Translate

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2012

Bạc Hy Lai: Cơn Địa Chấn Chính Trị Trung Quốc

Ngày 6 tháng Hai năm 2012, tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành Đô bỗng dưng bị nhiều công an Trung Quốc bao vây. Có công an mặc sắc phục lẫn công an chìm, họ xét hỏi mọi xe cộ đi ngang qua khu vực. Dân chúng xôn xao đồn đoán. Công an đang vây bắt ai?

Mấy ngày sau báo chí quốc tế bắt đầu loan tin. Sở dĩ có cuộc bao vây này là vì có một nhân vật trọng yếu của thành phố Trùng Khánh, cách đó vài giờ xe hơi, đang chạy vào lánh nạn ở trong tòa lãnh sự. Nhân vật đó không ai khác hơn là ông Vương Lập Quân, nguyên giám đốc công an và đồng thời là phó thị trưởng thành phố Trùng Khánh. Ông Quân ở lại trong tòa lãnh sự khoảng 24 tiếng, sau đó tự nguyện rời khỏi nơi này để bay đi Bắc Kinh, với sự hộ tống của thứ trưởng công an và một số nhân viên. Ngày hôm sau, chính quyền thành phố Trùng Khánh thông báo ông Vương Lập Quân đã được “nghỉ phép để điều trị” do bị căng thẳng vì làm việc quá sức lâu dài.


Lúc đó bộ chính trị trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang họp để chuẩn bị cho đại hội đảng thứ 18 sắp tới. Ban đầu trung ương đảng định ém nhẹm vụ ông Vương Lập Quân, nhưng nhiều tin đồn được phát tán trên Internet quá nhanh khiến vụ này không thể bị bưng bít. Nhiều trang mạng của người Hoa ở hải ngoại đăng bức thư ngỏ được cho là của ông Quân. Thư này tố cáo ông Bạc Hy Lai, bí thư thành ủy Trùng Khánh, tham nhũng và dung túng tội phạm. Trong thư, ông Quân gọi ông Bạc Hy Lai là “tên tội phạm lớn nhất Trung Quốc”. Các tin đồn cho rằng ông Quân chạy vào tòa lãng sự Hoa Kỳ với các hồ sơ tố cáo tội của ông Bạc Hy Lai và xin được che chở.

Đầu tháng Ba, ông Bạc Hy Lai vắng mặt trong ngày khai mạc Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc, tuy sau đó ông ta có mặt và có tổ chức họp báo. Trong cuộc họp báo này ông Bạc Hy Lai bác bỏ các lời tố cáo của ông Quân.

Ngày 15 tháng Ba, bộ chính trị trung ương Đảng CSTQ thông báo quyết định đưa người khác lên thay thế ông Bạc Hy Lai trong chức vụ bí thư thành ủy Trùng Khánh.
Tin này gây chấn động toàn quốc. Những ngày sau đó có nhiều lời đồn đãi là sẽ có cuộc đảo chính ở Bắc Kinh do những người ủng hộ Bạc Hy Lai khởi xướng. Công an chìm nổi, kể cả quân đội, hiện diện khắp nơi. Không khí chính trị ngột ngạt. Báo chí và Internet bị kiểm soát gắt gao. Một số trang mạng ủng hộ ông Bạc Hy Lai bị đóng.

Bạc Hy Lai là ai và vì sao ông ta có quá nhiều ảnh hưởng như vậy?
 

Bạc Hy Lai (trái) và Vương Lập Quân (phải)


Sinh năm 1949, Bạc Hy Lai là thành phần được coi như là những "hoàng tử đảng" của Đảng CSTQ. Cha của ông là Bạc Nhất Ba, một trong tám người được mệnh danh là “Bát Đại Nguyên Lão”. Giới truyền thông Tây Phương còn gọi tám người này là “Tám Người Bất Tử”. Họ là nhóm những nhà lão thành cách mạng có công thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa (1976-1986) dưới thời Mao Trạch Đông, họ bị cách chức, đấu tố, hành hạ và tù tội. Bạc Nhất Ba, từng là ủy viên trung ương đảng, bị đấu tố và bỏ tù. Vợ của Bạc Nhất Ba bị đánh đập đến chết. Con cái bị ly tán mỗi người mỗi nơi. Sau khi Mao Trạch Đông chết và nhóm Tứ Nhân Bang bị lật đổ, Bạc Nhất Ba được phục hồi danh dự và trở lại chính trường.

Với uy thế của cha mình, Bạc Hy Lai dễ dàng giành được chỗ đứng trong chính trường Trung Quốc, tuy rằng không phải lúc nào cũng suông sẻ. Sau khi tốt nghiệp đại học, Bạc Hy Lai được vào làm việc tại Trung Nam Hải, trụ sở của trung ương Đảng CSTQ tại Bắc Kinh. Sau đó ông được chỉ định đến làm việc với đảng bộ thành phố Đại Liên. Ông trở thành phó bí thư thành ủy năm 1990 và sau đó là bí thư thành ủy năm 1993.

Trong suốt thời gian Bạc Hy Lai ở Đại Liên, thành phố này chuyển mình từ một thành phố cảng buồn tẻ thành một khu vực kinh tế phồn thịnh. Đại Liên nổi tiến là một trong những thành phố sạch nhất Trung Quốc, từng được Liên Hiệp Quốc khen thưởng. Ông Bạc còn được biết đến như là một người hết lòng yểm trợ các doanh nghiệp. Ông ta lôi kéo được nhiều nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật và Tây Phương. Dù rất thành công, đôi khi ông Bạc lại bị chỉ trích là quá chú trọng đến việc làm đẹp thành phố. Để mở rộng đường phố và xây công viên, chính quyền thành phố đã cưỡng ép nhiều cư dân ở trung tâm thành phố ra vùng ven. 

Tại đại hội đảng lần thứ 15 năm 1997, hai cha con ông Bạc công khai vận động để Bạc Hy Lai được chọn vào làm thành viên của Ủy Ban Trung Ương Đảng CSTQ, dựa vào thành tích lãnh đạo Đại Liên. Tuy nhiên ông Bạc lại lọt sổ, không được bầu vào ủy ban trung ương. Lý do là có một số nhân vật trọng yếu trong trung ương đảng không ưa ông Bạc. Năm 2000, Bạc Hy Lai vận động để được làm bí thư thành ủy Thâm Quyến, một thành phố giàu có nằm gần Hồng Kông. Tuy nhiên với cá tính khó khuất phục, ông Bạc đã không được giới lãnh đạo Đảng CSTQ chọn lựa và chức vụ này. Hai cha con ông Bạc từng hết lòng ủng hộ Giang Trạch Dân, nguyên Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước. Sự ủng hộ này đã được tưởng thưởng bằng việc Bạc Hy Lai được cất nhắc lên chức vụ lãnh đạo tỉnh Liêu Ninh năm 2003. Với chức vụ này, ông Bạc nghiễm nhiên trở thành thành viên Ủy Ban Trung Ương Đảng. Tuy nhiên sự chính sự ủng hộ này lại làm các đối thủ của ông Giang Trạch Dân trong đảng khó chịu và trở thành lực cản của ông Bạc về sau.

Mặc dù có tiếng là người tương đối trong sạch, ông Bạc cũng từng bị tố cáo tội tham nhũng. Phóng viên Jiang Weiping ở Liêu Ninh từng viết phóng sự tố cáo ông Bạc dính dáng trong một vụ tham nhũng lớn. Dù ông Bạc không trực tiếp dính dáng, Jiang tố cáo ông Bạc đã bao che cho bạn bè và người thân. Phóng viên này đã bị tuyên án tù 8 năm vì vụ này, nhưng sau 5 năm được thả ra nhờ quốc tế can thiệp. Ông Bạc còn bị các thành viên của tổ chức Pháp Luân Công ở hải ngoại tố cáo là đã bắt bớ và tra tấn các thành viên của tổ chức này tại Trung Quốc.  Họ nạp đơn kiện ông Bạc tại các tòa án ở Tây Ban Nha, Anh Quốc, Úc và nhiều nước khác.

Sau khi Hồ Cẩm Đào lên thay thế Giang Trạch Dân, Bạc Hy Lai được chỉ định làm Bộ Trưởng Thương Mại. Với dáng dấp dễ nhìn, thân thiện và cởi mở, ông Bạc được giới truyền thông chú ý và trở thành một ngôi sao chính trị. Phong cách trẻ trung và sinh động của ông Bạc khác xa với tính cách khô khan, khó chịu thường thấy của đa số các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản. Ông Bạc được so sánh như John F. Kennedy, một vị tổng thống của Mỹ được quần chúng yêu thích. Ông Bạc nói tiếng Anh rất giỏi và đã tháp tùng thủ tướng Ôn Gia Bảo trong chuyến công du qua 5 quốc gia ở Châu Âu.

Bộ trưởng thương mại Trung Quốc Bạc Hy Hai bắt tay với người đồng chức Hoa Kỳ Carlos Gutierrez trong chuyến công du Hoa Kỳ năm 2007

Tại Đại Hội Đảng lần thứ 17 năm 2007, Bạc Hy Lai được bầu vào Bộ Chính Trị Ban Chấp Hành Trung Ương ĐCSTQ (bao gồm 25 người). Ngay sau đó ông Bạc được chỉ định làm bí thư thành ủy thành phố Trùng Khánh, thôi chức vụ Bộ Trưởng Thương Mại. Người lãnh đạo thành phố Trùng Khánh trước đó là Wang Yang, nay được chuyển đến lãnh đạo tỉnh Quảng Đông. Trùng Khánh là một thành phố lớn nằm ở miền tây nam Trung Quốc, với dân số gần 28 triệu người, là một trong năm thành phố lớn trực thuộc trung ương. Thành phố này lúc đó đầy dẫy những vấn đề như nạn ô nhiễm, thất nghiệp, tội ác lan tràn, cùng với các vấn đề gây ra từ công trình thủy điện Đập Tam Hiệp. Wang Yang là một đồng minh chính trị của ông Hồ Cẩm Đào. Người ta cho rằng Hồ Cẩm Đào muốn đưa ông Wang Yang đi một nơi khác khá hơn trước khi các vấn đề của Trùng Khánh trở nên tệ hại hơn.
Ban đầu ông Bạc có vẻ không vui khi được chỉ định về Trùng Khánh. Ông ta muốn được làm phó thủ tướng. Nhưng các đối thủ của ông ta chống lại ý định này, nại lý do là ông Bạc đang bị các thành viên Pháp Luân Công kiện ở các quốc gia Châu Âu, vì vậy không thích hợp với chức vụ này. Ông Bạc cuối cùng cũng chịu đến Trùng Khánh vào cuối tháng 11, dù người tiền nhiệm là ông Wang Yang đã rời vị trí từ hơn nửa tháng trước. Trong con mắt của một số người, việc ông Bạc được đưa về Trùng Khánh là “bị đày”, nhưng với một số người khác thì được làm lãnh đạo một thành phố trực thuộc trung ương là cơ hội thăng tiến.

Mặc dù ông Bạc ban đầu không vui với chức vụ lãnh đạo Trùng Khánh, nhưng ông ta nhanh chóng biến nó thành bàn đạp chính trị cho các chức vụ cao hơn về sau. Ông Bạc không dấu diếm ý định muốn làm thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng CSTQ (bao gồm 9 người, là cơ quan quyền lực cao nhất của ĐCSTQ) vào đại hội đảng lần thứ 18 năm 2012 tới. Trùng Khánh có nhiều tổ chức tội phạm lâu đời và được sự bao che của các quan chức biến chất. Để diệt trừ các tổ chức, ông Bạc đã đưa Vương Lập Quân, một thuộc hạ cũ của mình ở tỉnh Liêu Ninh, về làm trưởng công an Trùng Khánh. Vương Lập Quân trước đó từng làm Phó Cục trưởng Cục Công an trấn Thiết Pháp và có nhiều thành tích triệt phá tội phạm. Với sự trợ giúp đắc lực của Vương Lập Quân, Bạc Hy Lai mở một chiến dịch càn quét tội phạm vô tiền khoáng hậu ở Trùng Khánh.

Bắt đầu từ tháng 1 năm 2009, dưới sự chỉ huy của Vương Lập Quân, lực lượng Công an TP Trùng Khánh với 30.000 người đã mở chiến dịch “Đả hắc trừ ác” lớn chưa từng có. Trong chưa đầy 2 năm, các tổ chuyên án đã lập 63 án điều tra tập đoàn tội phạm xã hội đen, triệt phá 12.130 vụ (trong đó có 235 vụ trọng án), bắt giữ 3.348 đối tượng hình sự, truy bắt hơn 500 đối tượng trốn lệnh truy nã, xử lý 55.000 đối tượng liên quan, tỉ lệ phá án giết người đạt 94,48%, thu hồi về cho nhà nước hơn 33 tỉ nhân dân tệ.

Với chuyên án “091” được “dành” riêng cho những cán bộ biến chất trong ngành, ngày 26 tháng 9, đích thân Vương Lập Quân đến chỗ Văn Cường , cựu Cục trưởng Cục Tư pháp thành phố Trùng Khánh, bắt giam ông ta và một số quan chức khác như: Bành Trường Kiện, nguyên phó cục trưởng Cục Công an Trùng Khánh; Từ Cường, cục trưởng Cục Công an huyện Trấp Giang; Trần Đào, nguyên phó tổng đội trưởng Tổng đội Trị an; Triệu Lợi Minh, nguyên tổng đội trưởng Tổng đội Trinh sát; Lý Hàn Lâm, nguyên chi đội trưởng Chi đội Chống tội phạm có tổ chức của Tổng đội Hình cảnh; Quách Thắng, phó trưởng phân cục Công an khu Du Bắc; Tăng Đạo Kiến, đội trưởng Chi đội Tuần cảnh phân cục Công an khu Nam Ngạn… nâng số lượng cảnh sát bị xử lý lên đến hơn 100 người, trong đó có 22 cán bộ từ cấp phòng trở lên.
(Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Vương_Lập_Quân)


Ngoài việc triệt phá tội phạm, ông Bạc còn chú ý đến việc giảm bớt sự cách biệt giàu nghèo. Ông ta cho rằng phát triển kinh tế giống như làm một chiếc bánh, điều quan trọng nhất là làm sao chia đều chiếc bánh chứ không phải làm bánh cho to. Với phương châm này, thành phố đã 15,8 tỉ USD để xây dựng các khu chung cư cho các người lao động di cư, gia đình nghèo và sinh viên mới ra trường. Trùng Khánh còn áp dụng chính sách hộ khẩu dễ dãi, cho phép dân nhập cư được nhập hộ khẩu dễ dàng.

Trong chính sách kinh tế, ông Bạc khuyến khích đầu tư từ nước ngoài, giảm thuế cho doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Ông ta còn chú ý nâng cao mức tiêu thụ nội địa hơn là quá chú trọng đến xuất khẩu.  Trong suốt thời gian ông Bạc lãnh đạo Trùng Khánh, mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Trùng Khánh luôn vượt xa mức trung bình của cả nước. Thí dụ, năm 2008, mức tăng trưởng GDP của cả nước là 8%, trong khi của Trùng Khánh là 14.3%; cùng năm, xuất cảng tăng 28% và mức cho vay của ngân hàng tăng 29%.
Từ một thành phố đầy dẫy các vấn đề, chỉ trong vòng vài năm, Trùng Khánh đã được ca ngợi như một kiểu mẫu cho mô hình phát triển của cả nước. Bạc Hy Lai được một số lãnh đạo trung ương, bao gồm cả Tập Cận Bình và Ngô Bang Quốc, khen ngợi và ủng hộ. Tiếng tăm và uy tín của Bạc Hy Lai lên như diều.

Tuy nhiên không phải mọi việc ông Bạc làm đều được khen ngợi. Trong quá trình diệt trừ tội phạm, ông Bạc đã chà đạp nhiều quyền công dân. Nhiều vụ án đã không được xét xử đúng nguyên tắc, nhiều người vô tội bị bắt oan và biện pháp tra tấn được xử dụng thường xuyên. Có một số trường hợp các doanh nhân bị bắt và vu oan vì dám chống lại ông Bạc. Chẳng hạn như trường hợp doanh nhân Lý Hanh, ông ta bị tịch thâu doanh nghiệp trị giá đến 700 triệu USD và bị tra tấn vì đã dám giành mua các khu đất mà chính quyền có ý muốn mua. Ông ta bị kết tội hối lộ, cho vay nặng lãi, tổ chức mại dâm và yểm trợ các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. (Lý Hanh hiện đang sống ở nước ngoài). Một người khác bị đi trại lao động cải tạo một năm vì viết blog chỉ trích ông Bạc vi phạm các nguyên tắc của tòa án.

Ai cũng biết gia đình Bạc Hy Lai từng là nạn nhân của Cách Mạng Văn Hóa. Cha của ông bị cách chức, đấu tố, tra tấn và bỏ tù. Mẹ của ông ta bị hành hạ đến chết. Với quá khứ như vậy, người ta dễ dàng nghĩ rằng ông Bạc sẽ thù ghét những gì dính dáng tới Cách Mạng Văn Hóa. Trái lại, trong thời gian ở Trùng Khánh, ông Bạc lại phát động phong trào làm sống lại “văn hóa đỏ” của chủ nghĩa Mao. Ông ta khuyến khích dân chúng học tập chủ nghĩa Mao, tổ chức các cuộc thi hát các bài ca cách mạng thời Mao. Đài truyền hình và nhà hát luôn có các chương trình ca ngợi cách mạng. Ông ta khuyến khích sinh viên đi về làm việc ở các vùng quê, giống như thời Cách Mạng Văn Hóa.  Ông ta còn xây dựng thêm tượng Mao Trạch Đông trong thành phố.

Việc làm sống lại tinh thần “văn hóa đỏ” này gây ra các phản ứng trái ngược nhau. Một số thành phần thuộc cánh tả thì nhiệt liệt hưởng ứng. Họ cho rằng Chủ Nghĩa Mao giúp san bằng sự cách biệt giàu nghèo, vốn là một vấn đề nhức nhối của xã hội Trung Quốc hiện nay. Các chương trình trợ giúp người nghèo của ông Bạc là một hiển thị của Chủ Nghĩa Mao. Trái lại những người bị ám ảnh bởi cuộc Cách Mạng Văn Hóa dưới thời Mao Trạch Đông thì cảm thấy dị ứng. Các bài ca cách mạng làm họ nhớ lại các cuộc đấu tố, quậy phá, chém giết của vệ binh đỏ trong Cách Mạng Văn Hóa, một biến cố kéo dài 10 năm làm hàng trăm ngàn người chết và cả nước Trung Hoa điêu đứng. Đối với một số nhà lãnh đạo Trung Quốc, hành động này của ông Bạc gây cho họ ít nhiều khó chịu và sự cảnh giác.

Sự nghiệp chính trị của Bạc Hy Lai tưởng chừng sẽ tiếp tục thăng tiến nếu không có cái chết của doanh nhân Neil Heywood.

Neil Heywood là một thương gia người Anh, sống và làm việc nhiều năm ở Trung Quốc. Heywood có nhiều quan hệ với các nhân vật lãnh đạo Trung Quốc. Nhờ mối quan hệ này mà các công ty Anh muốn làm ăn ở Trung Quốc thường nhờ Heywood làm tư vấn. Ông ta lấy vợ người Hoa và sống trong khu biệt thự sang trọng ở thành phố Đại Liên. Heywood quen biết với hai vợ chồng Bạc Hy Lai trong thời gian ông Bạc làm bí thư thành ủy ở đây. Chính Heywood đã giúp con trai ông Bạc được vào học trường trung học danh tiếng Harrow ở Anh. Cuối năm 2011, Heywood chết bất đắc kỳ tử trong một khách sạn ở Trùng Khánh. Các báo cáo của công an Trung Quốc cho rằng Heywood chết vì dùng quá nhiều rượu, mặc dù người thân của ông ta cho biết Heywood không phải là người thường uống nhiều rượu.

Ngày 2 tháng Hai 2012, Vương Lập Quân đột ngột bị chuyển công tác “sang một vị trí chịu trách nhiệm về giáo dục, khoa học và môi trường”. Ngày 6 tháng Hai, xảy ra sự việc Vương Lập Quân chạy vào tòa lãnh sự Hoa Kỳ ở Thành Đô. Không ai biết ông Vương đã tiết lộ những gì tại tòa lãnh sự, nhưng những người thân cận với ông Bạc tiết lộ rằng, những ngày trước đó mối quan hệ giữa ông Vương và ông Bạc có những dấu hiệu rạn nứt. Hai người đã to tiếng với nhau và hậu quả là ông Vương bị chuyển công tác.

Các tin đồn rộ lên, cho rằng cái chết của Heywood có liên hệ đến vợ chồng Bạc Hy Lai. Tin đồn nói rằng ông Heywood từng giúp vợ chồng Bạc Hy Lai chuyển hàng trăm triệu USD ra nước ngoài. Vì bất đồng trong việc làm ăn, Heywood đã hăm dọa sẽ tiết lộ chuyện này cho công chúng. Điều này dẫn tới cái chết của Heywood. Tờ báo Daily Mail của Anh Quốc nói rằng bà Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai đã đến gặp vợ của Heywood hai ngày sau cái chết của ông ta và hối thúc bà này để xác ông Heywood được hỏa thiêu mà không qua cuộc giảo nghiệm nào. Khi đến, bà Cốc Khai Lai có hai cận vệ mang súng đi kèm.

Ban đầu ông Bạc Hy Lai tỏ ra bình tĩnh và đã họp báo để bác bỏ tin đồn, nhưng đến ngày 15 tháng Ba, bộ chính trị trung ương Đảng CSTQ ra thông báo quyết định đưa người khác lên thay thế ông Bạc Hy Lai trong chức vụ bí thư thành ủy Trùng Khánh.

Trái: Bạc Hy Lai cùng vợ và con trai. Phải: doanh nhân Neil Heywood


Vụ Bạc Hy Lai gây chấn động toàn thể dân chúng Trung Quốc, nhất là đối với cư dân Trùng Khánh. Những người ủng hộ ông Bạc cho rằng đây là đòn thanh trừng nội bộ của Đảng CSTQ. Bạc Hy Lai là người có khả năng nắm giữ chức vụ lãnh đạo tối cao của Trung Quốc trong tương lai. Các đối thủ của ông biết vậy nên luôn tìm phương kế để triệt hạ. Còn có tin đồn rằng các tướng lãnh ủng hộ ông Bạc trong quân đội có thể sẽ làm một cuộc đảo chính để lật ngược thế cờ. Tin đồn gây nhiều hoang mang đến nỗi trung ương đảng phải ra chỉ thị kiểm duyệt báo chí và Internet gắt gao. Công an và quân đội được lệnh tăng cường cảnh giác đề phòng bất trắc. Theo yêu cầu của chính phủ Anh, chính quyền Trung Quốc cho mở lại hồ sơ Neil Heywood để điều tra thêm. Tất cả các hành vi trong quá khứ của ông Bạc cũng bị rà xét lại.

Sự kiện Bạc Hy Lai là sự kiện chính trị chấn động nhất Trung Quốc kể từ năm 1989, khi có cuộc xuống đường khổng lồ của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn, dẫn đến cuộc đàn áp đẫm máu sau đó. Nó hé lộ cho người ta thấy những sự tranh chấp ngấm ngầm bên trong nội bộ Đảng Cộng Sản. Nếu không có sự kiện Vương Lập Quân, ông Bạc có thể chiếm một ghế trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 9 người, là cơ cấu lãnh đạo cao nhất Trung Quốc. Loại bỏ được ông Bạc có nghĩa là có ghế trống cho đối thủ của ông ta.

Vợ chồng Bạc Hy Lai hiện đang bị quản thúc tại gia ở Bắc Kinh. Chưa ai biết tương lai của họ sẽ ra sao, nhưng có một điều chắc chắn rằng, Bạc Hy Lai sẽ không thể lấy lại được uy thế chính trị mà ông ta đã có như xưa. Bạc Qua Qua, con trai của Bạc Hy Lai, hiện đang du học ở Hoa Kỳ, có thể sẽ xin qui chế tị nạn ở đây. Tờ báo Anh Daily Telegraph nói rằng đêm 12 tháng Tư, một số nhân viên an ninh Hoa Kỳ đã đến căn hộ của anh ta ở gần trường đại học Harvard để hộ tống anh ta đi đâu không rõ.

Báo chí lề phải của nhà nước đăng các bài bình luận ủng hộ quyết định của trung ương và thi nhau kể tội ông Bạc. Điều này làm người ta nhớ lại những gì đã xảy ra cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong đó có cha của Bạc Hy Lai, bị hạ bệ trong Cách Mạng Văn Hóa. Báo chí hăng say đánh người ngã ngựa, những người mà khi còn tại chức cũng được chính những tờ báo này tán dương đến tận trời xanh. Đó cũng là một đặc điểm của hệ thống truyền thông trong các chế độ Cộng Sản.


***

Tài Liệu Tham Khảo

Tiếng Việt:
http://vi.wikipedia.org/wiki/Vương_Lập_Quân
http://vi.wikipedia.org/wiki/Vụ_Vương_Lập_Quân
http://vi.wikipedia.org/wiki/Bạc_Hy_Lai

Tiếng Anh:
http://en.wikipedia.org/wiki/Bo_Xilai
http://en.wikipedia.org/wiki/Wang_Lijun_incident
http://tinyurl.com/766zo36
http://www.theaustralian.com.au/news/world/story-e6frg6so-1226351383608
http://www.telegraph.co.uk/news/worldnews/asia/china/9069221/Chinese-police-chief-tried-to-claim-asylum-at-US-embassy.html
http://www.cnn.com/2012/04/03/opinion/wasserstrom-bo-xilai/index.html
http://edition.cnn.com/2012/03/16/world/asia/florcruz-xilai-china/index.html?iref=allsearch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét