Tuấn đến sát mé nước, ngắt từng cánh hoa ném xuống biển. Hoa bập bềnh theo sóng trôi đi. Không biết những cánh hoa này có trôi được ra đại dương, về phía bờ bên kia, đến nơi Ngọc đang nằm lại không. Ngọc rất yêu hoa Thạch Thảo, những cánh hoa màu tím, giống như màu trời lúc hoàng hôn. Tuấn chợt nhớ bài hát "Mùa Thu Chết" của Phạm Duy, bài hát có nhắc đến hoa Thạch Thảo:

Ta ngắt đi một cụm hoa Thạch Thảo
Em nhớ cho: Mùa Thu đã chết rồi!
...
Em nhớ cho,
Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa!
Trên cõi đời này, trên cõi đời này
Từ nay mãi mãi không thấy nhau
...
Em nhớ cho, rằng ta vẫn chờ em
Vẫn chờ em, vẫn chờ em...

Tuấn cởi giày, lội xuống nước, vung tay ném cành hoa ra xa. Cành hoa dập dềnh một lát rồi trôi đi. Sóng biển mơn man dưới chân. Tuấn hơi cúi người, thì thầm với sóng: "Anh và em không còn thấy nhau trên cõi đời này nữa, nhưng anh vẫn chờ em. Anh chờ gặp lại em ở thế giới bên kia."

(Hết)

***

Viết tặng những ai đã từng trải qua hành trình tìm tự do.
Xin thắp nén hương lòng cho những người đã nằm lại dưới lòng đại dương.
(Bản thân người viết cũng có người thân nằm lại.)

Tháng Tư, 2023
Vương Hoàng Minh (blogger Người Vá Trời)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét